Sân khấu kịch HCM: Liệu có rơi vào cảnh “chợ chiều”?

Thứ Tư, 10/01/2018, 10:56
Tháng 3 tới, sân khấu Nhà hát Kịch 5B sẽ sáng đèn trở lại sau 2 năm đóng cửa chờ cải tạo, trùng tu. Trước đó, trong năm 2017, hàng loạt sân khấu mới “rủ nhau” chào sân. Một số vở diễn mới sau khi công bố, được khán giả đón nhận... Những tín hiệu tích cực này làm cho nhiều người kì vọng rằng đang có một “mùa xuân” sân khấu kịch TP HCM…


Những điểm sáng cuối năm

Ngày 2-1, Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh công bố quyết định NSƯT Mỹ Uyên là Giám đốc Nhà hát Kịch 5B Võ Văn Tần, đạo diễn Nguyễn Thanh Chánh Trực là Phó giám đốc. 

Theo đó, nhà hát sẽ được chính thức mở lại vào đầu tháng 3 tới, sau một thời gian ngưng hoạt động từ năm 2015. Sân khấu phải đóng cửa, chờ được cải tạo, trùng tu do các cơ sở thiết bị kỹ thuật ở đây đều cũ kỹ, khán giả phải leo cầu thang bộ nhiều tầng lầu để đến khán phòng. Sau hơn hai năm, Ban giám đốc quyết định không thể chờ đợi thêm. Họ sẽ tự lo kinh phí để cải thiện khán phòng, phòng vé, lối đi...

Theo chia sẻ của Ban giám đốc mới, sắp tới, Nhà hát Kịch 5B phục dựng một số vở từng được yêu thích của sân khấu như “Đêm vượn hú”, “Gương mặt kẻ khác”, “Tình lá diêu bông”, “Ảo - thật”... 

Bên cạnh đó, nhà hát sẽ đầu tư dựng những đầu kịch bản mới. Sân khấu tiếp tục theo đuổi phong cách thể nghiệm, ưu tiên chất lượng nghệ thuật, kịch bản đậm chất văn học, có tiếng cười nhưng ý nhị... Đi đôi với biểu diễn, Nhà hát còn mở thêm nhiều lớp đào tạo do các nghệ sĩ, đạo diễn uy tín giảng dạy, đa dạng hóa hoạt động hơn.

Thông tin Nhà hát Kịch 5B trở lại đã khiến khán giả thở phào sau 2 năm trông ngóng. Nói gì thì nói, đây cũng là thánh đường sân khấu một thuở của kịch nói TP Hồ Chí Minh. Dù biết để tồn tại và phát triển trong bối cảnh văn hóa – giải trí này có rất nhiều khó khăn, song sự trở lại của sân khấu 5B cũng như một tín hiệu tích cực, để thấy sân khấu kịch nói nói chung chưa hẳn chán ngán lắm.

Đã có một dạo, nhắc đến sân khấu kịch, người ta chỉ biết thở dài. Nghệ sỹ lo “chạy gạo” bên ngoài nên ảnh hưởng tới chất lượng diễn xuất. Kịch bản cũ, thiếu đột phá. Đa số sân khấu không sống được bằng nghề. Có nhiều nơi phải bù lỗ vì sân khấu vắng khán giả. “Giậm chân một chỗ”, “ngắc ngoải”, đứng trước nguy cơ lụi tàn, như loại hình cải lương”,…. là những cụm từ được người ta sử dụng khi nói về kịch nói.

Thế nhưng, trong những tháng cuối của năm 2017, không thể không nhắc tới sự “chào sân” của những cái tên mới toanh trong làng kịch nói TP Hồ Chí Minh. Trong tháng 9, phải kể tới sự xuất hiện của sân khấu Rubik tại Nhà thiếu nhi quận 4 do nghệ sỹ Đại Ngọc Trâm làm Giám đốc, nghệ sỹ Công Ninh làm cố vấn. 

Tháng 11, hai nghệ sỹ Quốc Thảo và Quốc Thuận ra mắt sân khấu Quốc Thảo với 3 sân khấu nhỏ tại tòa nhà trụ sở của Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). 

Cũng trong tháng 11, Nhà hát Chợ Lớn do NTK Sĩ Hoàng làm giám đốc nghệ thuật ra đời, phát triển theo hướng tôn vinh nét đặc sắc của sự giao thoa giữa các bản sắc văn hóa dân tộc vùng đất Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn hơn 300 năm; giới thiệu các loại hình nghệ thuật như hát bội, hồ quảng, cải lương, kịch nói, thời trang, cùng nhiều hoạt động văn hóa khác…

Poster vở “Tiên Nga”.

Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Hồng Hạc, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Trống Đồng, Thế giới trẻ, Nụ cười mới… thì sự xuất hiện của những cái tên mới mẻ nói trên dẫu nói gì đi chăng nữa cũng đã mang lại những làn gió mới với sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh. 

Trong khi đó, phía sau ánh đèn sân khấu, có không ít nghệ sỹ vẫn đắm đuối, tận hiến với nghề, nhằm mang đến những tác phẩm hay cho khán giả. Khi gameshow lên ngôi và thống lĩnh đời sống giải trí của công chúng, khi sân khấu kịch đầy rẫy những câu chuyện buồn, nhiều nghệ sỹ đã chọn con đường thỏa hiệp, thậm chí bỏ nghề thì vẫn còn đó, những con người “sót lại của một thời”, xem sân khấu là thánh đường nghệ thuật, là nơi chốn để họ sống và đam mê đến kiệt cùng.

Như NSƯT Thành Hội từng trải lòng qua nhân vật của mình: "Một nghệ sĩ sẽ là một ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật khi họ tỏa sáng bằng tác phẩm, được đồng nghiệp quý trọng, được công chúng chờ đón. Trái tim họ nặng trĩu và rướm máu vì bao nhiêu số phận nhân vật đã đi qua. Họ khóc ngất khi thành công, mỉm cười rơi lệ khi thất bại... Vì sân khấu là thánh đường...".

Những ngày cuối cùng của năm 2017 này, NSƯT Thành Lộc kỷ niệm 20 năm sân khấu kịch Idecaf bằng vở “Tiên Nga”, với kinh phí đầu tư ước tính hơn 1 tỉ đồng. Khi “Tiên Nga” – vở nhạc kịch thuần Việt, đậm chất Nam Bộ mà vẫn mới mẻ, hiện đại được công diễn, không ít khán giả xem đã xúc động khi nhớ về thứ ánh sáng hào quang của sân khấu lâu lắm rồi mới được chứng kiến.

Trong khi đó, trên fanpage của sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhiều vở diễn mới được công bố liên tục. Mới nhất thì “Sài Gòn có một ngã tư”, “Rau răm ở lại”, “Nửa đời ngơ ngác”, “Hãy khóc đi em”, “Hồi xưa biển ngọt”… và vở nào cũng ăn khách. 

Trên sân khấu này, ngoài những gương mặt như NSƯT Thành Hội, NSƯT Ái Như… còn có cả Hồng Ánh, Quý Bình, Đoàn Thành Tài,… Có cảm tưởng như, họ đi tới đi lui với nhiều công việc khác nhau nhưng họ vẫn giữ cho mình một nơi chốn để quay về, sống chết trên sân khấu kịch nói.

Diễn viên Hồng Ánh và bạn diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Cần những hoạch định dài hạn

Hàng loạt sân khấu mới “rủ nhau” chào sân. Nhiều vở diễn mới sau khi công bố, được khán giả đón nhận. Đặc biệt là sân khấu kịch Idecaf và Hoàng Thái Thanh là 2 cái sân khấu kịch xã hội hóa hoạt động sôi nổi, tất bật, liên tục ra vở mới, chất lượng và có nhiều vở diễn thường xuyên cháy vé. 

Thậm chí, để mua vé những vở kịch hay, khán giả phải xếp hàng mua vé hoặc phải ra chợ đen mua. Nói ra để thấy, trong bức tranh chung có vẻ chùng xuống của sân khấu kịch nói nói riêng và những loại hình nghệ thuật truyền thống của TP Hồ Chí Minh thì vẫn có những ngọn lửa sáng.

Tất nhiên, phải thừa nhận một điều rằng, vàng son của kịch nói Nam Bộ đã đi qua. Lứa công chúng của kịch nói, không phải đại chúng như xưa mà đã chuyển sang một trạng huống khác, đó là những người biết thưởng thức. Nhưng kịch nói vẫn có đất sống, khán giả của kịch nói vẫn còn đó miễn sao có những tác phẩm hay, tử tế.

Những điểm sáng về sân khấu kịch ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày cuối năm này là những tín hiệu tốt, đáng mừng sau bao nhiêu năm cám cảnh sân khấu đìu hiu, đèn lúc mờ lúc tỏ. Tuy nhiên, đó có phải là những “cánh én” mang về một “mùa xuân khác” cho kịch nói TP Hồ Chí Minh hay không thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Câu chuyện văn hóa – giải trí cần những bước đi dài hạn, như cách các nghệ sỹ Thành Lộc, Thành Hội, Ái Như đang làm. Nhưng có bao nhiêu người được như họ trong thời buổi này?

Người ta nói “phim ảnh đã giết chết sân khấu kịch nói”, “gameshow đã đưa kịch nói lên đoạn đầu đài”. Ở cái thời bùng nổ phim truyền hình như hiện nay, để giữ được diễn viên cho sân khấu mình quả là điều cực kỳ nan giải với các ông bầu, bà bầu sân khấu nói gì bùng nổ gameshow. Bao nhiêu người sống chết vì kịch nói?

Diễn viên Quý Bình là gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch Nam Bộ.

Sân khấu kịch hôm nay khác sân khấu kịch ngày hôm qua, đã là một cuộc chơi mới, đòi hỏi tư duy mới nếu không muốn mất lứa công chúng ít ỏi còn lại của mình. Về phía các cấp chính quyền, kịch nói cũng cần một tiếng nói đồng cảm. 

Trong câu chuyện quy hoạch các địa điểm sân khấu hiện nay, đang có nhiều cái bất lợi, bất cập cần giải quyết. Thành phố nên chăng tạo điều kiện cho những sân khấu hoạt động ở những vị trí thuận lợi để giữ chân khán giả, bên cạnh chất lượng tác phẩm.

Mỗi một năm Nhà nước tốn không ít tiền cho các trại sáng tác kịch bản sân khấu, nhưng chỉ có ít các kịch bản đó được dựng thành các vở diễn phục vụ khán giả. Trong khi đó các sân khấu kịch lại đang thiếu những kịch bản có chất lượng nghệ thuật. Đòi hỏi sự rà soát lại mức độ hiệu quả của các trại sáng tác này.

Đi cùng với đó, là công tác đào tạo, bồi dưỡng diễn viên trẻ, như một thế hệ kế tục của nay mai. Ngoài ra, để cạnh tranh với những loại hình giải trí đang lên ngôi như hiện nay, kịch nói cũng phải cần kế họach marketing, tự quảng bá mình, chủ động giới thiệu mình ra bên ngoài.

Sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh có đi về “chợ chiều” như cải lương hay không, đó không chỉ là câu chuyện của nghệ sỹ mà còn là câu chuyện vĩ mô của Thành phố trong công cuộc bảo tồn một loại hình văn hóa – nghệ thuật, được xem là đặc sản của mình? 

Tường Vân
.
.
.