Sân khấu thử nghiệm: Đích đến vẫn là khán giả

Thứ Tư, 16/11/2016, 16:41
Liên hoan sân khấu thử nghiệm đang diễn ra tại Hà Nội. Nhiều vở diễn hiện đại với những phá cách, sáng tạo đang làm cho ngôn ngữ sân khấu truyền thống ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, không phải sự đổi mới, phá cách nào cũng là thử nghiệm. Và thử nghiệm thế nào để được khán giả chấp nhận cũng là một câu chuyện đáng bàn.

Mất 10 năm, chúng ta mới lại có một kỳ liên hoan sân khấu thử nghiệm. Trong một thời gian khá xa như thế, sân khấu Việt Nam cũng đã có những sắc màu mới. 

Hầu hết các tác phẩm tham dự liên hoan lần này đều mang loại hình nghệ thuật truyền thống với đương đại như cải lương, opera, hát xẩm, chèo, tuồng… Nhiều hình thức như kịch hình thể, kịch giả tưởng, Broadway cũng được các nghệ sĩ mang lên sân khấu.

Vở “Giấc mơ” (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B) có sự kết hợp giữa kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ. Muốn thể hiện hình ảnh đất nước, quê hương đau thương, tác giả sử dụng múa hiện đại.

Khi cần thể hiện sự uy nghi, cái chết, những làn điệu tuồng vang lên. Sự pha trộn của các loại hình nghệ thuật khiến hiệu ứng của vở diễn trở nên mạnh mẽ hơn.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Nhà hát Múa rối thăng Long) là một cuộc chơi của rối và kịch. Đây là một vở diễn được đánh giá cao trong kỳ liên hoan này.

Trên sân khấu, người và rối không phải là hai nhân vật tách biệt mà chỉ là một, lúc là người, lúc là rối. Về âm nhạc, sự kết hợp ca cải lương, hát tuồng, hát chèo, xẩm và chầu văn và cả nhạc mới với ngôn ngữ rối gây hiệu ứng cao.

Cảnh trong vở rối “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”.

“Hamlet” (Nhà hát Kịch Việt Nam) một vở kịch lấy bối cảnh châu Âu nhưng đạo diễn, NSND Anh Tú đã mạnh dạn đưa  văn hóa Việt vào một cách nhuần nhuyễn. Hình thức trò diễn Xuân Phả của Thanh Hóa đã dẫn dắt cho những đoạn chuyển của câu chuyện thú vị hơn, làm câu chuyện gần gụi hơn với công chúng.

Cách xử lý sân khấu trong vở “Hamlet” cũng được làm mới với những khối hộp uyển chuyển khi tách ra, khi nhập vào rất linh hoạt cho chuyển cảnh.  “Ionah” (Nhà hát Star Galaxy) còn kết hợp nhiều hơn. Chương trình nghệ thuật này pha trộn múa, kịch, xiếc, hip hop, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kỹ xảo ánh sáng, trong đó xiếc là yếu tố chủ đạo.

Ngoài yếu tố tâm linh, trong vở diễn “Nguyễn Du với Kiều” (Nhà hát Tuổi trẻ), nghệ sĩ Lan Hương còn mạnh dạn sáng tạo và thể hiện những lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du dưới dạng những làn điệu chèo, hát văn… nhằm tạo không gian đa dạng, thuận tiện cho diễn viên dùng ngôn ngữ hình thể lột tả vai diễn.

Đó là những vở diễn tiêu biểu của sân khấu Việt Nam tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ 3. Một bức tranh đa sắc màu.  Tuy nhiên, so với sân khấu thử nghiệm của thế giới, sân khấu thử nghiệm của chúng ta còn ở một khoảng cách khá xa. Đó là nhận định của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu.  

Vở “Nguyễn Du với Kiều” của NSND Lan Hương tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm.

Sân khấu thử nghiệm của thế giới đã được điện tử hóa, sử dụng nhiều ngôn ngữ sân khấu hiện đại của điện ảnh, của công nghệ, khiến không gian sân khấu lung linh, huyền ảo hơn.

Và tối giản con người, lời thoại để có thể mang sân khấu lưu động khắp nơi. Tuy nhiên, thử nghiệm như thế nào thì đích đến cuối cùng của một tác phẩm nghệ thuật vẫn là khán giả. Liệu khán giả Việt có chấp nhận với sự đổi mới, phá cách như thế hay không, còn là chuyện đáng bàn.

Vừa qua, đạo diễn Chí Trung mạnh dạn đưa hihop vào vở “Lời nói dối cuối cùng” đã gây phản ứng trái chiều trong khán giả. Hay vở kịch hình thể của NSND Lan Hương “Nguyễn Du với Kiều” khi ra mắt cách đây 5 năm cũng đã bị “ném đá” dữ dội bởi những phá cách của chị đang đi quá xa với truyền thống.

Sân khấu Việt Nam không dám vượt qua giới hạn của sự an toàn để đổi mới. Nhưng thử nghiệm thế nào, sáng tạo thế nào, thì đích đến của một tác phẩm nghệ thuật vẫn là khán giả.

NSND Lê Tiến Thọ -  Chủ tịch Hội nghệ sĩ  Sân khấu việt nam: Làm thế nào để ngôn ngữ sân khấu Việt gắn kết được với ngôn ngữ thế giới

Sân khấu thể nghiệm thế giới đã đi xa mình một khoảng cách rất dài.  Ngày nay sân khấu không lấy diễn viên làm trung tâm nữa, không gian của sân khấu mở ra nhiều chiều. Thậm chí có những đơn vị nghệ thuật mà chúng tôi xem, họ không cần sân khấu nữa, họ đến đâu cũng có thể biểu diễn ngay.

Kỹ thuật điện tử được đưa vào sân khấu và phát huy rất hiệu quả. Tôi rất ấn tượng với một vở diễn của Hungary, chỉ có 2 diễn viên họ biểu diễn trong một chiếc túi nilon về mối tình của đôi trai gái, bằng ngôn ngữ hình thể rất đẹp.

Hay như vở “Hamlet” của Đức, chỉ có một nhân vật trong suy nghĩ tồn tại hay không tồn tại, vẫn chuyển tải được tinh thần của Shakespeare.

Trong sự hội nhập, phát triển, chúng ta cũng nên biết thế giới đang chuyển mình như thế nào. Chúng ta sẽ thấy thế giới trong xu hướng phát triển này đã đưa sân khấu kết hợp với các loại hình phát triển như thế nào. Ví dụ sân khấu truyền thống ở châu Á cũng đã ít đối thoại mà dùng hình ảnh, ngôn ngữ cơ thể để chuyển tải thông điệp.

Các vở diễn của Trung Quốc thường chiếm số lượng rất đông, nhưng bây giờ đoàn của họ cũng không quá 10 người. Họ lấy cái tinh, cái chất lượng. Đó là những bài học kinh nghiệm cho chúng ta.

Làm sao chúng ta có thể tiếp cận với đời sống hôm nay mà đưa cả một dàn 50 người đi giao lưu quốc tế được. Và chúng ta phải tạo ra một thứ ngôn ngữ khác với lời nói, để có thể giúp sân khấu Việt ra thế giới, gắn kết được với ngôn ngữ thế giới.

Tuy nhiên những thử nghiệm phải mang tính hiệu quả về nội dung và nghệ thuật cho mỗi vở diễn, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia, những vấn đề chân, thiện, mỹ mà nghệ thuật cần phản ánh, tránh gây phản cảm, hiệu ứng ngược.

NSND Lan Hương: Chúng ta đang  chông chênh giữa thử nghiệm và truyền thống

Nói rằng sân khấu thử nghiệm của Việt Nam tụt hậu so với các nước cũng không chính xác, vì mỗi đất nước có một phong cách riêng.

Khi sang nước ngoài, tôi thấy sân khấu của họ muôn hình muôn vẻ, từ sân khấu cổ điển, sân khấu truyền thống đến sân khấu thử nghiệm đều rất phát triển. Tôi nghĩ ở Việt Nam cần phải thay đổi cách suy nghĩ, sân khấu truyền thống cũng cần những đổi mới, phá cách, chúng ta trì trệ quá lâu rồi.

Bên cạnh đó, sân khấu thể nghiệm cũng cần phát triển nhưng không nên để lấn át sân khấu truyền thống.

Ở Việt Nam nên thử nghiệm loại hình gì. Tôi vẫn thích một sân khấu quy mô, hoành tráng nhưng đừng cũ kỹ. Vì sao khán giả quay lưng với sân khấu, có lẽ có rất nhiều vấn đề.

Khán giả Việt bây giờ bị hạn chế về phông nghệ thuật. Còn từ phía nghệ sĩ, chúng ta tạo cho khán giả những thói quen xấu, như hôm nay không có khách lại gửi giấy mời để lấp chỗ trống, nên dần dần họ đánh mất thói quen bỏ tiền ra mua vé, thậm chí, họ không coi trọng tấm vé mời. 

Một điều đáng nói ở ta là việc đầu tư đang chông chênh giữa thử nghiệm sân khấu đường phố và sân khấu truyền thống, không đến nơi đến chốn, không ra sang trọng cũng không ra dân dã. 

Tôi đi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, họ dựng những câu chuyện rất đời thường trong những khán phòng nhỏ, chỉ khoảng 100 người, khán giả rất thích nhưng vẫn có những sân khấu lớn dành cho những vở diễn hoành tráng. Mọi thứ rất rõ ràng. 

Còn ở ta, tất cả cho vào một rọ, không có gì rõ ràng, sân khấu tương tác, thử nghiệm làm không tới, mà sân khấu truyền thống thì cũ kỹ, điều đó khiến khán giả không còn tôn trọng nghệ sĩ. Lãnh đạo nhà hát và đạo diễn phải có những phân định rõ ràng từng thể loại…

NSND Anh Tú: Thử nghiệm phải từ ngôn ngữ của sân khấu

Tôi từng ra nước ngoài, xem những vở diễn thử nghiệm của họ, có khi chỉ hai người diễn thôi, họ tự mang các đạo cụ và diễn ngay bên đường, sân khấu của họ mở và tương tác đến thế. Thế nhưng, quan điểm của tôi vẫn khác, với tôi, sân khấu vẫn là một thánh đường, phải có một địa điểm, một không gian nhất định, người ta đến đó để được gột bỏ mọi phiền muộn của đời sống, để chạm tay vào giấc mơ về chân, thiện, mỹ.

Nhiều đoàn quốc tế mạnh mẽ đổi mới nhưng chưa chắc khán giả Việt đã chấp nhận, không phải cứ đổi mới hay học thuật cao là khán giả thích đâu. Một vở diễn có đời sống lâu bền trong khán giả là một vở diễn tốt.

Tôi vẫn nghĩ sân khấu có ngôn ngữ riêng, không nên vay mượn, lai căng. Hãy khai thác những gì hay nhất của ngôn ngữ sân khấu. Mọi thứ vay mượn đều trở nên khập khiễng. Quan điểm của tôi là đổi mới dựa trên nền tảng đặc sắc nhất của ngôn ngữ sân khấu chứ tôi không ủng hộ quan điểm đi vay mượn các ngôn ngữ khác như màn hình Led, hay các phương tiện điện tử hiện đại. 

Việt Hà
.
.
.