Sân khấu thực cảnh: Cuộc chơi mạo hiểm, tốn kém

Thứ Bảy, 10/08/2019, 10:43
Sau một thời gian “tạm” nghỉ, vở diễn thực cảnh độc đáo “Tinh Hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội trở lại chinh phục khán giả trong một diện mạo mới. Có thể nói, đây là đơn vị tiên phong đưa sân khấu thực cảnh đến với công chúng Việt Nam.


1. Trong đêm công diễn trở lại (tối 3/8) sau một tháng ngừng bảo trì, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (The Quintessence of Tonkin) ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội một lần nữa chinh phục đông đảo khán giả trong diện mạo mới.

Chính thức ra mắt công chúng từ cuối tháng 10-2017, “Tinh hoa Bắc Bộ” là vở diễn thực cảnh được đầu tư hơn 2.500 thiết bị âm thanh, ánh sáng tiên tiến, sân khấu mặt nước rộng 4.300m² tựa lưng vào núi Thầy. Từ cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, “Tinh hoa Bắc Bộ" lần lượt đi qua 6 phân cảnh: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui, Ngày hội. 

Trong không gian của sân khấu “Tinh Hoa Bắc Bộ”, giữa sân khấu thực cảnh sông nước và cây tre, khán giả có thể cảm nhận được những nét đẹp tinh hoa của văn hóa Việt Nam lần lượt được tái hiện. 

Đặc biệt, lần trở lại này, các nghệ sĩ nông dân đã tập luyện ngày đêm phô diễn nhiều hơn những chất liệu truyền thống, làng nghề như đơm đó - hình dáng giống như hạt lúa được cách điệu và phóng lớn, một biểu tượng của nền văn minh lúa nước. 

Điểm nhấn của vở diễn đó chính là sự xuất hiện của 150 nông dân trong tổng số 250 diễn viên như một lát cắt hấp dẫn đưa Tinh hoa Bắc Bộ trở thành chỉ dấu về văn hóa bản địa khi người nông dân trở thành linh hồn của vở diễn, gánh vác sứ mệnh quảng bá văn hóa đến với du khách.

Vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”.

Với tất cả sự độc đáo ấy, sau gần hai năm công diễn, “Tinh hoa Bắc Bộ” hiện đã trở thành đặc sản du lịch của Hà Nội. Khoảng 80.000 lượt khách, trong đó có 50.000 khách quốc tế đã lựa chọn “Tinh hoa Bắc Bộ” là điểm dừng chân trong hành trình khám phá văn hoá Việt Nam. 

Và cũng chưa đầy hai năm công diễn phục vụ khán giả, “Tinh hoa Bắc Bộ” liên tiếp nhận được nhiều kỷ lục và giải thưởng quốc tế danh giá: hai kỷ lục Guinness Việt Nam: "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam”; giải vàng Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018 và giải “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019”. 

“Tinh hoa Bắc Bộ” còn được truyền hình CNN bình chọn là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”. Giải thưởng “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019” vừa công bố tại Hàn Quốc một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho biết, nghệ thuật trình diễn sân khấu thực cảnh là loại hình phổ biến trên thế giới nhưng mới chỉ được biết đến nhiều ở Việt Nam trong vài năm gần đây. 

Một số quốc gia đẩy mạnh việc tổ chức các chương trình nghệ thuật thực cảnh nhằm thu hút khách du lịch. Có thể kể đến ở Trung Quốc với những vở diễn như: “Ấn tượng Lệ Giang” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Trong đó, ông sử dụng núi Ngọc Long Tuyết Sơn làm bối cảnh và huy động rất đông diễn viên quần chúng.

Ở Việt Nam, vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” của ê-kíp tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam tiên phong cho sân khấu thực cảnh. Năm ngoái, “Ký ức Hội An” tại Quảng Nam ra đời cũng gây nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong công chúng khi sở hữu không gian biểu diễn lên tới 25.000m², gần 500 diễn viên tham gia và có khả năng phục vụ 3.300 khán giả. Đây cũng là vở diễn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất.

Nghệ thuật sân khấu thực cảnh là một sự đổi mới của loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, mang đến một món ăn mới mẻ cho khán giả vốn đã quen với sân khấu truyền thống. Đây cũng là một loại hình nghệ thuật kết hợp chất liệu sân khấu truyền thống với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại.

Sân khấu nghệ thuật thực cảnh có thể được coi là một bước phát triển vượt bậc trong việc khai thác nghệ thuật để thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương. Nhờ đó, khách nước ngoài không chỉ biết đến Việt Nam qua các loại hình nghệ thuật quen thuộc như tuồng, cải lương, múa rối nước mà còn thấy người Việt Nam rất sáng tạo trong việc tiếp cận với loại hình nghệ thuật mới để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc mình. 

Sân khấu thực cảnh là một xu hướng tất yếu để góp phần phát triển du lịch và quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nhưng điều đáng nói ở đây, là làm thế nào để có những cuộc bắt tay giữa nhà đầu tư và những người làm nghề có tâm, có tầm để có thể đưa ra những sản phẩm chất lượng cao.

Nhiều chi tiết của “Ký ức Hội An” gây tranh cãi.

2. Ở Trung vở diễn đình đám “Ấn tượng Lệ Giang” gắn liền với tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Được biết, sân khấu thực cảnh các nước đều do những đạo diễn tên tuổi đảm nhiệm, bởi nó sẽ là sản phẩm/tác phẩm mang tính đại diện cho hình ảnh của một quốc gia. 

Ở Việt Nam, trước “Tinh hoa Bắc Bộ”, đạo diễn Việt Tú đã từng trình làng vở thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” cũng tại Sài Sơn, Chùa Thầy. Nhưng rất tiếc do những bất đồng giữa Việt Tú và chủ đầu tư nên “Thuở ấy Xứ Đoài” đã không thể tiếp tục. “Tinh hoa Bắc Bộ” do đạo diễn Hoàng Nhật Nam còn “Ký ức Hội An” lại do một đạo diễn Hồng Kong Mai Soái Nguyên dàn dựng.

 Sân khấu thực cảnh là một cuộc chơi tốn kém, mỗi vở diễn chi phí lên tới hàng triệu đô la. Nó đòi hỏi không gian rộng cùng nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại, số lượng diễn viên đông nên đi liền với nó là khoản kinh phí khổng lồ. Với vở “Tinh hoa Bắc bộ”, sân khấu của show diễn thực cảnh rộng đến 19.000m², trong đó khu vực hồ nước rộng gần 4.300m². 

Để tạo hiệu ứng tốt, ngoài cảnh đẹp sẵn từ thiên nhiên, sân khấu thực cảnh phải sử dụng nhiều kỹ thuật dàn dựng sân khấu cũng như hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại bao gồm giao thoa laser và 3D mapping. Chính hiệu ứng này đã tôn lên sự kỳ vĩ, hoành tráng của không gian thiên nhiên, góp phần tạo nên sự đặc sắc của vở diễn. Còn “Ký ức Hội An” được đầu tư với số tiền lên đến khoảng 10 triệu USD.

Một cảnh ấn tượng trong Tinh hoa Bắc Bộ.

Tiền bạc, quy mô và sức hấp dẫn và tiềm năng của sân khấu thực cảnh là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm chính là chất lượng của sản phẩm đó, và câu hỏi đặt ra là “y phục có xứng với kỳ đức”. 

“Ký ức Hội An” ngay khi mới xuất hiện đã vấp phải những dư luận trái chiều về chất lượng cũng như địa điểm và tính chất ngoại lai của vở diễn. Mặc dù được đầu tư lớn, sân khấu hoành tráng, trong đó có khán đài ngoài trời với tổng diện tích xây dựng gần 8.000m², vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” gây phản ứng mạnh mẽ trong giới làm nghề và giới truyền thông ngay từ buổi ra mắt bởi nội dung của vở diễn khiến nhiều người thất vọng khi bối cảnh nghệ thuật của vở diễn hoàn toàn xa lạ, không sát với mục tiêu đặt ra. Nhiều điển tích, điển cố văn học nói về Hội An không được khắc hoạ rõ nét, hay như trang phục của diễn viên khiến người xem cảm thấy xa lạ. 

Đặc biệt, địa điểm của vở diễn ngay cồn nổi giữa dòng sông Hoài khiến nhiều người đặt ra vấn đề về những tác động lâu dài đối với môi trường sinh thái của Hội An. Hiện nay vở diễn đã được chỉnh sửa lại, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng của khán giả cũng như giới chuyên môn.

Còn “Tinh hoa Bắc Bộ”, dù ra đời từ năm 2017, với lịch diễn đều đặn và gây được tiếng vang đối với bạn bè quốc tế, nhưng khi xem tôi vẫn thấy có những sự nuối tiếc. 

Đạo diễn có vẻ hơi “ôm đồm” khi lựa chọn quá nhiều chất liệu văn hóa Việt nhưng lại thiếu sự kết nối chiều sâu. Đành rằng, đó là một sản phẩm du lịch để quảng bá văn hóa, nhưng nếu sâu sắc hơn, chắc chắn vở diễn sẽ tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem hơn.

Sử dụng các giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo thành những sản phẩm du lịch là con đường bền vững, lâu dài. Các tác phẩm sân khấu thực cảnh là những sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch, đó cũng là một hình thức quảng bá văn hóa du lịch Việt ra thế giới. 

Chúng ta đã có một “À ố Show”, “Xiếc làng tôi” đi diễn khắp nơi trên thế giới và gây được những tiếng vang lớn về vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Việt Nam trong sự kết nối với đương đại. Cho nên,  nói như nhạc sĩ Quốc Trung, chúng ta làm văn hóa không chỉ mang cái độc, lạ ra khoe mà cần nhiều hơn sự kết nối với đương đại, cần những cú bắt tay mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư và những người làm nghề tài giỏi. 

Lan Tường
.
.
.