Sân khấu truyền thống: Vắng khách do đâu?

Thứ Tư, 23/01/2019, 21:51
Có một cách giải thích rất đơn giản và phần nào đó trốn tránh được trách nhiệm đó là đổ thừa. Đầu tiên là đổ thừa cho ngày hôm nay có quá nhiều phương tiện giải trí mà phần lớn miễn phí hoặc rất rẻ như truyền hình, như internet, như mạng xã hội.


Tiếp nữa là đổ thừa cho sự quay lưng lại của khán giả. Tất nhiên, sự đổ thừa này không hề vô lý, bởi đúng là nếu không có những nguyên do ấy thì sân khấu truyền thông vẫn huy hoàng, vẫn chói lọi. 

Ấy là câu chuyện tít mù nó lại vòng quanh. Nhưng dù có đổ thừa cho cái gì đi chăng nữa thì không thể phủ nhận một điều rằng, sân khấu truyền thống đang dậm chân tại chỗ. Mà dậm chân tại chỗ trong khi xã hội chuyển biến từng ngày thì đồng nghĩa với sự thụt lùi, dẫn đến không có khán giả.

Sự thụt lùi rõ nhất ở đây là ở khâu chọn kịch bản. Người xưa nói, có tích mới dịch nên trò. Tích ở đây là tuồng tích, là kịch bản. Thành công của một vở diễn là ở khâu này, tiên quyết là thế. Không có tích hay thì có giỏi cách mấy cũng không thể tạo ra trò diễn. Và với sân khấu truyền thống, tuồng tích hay phải là đề tài lịch sử, dã sử hoặc dân gian. 

Người ta đã tìm mọi cách đưa đề tài hiện đại vào sân khấu truyền thống, và cũng có một số thành công, nhưng nó cũng chỉ như một làn gió lạ thoảng qua, như một sự đổi khẩu vị. Sân khấu truyền thống chỉ hợp nhất với những đề tài xưa cũ, bởi như thế mới có sự khăng khít giữa lời ca, lời thoại biền ngẫu, với cách tư duy, với trang phục và không khí vở diễn. 

Kể cả cải lương là loại hình kịch hát dân tộc sinh sau đẻ muộn và đến ngay cái tên cũng gợi sự tân tiến thì đề tài xưa vẫn chiếm thế thượng phong, bởi các bài bản vẫn hợp với lời văn xưa hơn là lời văn hiện đại.

Các nghệ sĩ sân khấu phía Bắc trên sân khấu truyền thống.

Những năm gần đây, khán giả hay thấy các đoàn phục dựng hoặc làm mới các kich bản đã được dàn dựng trong quá khứ và phần nào đã thành công. Tuồng dựng lại của chèo, chèo dựng lại của cải lương, hoặc đoàn địa phương dựng lại của đoàn ở thành phố lớn. 

Khi dàn dựng lại, tất nhiên các thành phần sáng tạo đều khẳng định là sẽ thổi hồn, sẽ làm mới, nhưng rút cục, khán giả không thấy cái mới cái lạ ở đâu mà chỉ thấy một bản dựng không giống ai. Là bởi, dù các nghệ sỹ rất cố gắng, nhưng khán giả vẫn đi xem với tâm thế so sánh với bản dựng cũ, không chấp nhận được những tìm tòi, phá cách, một khi những sáng tạo ấy không vượt qua được cái bóng của người đi trước. 

Tại sao biết là vậy mà các đoàn vẫn làm cách ấy? Là bởi nó an toàn. Khi đem một kịch bản đã được khẳng định đi duyệt, không có lý gì các cấp quản lý lại phản đối. Khán giả lại một lần nữa phải chịu đựng một tác phẩm cũ, nhiều khi dựng cho đủ kế hoạch chứ không đặt tham vọng gì. 

Những kịch bản đã thành công trong quá khứ chỉ nên dựng lại nguyên gốc để thành mẫu mực, thành bài tập cho các thế hệ nghệ sỹ kế tiếp, chứ không cần thiết phải phá ra dựng mới. Việc dựng mới phải dành cho các tác phẩm mới, dù có thể khả năng thành công hay thất bại là ngang nhau. Nhưng phải như thế thì mới được gọi là nghệ thuật.

Khán giả trẻ hiện không còn mặn mà với sân khấu truyền thống.

Cũng với tâm lý an toàn đó, nhiều khi các đoàn nghệ thuật đua nhau như một thứ theo mốt thời thượng. Cứ ngàn năm Thăng Long thì đặt nhau kịch bản về dời đô, về triều Lý, thế là dễ trôi. 

Hoặc cứ đề tài Trần Thủ Độ được đưa lên sân khấu trót lọt là cứ thế đua nhau đưa lên, đến mức tận bây giờ vẫn có những kịch bản viết lại về vị thái sư này qua những chuyện mà ai đọc giai thoại đều biết. Hoặc giả cứ đến hẹn lại lên, lại thấy vụ án vườn vải với nỗi oan Nguyễn Trãi-Thị Lộ xuất hiện đâu đó. Hoặc mấy năm trước, nhà nhà người người dựng kịch về Phật hoàng Trần Nhân Tông. 

Đồng ý là các nhân vật ấy đều rất hấp dẫn, đều có chuyện để kể, nhưng rõ ràng cứ quanh quẩn vậy, việc khán giả quay lưng lại là tất yếu. Bởi vì, không có cách nào để sáng tác ra hai phiên bản khác nhau về một nhân vật trong điều kiện hiện tại, khi mà người ta chưa chấp nhận được việc khai thác nhân vật khác với những gì người ta đọc trong chính sử, vốn không phải lúc nào cũng chính xác về mặt logique. 

Ở vở diễn này, nhân vật này khác đi một chút, sang vở diễn khác lại khác đi một chút không đáng kể. Thậm chí, để tránh những mảng miếng cũ, người ta lại phải chế ra những mảng miếng khác không giống ai, dẫn đến việc nhân vật đầu Ngô mình Sở và có những hành động thậm vô lý. 

Không phải tác giả nào cũng đủ bản lĩnh nghề nghiệp đến độ nếu đồng nghiệp viết nhân vật này thì bản thân sẽ xoay sang nhân vật khác, đề tài khác để tránh đụng hàng, thậm chí thấy người ta thành công trót lọt thì ngay lập tức ăn theo, làm khác đi một chút, mới đi một chút, thế là coi như đã sáng tạo lắm rồi. Và cũng không phải tác giả nào cũng dám đi sâu vào những đề tài đang còn chìm trong bóng tối của lịch sử.

Hội thảo khoa học về cải lương nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương cuối năm 2018.

Người làm sân khấu đều hiểu rằng, làm kịch về đề tài xưa không phải để người xưa xem, mà là cho khán giả hiện tại và nếu được, cho cả tương lai. Những vở sân khấu còn có sức sống đến ngày hôm nay đều đề cập đến những vấn đề nhân bản nhất, những vấn đề mà chừng nào con người còn tồn tại thì vẫn còn giá trị. Hơn nữa, chuyện xưa thì đã được kết thúc, cho nên người ta nhìn ra được quan hệ nhân quả một cách rõ rệt. 

Chỉ cần chịu khó đào sâu trong kho tàng sử sách, giai thoại, văn bia, hay gia phả các dòng họ, là những người sáng tác có thể thấy hàng tỷ thứ chuyện để đủ sức mượn chuyện xưa nói chuyện nay. 

Có những câu chuyện cách đây hàng ngàn năm, mà chúng ta vẫn thấy được tính thời sự của nó. Sự tương đồng giữa quá khứ và hiện tại luôn tồn tại, chỉ có điều nó được phủ một lớp bụi thời gian dày đến mức nếu không tinh ý, người ta sẽ không nhận ra điểm tương đồng. 

Chỉ có điều, những người sáng tác đa phần đều là lười trong việc xây dựng ra một câu chuyện mới, mà chỉ nhăm nhăm tìm kiếm những nhân vật có sẵn cốt truyện, hoặc những câu chuyện có đầu có cuối để chỉ việc dùng các thủ pháp viết kịch xâu chuỗi lại. Chính từ điều này thì đến lúc thành vở diễn, khán giả cũng đã không thấy có gì mới mẻ. 

Ngày trước, chỉ cần một câu chuyện có đầu có cuối với cái kết có hậu, cái thiện chiến thắng cái ác, là khán giả có thể hào hứng theo dõi. Nhưng ngày hôm nay, nhu cầu của khán giả đã cao hơn rất nhiều, không còn đất cho những vở diễn nôm na vừa xem cảnh đầu đã biết cảnh cuối. 

Những bài học luân lý, những ý tưởng về nhân sinh phải được diễn giải một cách khéo léo và đầy kịch tính mới mong giữ được chân khán giả cho đến phút cuối. Người ta không thể đòi hỏi khán giả đến với mình, nếu mình vẫn cứ dậm chân tại chỗ, vẫn coi cách làm từ trước đến nay là mẫu mực, là siêu việt, là không thể cải tiến được nữa.

Sân khấu truyền thống đang có nguy cơ mất trắng khán giả.
Viết được một kịch bản sân khấu đúng nghĩa không dễ chút nào. Viết cho sân khấu truyền thống lại có những cái khó riêng. Người viết không chỉ phải thông hiểu vốn cổ mà còn phải nắm rõ hiện tại. Bởi có những đề tài người viết rất tâm đắc, nhà hát rất thích thú, nhưng khán giả sẽ thờ ơ vì họ không tìm thấy mình, vấn đề của mình trong đó. 

Sân khấu cũng giống như các loại hình nghệ thuật và giải trí khác, có tính thời điểm. Một vở diễn ra đời phải đáp ứng được nhu cầu của người xem ngày hôm nay. 

Chẳng hạn khi người ta đã chán với hài hiện đại thì hài dân gian phải ngay lập tức trám chỗ, nhưng phải được viết, được dàn dựng sao cho hiện đại về mặt tư duy chứ không chỉ nôm na là cho người ngày xưa dùng ngôn ngữ này nay để gây cười. Hoặc khi người ta đã chán với những mối tình trái ngang thời hiện đại thì là lúc, những soái ca cổ trang phải xuất hiện, chứ không phải là những nhân vật anh hùng dũng mãnh một cách siêu thực của ngày xưa nữa. 

Điều này không phải là chiều theo thị hiếu khán giả đơn thuần, mà là phải làm như vậy để khán giả đến rạp trước nhất. Và chỉ cần khán giả có thói quen đến rạp, mọi sự sẽ thay đổi dần dần. 

Với số đông khán giả hiện nay, số tiền bỏ ra để đến rạp không phải là lớn lao gì, nhưng người ta vẫn không đến. Vì sao, là bởi vì sân khấu truyền thống không nói hộ họ những tâm tư tình cảm, không khiến họ thấy phấn khích hoặc phẫn nộ, và tóm lại là không làm họ thấy hấp dẫn, không làm họ thấy phải đến rạp. 

Dù khán giả luôn biết, việc đến rạp thưởng thức nghệ thuật đương nhiên đem lại cảm xúc nhiều hơn gấp bội việc nằm nhà xem tivi hoặc xem qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. 

Nguyễn Toàn Thắng
.
.
.