Chân dung người đàn ông đứng sau các vụ chuyển nhượng tại Old Trafford:

Sẵn sàng "phản chủ" để trở thành sao

Thứ Bảy, 13/08/2016, 15:39
Một gã lùn với cơ thể phì nộn, khuôn mặt béo ú, trông chẳng có chút tướng mạo làm ăn nào. Nhưng chính gã ta, tên Mino Raiola, là đạo diễn trực tiếp trong vở kịch Paul Pogba – M.U, chính thức xác lập kỷ lục mới trên thị trường chuyển nhượng.

Pogba trở về Old Trafford sau 5 năm lưu lạc. Anh quay lại Mancheser trong vòng tay trìu mến và âu yếm của các manucian. Niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội, khi Pogba chính thức trở thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh, khoảng 112 triệu euro.

Nhưng còn một người “vui” hơn cả. Không cần xỏ giày ra sân hằng tuần, không cần đối diện mỗi chiều thứ bảy với cánh nhà báo tọc mạch, ông ta vẫn nhẹ nhàng đút túi 20 triệu euro tiền lại quả từ M.U. Đó là Mino Raiola, người đại diện của Pogba.

Pogba trở thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh nhờ tài nghệ của Raiola

Trong giới “cò” cầu thủ, chỉ một người đủ sức được xem là đối trọng của Raiola: Jorge Mendes, hẳn rồi. Nhưng mùa hè 2016 sẽ là năm bội thu của Raiola trong dịch vụ “buôn nước bọt”. Bởi ông là người đại diện của 3/4 tân binh của M.U hè này (Ibrahimovic, Mkhitarian và Pobga).

Tính sơ qua, Raiola cũng thu về 35 triệu euro nhờ việc “dắt mối”. Messi, Ronaldo đá bục mặt cả năm mới được 20 triệu euro, Djokovic hay Federer bay từ Âu sang Mỹ từ Á qua Phi cũng không được ngần ấy tiền.

Công lớn trong giai đoạn cải tổ, xây lại đế chế “Quỷ đỏ” ở Manchester không thể không nhắc đến Raiola.

Chàng cử nhân luật thích nấu nướng

Raiola sinh ra ở Italia. Nhưng chưa đầy 12 tháng tuổi, đứa trẻ ấy đã vượt đường xa cách trở tới Hà Lan cùng cha mẹ, gây dựng cơ đồ ở Haarlem.

Tới từ Napoli, nhà Raiola mở nhà hàng pizza kiếm kế mưu sinh. Những chiếc pizza đế dày, cắn ngập phô mai và thơm phức mùi tiêu xanh dần trở thành món ăn khoái khẩu của dân chúng trong vùng, những công chức bận bịu tại các tập đoàn công nghệ và khai thác gỗ.

Năm 15 tuổi, hàng loạt quán pizza trong vùng mọc lên. Chủ của chúng, trớ trêu thay, đa phần là khách hàng lâu năm của quán Napoli. Khả năng cao, những người này thấy nhà Raiola đắt khách, bèn học mót công thức làm bánh rồi ra ngoài kiếm lời. Trước tình hình này, cha Raiola muốn con trai mình theo học khoa luật ngành sở hữu trí tuệ, phụ giúp gia đình bảo hộ công thức nấu ăn, đăng ký bản quyền tên bánh. Một mặt, Raiola chuyên tâm học hành cho kỳ thi đại học. Mặt khác, thời gian rảnh chừa ra được tận dụng cho việc làm bánh, bán hàng và xuất-nhập kho đỡ đần cha mẹ.

Đổi đời nhờ ngoại ngữ

Đỗ đại học, Raiola tranh thủ học thêm ngoại ngữ. Hết hai năm đầu, ông được tuyển thẳng vào vị trí… giám đốc thể thao của CLB địa phương nhờ đọc thông viết thạo 7 ngoại ngữ, lại yêu bóng đá.

Ra trường, Raiola quyết tâm theo nghiệp “bóng”. Không phải để trở thành cầu thủ, HLV hay một nhân vật chịu trách nhiệm chuyên môn nào, mà là ứng dụng vốn kiến thức, kinh nghiệm quản lý thể thao và nền tảng học thuật ở trường luật vào thương mại bóng đá – nghề mới nổi hồi thập niên 90 thế kỷ trước.

Năm 1993, Dennis Bergkamp rục rịch rời Ajax sang Inter. Rob Jansen, người đại diện của Bergkamp và cũng là tay môi giới quyền lực nhất xứ sở hoa Tulip bấy giờ muốn đẩy nhanh tiến độ vụ mua bán nhưng gặp trở ngại ngôn ngữ.

Ông này đăng tin tuyển phiên dịch viên, và lập tức Raiola xuất hiện. Cậu sinh viên mới ra trường vào làm việc toàn thời gian ở công ty Sport-Promotion của Jansen.

Có lợi thế ngoại ngữ, Raiola nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Jansen. Sau vài ngày làm quen, Raiola được điều động, lên chức “trợ lý tạm thời” cho Jansen trong những ngày Sport-Promotion đứng ra làm trung gian vụ chuyển nhượng của Bergkamp.

Toàn bộ văn bản, giấy tờ pháp lý đều được Jansen chuyển lại cho Raiola biên dịch, soạn thành 3 bản: 1 bản tiếng Italia, 1 bản tiếng Hà Lan và 1 bản tiếng Anh (có giá trị pháp lý toàn cầu trong những lần mua bán tiếp theo).

Thông thường, việc của một phiên dịch là dịch và dịch, xong rồi nghỉ. Nhưng Raiola không nghĩ thế. Ông nuôi tham vọng trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp nhưng không biết quy trình, thủ tục ra sao.

Sẵn giấy tờ vụ Bergkamp, lại có toàn quyền tiếp cận thông tin, Raiola âm thầm photocopy thành nhiều bản, mang về nhà nghiên cứu đầy đủ hồ sơ. Trong phút chốc, chỉ nhờ những động tác đọc – dịch đơn giản, Raiola biến thành nhà môi giới.

Thà làm "tiểu nhân" còn hơn "ít tiền"

Vốn thông minh hơn người, lại học hành đến nơi chốn, phông văn hóa sâu rộng nên một thời gian ngắn, Raiola xin nghỉ việc, ra ngoài mở công ty riêng Maguire Tax & Legal, coi chính… Sport – Promotion làm đối trọng.

3 ngôi sao cập bến Old Trafford hè này đều là thân chủ của Raiola. Từ trái qua: Mkhitaryan, Pogba, Ibrahimovic.

Jansen tuyên bố cạch mặt, không có loại học trò như Raiola. Song Raiola đâu thèm để ý. Ông cần tiền và quyền, chỉ đơn giản vậy thôi. Năm 1996, Raiola bắn phát súng đầu tiên khi đưa Nedved tới Lazio sau kỳ EURO thành công trên đất Anh.

Dù vậy, phải tới khi gặp Ibra, cuộc đời “chim mồi” của Raiola mới bước sang ngã rẽ khác. Đấy là khi Ibra đang là người của Ajax, nhưng muốn tìm đến chân trời danh vọng hơn.

Vì thế, anh phải tìm một người đại diện mới với quan hệ sâu rộng trong giới. Ibra tìm gặp anh bạn thân Thijis Slegers, phóng viên tờ De Telegraaf, hỏi xem dưới lăng kính của chuyên gia trong nghề, nên chọn ai.

“Hắn là mafia đấy”, Slegers trầm ngâm suy nghĩ.

“Nghe ổn đấy”, Ibra đáp lại trong sự kinh ngạc của Slegers.

“Không được như chỗ cũ của cậu đâu (cũng là người đại diện của David Beckham)”, Slegers hy vọng Ibra không nói đùa.

“Không, tớ quyết rồi. Giới thiệu hộ nhé, cảm ơn nhiều”, Ibra trả lời.

Một cuộc điện thoại được gọi tới. Raiola chính thức ngỏ lời muốn gặp Ibra xem mối quan hệ giữa họ có thể tiến triển bao xa.

Trước mặt Ibra là một gã béo, mặc chiếc quần jeans rách lỗ chỗ, đi đôi giày đầy bụi có cả vết mạng nhện. “Ông là người đại diện tương lai của tôi đấy à”, Ibra hơi cảm thấy chột dạ.

Raiola chẳng nói chẳng rằng, nhờ Ibra cho mượn chìa khóa chiếc Porsche mới cóng tiền đạo này mới tậu tháng trước. “Lên xe tôi chở đi hóng mát tí”, Raiola đề nghị Ibra ngồi vào ghế phụ.

Ibra đã “điên”, nhưng có vẻ đối trọng thực sự của anh đã xuất đầu lộ diện. Song rốt cuộc, chuyện không giống như Ibra nghĩ. Raiola điềm đạm điều khiển con “chiến mã” có công suất hơn 300 mã lực, tạt vào quán cafe vùng ngoại ô Amsterdam.

Ngồi sẵn đó là Luciano Moggi, chủ tịch đương nhiệm Juve. Ba tuần sau, Ibra cập bến Stadio delle Alpi. Ibra vui mừng khôn xiết, tâm lý lên cao càng đá càng hay. Raiola, nhờ thế, mà “thơm lây”. Chỉ cần một vụ làm ăn thuận buồm xuôi gió, tên tuổi Raiola nhanh chóng bay xa.

Sau Ibra, lần lượt Robinho, Balotelli và rất nhiều ngôi sao khác “qua tay” Raiola. Tính ra, hơn 10 năm qua, Raiola đã kiếm về 340 triệu euro tiền hoa hồng nhờ sắm vai “chất xúc tác” trên sàn giao dịch.

Giàu có là vậy, nhưng Raiola chưa bao giờ ngưng “yêu” tiền. Ông bán luôn cả thương quyền tên công ty cho bộ phim Jerry “Show me the Money” Maguire, phát sóng tháng 9/2015. Đổi lại, Raiola bỏ túi 32 triệu euro – tương đương thu nhập một mùa hè.

So với Mendes, Raiola không “quân tử” cho lắm. Ông vẫn mặc áo phông có cổ, quần jeans chứ không thể phù hợp trong những bộ cánh đậm chất Italia. Ông chọn sinh sống ở Monaco để tránh thuế, và vẫn thường ăn món pizza rẻ tiền không dành cho giới thượng lưu.

Nhưng với Raiola, điều ấy đâu nghĩa lý gì. Mang tiếng tiểu nhân, nhưng nhiều tiền vẫn cứ là… đại gia. Raiola chỉ quan tâm có vậy thôi.

Tầm nhìn vượt thời đại

112 triệu euro cho Pogba ư? Một con số cao không tưởng, bị tờ LEquipe của Pháp mô tả là “điên rồ”. Vậy tại sao giá trị chuyển nhượng của Pogba tăng nhanh cả trăm lần sau 5 năm đến vậy?

Giá bản quyền truyền hình tăng? Nền kinh tế Italia lạm phát buộc các CLB trục lợi tối đa? Bóng đá kiếm ra quá nhiều tiền giúp việc giao dịch đơn giản hơn? Lý do nào cũng đúng, nhưng chưa đủ.

Vì chính Raiola, là người trực tiếp kích cầu giá giao dịch tăng phi mã. Mà đâu phải đợi tới hè 2016 khi hai đội lên bàn đàm phán, Raiola đã sớm tiên liệu mức giá 112 triệu euro từ lúc Pogba… rời M.U tới Juve.

Chúng ta đều biết Sir Alex thẳng tay đẩy Pogba ra đường. Nhưng ngày xưa, Raiola đã sớm nhận ra tiềm năng của Pogba qua màn trình diễn của tiền vệ này trong màu áo đội trẻ.

Raiola nhanh chóng kết thân, gạ Pogba thành thân chủ của mình. Nhờ mối thân tình với Juve sau câu chuyện của Ibra, Raiola tìm đường đưa Pobga sang Turin. Hợp đồng hoàn tất, chỉ 10 ngày sau khi Raiola chính thức đại diện cho Pogba.

Raiola không cần phí lót tay, chỉ xin gài điều khoản “trả 20% cho ông nếu sau này Juve đem bán Pogba”. Juve gật đầu ngay, bởi ngay từ đầu, họ đâu kỳ vọng gì nhiều vào Pogba, bán đi giỏi lắm được vài triệu là cùng. Juve cho Pogba chỗ tập luyện chủ yếu vì “nể” Raiola thôi.

Cuộc đời thật oái ăm. Đến Pogba cũng không ngờ anh thăng tiến nhanh như vậy, nói chi Juve. Theo Transfermarkt, Pogba trị giá khoảng 85 triệu euro sau EURO 2016. Bán đi lãi to, nhưng tự dưng mất gần 17 triệu euro theo giao kèo với Raiola.

Juve cần thu về đúng số tiền thực họ nhận được, nên mới tăng giá lên 112 triệu euro để sau khi trả tiền cho Raiola, vẫn cầm về khoảng 85-86 triệu euro. Người chiến thắng cuối cùng trong trận chiến tam phe, hóa ra là Raiola.


Đơn Ca
.
.
.