Sáng tác mà cũng chạy theo trào lưu thì lạ quá!

Thứ Năm, 21/03/2019, 13:26
Nguyễn Toàn Thắng làm rất nhiều nghề. Nhưng có lẽ nghề viết kịch bản là nghề hấp dẫn anh nhất. Anh vừa công bố kịch bản cải lương mới nhất của mình về đề tài lịch sử.


Nguyễn Toàn Thắng được biết đến như một nhà văn viết cho thiếu nhi, tác giả kịch bản sân khấu, tác giả kịch bản phim, và cũng là một người chơi Loa có tiếng. Nghĩa là anh làm rất nhiều nghề. Nhưng có lẽ nghề viết kịch bản là nghề hấp dẫn anh nhất. Anh vừa công bố kịch bản cải lương mới nhất của mình về đề tài lịch sử.

- Anh Thắng này, được biết anh vừa công bố kịch bản mới, một kịch bản cải lương về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng. Vì sao anh lại quan tâm đến nhân vật lịch sử này?

+ Tôi nhớ có một dạo người ta xôn xao vì nhân vật Hồ Quý Ly, một nhà cải cách. Nhưng tôi lại quan tâm đến hai người con của ngài là Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng hơn. Nhất là Hồ Nguyên Trừng với câu nói nổi tiếng "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Bản thân câu nói đó làm tôi thấy tầm cỡ của Hồ Nguyên Trừng. Hơn nữa, ông lại nâng cấp súng thần cơ lên một tầm cao mới, lại có một số sáng chế vượt thời gian.

Người Việt ta cứ tự nói với nhau là không thiếu người tài, nhưng đó chỉ là nống nhau lên. Còn tài năng đến độ vượt ra ngoài biên giới, được ngoại quốc thừa nhận thì đâu có bao nhiêu. Chính vì thế mà tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho vị Tả tướng quốc, đồng thời là một nhà khoa học xuất chúng này.

Số phận của ông cũng đặc biệt, bởi sau này sử sách ghi lại rằng ông làm đến chức Công bộ Thượng thư cho nhà Minh. Tuy nhiên, với cách chép ấy nhiều khi làm hậu thế nghĩ rằng ông mãi quốc cầu vinh, như thế không ổn. Chính vì thế, tôi xây dựng một câu chuyện khác, day dứt hơn nhiều, chỉ lấy mấy chi tiết có thật được sử ghi lại làm cái đinh treo cái áo ý tưởng của mình.

Tôi đặt giả thiết rằng liệu một Tả tướng quốc, chỉ đứng sau cha mình là Hồ Quý Ly và em mình là Hồ Hán Thương, lại có thể đầu hàng nhanh đến thế hay sao. Dựa theo cảm hứng ấy, rồi kịch bản có tên là "Vì sao lạc xứ". Nhiều người thích cái tên này vì vô tình nó lại đa nghĩa, vừa ví Hồ Nguyên Trừng như một vì tinh tú, lại là câu hỏi.

Tác giả Nguyễn Toàn Thắng.

- Được biết đây là kịch bản cải lương, một thể loại sân khấu truyền thống lâu nay thưa vắng khán giả. Anh đã có những thay đổi gì từ khâu kịch bản để đảm bảo vở diễn thu hút công chúng hơn?

+ Điều này xuất phát từ việc tuy tôi rất mê các loại hình kịch hát dân tộc nhưng rất hiếm khi xem hết được một vở diễn, là bởi tiết tấu quá chậm. Cứ đến cảnh một ông bị đâm chết đến nơi mà vẫn ca đủ hai câu-sáu câu thì dài quá-là tôi chỉ muốn trôi qua thật nhanh. Đây là cách nói vui thôi, chứ thực tế các vở diễn ngày trước tuy rất hay và nhân văn cũng như sâu sắc nhưng quá chậm.

Tất nhiên như thế hợp với lối sống ngày trước, khi mà người ta có thể xem một vở tuồng dài cả chục tiếng đồng hồ như Sơn Hậu. Nhưng khi viết kịch bản này, tôi đã làm cho tiết tấu nhanh lên, tung hứng nhân vật tình huống đủ liều lượng và cố gắng tạo bất ngờ cho người xem không phải ở nội dung, bởi giấu kín sự thật với sân khấu truyền thống là rất khó, không như với kịch nói.

Tôi chỉ gieo tình huống và xoay chuyển theo tâm lý của nhân vật. Khi viết, tôi đặt mình vào nhân vật để rồi nhân vật có đời sống riêng, tự sống và tự hành động. Ngay cả đến lời thoại của nhân vật cũng làm bản thân tôi bất ngờ, chứ chưa nói đến hành động.

- Trong số những người viết kịch bản, anh là một tác giả viết nhiều về các nhân vật lịch sử. Vì sao đề tài này lại hấp dẫn anh?

+ Tôi đam mê lịch sử từ khi mới biết đọc, là bởi nhà lúc đó có một thư viện với hàng ngàn cuốn sách. Thêm nữa, tôi được tiếp xúc sớm với tuồng. Những nhân vật trong lịch sử cứ thế hiện về, ngay cả trong giấc mơ.

Tôi phát hiện ra rằng chính vì sử của ta không ghi chép quá nhiều về các nhân vật, cho nên đó lại là chỗ để người sáng tác tha hồ phát huy trí tưởng tượng. Bất cứ một nhân vật nào trong quá khứ với tôi đều đáng được viết, chỉ là mở được khoá hay không.

Chẳng hạn tôi viết về cuộc đời của con gái Quốc công Đặng Tất trong vở chèo "Nàng thứ phi họ Đặng" đạt Huy chương Vàng Hội diễn chèo Chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, hay về một ông Tướng quân ăn mày có thật trong lịch sử với cuộc đời đầy bi thương. Hay năm ngoái là vở chèo "Người con của Vạn Thắng Vương" kể về những năm tháng đầy nhọc nhằn của Nam Việt Vương Đinh Liễn khi làm con tin trong thành. Ngay cả những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích kể cũng đã được tôi khai thác với một góc nhìn mới.

- Một số người hay nói, họ viết về đề tài lịch sử là cách lấy chuyện xưa nói chuyện nay. Nhưng cũng có thể hiểu đôi khi người viết vì ngại hay muốn né tránh đề tài hiện tại vì một lý do nào đó mà tìm đến với đề tài lịch sử. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Có một thực tế rằng bản thân các nhà hát cũng né tránh đề tài hiện đại với tiêu chí "an toàn", vì thế người viết để bán được kịch bản cũng phải theo. Tôi cũng vậy, rất nhiều kịch bản về đề tài hiện đại viết ra được đánh giá là sắc sảo hiện đại và nếu diễn sẽ bán được vé, nhưng cứ thế trôi dần đi và chìm vào quên lãng.

Sân khấu có tính thời điểm, nếu có được dàn dựng sau đó ít năm cũng không gây được tiếng vang. Vì thế, tôi tập trung vào đề tài lịch sử, cố gắng nói làm sao được chuyện ngày hôm nay. Ấy thế mà nhiều khi cũng bị một số nhà quản lý suy diễn mà bắt dừng vì sợ cái gọi là đụng chạm.

- Là một người viết kịch bản, tham gia vào nhiều công đoạn của sân khấu, anh nhận xét thế nào về tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay. Chúng ta liệu có thực sự thiếu kịch bản hay chỉ là thiếu kịch bản hay mà thôi?

+ Sự an toàn bản thân nó đã làm cho kịch bản không thể hay được, bởi muốn hay là phải đi đến tận cùng tình huống kịch, phải tuyên chiến dữ dội với cái xấu để hướng tới giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

Để sống được với nghề, nhiều người viết kịch phải thoả hiệp, phải viết những kịch bản tuy làng nhàng nhưng chẳng đụng chạm đến ai. Kịch bản thật hay thì lúc nào, thời nào cũng thiếu.

Bản thân tôi cũng vậy, viết được vài kịch bản mà bản thân mình thấy hay cũng đã là rất khó rồi. Kịch bản hay ở thời điểm này phải thật khác biệt, nếu không sẽ chìm nghỉm. Mà để tạo được sự khác biệt, đầu tiên phải kể được một câu chuyện mới từ một đề tài cũ, một nhân vật cũ. Điều này tôi gần như không thấy.

Mà rất lạ, quần áo hay hàng tiêu dùng theo trào lưu đã đành, đến sáng tác cũng theo trào lưu. Chẳng hạn đến giờ người ta vẫn viết về Trần Thủ Độ với cảm hứng rằng ông là công thần hay gian thần, hoặc Nguyễn Trãi với án oan Lệ Chi Viên. Tại sao không xây dựng khác đi, ví dụ như nói về bi kịch của Nguyễn Trãi với tâm thế một đại thi hào?

- Gắn bó với sân khấu trong nhiều năm qua, trong lúc rất nhiều đồng nghiệp đã quay đi làm việc khác. Điều đặc biệt gì của sân khấu đã giữ chân anh vậy?

+ Tôi đã từng đoạn tuyệt với sân khấu ít nhất là một lần, sau những thất bại trong công việc. Nhưng nó như một cái duyên nghiệp cứ kéo tôi lại. Tôi tìm niềm vui trong việc được chân dung một nhân vật mà mình yêu thích, khi kể được một câu chuyện hấp dẫn.

Nhìn lại thì cũng không thể khác được, khi mà từ nhỏ tôi đã đóng vai chính trong các chương trình "Những bông hoa nhỏ". Tôi nhớ, khi vở kịch đầu tiên được diễn trên sân khấu, khán giả cười, còn tôi ngồi khóc một mình.

Sau này đến khi học đại học, tôi đi học ngoại ngữ, làm thày giáo, phiên dịch, nhưng cuối cùng lại quay về với niềm đam mê. Như thế thực ra là khổ, nhưng tôi chấp nhận, và khi đã chấp nhận thì không còn kêu ca gì nữa.

- Ngoài tình yêu sâu sắc với sân khấu, anh còn làm rất nhiều công việc khác liên quan đến nghệ thuật, như viết truyện cho thiếu nhi, viết kịch bản phim truyện, phim truyền hình, thậm chí cả phim hoạt hình. Liệu như vậy có tham lam quá không khi người ta nói "nhất nghệ tinh nhất thân vinh"?

+ Tôi viết đủ loại, bởi tôi nghĩ đơn giản là thể loại nào thể hiện được cái mình muốn nói là được. Cũng chỉ là trò chơi xếp chữ thôi mà. Nếu viết kịch bản phim là viết ra những gì người ta sẽ thấy trên màn ảnh, thì viết kịch bản sân khấu là viết cái mà người ta sẽ diễn.

Còn những gì tôi viết ở các thể loại khác sân khấu cũng không đến nỗi tồi, thì tại sao tôi không viết? Ví dụ như phim hoạt hình tôi viết cũng là cái mới ở thời điểm đó, khi thời lượng dài gấp hơn 2 lần các bộ phim thông thường. Hoặc phim tài liệu "Đờn ca tài tử Nam Bộ" mà tôi viết kịch bản, đến giờ vẫn được coi là một bộ phim khá công phu và khoa học. Chỉ là thời gian này, tôi tập trung vào kịch bản sân khấu, bởi có quá nhiểu nhân vật khiến tôi quan tâm.

Cảnh trong vở “Nàng thứ phi họ Đặng” của Nhà hát Chèo Hà Nội, tác giả kịch bản Nguyễn Toàn Thắng.

- Nhiều người còn biết đến Nguyễn Toàn Thắng như một người chơi Loa nổi tiếng. Thú chơi này bắt nguồn từ đâu? Anh có thể nói về thú chơi này của mình với độc giả?

+ Ngoài viết lách, tôi còn rất đam mê âm nhạc. Với tôi, âm nhạc là môn nghệ thuật đỉnh cao. Chính vì thế, tôi luôn tìm những thiết bị âm thanh để tái hiện được thứ âm nhạc mà tôi muốn nghe, là âm nhạc dân gian của Việt Nam và thế giới, cũng như thể loại hoà tấu nhẹ nhàng.

Tôi bắt đầu đi săn củ loa về, tự đóng thùng hợp với cách nghe của mình. Có thời điểm tôi để hàng chục đôi loa trong nhà, mỗi đôi loa chỉ để nghe đúng một ca sỹ hát.

Ví dụ như chất giọng liêu trai của Thanh Thuý thì nghe loa này, chất giọng khàn khàn của Adamo thì nghe loa kia. Thậm chí có đôi loa chỉ để nghe hay nhất tiếng đàn kìm.

Cứ lọ mọ chế tạo, hỏng thì vứt đi, dần dà tôi cũng chỉ để lại vài bộ nghe tối ưu nhất, không phải vì hết hứng thú mà bởi mình là tay ngang, nếu không tự học lên và không đầu tư thêm thì cũng chỉ đến thế.

Thú tự chế loa này cũng là một cách để xả hơi rất tốt, nó gần như một cuộc chinh phục. Cảm giác của người leo núi khi lên đến đỉnh  thế nào thì cảm giác của tôi cũng thế.

- Cảm ơn tác giả Nguyễn Toàn Thắng.

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.