Sao Việt bị lợi dụng hình ảnh

Chủ Nhật, 22/09/2019, 14:26
Những năm gần đây, việc các nghệ sỹ nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh, tên tuổi để quảng cáo bán hàng không còn là chuyện hiếm trên mạng xã hội. Đặc biệt, những ngôi sao hay những gương mặt đang hút truyền thông càng dễ trở thành nạn nhân để các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh với mục đích thương mại.


Nhiều nghệ sĩ bất lực vì hình ảnh bị lợi dụng

Mới đây, danh hài Hoài Linh đã rất bức xúc khi phát hiện hình ảnh bản thân bị lợi dụng. Cụ thể, một công ty bán các mặt hàng về phong thủy đã đăng tải hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh trò chuyện với một MC và bịa ra việc danh hài có được như ngày hôm nay là nhờ đeo chiếc nhẫn phong thủy.

Trên trang facebook cá nhân, nghệ sĩ Hoài Linh viết: "Nếu các bạn muốn truyền bá về đạo, hoặc kinh doanh thì các bạn nên có cái tâm nhé. Tại sao lại dựng lên bài phỏng vấn tôi vô duyên như vậy? Con người dù nghèo hay giàu đều do mình và may mắn của bề trên ban cho chứ không phải từ chiếc nhẫn. Các bạn ghi lúc tôi còn bôn ba vất vả thì lấy tiền đâu ra để mua nhẫn?

Nghệ sĩ nhân dân Công Lý bị một đơn vị lợi dụng hình ảnh để phục vụ cho việc bán dao.

Các bạn nên suy nghĩ lại cách kinh doanh của mình. Có luật pháp đấy nhé và về đạo thì có nhân quả báo ứng. Lời thật mất lòng, mong quý vị thông cảm. Cuộc sống mình có tốt hay không là do gia tiên của mình có phúc báu hay không chứ không phải do 1 chiếc nhẫn".

Cùng cảnh với nghệ sĩ Hoài Linh, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh và Anh Quân bỗng một ngày nhận được rất nhiều  cuộc điện thoại của bạn bè, người thân và cả những người hâm mộ hỏi về thuốc xịt chữa ngủ ngáy. Khi ấy, vợ chồng nghệ sĩ mới tá hỏa vì biết rằng hình ảnh của vợ chồng mình đã bị kẻ xấu đem ra quảng cáo… thuốc chữa ngủ ngáy. Trong bài quảng cáo, kẻ bán thuốc đã bịa ra bài viết trên danh nghĩa là lời của nhạc sĩ Anh Quân, tâm sự về căn bệnh ngáy "di truyền".

Trong đó có đoạn: "Như các bạn đã biết, chúng tôi đã sống chung với nhau từ năm 1998. Tất nhiên, việc này không hề dễ dàng, chúng tôi đã trải qua rất nhiều vấn đề trong cuộc hôn nhân của mình. Thế nhưng tình yêu luôn biện minh cho bất cứ điều gì mà một người đã làm, và có thể giúp họ vượt qua mọi vấn đề. Khi chúng tôi bắt đầu sống với nhau cách đây hơn 15 năm, một trở ngại xuất hiện, và một vấn đề khá lớn - chứng ngáy ngủ".

Tương tự như vậy, trên trang cá nhân của ca sĩ Thu Minh cũng đã chia sẻ dòng trạng thái bày tỏ sự tức giận khi bị một hãng trà lợi sữa "trắng trợn" lấy hình ảnh của cô để quảng cáo.

"Đây không phải đơn giản là một trường hợp sử dụng hình ảnh bất minh như bình thường mà đã vi phạm vào thứ quan trọng nhất đời tôi: Tình mẫu tử" - nữ ca sĩ chia sẻ. Giọng ca "Đường cong" tâm sự rằng thành quả trong những tháng ngày nhọc nhằn vắt sữa cho con của mình đã bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, bán hàng. Điều đáng nói, chính Thu Minh cũng không hề biết đến sản phẩm trà lợi sữa này.

Nghệ sĩ nhân dân Tự Long bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc chữa đại tràng.

Ca sĩ Thu Minh  cho biết: "Đã có những nhãn hàng đề nghị với số tiền lớn để tôi quảng bá các sản phẩm thực phẩm cho bà mẹ, trẻ em, nhưng tôi vẫn rất cân nhắc, vì điều này đối với tôi là một sự thiêng liêng. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ mình và tâm tư của những người mẹ, nên không bao giờ có gan để hy sinh sức khỏe con cái hay của những bà mẹ, em bé khác vì những sản phẩm chưa được kiểm chứng. Vậy mà hôm nay, tôi bị đem ra sử dụng một cách bất hợp lý, bất nhân như thế này".

Mới đây, khi bộ phim "Những cô gái trong thành phố" được phát trên VTV3 đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả thì hình Lâm "đồ tể" (nhân vật do NSND Công Lý thủ vai) cầm dao cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Theo nghệ sĩ Công lý cho biết, một đơn vị bán dao nào đó đã lấy hình ảnh của anh để quảng cáo cho sản phẩm của họ.

Nghệ sĩ bày tỏ: "Tôi rất bực mình khi hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép nhằm câu view hay để bán hàng. Con dao trong bộ phim chính là do tổ họa sĩ trong phim lấy làm đạo cụ chứ không phải mua ở cửa hàng được rao trên mạng. Đây không phải lần đầu tiên tôi bị mang hình ảnh ra để bán hàng. Trước đó, có nhiều người còn gửi link cho tôi thấy hình ảnh của mình được mang ra trị ngáy, lạ nhất là chữa bệnh hói đầu mà tôi đâu có hói".

Bên cạnh những trường hợp cố tình mượn hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo thì không ít người bán hàng không hiểu luật, hồn nhiên gắn hình ảnh người nổi tiếng lên sản phẩm của mình để bán hàng. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga (thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) là một ví dụ điển hình.

Gia đình chị có nghề làm nem chua truyền thống, tuy nhiên chủ yếu bày bán tại cửa hàng, bán buôn cho các khu du lịch. Mới đây việc bán hàng có giảm nên chị quyết định rao bán trên mạng xã hội, khách đặt mua sẽ gửi xe khách chuyển.

Chị nhận thấy cần phải làm gì đó để sản phẩn của gia đình nhiều người biết, nên đã quyết định gắn hình ảnh nghệ sĩ Tự Long lên trang Facebook cá nhân của mình. Quả nhiên khi gắn mác nghệ sĩ này, sản phẩm nem chua nhà chị đã có nhiều người đặt hàng hơn, doanh thu tăng lên trông thấy.

Chị Nga cho biết: "Thực tế tôi không biết gì về luật cả, vi phạm hình ảnh hay gì tôi nào có nắm được đâu. Thấy gắn mác thế là bán được hàng thì tôi gắn. Gần đây thấy thông tin báo chí đưa là nhiều người "mượn" hình ảnh người nổi tiếng nhằm mục đích thương mại là phạm pháp tôi mới biết. Từ khi biết thông tin đó tôi đã hạ hình ảnh xuống rồi".

Nguyên nhân của nạn hàng giả

Thực trạng "mượn" hình ảnh người nổi tiếng, một mặt báo động mức độ "loạn" quảng cáo kinh doanh trên mạng xã hội, mặt khác cũng cho thấy có nhiều nguy hại tiềm ẩn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất chân chính. Nạn hàng giả, hàng nhái đang được giới thiệu tràn lan trên mạng xã hội thì những quảng cáo kiểu "đánh lận con đen" này rất dễ khiến người xem tin thật và trở thành nạn nhân. Việc tiêu thụ hàng kém chất lượng là không thể tránh khỏi.

Một công ty bán đồ phong thủy đã bịa ra cuộc phỏng vấn với Hoài Linh để bán hàng.

Việc mượn hình ảnh của người khác nhằm mục đích thương mại, đã được luật pháp quy định rất cụ thể. Nói về vấn đề này, luật sư Đào Hồng Phúc (Văn phòng luật sư Hồng Phúc) cho biết: "Theo điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh bị lạm dụng có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".

Bên cạnh đó, theo điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015  quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được luật pháp bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

"Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được huỷ bỏ" - luật sư Phúc nhấn mạnh.

Như vậy, điều hiển nhiên việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự cho phép là vi phạm pháp luật. Và những người bị sử dụng hình ảnh cá nhân cho việc quảng cáo mà không có sự đồng ý của họ, hoàn toàn có quyền kiện các cá nhân, đơn vị có hành vi xâm phạm hình ảnh, đồng thời buộc phải bồi thường thiệt hại.

Cho dù điều luật rõ ràng như vậy, nhưng thời gian qua, dường như giới văn nghệ sĩ không mấy ai tìm đến pháp luật để bảo vệ hình ảnh cho mình. Còn những cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép lâu nay khi bị "đánh động" cũng chỉ cần gỡ bỏ hình ảnh là xong, ít khi bị cơ quan chức năng xử lý. Thực tế này càng khiến tình trạng lạm dụng, khai thác hình ảnh cá nhân của nghệ sĩ, người nổi tiếng trở nên "loạn".

Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp phát hiện tên tuổi của mình bị sử dụng trái phép, các nghệ sĩ nhất thiết phải đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm. Việc kiên quyết giải quyết triệt để các vụ việc sẽ là hồi chuông cảnh báo, răn đe và ngăn chặn hữu hiệu những hành vi lạm dụng hình ảnh để quảng cáo trái pháp luật.

Bên cạnh đó, trong môi trường kinh doanh kiểu "tranh tối tranh sáng" trên mạng xã hội, chính người tiêu dùng cũng phải nâng cao ý thức cảnh giác, thẩm định nguồn tin kỹ càng trước khi quyết định mua một sản phẩm nào có gắn với hình ảnh.

Phong Anh
.
.
.