Sau kỳ tích Wimbledon, quần vợt Việt Nam đang ở đâu?

Thứ Hai, 12/10/2020, 07:44
5 năm đã trôi qua khi Lý Hoàng Nam giành chức vô địch giải trẻ Wimbledon và mang theo kỳ vọng về một tay vợt Việt Nam chinh chiến ở Grand Slam. Nhưng kể từ ngày đó đến nay, dường như cá nhân Hoàng Nam và cả quần vợt Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ trong vùng trũng phát triển của môn thể thao quý tộc.


Hồi ức và thực tại

Với những người hâm mộ quần vợt Việt Nam, ấn tượng đáng nhớ nhất của Wimbledon 2015 không phải việc Novak Djokovic đánh bại Roger Federer trong trận chung kết, hay Martina Hingis giành đến 2 chức vô địch đánh đôi. Tình yêu dành cho mọi tượng đài quốc tế đều phải nhường chỗ cho lòng tự hào dân tộc với kỳ tích mang tên Lý Hoàng Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử một giải Grand Slam, quần vợt Việt Nam được xướng tên trên bảng vàng dù đó chỉ là hạng mục đôi nam giải trẻ. Xuất hiện trong trận chung kết, Hoàng Nam cùng đối tác Ấn Độ Sumit Nagal đã chơi vô cùng ăn ý trước khi tiến vào cuộc đấu cuối cùng gặp bộ đôi Reilly Opelka (Mỹ) và Akira Santillan (Nhật Bản).

Antoine Hoang không về Việt Nam khi vẫn còn tiềm năng phát triển.

Xét về cá nhân, cả hai tay vợt bên kia chiến tuyến đều được đánh giá cao hơn Hoàng Nam lẫn Nagal. Ở nội dung đơn nam giải trẻ Wimbledon năm đó, Santillan đã đánh bại Hoàng Nam ở vòng 1, còn Opelka là người lên ngôi vô địch đầy thuyết phục. Sở hữu chiều cao lên tới 2m11, sở trường của Opelka là những quả giao bóng có tốc độ trên 200km/h nhằm nhanh chóng hạ gục đối thủ.

Nhưng trong một trận đấu đánh đôi, hai cá nhân vượt trội không phải lúc nào cũng phối hợp ăn ý với nhau. Nhỏ bé, nhanh nhẹn và khéo léo, Hoàng Nam và Nagal liên tục gây khó dễ cho những đối thủ to cao bên kia lưới. Họ giành chiến thắng trong set 1 sau loạt tie-break căng thẳng, rồi tiếp tục đánh bại bộ đôi vượt trội hơn mình về trình độ bằng tỷ số 6-4 ở set 2.

Chiến thắng của Hoàng Nam và Nagal được kỳ vọng mở đầu cho một kỷ nguyên mới của quần vợt châu Á, bởi nó diễn ra chỉ 1 năm sau khi Kei Nishikori lọt vào chung kết US Open. Từ chỗ chỉ là một tay vợt vô danh, cái tên Lý Hoàng Nam được biết đến khắp dải đất hình chữ S. Người hâm mộ kỳ vọng anh sẽ tiếp tục làm được điều tương tự trong tương lai, hoặc chí ít cũng sẽ chinh chiến ở Grand Slam trong tương lai gần.

Đáng tiếc là thực tế lại diễn ra tàn khốc và nghiệt ngã hơn rất nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng. 5 năm trôi qua, Hoàng Nam vẫn chỉ ngấp nghé nằm ở top 400. Cái đích là một vị trí trong top 300 để tham dự vòng loại các giải Grand Slam, nghe qua tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó với một tay vợt đã 23 tuổi. Trong cùng thời gian đó Opelka đã áp sát top 30 thế giới, còn Nagal cũng vừa lọt vào vòng 2 US Open.

Những Hoàng Nam mới ở đâu?

Thành tích đáng chú ý nhất Hoàng Nam giành được sau chức vô địch giải trẻ Wimbledon chỉ là tấm huy chương vàng đơn nam SEA Games. Ở một góc độ nào đó, đây là tín hiệu đáng mừng khi quần vợt Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới giành lại được vị trí số một khu vực. Nhưng nếu xét về tầm vóc của một tay vợt từng có tiếng ở các giải trẻ quốc tế, rõ ràng Hoàng Nam gần như không có tiến bộ gì cả. 

Đâu là nguyên nhân đằng sau việc Hoàng Nam dù có nền tảng đào tạo và thành tích tốt hơn những người đàn anh nhưng lại không thể vươn tầm quốc tế? Xét về mặt cá nhân, có vẻ như bản thân tay vợt số một Việt Nam và các HLV của anh đã sai lầm trong việc chọn hướng phát triển. Với những người có thể hình không quá tốt như Hoàng Nam, anh sẽ vươn xa hơn nếu tập trung đánh đôi, nhưng anh lại cố gắng trở thành tay vợt đánh đơn.

Sau 5 năm, Hoàng Nam trở lại là một tay vợt vô danh.

Chỉ cao 1m75, Hoàng Nam gần như không có lợi thế trong những quả giao bóng, thứ được coi là vũ khí chủ chốt của những tay vợt nam. Thua thiệt về mặt thể chất, tay vợt số một Việt Nam không có nhiều lợi thế khi phải đối mặt với những người có thể hình hơn hẳn anh. Đó là lý do khiến Hoàng Nam sau 5 năm vẫn chỉ loanh quanh thi đấu ở các giải Futures, thậm chí còn chưa thể tiến sâu vào hệ thống Challengers.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra toàn cảnh, thất bại mang tên Lý Hoàng Nam chỉ là một dấu chấm nhỏ trên tổng thể chung của quần vợt Việt Nam. Kể từ ngày tay vợt người Tây Ninh đăng quang tại Wimbledon, chúng ta gần như không có thêm VĐV nào đến tranh tài ở các hạng mục giải trẻ Grand Slam. Đội tuyển quần vợt Việt Nam cũng luôn sớm dừng bước tại vòng loại Davis Cup mà không để lại ấn tượng nào đáng kể.

Thế hệ trẻ kế cận Hoàng Nam trong tương lai có những ai? Nguyễn Văn Phương từng xuất hiện ở các giải Grand Slam trẻ hồi năm ngoái, nhưng tay vợt 19 tuổi gần như mất tích kể từ đó. Anh cũng mất hút trên bảng xếp hạng ATP kể từ ngày đứng thứ 1332 thế giới vào tháng 5-2018. Sự yếu kém của các tay vợt trong nước là nguyên nhân khiến đội tuyển quần vợt Việt Nam phải tính đến phương án gọi các tay vợt Việt kiều hồi hương.

Daniel Cao Nguyễn là một trong số những tài năng như thế. Với bảng thành tích từng tham dự US Open vào năm 2009 và 2016, anh quyết định khoác áo đội tuyển Việt Nam ở SEA Games 2019. Trình độ của tay vợt này là điều không thể phủ nhận, nhưng vấn đề là anh đã quá tuổi phát triển. Daniel Nguyễn đã 30 tuổi và khó có thể trở thành niềm hy vọng của quần vợt Việt Nam trong tương lai, nhất là khi anh đang rơi khỏi top 500.

Phát triển sai hướng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của quần vợt Việt Nam mà Hoàng Nam có lẽ cũng chỉ là một nạn nhân. Cái tên Việt Nam chưa đủ sức hút trên bản đồ quần vợt quốc tế để trở thành điểm đến cho những giải đấu lớn. Vietnam Open từng được kỳ vọng sẽ nâng cấp lên thành giải ATP 250 nhưng đến giờ vẫn chỉ nằm trong hệ thống Challenger. Các địa điểm tổ chức như Hà Nội và Phan Thiết đã được nhắm đến, dù vậy, ngày Vietnam Open có tên trong danh sách các giải ATP vẫn còn xa.

Quần vợt Việt Nam chưa thể vươn tầm ra ngoài phạm vi Đông Nam Á.

Một vấn đề khác khiến quần vợt Việt Nam giậm chân tại chỗ là chúng ta đang phát triển một môn thể thao cá nhân theo mô hình thể thao phong trào. Đào tạo một tay vợt giỏi cần rất nhiều tiền, với một HLV đẳng cấp cao kèm cặp riêng người đó trong gần một thập niên, cùng một vài nhà tài trợ đứng sau để giúp tay vợt chuyên tâm vào tập luyện. Các tay vợt Việt Nam không bao giờ nhận được sự hỗ trợ như thế.

Không nhà tài trợ, không HLV chuyên nghiệp, các tay vợt Việt Nam chỉ có thể phụ thuộc vào Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Kinh phí hạn hẹp của tổ chức này không thể giúp một tay vợt vươn tầm quốc tế, mà chỉ có thể giúp phát triển quần vợt phong trào với người chơi chủ yếu là các nhân viên văn phòng giải lao sau giờ làm việc. Mô hình thiếu chuyên nghiệp đó được thể hiện rõ nhất qua việc Hoàng Nam từng bị kỷ luật vì không tham dự giải vô địch quốc gia để chuẩn bị qua một giải quốc tế.

Người Việt vẫn tỏa sáng, nhưng dưới quốc tịch khác

Mang trong mình dòng máu Việt Nam, Antoine Hoang là một ẩn số thú vị tại các giải Grand Slam thời gian gần đây. Tay vợt 25 tuổi thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2016 và hiện đang xếp vị trí 126 thế giới. Anh từng có thời điểm lọt vào top 100 nhờ phong độ ấn tượng tại Roland Garros 2019 khi có tên ở vòng 3 của giải. Đến mùa giải đất nện năm nay, anh tiếp tục gây ấn tượng khi lọt vào đến vòng 4 nội dung đôi nam.

Sở hữu chiều cao 1m83, điểm mạnh của Antoine Hoang là những pha giao bóng mạnh mẽ hạ gục các đối thủ bên kia lưới. Tuy nhiên không giống như Daniel Nguyễn, tay vợt Việt kiều này vẫn thi đấu trong màu áo của Pháp thay vì nhận lời trở lại khoác áo Việt Nam. Đâu là lý do khiến tay vợt có bố người Pháp và mẹ người Việt từ chối trở lại cố hương? Nguyên nhân chủ yếu nằm ở thu nhập và điều kiện tập luyện.

Tại Pháp, Antoine Hoang được tập ở những CLB tốt nhất, có cả HLV riêng cùng các chuyên gia hỗ trợ anh trong tương lai. Đó là những nhân tố cần thiết để giúp một tay vợt chuyên nghiệp phát triển. Trong trường hợp của Daniel Nguyễn, anh chỉ về Việt Nam khi đã "hết thời" và không còn được đối xử như một tài năng sáng giá của quần vợt Mỹ nữa. Đây là tình trạng chung của những tay vợt mang trong mình hai dòng máu Á - Âu ngoại trừ ngoại lệ duy nhất: Nhật Bản. 

Với lý lịch phức tạp của cha mẹ, Naomi Osaka mang trong mình 3 quốc tịch: Mỹ, Haiti và Nhật Bản. Thay vì chọn quê cha (Haiti) và nơi mình lớn lên (Mỹ), tay vợt này quyết định khoác áo đội tuyển Nhật Bản vì một lý do đơn giản: Kiếm tiền nhiều hơn. Trong năm 2019, Naomi Osaka trở thành tay vợt nữ có thu nhập cao nhất trong lịch sử với số tiền 37 triệu USD. Phần lớn nguồn thu của cô đến từ hợp đồng thương mại với các công ty Nhật Bản, những người luôn sẵn sàng chi tiền để quảng bá cái tên của họ ra toàn thế giới.

Đơn Ca
.
.
.