Sau làn sóng Hallyu, sẽ là bão ngôn tình

Thứ Ba, 14/04/2015, 12:00
Tiếp sau làn sóng Hallyu thông qua K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc thì có thể trong nay mai, một làn sóng mới mang đầy dấu ấn của Trung Quốc sẽ lan rộng và để lại một vùng trắng trong văn chương nói riêng và văn hóa Việt nói chung.
Leo cả lên cửa sổ để nhìn thần tượng dễ hơn

Vì sao, có nhiều cuốn sách của nước ta ra đời được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng khi ra sạp lại không được lòng các độc giả trẻ nếu không muốn nói một cách trắng phớ là chẳng mảy may quan tâm? Vì sao thay vì khai thác bản thảo trong nước, thời gian gần đây, các công ty sách lại chạy đua trong việc tìm dịch, giới thiệu và mua bản quyền của nhiều tác giả ngôn tình Trung Quốc?

Nếu tham gia sự kiện hàng nghìn sinh viên học trên địa bàn Hà Nội giao lưu với nhà văn Trung Quốc Diệp Lạc Vô Tâm do Đinh Tị books tổ chức diễn ra vào ngày 4/4 vừa qua tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh trong vài ngày tới, chắc hẳn chúng ta sẽ có cho riêng mình câu trả lời.

Sau khi nghe được thông tin thần tượng của mình - tác giả Diệp Lạc Vô Tâm - có một buổi gặp gỡ, giao lưu với độc giả của mình tại Hà Nội, em Nguyễn Ngọc Trang, học sinh cấp 3 và cũng là một fan trung thành của dòng tiểu thuyết này đã lặn lội bắt xe bus từ Bắc Ninh sang từ rất sớm. Trang bảo phải đến sớm cho chắc, chứ nếu không "hết chỗ chứ chẳng đùa".

Diệp Lạc Vô Tâm được đón tiếp nồng nhiệt tại Việt Nam.

Và đúng là không đùa được với các fan của tác giả "Mãi mãi là bao xa"! 1h chiều mới bắt đầu buổi giao lưu thì trước đó cả nửa tiếng, hội trường đã chật ních người. Hai hàng ghế ngồi đều kín người, số còn lại phải đứng, nhiều người đến muộn vài phút đã không chen chân được vào trong, đành đứng ngoài ngóng vào. Thậm chí, có người còn nhảy lên cửa sổ đứng nhìn cho rõ thần tượng.

Lướt một vòng khắp hội trường, đa số độc giả yêu mến nữ nhà văn Trung Quốc đều là các bạn sinh viên của các trường đại học, các em học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đa số là nữ. Các em rủ nhau đi "xem mặt" chị Tâm Tâm (tên quen thuộc mà fan Việt dành cho Diệp Lạc Vô Tâm) ngoài đời bằng da bằng thịt.

Và tận dụng cơ hội ngàn năm có một để xin được chữ ký thần tượng, mặc dù giá sách bán ra không hề rẻ (dao động từ 70.000 - 150.000 đồng) nhưng nhiều em không ngại bỏ ra một số tiền lớn để mua những tác phẩm của nhà văn này. Mấy khi chị sang Việt Nam, đến Nhà sách Đinh Tị cũng phải đưa ra lời mời vào 2 năm trước thì năm nay chị mới thu xếp để sang được.

Nội dung buổi giao lưu xoay quanh lý lịch của thần tượng và các cảnh… nóng trong tiểu thuyết của Diệp Lạc Vô Tâm. Đó là những góc mà fan quan tâm. Mỗi lần Diệp Lạc Vô Tâm trả lời xong, cả hội trường "Ồ" lên một cách thích thú. Nhiều bạn ở miền Trung tỏ ra tiếc nuối khi không đến được buổi giao lưu còn gửi sách ra ngoài Bắc và nhờ bạn admin trang "Fan và Diệp Lạc Vô Tâm" (trang fanpage thu hút gần 16.000 lượt theo dõi của các fan) xin hộ chữ ký thần tượng. Nhiều bạn chia sẻ cảm thấy vô cùng xúc động. Sau khi buổi giao lưu kết thúc, rất nhiều bạn trẻ nán lại để xin chữ ký và trò chuyện cùng thần tượng.

Cách đây vài năm, đã có nhiều dự báo cho rằng tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc  với những câu chuyện tình yêu sến sẩm, ướt át và ru ngủ cả một thế hệ này sẽ có nguy cơ "thất sủng" và đến hồi "hấp hối" trong giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, loại sách này dường như vẫn chưa "hạ nhiệt", thậm chí có phần áp đảo các loại sách khác dành cho lứa tuổi này. Chỉ một Diệp Lạc Vô Tâm sang Việt Nam giao lưu thôi mà đã thu hút cả nghìn bạn trẻ chao đảo, nếu nhiều Diệp Lạc Vô Tâm thì hẳn như "ong vỡ tổ"?

Hàng nghìn fan tham dự buổi giao lưu với tác giả ngôn tình.

Diệp Lạc Vô Tâm, Cố Mạn, Diệp Tử, Tân Di Ổ, Đinh Mặc… là những tác giả ăn khách của dòng tiểu thuyết ngôn tình đang nổi hiện nay. Một người bạn đang học tập tại quê hương của dòng tiểu thuyết này kể cho chúng tôi nghe rằng, tại đây, sách ngôn tình cũng khiến các cơ quan quản lý phải bó tay. Trái với dự đoán của nhiều người, sách ngôn tình đã và đang cắm rễ sâu trong sự thụ hưởng văn hóa của các độc giả Trung Quốc.

Ngôn tình được "xuất khẩu" sang Việt Nam thông qua các bà đỡ là các nhà sách tư nhân vào những năm 2006 - 2007 và hiện tại, dòng sách này đang chiếm ưu thế trên các kệ sách chính của các nhà sách. Ngày nay, giới trẻ đi mua sách, hầu hết chỉ mua sách ngôn tình. Còn những cuốn sách viết về tuổi trẻ, được cho là hay của Việt Nam, cũng chỉ là lựa chọn hi hữu của một số người.

Cần một chế tài quản lý

Hải Hà, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, em đọc sách ngôn tình cách đây 3 năm và bây giờ vẫn chưa dứt ra được. Vì gia đình cũng không có điều kiện nên số tiền bố mẹ gửi hằng tháng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Để mua sách ngôn tình, Hà chọn cách… ăn mì tôm qua ngày. Hà chia sẻ, mặc dù thời gian gần đây, có nhiều bài báo lên án sách ngôn tình, cho rằng đó là một thứ văn chương ủy mị, sướt mướt và thui chột sức sống của giới trẻ, song Hà cũng như những người bạn của mình không quan tâm lắm.

Hà cũng thẳng thắn: "Đúng là đọc ngôn tình nhiều lắm lúc cũng thấy nó tẻ nhạt và giống nhau về mô-típ thật. Tuy nhiên, chúng em chỉ thích đọc những cái lãng mạn, đẹp đẽ và nhẹ đầu như thế. Sách Việt có ra, chúng em có biết nhưng đọc chả hiểu gì".

Đôi bạn trẻ vô tư thể hiện tình cảm trong buổi giao lưu.

Mỗi lớp độc giả có một hệ tư tưởng, thẩm mỹ và sự lựa chọn khác nhau. Chúng ta không thể ép con trẻ phải như thế này hay thế kia. Chúng ta cũng không thể đánh đồng thế hệ mình và thế hệ các em. Ngôn tình, ngoài những câu chuyện tình nhạt nhẽo, ngoài chất lãng mạn có nhiều yếu tố giả tưởng, siêu thực thì cũng vẫn có một số tác phẩm đọc được. Tuy nhiên, số đọc được ấy đếm trên đầu ngón tay trong thời đại viết lách mạnh ai người nấy làm, mạnh ai người nấy "up".

Mục đích chính vẫn là câu khách bằng những câu chuyện tình lãng mạn, mang yếu tố giả tưởng, siêu thực. Thậm chí, những tác giả lựa chọn dòng văn chương phi chính thống này với mục đích nhanh được nổi tiếng đã không ngần ngại sử dụng chiêu trò, những yếu tố giật gân, những chi tiết gợi dục hoặc cổ súy cho những lối sống không lành mạnh.

Lứa tuổi mà tiểu thuyết ngôn tình hướng đến là các bạn trẻ từ 15 - 25 tuổi, lứa tuổi bắt đầu yêu và rung động. Bài viết "Sự nở rộ tiểu thuyết đam mỹ trong giới trẻ hiện nay: Độc văn nếu sa đà" đã đăng trên ấn phẩm Cảnh sát toàn cầu cuối tuần ra ngày 5/9/2014 từng cảnh báo về thể loại sách đam mỹ - một nhánh của ngôn tình viết về những câu chuyện tình của các cặp đồng tính nam, và có một số lượng lớn các bạn trẻ đang săn lùng để đọc vì tò mò.

Đam mỹ nói riêng hay ngôn tình nói chung sẽ chỉ là những sở thích bình thường nếu như các em tỉnh táo và trang bị cho mình đầy đủ tri thức để đọc một cách có chọn lọc.  Còn ngược lại, đó sẽ là con dao hai lưỡi sẵn sàng quay sang hủy hoại chính các em.

Cứ sống mộng mị mãi, sẽ quên mất hiện thực cuộc sống ngoài kia ra sao. Cứ đắm chìm trong những câu chuyện tình đầy si mê vọng tưởng và không có thật ấy lâu ngày, vô hình trung cũng sẽ quên mất đời thực như thế nào. Tuổi trẻ và những năm tháng đầu đời ấy, phải sống, học tập, tu dưỡng tâm hồn và định hình nhân cách. Có như thế các bạn trẻ mới đủ sức đề kháng để miễn nhiễm và không bị sốc với tất cả độc dược mà cuộc đời mang lại.

Còn các nhà quản lý văn hóa, nên chăng đã đến lúc cần xem xét và rà soát lại hệ thống quản lý những ấn phẩm dạng này, bắt đầu từ các nhà xuất bản và công ty sách. Cơn bão kinh tế thị trường tràn đến, lợi nhuận, giành giật thị phần, những người làm sách không đoái hoài đến văn hóa đọc. Một vùng trắng của văn chương Việt Nam nói riêng và văn hóa nói chung trên các kệ sách cũng như trong lựa chọn của thế hệ trẻ là một điều có thật. 

Đậu Dung
.
.
.