Một góc nhìn về SEA Games 29:

Sẽ không để "vùng trũng" trói buộc mình?

Thứ Tư, 06/09/2017, 17:22
Mười sáu năm trước, chủ nhà Malaysia lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn, và bây giờ, khi làm chủ nhà SEA Games họ lại đứng nhất toàn đoàn.

Cả hai lần Malaysia "đứng nhất" là cả hai lần mà chủ nhà bị kêu ca phàn nàn dữ dội. Nhưng nào riêng gì Malaysia, rất nhiều chủ nhà khác của các "ao làng" Đông Nam Á này cũng đều như vậy cả.

Vẫn chuyện chủ nhà "chơi chiêu"

SEA Games năm 2001, khi nhiều VĐV Việt Nam bị chủ nhà ép thua, ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang khi đó đã phải nói với một quan chức thể thao Malaysia: "Này ông, các ông có muốn dự SEA Games 2 năm tới ở Việt Nam không đấy?".

Phía sau câu nói này là hàm ý: nếu cứ ép chúng tôi thế này, ông không sợ hai năm sau bị chúng tôi ép lại? Và thực tế là phải sau câu hỏi ấy, các VĐV Việt Nam mới đỡ bị ép khi đọ sức với VĐV chủ nhà.

Nhưng đến năm nay, chẳng riêng gì Việt Nam, cả Indonesia, Singapore, Philippines lẫn Thái Lan đều phản ứng chủ nhà dữ dội. Đội cầu mây nữ của Indo thậm chí quyết định bỏ cuộc khi trọng tài bênh chủ nhà trắng trợn, còn một tờ báo Thái thì kết luận: "Đây là một trong những kỳ SEA Games tồi nhất trong lịch sử".

Điều đáng nói là ở những ngày thi đấu cuối cùng, khi chủ nhà đã chắc chắn ngôi vị số 1 thì họ vẫn làm mọi cách để "vét" huy chương vàng Silat, khiến một làn sóng phản đối lớn bùng lên ở nhà thi đấu.

Thế mới có chuyện sau đó ngay cả một tờ báo Malaysia, tờ Free Today cũng phải thành thật đánh giá: "Chúng ta đã mất cơ hội gây ấn tượng tốt đẹp".

Theo tờ báo này, lẽ ra SEA Games là dịp để chủ nhà quảng bá sức mạnh mềm của mình thì trái lại, những màn trò "ép" khách, vơ vét huy chương đến tận những ngày thi đấu cuối cùng đã làm họ hiện lên xấu xí.

Nhưng ai cũng biết, đấy chẳng phải là chuyện mới mẻ gì. Có lẽ, ngoại trừ Singapore và một phần nào đó là Thái Lan, nước chủ nhà nào cũng hành xử như thế cả. Nó là bản chất của SEA Games, của "ao làng", không thể khác.

Hai năm nữa đến lượt Philippines làm chủ nhà, bốn năm nữa đến lượt Việt Nam, liệu có thể hy vọng mọi thứ khác đi không? Ông Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn bảo rằng: "SEA Games 31 ở Việt Nam, tôi muốn chúng ta chỉ tổ chức các môn thể thao Asiad, Olympic, và bỏ đi tất cả những môn nặng tính ao làng".

Ông nhấn mạnh: "Sau tất cả những gì đã diễn ra, tôi muốn chúng ta sẽ là một chủ nhà thật sạch". Nhưng rồi ông Phấn với cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao cũng phải thòng thêm cái mệnh đề: "Đấy chỉ là quan điểm cá nhân tôi thôi". 

Bàn về chủ đề này, ông cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games Nguyễn Hồng Minh hỏi ngược lại người viết: "Theo anh, chúng ta có thể trở thành chủ nhà sạch như chúng ta nói được không?". 

Thế rồi ông tự trả lời: "Tôi cá với anh đến khi ấy sẽ lại có 2 luồng ý kiến tranh luận dữ dội: một bên thì muốn chúng ta sạch thật, nhưng bên còn lại vẫn muốn chúng ta phải vét huy chương như các chủ nhà khác. Mà kinh nghiệm của tôi cho thấy giữa hai bên, thật khó nói bên nào thắng bên nào". 

Thôi thì chỉ còn biết hy vọng đến 2021, khi SEA Games diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, "phe sạch" sẽ chiếm ưu thế hơn hẳn so với "phe thành tích".

Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh đoạt tới 3 HCV trong lần đầu dự SEA Games.

Cải thiện chuyên môn

Trở lại với vị trí thứ 3 mà đoàn Thể thao Việt Nam giành được ở kỳ SEA Games này, đó là một vị trí khó nhọc chưa từng thấy. Bởi trong ngày thi đấu cuối cùng, chúng ta chỉ hơn đoàn xếp sau mình là Singapore đúng 1 HCV (thua hẳn về số lượng HCB, HCĐ), trong khi Singapore vẫn còn một số môn thế mạnh. Các quan chức thể thao Việt Nam đã phải "nín thở" xem Sing thi đấu, và phải đến khi chứng kiến người Sing "trượt vàng hàng loạt" thì chúng ta mới thở cái phào.

Nhưng xét cho cùng bây giờ vị trí thứ 3, thứ 4 hay thứ 5 ở cái "ao làng" này cũng không quan trọng nữa. Điều quan trọng là những môn thể thao Olympic của chúng ta như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ tiếp tục có một mùa thắng lớn. Điền kinh Việt Nam đoạt cả thảy 17 huy chương vàng, lần đầu tiên vượt qua Thái Lan giành vị trí số 1. 

Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thuỷ cho biết, việc các cô gái ở nội dung 4x100m nữ Việt Nam vượt qua các cô gái Thái là một bước ngoặt lớn, vì 4x100m là nội dung cực kỳ danh giá của điền kinh, và luôn được xem là nội dung độc tôn của người Thái từ nhiều năm nay. 

Vẫn theo ông Thuỷ, cùng với các nội dung nhảy xa của Thu Thảo, Văn Đông, các nội dung chạy cự ly ngắn 100m, 200m của tân nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh, đây sẽ là nội dung mà điền kinh Việt Nam có thể nghĩ tới việc cạnh tranh huy chương Asiad. 

Ở môn bơi lội, Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục là cái tên được kỳ vọng cạnh tranh huy chương Asiad, và theo Trưởng đoàn thể thao Trần Đức Phấn thì "đấy sẽ là một cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt". Một số nội dung thi đấu khác của thể dục dụng cụ cũng đã đạt tới trình độ châu lục, chuyện có huy chương châu Á, Asiad là hoàn toàn có thể.

Cải thiện tâm lý

Theo Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, sau SEA Games này sẽ có khoảng 100 vận động viên trọng điểm được đầu tư đặc biệt. Và điều mới trong quá trình đầu tư này là không chỉ vấn đề chuyên môn đơn thuần, vấn đề "tâm lý thi đấu" cũng sẽ được đặc biệt coi trọng. 

Thực tế thì ở SEA Games vừa qua, tại một số nội dung thi đấu, các VĐV Việt Nam mất huy chương vàng không phải vì yếu chuyên môn, mà vì yếu tâm lý. Điển hình cho vấn đề này chính là VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh. 

Ở nội dung thi đấu đầu tiên của mình ở SEA Games năm nay là 50m, Xuân Vinh thường xuyên phải nhận điểm 7, và đã có lượt bắn thậm chí phải điểm 5,7 - số điểm thấp chưa từng có. Sau khi thất bại ở nội dung 50m, Xuân Vinh và ban huấn luyện Đội tuyển bắn sung "xin" truyền thông không tiếp cận, vì như giải thích của HLV Nguyễn Thị Nhung sau này thì: "Thời điểm đó, chúng tôi muốn Xuân Vinh được tĩnh tâm".

Nhưng sau đó, ở nội dung 10m sở trường - nội dung đã từng giúp Xuân Vinh giành huy chương vàng Olympic thì anh cũng thất bại đáng tiếc. Và phải đến lúc này thì Xuân Vinh mới chính thức lên tiếng: "Tôi thất bại do vấn đề tâm lý". 

Áp lực của một nhà vô địch Olympic, của một ngôi sao được quan tâm, chú ý nhiều nhất trong trường bắn khiến Xuân Vinh không còn giữ được sự chính xác cần thiết trong mỗi lần nhắm bắn. 

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam cho biết: "Dĩ nhiên HLV Nguyễn Thị Nhung và BHL Đội tuyển bắn súng cũng đã làm mọi cách để mong Xuân Vinh có một tâm lý thi đấu ổn định, nhưng giá mà lúc đó có một bác sĩ tâm lý thì mọi chuyện có thể hoàn toàn khác".

Tâm lý cũng là vấn đề của một VĐV trọng điểm khác: Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái người Cần Thơ cho biết, khi tham gia những nội dung thi đấu đầu tiên, cái suy nghĩ "sợ thua", "sợ mất huy chương" trong mình là có thật. 

HLV trưởng Đặng Anh Tuấn- một người thầy, một người cha, một người bạn của Ánh Viên biết điều đó, và đã tìm mọi cách động viên tinh thần, thế nhưng rốt cuộc Ánh Viên vẫn thất bại ở nội dung thi đấu đầu tiên, và xét trong cả quá trình SEA Games, Viên cũng không hoàn thành chỉ tiêu 10 HCV như những gì hai thầy trò đặt ra. 

HLV Đặng Anh Tuấn nhận định rằng, ở Asiad vào năm tới, Ánh Viên sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với khoảng 3,4 VĐV khác có trình độ tương đương mình, và trong những thời điểm so kè quyết định ấy, yếu tố tâm lý đóng vai trò cực lớn. 

Nhìn vào VĐV bơi lội Joseph Schooling của Singapore, không khó thấy kè kè với Schooling là một vị bác sĩ tâm lý người gốc Trung Quốc, Zhao Jinhong, và vị bác sĩ tâm lý này từng chia sẻ với báo giới: Tôi có mặt để giúp VĐV tăng khả năng nhận thức, điều chỉnh áp lực, xây dựng niềm tin.

Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ là hai trường hợp điển hình trong số khá nhiều trường hợp thi đấu không đúng sức vì lý do tâm lý. Thế nên ông Trần Đức Phấn mới cho biết: "Kết thúc SEA Games, chúng tôi đã hoạch định xong khoảng 100 VĐV được đầu tư trọng điểm cho chiến dịch săn huy chương Asiad 2018, và lần này chắc chắn sẽ có sự xuất hiện của các bác sĩ tâm lý bên cạnh các VĐV. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên chỉ có một nhóm nhỏ VĐV được các chuyên gia tâm lý này kèm cặp".

Bùi Thu Thảo cũng là một trong những niềm hy vọng Asiad.

Chờ một kỳ Asiad vượt ngưỡng

Bên cạnh các vấn đề chuẩn bị chuyên môn,  tâm lý, ông Trần Đức Phấn còn nhấn mạnh tới những công tác chuẩn bị quan trọng, thiết yếu khác như chuẩn bị dinh dưỡng, chuẩn bị về công tác trị liệu sau thi đấu... mà thể thao Việt Nam sẽ phải làm trong quá trình hướng đến Asiad tới đây.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nói thêm về vấn đề này: "Một mình ngành Thể thao chuẩn bị là không đủ. Các ngành, các địa phương có các VĐV trọng điểm khác phải cùng ngành Thể thao bắt tay thực hiện mới hy vọng có kết quả tốt. Thậm chí, sự quan tâm của Chính phủ cũng có một ý nghĩa đặc biệt lớn". 

Cả ông Phấn lẫn ông Minh đều có niềm tin rất lớn rằng với nền tảng 100 VĐV trọng điểm đang có trong tay, nếu có sự chuẩn bị bài bản, lớp lang, thể thao Việt Nam có quyền hy vọng sẽ có một kỳ Asiad 2018 thành công hơn hẳn các kỳ Asiad trước đây. 

Hoàng Anh
.
.
.