Sharapova, một tượng đài đã sụp đổ

Chủ Nhật, 13/03/2016, 11:23
Hôm thứ ba vừa qua đã diễn ra một sự kiện làm rúng động làng thể thao thế giới. Đó là việc tay vợt người Nga Maria Sharapova tổ chức một cuộc họp báo tại Los Angeles để thông báo việc mình đã dính án doping và sẽ bị cấm thi đấu trong thời gian tới.


Doping: Không biết cũng là có tội

Cụ thể, Sharapova đã bị dương tính với chất meldonium hay còn được gọi là mildronate. Dù Sharapova đã đưa ra lời xin lỗi với người hâm mộ cũng như các đối tác mà cô có hợp đồng tài trợ, đồng thời tự nhận đây là lỗi lầm của bản thân, nhưng tay vợt người Nga vẫn lí giải rằng đây đơn thuần chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn.

Sharapova trần tình rằng, cô đã sử dụng meldonium liên tục suốt 10 năm qua. Bởi bác sỹ riêng của gia đình cô đã kê đơn cho Sharapova liên quan đến tiền sử bệnh tim và đái tháo đường của gia đình tay vợt này. 

Tay vợt người Nga Maria Sharapova.

Ông John Haggerty, luật sư của Sharapova cho biết ở thời điểm năm 2006,  kiểm tra điện tâm đồ của thân chủ ông đã cho ra một kết quả bất thường. Ngoài ra, khi ấy Masha còn bị chẩn đoán suy nhược, giảm khả năng miễn dịch và có dấu hiệu bị tiểu đường. “Meldonium và các loại thuốc khác được bác sĩ của cô ấy chỉ định đề điều trị những triệu chứng này”, ông John Haggerty khẳng định.

Vấn đề nằm ở chỗ, meldonium lại mới được Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) đưa vào danh mục cấm từ đầu năm 2016 và Masha cùng cộng sự lại không để ý đến quy định này. Hậu quả là mẫu thử của Sharapova hôm 26/1 vừa qua, khi cô vượt qua Serena Williams tại tứ kết giải Australia mở rộng đã bị dương tính với chất này và Sharapova đã bị Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) cấm thi đấu từ ngày 12/3.

“Tôi đã phạm một sai lầm lớn, loại thuốc này được đưa vào danh mục chất cấm từ đầu năm 2016 nhưng tôi không biết. Giờ đây tôi phải nhận hậu quả. Dù vậy, tôi không muốn sự nghiệp của mình kết thúc theo cách này, tôi thật sự hi vọng mình còn một cơ hội để có thể thi đấu tiếp”. Masha nghẹn ngào phát biểu trong buổi họp báo được tổ chức đúng ngày 8/3. Thế nhưng, những lời bào chữa ấy của tay vợt 29 tuổi này cũng không mang nhiều giá trị. Khi mà những quy định ngặt nghèo của việc phòng chống doping hoàn toàn không có chỗ cho việc không biết.

WADA đã định lượng việc sử dụng meldonium của các VĐV từ năm 2015. Sau đó, đến tháng 7/2015, tổ chức này đã đưa ra thông báo sẽ chính thức cấm cửa chất này bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, Sharapova cùng các cộng sự của mình đã không cập nhật và bỏ ngoài tai thông báo của WADA.

Trong lịch sử làng thể thao nói chung cũng như quần vợt nói riêng đã từng chứng kiến những ca dính doping lãng xẹt, hi hữu hơn cả Sharapova. Điển hình như trường hợp của tay vợt người Pháp Richard Gasquet. Hồi tháng 5/2009, Richard Gasquet cũng đã từng bị cấm thi đấu khi mẫu nước tiểu của anh bị dương tính với cocaine. Điều đáng nói là ở thời điểm ấy, Gasquet cứ một mực kêu oan và thề sống thề chết rằng chưa bao giờ anh sử dụng ma túy. 

Bên cạnh đó, mẫu thử của Gasquet cũng cho một kết quả khá kì lạ. Nó tuy dương tính với cocaine, nhưng khối lượng chất cấm này trong mẫu thử lại rất nhỏ, chỉ tương đương với một… hạt muối. Cuối cùng, kết quả điều tra cho thấy sở dĩ Gasquet dính vào “lao lý” là do trước khi lấy mẫu thử, anh chàng này đã hôn một cô nàng không quen biết tại hộp đêm.  

Đen đủi cho chàng lãng tử người Pháp là cô gái này lại là một con nghiện và Gasquet đã vô tình gặp nạn. Nụ hôn qua đường này đã khiến Gasquet trả một cái giá rất đắt là 2 tháng bị treo vợt. Và khi trở lại, Gasquet đã có cả một năm 2009 thi đấu vô cùng chật vật, đánh đâu thua đấy.

Câu chuyện của Gasquet cho thấy sự khắt khe của các quy định liên quan đến phòng chống doping trong thể thao đỉnh cao. Mọi sự bất cẩn dù là nhỏ nhất của các CĐV đều có thể phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc từ các cơ quan quản lý. Về lý thuyết, hiện chỉ còn có một cơ hội duy nhất để  cho Sharapova có thể thoát khỏi án phạt rất nặng đang treo lơ lửng trên đầu (theo nhiều chuyên gia thì trong trường hợp xấu nhất, Masha sẽ phải nghỉ thi đấu đến 4 năm). Đấy là khi cô gái vàng của quần vợt Nga thuyết phục được WADA rằng việc cô sử dụng meldonium chỉ thuần túy vì lí do y tế. 

Bộ quy tắc đạo đức của WADA quy định, nếu VĐV buộc phải sử dụng chất cấm để điều trị bệnh, thì người này có thể được bỏ qua lỗi doping. Tuy nhiên, cũng không dễ để Sharapova thoát hiểm theo cách này. Vì Sharapova sẽ buộc phải chứng minh 2 điều: một là, cô dùng chất cấm chỉ vì yêu cầu y tế và điều thứ 2 thậm chí còn phức tạp, khó khăn hơn, đó là trên thế giới không thể có loại thuốc khác thay thế phục vụ quá trình điều trị.

Trong khi đó, meldonium lại là một loại thuốc thế hệ cũ, hiện chỉ còn được sản xuất ở một số quốc gia Đông Âu. Thuốc này không được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép lưu hành. Nghĩa là Masha có nhiều sự lựa chọn khác để điều trị bệnh, chứ không phải bắt buộc phải sử dụng meldonium.

 Vì vậy, có thể nói rằng việc hoa khôi quần vợt sẽ phải rời xa sân đấu là điều gần như khó tránh khỏi. Nhưng ngay cả khi số phận của Sharapova được định đoạt thì chắc chắn những tranh cãi xung quanh trường hợp của cô cũng còn lâu mới chấm dứt.

Sharapova có thực sự "sạch"?

Masha là cựu số 1 thế giới, là tay vợt người Nga thành công nhất trong lịch sử, đồng thời là VĐV nữ kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Nói tóm lại trước khi vụ scandal doping này xảy ra thì Sharapova thực sự là một tượng đài, một hình mẫu không chỉ trong làng banh nỉ thế giới. Cô tài năng và xinh đẹp. Thế nên, cũng dễ hiểu khi Sharapova đăng đàn tại Los Angeles nó lập tức khiến dư luận bị chia rẽ sâu sắc.

Có lẽ phải khá lâu nữa người hâm mộ mới lại được thấy Sharapova tung hoành trên sân đấu.

Một bên ca ngợi Sharapova là phụ nữ nhưng can trường, dám làm, dám chịu, dám công khai đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm. Hành động ấy được đánh giá khác hẳn với tay đua Lance Amstrong, người đã luôn nói dối, che giấu việc sử dụng doping để trở thành huyền thoại tại giải đua xe đạp Tour de France cho đến khi bị đưa ra ánh sáng.

Song ở thái cực ngược lại cũng có một bộ phận không nhỏ yêu cầu xét lại với Masha. Họ cho rằng những phát biểu của Sharapova chưa phải là tận cùng của sự thật và rất có thể thành công trên sân đấu mà cô này có được chính là nhờ sự hỗ trợ của việc dùng doping hợp pháp trong một thời gian dài.

Masha bị nghi ngờ gian dối là do như đã đề cập ở trên meldonium là một loại thuốc giá rẻ và hiện chỉ được lưu hành tại một vài quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ. Cả Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép lưu hành tại 2 thị trường này. Do đó, việc Sharapova sử dụng nó cả một thời gian dài để điều trị bệnh như cô nói được cho là không hợp lý. 

Chẳng có lý do gì một VĐV giàu có như Sharapova lại phải sử dụng một loại thuốc rẻ tiền và ít phổ biến như vậy. “Là một thầy thuốc, tôi sẽ không bao giờ kê một loại thuốc như thế”, hãng tin Reuteurs dẫn lời Giáo sư dược lâm sàng của Đại học Liverpool (Anh), ông Munir Pirmohamed ám chỉ sự ngờ vực về độ tin cậy của một loại thuốc vốn không được cả châu Âu lẫn Mỹ cấp phép lưu hành.

Điều khó hiểu hơn nữa là Masha tuy vẫn giữ quốc tịch Nga, nhưng cô đã chuyển đến sống và tập luyện tại Mỹ để theo đuổi sự nghiệp quần vợt từ khi còn là một đứa trẻ. Về mặt y khoa thì rất hiếm trường hợp bác sĩ điều trị lại kê đơn một loại thuốc mà đất nước bệnh nhân đang sống không lưu hành.

Giáo sư ngành tư pháp của Đại học Sheffield Hallam (Anh), ông Tom Bassindale còn thẳng thừng đặt vấn đề: “Sharapova sinh sống tại nước Mỹ từ khi còn rất nhỏ, điều này mang đến một câu hỏi là bằng cách nào và tại sao cô ấy lại có thể sử dụng một loại thuốc không được lưu hành tại Mỹ”.

Loại thuốc mà Sharapova sử dụng được sản xuất bởi một công ty dược phẩm Latvia có tên là Grindeks. Khi vụ việc này nổ ra, Grindeks cũng đã lên tiếng. Đại diện hãng dược phẩm này lý giải sở dĩ sản phẩm của họ không được cấp phép lưu hành tại châu Âu và Mỹ, đơn giản là do công ty này không có nhu cầu đăng ký ở 2 thị trường này. 

Theo Grindeks thì thuốc này được bào chế để điều trị những bệnh nhân mắc một số bệnh tim mạch nhất định, bao gồm đau thắt ngực, suy tim mạn tính, bệnh cơ tim và các rối loạn tim mạch khác. Bên cạnh đó, meldonium cũng có thể dùng để tăng khả năng phục hồi, giảm sự quá tải về thể chất hoặc tâm lý tình cảm của cơ thể. Meldonium cũng có giá trị trong trong quá trình phục hồi các rối loạn mạch máu não, chấn thương sọ não và viêm não.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Grindeks lại cho biết thuốc này không được chỉ định cho bệnh tiểu đường. Trong khi, trước đó luật sư của Sharapova lại nói rằng ở thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc (năm 2006), Sharapova có dấu hiệu bị tiểu đường.

Trên thực tế, meldonium là thuốc được các VĐV thể thao sử dụng khá phổ biến ở Nga và Đông Âu. Chỉ 1 ngày sau khi Sharapova tổ chức họp báo, hãng thông tấn Nga TASS cho biết, tuyển thủ bóng chuyền nam Alexander Markin, nhà vô địch trượt băng tốc độ thế giới Pavel Kulizhnikov và nhà vô địch trượt băng vòng ngắn Olympic Semen Yelistratov đều bị phát hiện dương tính với meldonium. 

Trước đó, nhà vô địch trượt băng nghệ thuật Olympic 2014 Ekaterina Bobrova cũng sử dụng meldonium ở giải Vô địch châu Âu tại Bratislava (Slovakia) hồi tháng một. Danh sách VĐV "dính chàm" còn có cua-rơ Eduard Varganov của đội Katusha.

Còn theo một nghiên cứu khoa học do Tạp chí Y học thể thao Anh (BJSM) thực hiện tại Đại hội thể thao Châu Âu được tổ chức ở Baku (Azerbaijan) hồi năm ngoái thì có đến 490 VĐV đã sử dụng loại thuốc này trong thời gian tham gia giải đấu.

Rõ ràng, rất khó có chuyện nhiều VĐV thi đấu thể thao đỉnh cao lại cùng mắc bệnh tim mạch như vậy. Điều này chỉ có thể lý giải rằng trong một thời gian dài, các VĐV đến từ Đông Âu đã lợi dụng meldonium để nâng cao thành tích thi đấu. Còn với Masha, cho đến lúc này chỉ có bản thân cô và những người thân cận mới biết liệu cô nàng xinh đẹp này có thực sự trong sạch hay không? 

Nhưng kể cả khi Sharapova không lạm dụng meldonium vì mục đích xấu thì vụ việc này không chỉ khiến hình ảnh của cô sứt mẻ, mà còn khiến cô trả một cái giá quá đắt theo đúng nghĩa đen. Bởi hiện đã có 3 nhãn hàng là Nike, Tag Heuer và Porsche quyết định ngừng hoặc không gia hạn hợp đồng tài trợ với Masha. Thậm chí, theo các chuyên gia thì tổng thiệt hại về tài chính của Sharapova có thể sẽ lên tới 140 triệu USD.

Vì sao meldonium bị cấm?

Sở dĩ meldonium bị WADA bổ sung vào danh mục cấm vì chất này có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi cũng như nâng cao hiệu suất thi đấu của các VĐV thông qua tác dụng giúp tăng khả năng vận động và lưu thông máu của nó. Và khi sử dụng một chất để hướng tới sự cải thiện hiệu suất thi đấu thì theo định nghĩa của WADA, nó đã nghiễm nhiên vi phạm tinh thần của thể thao. Chính vì vậy, sau một thời gian định lượng việc sử dụng meldonium trong giới VĐV, WADA đã quyết định chính thức bổ sung nó vào danh mục các chất cấm sử dụng trong thi đấu thể thao.
Tất Đức
.
.
.