Showbiz đang đắt show… kiện tụng!

Thứ Ba, 26/08/2014, 21:30

Lâu lâu, các nghệ sĩ cao quý của giới showbiz lại "đánh tiếng" về việc kiện tụng bên này, bên kia, đối tác này đối tác khác. Nhưng không có năm nào như năm nay, khi mà dồn dập vài ba vụ việc tập trung trong một khoảng thời gian ngắn để "đối chất" và kiện tụng nhau. Có thể nói, mùa kiện tụng bắt đầu!

Đăng Khôi kiện Zing vi phạm bản quyền nhạc Hàn

Ngày 30/7, ca sỹ Đăng Khôi, Giám đốc Công ty Việt Giải trí cho biết, đã nộp đơn lên TAND TP. HCM, kiện Công ty cổ phần VNG (chủ quản trang Zing MP3), về việc vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc của khoảng 700 nghệ sỹ Hàn Quốc, do Việt Giải trí được ủy quyền sử dụng hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, số tiền mà Công ty Việt Giải trí đòi bồi thường là 4 tỉ đồng, cho thời gian sử dụng từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014. Trước đó, Việt Giải trí đã có buổi làm việc với Zing MP3, cung cấp bằng chứng vi phạm của Zing MP3 với nguồn nhạc K-pop. Nhưng, cho đến nay Zing MP3 vẫn tiếp tục im lặng.

Câu chuyện bản quyền tại Việt Nam là một câu chuyện dài kì mà không biết nên bắt đầu từ đâu và hi vọng sẽ kết thúc như thế nào. Còn nhớ, cách đây gần 2 năm, nhạc sĩ Quốc Trung và rất nhiều cộng sự đã phát động phong trào "nghe có ý thức" để nói về thói quen nghe và những động thái tích cực của người nghe các đơn vị nghe nhạc trực tuyến trong công tác định hướng cũng như hỗ trợ nghệ sĩ trong việc kinh tế, vậy nhưng mọi chuyện như "đá ném ao bèo", khuấy động được một lúc xong lại thôi. Tương tự như vậy là rất nhiều trường hợp như Lệ Quyên cũng đã từng lên tiếng về vấn nạn này nhưng rồi lại "ngậm tăm" mà lí do của chuyện im lặng không quyết liệt đến cùng của nữ ca sĩ có lẽ đến từ chuyện những thoả thuận đã đạt được cho những quyền lợi của đôi bên.

Quay trở lại với vụ kiện của Công ty Việt Giải trí mà Đăng Khôi làm đại diện tại Việt Nam cho các nhạc phẩm Hàn Quốc, nam ca sĩ cho biết: "Vào tháng 8/2013, bên Khôi được Công ty Viettel cho phép độc quyền khai thác bản quyền nhạc số, nhạc chuông, nhạc chờ.... của Hàn Quốc tại Việt Nam. Trong đó, có bản quyền 10.000 bài hát của các ca sỹ nổi tiếng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình làm, thì bên Công ty Khôi nhận thấy Zing MP3 đã vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Công ty Việt Giải trí yêu cầu Zing MP3 thực hiện việc tôn trọng bản quyền, cũng như có trách nhiệm trả tiền bản quyền. Đồng thời, phía Công ty Việt Giải trí đã gửi 13 công văn, và có đến ba lần đến Zing MP3, song, đơn vị này vẫn đưa ra lý do để chậm trả tiền và không có ý định hợp tác bản quyền. Đã hơn một năm, nhưng Zing MP3 vẫn chưa có động thái nào, nên chúng tôi buộc phải lên tiếng. Phía Hàn Quốc cho rằng Zing MP3 là một đơn vị lớn, chiếm 2/3 thị trường nghe nhạc tại Việt Nam, nhưng lại vi phạm bản quyền, dù họ đã gửi trực tiếp các công văn đến Zing MP3. Chính cách làm này của Zing MP3 phần nào đã khiến cho hình ảnh của Việt Nam trở nên không được đẹp trước mắt bạn bè quốc tế là một điều đáng buồn".

Poster đêm diễn Khánh Ly tại Hà Nội.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến pháp lý này, phần ưu thế lại có vẻ như đang thuộc về phía Zing MP3 bởi với tấm giấy phép mạng xã hội đang có trong tay, theo đánh giá của nhiều người am hiểu Luật Bản quyền, Zing MP3 hiện đang có ưu thế khá lớn trong cuộc chiến pháp lý, chống lại các cáo buộc. Bởi mạng xã hội là nơi người dùng có quyền tự do đăng tải và chia sẻ nội dung bất kỳ. Với thao tác này, trách nhiệm pháp lý phần lớn sẽ được đẩy về phía người tiêu dùng, vốn là những người ẩn danh trên mạng xã hội. Khi có khiếu nại, Zing MP3 sẽ lập tức xác minh và tiến hành gỡ bỏ tác phẩm, hoặc khóa tài khoản người dùng.

Cũng nên nhớ rằng trong các trang nhạc số Việt, Zing MP3 là đơn vị đang nắm gần 70% thị phần nhạc số tại Việt Nam. Đây cũng là trang mạng từng dính dáng đến vụ kiện tụng vì vi phạm bản quyền. Cuối tháng 2/2014, Trung tâm Sản xuất phát hành nhạc Làng Văn (có trụ sở tại California, Mỹ), cáo buộc trang Zing MP3 sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn có bản quyền. Theo lý giải của Zing MP3, thì do cộng đồng người sử dụng tự đưa lên hệ thống. Và chính người tiêu dùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền.

Cuộc chiến pháp lý này chắc chắn sẽ khó có hồi kết ngay được, tuy nhiên, lên tiếng cũng đã là một động thái đáng ủng hộ cho một môi trường làm việc ngày càng văn minh hơn.

Chuyến trở về lùm xùm của một danh ca

Khánh Ly, một tên tuổi lớn của nền thanh nhạc Việt với minh chứng tên của bà đã đi vào rất nhiều ca khúc như ví dụ về tính giải trí một thời, vừa trở về nước và thực hiện một loạt đêm nhạc tại Hà Nội và Đà Nẵng. Nếu như chuyến trở về của vài tháng trước suôn sẻ thì cuộc trở về của tháng 8/2014 lại đậm màu "tiền bạc" và những rắc rối xung quanh câu chuyện về cách ứng xử với những nhạc phẩm của vị nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn.

Poster phim “Mất xác”.

Sự việc cụ thể được các báo đưa tin như sau: Khoảng 19h45 ngày 8/8/2014, nhạc sĩ Phó Đức Phương bất ngờ xuất hiện tại sảnh Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng - nơi sắp diễn ra đêm nhạc đầu tiên của nữ danh ca Khánh Ly ở thành phố miền Trung. Phó Đức Phương bay đến Đà Nẵng ngay trong đêm diễn với mục đích gặp Ban tổ chức. Khi thấy nhạc sĩ, thành viên Ban tổ chức mau chóng mời ông vào phòng riêng để trao đổi. Tại phòng riêng, ngay từ những phút đầu, nhạc sĩ Phó Đức Phương khá lớn tiếng khi giải thích sự có mặt của mình ở Đà Nẵng trong vai trò Giám đốc Trung tâm  Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), đại diện các chủ sở hữu tác quyền ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc Khánh Ly.

Khi thành viên Ban tổ chức hỏi vì sao Phó Đức Phương không hẹn trước để trao đổi mà lại xuất hiện ngay trong đêm nhạc, nhạc sĩ cho biết, cực chẳng đã ông mới phải đến đây vì nếu không làm vậy thì ông chưa tròn trách nhiệm trước 3.000 tác giả trong nước, hàng triệu tác giả thế giới và trước luật pháp. Nhạc sĩ khẳng định, Nhà nước có chỉ thị các Ban ngành ở các thành phố phải làm một cách quyết liệt, phải kiểm tra thường xuyên, đột xuất tình hình vi phạm tác quyền.

Điều đáng nói ở đây rằng việc vị nhạc sĩ già phải bay vào Đà Nẵng để gặp đại diện Ban tổ chức là lần thứ 2 ông đến trực tiếp nơi diễn ra đêm diễn để làm lớn mọi chuyện sau đêm đầu tiên của Khánh Ly tại Hà Nội. Vậy nhưng, những thoả thuận từ đêm diễn tại Hà Nội vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để đến mức đêm diễn tại Đà Nẵng lại một lần nữa vướng những lùm xùm. Vấn đề rõ ràng thì cũng chỉ chung quy về chữ "Tiền". Bởi, ở trường hợp show Khánh Ly, VCPMC quyết định chỉ lấy 5% trong số 40% doanh thu bán vé nhằm tạo điều kiện cho phía tổ chức làm quen với luật tác quyền. Theo đó, số tiền đơn vị tổ chức show Khánh Ly phải trả là khoảng 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế, theo công thức 5% x 40% số vé x 2,4 triệu đồng tiền vé trung bình. Tuy vậy, sau buổi làm việc ngày 4/8, ban tổ chức cho biết, họ thấy rằng thỏa thuận này chưa hợp lý nên chưa tiến hành thanh toán.

Poster phim “Scandal 2”.

Phàm là nghệ sĩ hay người thường, nếu bình thường không sao nhưng nếu cứ vi phạm đến "quyền lợi" của nhau thì mọi chuyện sẽ phải "hai năm rõ mười" và thực cảnh đi đòi nợ nhau trong một hoạt động văn hoá được chờ đợi như trên, xem ra cũng thật cám cảnh.

Những tuyên bố hùng hồn của một vụ kiện "trái khoáy"

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, điện ảnh Việt sẽ gần như cùng một lúc có hai bộ phim sản xuất trong nước được ra mắt báo giới và khán giả. Điều kì lạ ở chỗ cả hai bộ phim chọn cùng một đề tài, lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật và phát hành sát thời điểm nhau nên mọi chuyện vì thế cũng li kì hấp dẫn như những vụ án. Đó là hai tác phẩm: Scandal 2 - Hào quang trở lại của Victor Vũ và Mất xác của Đỗ Thành An.

Ly kì ở chỗ cả hai bộ phim chưa chính thức ra rạp nhưng thông qua trailer thì những trong cuộc đã có động thái "hăm he" doạ kiện nhau về chuyện "ăn cắp bản quyền". Người "nổ súng" đầu tiên chính là đạo diễn ít tên tuổi Đỗ Thành An của Mất xác khi anh trả lời truyền thông rằng: "Tôi cũng không biết là có hay không chuyện kịch bản bị lộ và bị một đạo diễn hay tác giả nào đó lấy ý tưởng rồi xào nấu thành một phim khác. Nhưng tôi nghĩ việc phải gửi kịch bản cho nơi này nơi khác đọc có thể làm xảy ra chuyện đạo phim. Tôi chưa muốn bình luận cụ thể gì về điều này, vì nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu phim và uy tín của tôi lẫn của Victor Vũ.

Victor Vũ là một đạo diễn có tài, cả hai phim chưa ra mắt, nên chưa biết như thế nào, hãy để khán giả nhận xét sau khi xem cả hai phim". Động thái "đánh phủ đầu" của vị đạo diễn này được xem là khá dữ dằn nhưng bên cạnh đó, nếu có nói Mất xác đang đu bám vào danh tiếng của Victor Vũ để PR cho sản phẩm sắp ra rạp của mình cũng không phải là không có cơ sơ,ã bởi suy cho cùng chẳng ai biết Đỗ Thành An là ai và quá trình quay Mất xác cũng im lìm đến đáng sợ để bỗng một ngày đẹp trời thấy xuất hiện thông tin kiện tung trên báo. Rõ ràng, đến thời điểm này thông tin về bộ phim Mất xác đã được biết và để ý hơn rất nhiều.

Thế nhưng, nếu có kiện chắc cũng chẳng thể ra ngô ra khoai bởi cả hai đều chưa được xem tác phẩm của nhau, những kẽ hở trong việc bảo vệ tác phẩm là điều cá nhân cần xem lại chứ không phải trách móc những nơi khác đã đánh cắp niềm tin của mình. Thêm vào đó, chi tiết quan trọng hơn, cả hai đã xin phép gia đình nạn nhân trong vụ án đó để đưa câu chuyện của họ vào tác phẩm của mình chưa hay âm thầm làm và dựa trên tính li kì của vụ án đang được cả xã hội quan tâm để tạo dựng tên tuổi, mưu cầu những lợi ích cá nhân?

Kiện để minh bạch trắng đen, kiện để rõ phải trái đúng sai là điều ai cũng hoan nghênh trong một xã hội văn minh. Nhưng, trong một môi trường làm việc với đầy cảm tính, với những cái bắt tay dưới gầm bàn và mọi thứ đều có thể thoả thuận sau tấm màn nhung với những toan tính của hai bên như đang có trong showbiz Việt thì kiện tụng đôi khi lại là một "phép cộng" cho những chiến dịch quảng bá sản phẩm, tên tuổi cá nhân ai đó. Vậy nên, đừng trách ai nếu như bạn bị/ được mang những nghi ngờ trong mắt độc giả bởi tính mục đích của những vụ kiện. Và, cũng chớ dại kiện khán giả vì "ai cho bạn nghi ngờ tôi!"

Đức Thành
.
.
.