Raheem Sterling - Chặng đường từ Livepool đến Man City:

Siêu sao showbiz

Thứ Hai, 23/11/2015, 21:00
Câu chuyện về tiền đạo trẻ Raheem Sterling đã được nói rất nhiều, nhưng khi anh gặp lại CLB cũ Liverpool vào cuối tuần này, cái tên này lại được nhắc tới, như một cầu nối giữa hai đại gia của Premier League. Trận đấu này sẽ không chỉ dừng lại ở một cuộc đại chiến, mà nó còn mang ý nghĩa với tài năng trẻ xuất sắc nhất nước Anh hiện tại. Và đó cũng chính là câu chuyện mà Premier League muốn kể về cầu thủ đắt giá này!

1. Chỉ sau 2 năm ở đội 1 của Livepool, Sterling "bỗng dưng" nổi tiếng", trở thành gương mặt showbiz được săn đón hàng đầu ở nước Anh. Chưa có danh hiệu nào, chưa có thành tích xuất sắc, cũng chẳng tạo được điều thần kì nào kiểu như "thay đổi thế giới" hay đại loại thế, nhưng Sterling lại là "sản phẩm truyền thông" xuất sắc.

Mới chưa đầy 20 tuổi, Sterling trở thành cầu thủ được săn đón ở mọi CLB lớn, nhưng chỉ trong nội địa nước Anh. Và sau nhiều cuộc tranh chấp nảy lửa, Sterling thuộc về gã nhà giàu Man City với cái giá lên đến gần 50 triệu bảng Anh, bất chấp những lời dè bỉu, nghi ngờ và cả chửi bới của dư luận, các CĐV Liverpool và những nhà chuyên môn.

Mới 20 tuổi, Sterling trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất mọi thời đại của bóng đá Anh, một hiện tượng khó giải thích, chỉ biết 1 nguyên nhân duy nhất rằng… anh có tiềm năng. Và cuộc sống của Sterling cũng trải qua những biến động lên đến cực điểm, với sức ép có thể giết chết bất kì ngôi sao nào, chứ đừng nói đến một "cậu bé" mới 20.

Tháng 2/2010, lần đầu tiên CĐV Liverpool nghe đến cái tên Sterling. Đó là bước ngoặt đầu tiên khi Liverpool loại hàng loạt ông lớn để mua cầu thủ 15 tuổi này về với giá 500.000 bảng. Hai năm sau, Sterling lần đầu được ra sân tại giải Ngoại hạng Anh khi mới 17 tuổi 107 ngày. Nhưng phải 2 năm sau nữa, tức là năm 2014, Sterling mới thực sự là cầu thủ chính thức của Liverpool và đó cũng là lúc Sterling cất cánh thành một ngôi sao, với công cụ hỗ trợ là giới truyền thông.

Sterling trong màu áo Man City sẽ đối đầu CLB cũ Liverpool cuối tuần này.

Cuộc sống của Sterling ngày ấy ở Liverpool đã là một thế giới khác hoàn toàn với thời thơ ấu. Một ông hoàng tuổi niên thiếu, chẳng thiếu bất kì thứ gì. Gia đình, một vợ, một con, một căn biệt thự, rất nhiều xe hơi sang trọng và cả một cuộc sống sung túc.

Đó là điều đương nhiên cần có ở một ngôi sao ở xứ sở sương mù, bất chấp anh ta bao nhiêu tuổi. Con đường mà Sterling cũng chẳng khác gì so với những đàn anh "sao số" khác. Trở thành niềm hi vọng mới của Livepool, rồi ĐTQG Anh, rồi đòi tăng lương, đòi ra đi, scandal… Tất cả đều có ở Sterling trước khi đến với thế giới còn khác biệt hơn nữa ở Manchester.

Với lượng tiền không giới hạn của Man City, Sterling có mặt ở SVĐ Etihad với vầng hào quang chói lọi kèm theo rất nhiều tiền. Mức lương tăng gấp 7 lần, đạt 200.000 bảng/tuần, cùng phí chuyển nhượng kỉ lục dành cho cầu thủ U23. Và lại một bước ngoặt mới diễn ra, cuộc sống thay đổi, và đẳng cấp cũng theo đó mà đổi thay.

Đôi giày của Sterling mang thương hiệu RS7.

2. Riêng câu chuyện Sterling "dám" rũ bỏ Liverpool rất chóng vánh để đến Manchester thôi cũng là một "cuốn phim" li kì đến rùng rợn. Ai cũng biết CĐV ở thành phố Liverpool (gồm 2 CLB nổi tếng Everton và Liverpool) vô cùng "đầu gấu". Hay nói nôm na, rất nhiều trong số đó là những băng đảng khét tiếng. 

Nhiều người còn nhớ vụ Rooney chuyển từ Everton sang ManUtd đã bị tấn công thế nào. Rooney bị dọa dẫm cắt gân chân, từng bị đặt bom xăng dưới gầm xe riêng, bị khủng bố tinh thần… Rồi Steven Gerrard, huyền thoại của Liverpool cũng từng bị săn đuổi trên quốc lộ như phim hành động, bị ném máu cừu vào nhà, bị đe dọa thủ tiêu gia đình… Nhưng rất nhanh chóng, Sterling đến Man City bất chấp sự chửi rủa và đe dọa của CĐV Liverpool.

Với một cầu thủ trẻ, áp lực tâm lí khi rời đội bóng làm nên tên tuổi của mình là điều không dễ gì vượt qua. Khi có tin Sterling sẽ ra đi, chỉ trong vòng 1 giờ, anh nhận hơn 10.000 tin nhắn trên tài khoản Twitter, hơn 5.000 thông điệp trên Instagram, đe dọa có, chửi rủa có, phỉ báng có và khủng bố tinh thần đương nhiên cũng có. Rất nhiều lời nhắn gửi đặc mùi thù hận được đưa ra, nhưng Sterling vẫn tỉnh bơ bỏ tập, bỏ du đấu cùng Liverpool để nỗ lực đẩy nhanh quá trình đàm phán kí hợp đồng với Man City. Thậm chí, một số huyền thoại của Liverpool còn lên tiếng cảnh báo Sterling vì sự tức giận của CĐV đã lên đỉnh điểm, với cái gọi là "kẻ phản trắc". Nhưng kệ. Sterling tiếp tục con đường của mình như một lẽ tự nhiên, tài năng phải tìm đến nơi có khát vọng lớn.

Sterlling khi còn thi đấu cho Liverpool.

Và rồi ngày Sterling đến Man City cũng diễn ra, đó là ngày CĐV Liverpool đốt áo, thậm chí "để tang" cầu thủ vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Sự đối mặt của một cầu thủ 20 tuổi trở thành "điều thần kì", và đó cũng là thước đo đánh giá bản lĩnh của một tài năng. Và ngay lập tức, Sterling ở một đẳng cấp siêu hạng, thậm chí còn nhỉnh hơn cả Rooney. Bước chân đầu tiên của Sterling ở Man City được soi kĩ càng, và cuộc sống của anh cũng vậy. Vẫn là một ông hoàng, một siêu sao showbiz. Nhưng ở đây, Sterling tự đặt mình ở một tầm cao hơn. Không dừng lại ở cuộc sống và sự giàu có, Sterling bắt đầu học theo những đàn anh như C.Ronaldo, Beckham…

Đó là hành trình xây dựng một thương hiệu, thương hiệu RS7. Đó là tên của con gái anh: Melody-Rose ghép với tên Sterling, cùng số áo anh mặc tại Man City (số 7). Thương hiệu này đã xuất hiện trên sản phẩm giày của hãng Nike, hãng mà Sterling kí hợp đồng làm đại diện thương hiệu.

Từ ngày đến Man City, thu nhập của Sterling tăng 7 lần từ lương, 2 lần từ quảng cáo, hình ảnh. Và mỗi năm anh bỏ túi cỡ 17 triệu bảng. Dự kiến, nếu tiếp tục thăng tiến và đầu tư cho thương hiệu RS7, trong 5 năm nữa có thể Sterling sẽ kiếm về mỗi năm không dưới 30 đến 40 triệu bảng. Chưa nói đến bóng đá hay danh hiệu lớn, chỉ cần khoản thu nhập đó thôi đã làm đổi đời một cầu thủ 20 tuổi.

3.Quá trẻ đã đạt đến tầm của Beckham, C.Ronaldo khi đã thành danh ở tầm 24, 25 tuổi, Sterling đã tạo ra bước đột phá về cả giá tị thương mại, giá trị chuyên môn và hình ảnh. Để có được điều đó, phía sau Sterling là cả một ekip hỗ trợ, từ tư vấn hình ảnh, ứng xử người đại diện, phát ngôn và hệ thống những người hỗ trợ về chuyên môn, bác sĩ…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bóng đá, và những đóng góp ở Man City cũng như sự phát triển sự nghiệp của Sterling đến đâu lại là dấu hỏi. Dù trận đấu Man City và Liverpool vẫn là trận đại chiến, nhưng trong lịch sử, họ chẳng có thù hằn gì với nhau, cũng chẳng hề được coi là cuộc đấu kinh điển. Nhưng bây giờ, với sự phát triển của những nhà đầu tư tỷ phú, họ là đối trọng lớn. Và với Sterling, đây thực sự là trận chiến của đồng tiền, sự cạnh tranh giữa kẻ "đi buôn" và gã trên tiền.

Có một điều đáng ngại cho Sterling, đó là cái dớp của những ngôi sao Liverpool. Tất cả những tên tuổi lớn từng khoác áo cả Liverpool lẫn Man City đều có điểm chung: không thành công ở Man City, như Robbie Fowler, Dietmar Hamann, Nicolas Anelka…

Vậy Sterling sẽ làm gì để thay đổi lịch sử, thay đổi sự nghiệp và số phận của mình? Có lẽ, bước đầu sẽ là trận đấu gặp chính CLB cũ của anh, Liverpool! 

Những người khoác áo cả Liverpool và Man City

Không nhiều ngôi sao khoác áo cả hai CLB Liverpool và Man City, nhưng những người đến thực hiện hành trình đó đều là những ngôi sao lớn. Đầu tiên phải kể đến Hamann. Sau khi thành công rực rỡ cùng Liverpool với đỉnh cao là chức VĐ Champions League 2005, tiền vệ người Đức sang Man City năm 2006 và trải qua 3 năm ảm đạm trước khi giã từ sự nghiệp. Tiếp theo là Daniel Sturridge.

Trưởng thành từ lò Man City, sau đó là Chelsea, nhưng phải đến khi tới Liverpool, Sturridge mới thực sự tỏa sáng. Thương vụ "đau" nhất của Man City là Anelka. Được PSG cho Liverpool mượn, nhưng tại đây, tiền đạo người Pháp lại chơi rất hay. Man City quyết mua Anelka với giá 13 triệu bảng vào năm 2002. Và đó là bản hợp đồng đến giờ người ta vẫn không xác định được là nó thành công hay thất bại.

Hai huyền thoại của Liverpool là McManamann và Fowler lại đi theo con đường hệt nhau: thành công rực rỡ và là những biểu tượng của Liverpool. Và khi sang Man City, họ gần như chỉ "dưỡng già" và không có bất cứ dấu ấn nào.

Lê Giang
.
.
.