Son Heung-min: Xin đừng gọi anh là "chàng trai mít ướt"

Thứ Bảy, 28/12/2019, 11:07
Son Heung-min thêm một lần đổ lệ trên sân cỏ sau khi nhận tấm thẻ đỏ rời sân trong trận đấu giữa Tottenham và Chelsea. Lập tức, cộng đồng mạng lật lại những khoảnh khắc mà cầu thủ người Hàn Quốc bật khóc giữa trận đấu và đặt cho anh biệt danh "mít ướt".


Nhưng nếu nhìn vào hành trình trở thành một ngôi sao bóng đá của Son Heung-min, bạn sẽ thấy rằng chàng trai hay rơi lệ đó đích thực là một trong những người đàn ông mạnh mẽ nhất thế giới bóng đá.

Câu chuyện ở "Little Seoul"

Ngồi trong tiệm làm tóc của bố mẹ mình, cậu nhóc Min-kyu có vẻ chẳng quan tâm gì đến sự đời khi vùi mặt vào trò chơi điện tử yêu thích. Mặc bộ đồ bóng đá màu xám, hai chân của Min-kyu nhấp nhổm theo diễn biến trên màn hình, mặc kệ tiếng tông đơ và mùi thuốc xịt tóc tràn ngập khắp căn phòng.

Son Heung-min được xem là “anh hùng dân tộc” ở Hàn Quốc.

Tiệm làm tóc của bố mẹ Min-kyu nằm ở New Malden, vùng ngoại ô phía Tây Nam London, nơi có khoảng 9.000 người Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc sinh sống. Nằm cách ga Waterloo của London chỉ hơn 20 phút đi tàu, vùng ngoại ô đầy lá New Malden là nơi có cộng đồng người Hàn Quốc lớn nhất ở Anh. Nơi đây được cộng đồng người Hàn Quốc ở Anh gọi là "Little Seoul", dày đặc những cửa hàng do người Hàn Quốc làm chủ.

Quay trở lại với Min-kyu, thứ duy nhất làm cậu bé rời khỏi trò chơi điện tử là khi ai đó nhắc đến Mr Son. Đôi mắt cậu sáng bừng lên. Giống như tất cả những người đồng hương của Min-kyu ở New Malden, Mr Son là niềm tự hào dân tộc, là niềm cảm hứng của tất cả mọi người. Mr Son, chính là Son Heung-min.

Nếu bạn đến với Little Seoul, cách để làm quen với người bản địa nhanh nhất là nói về cầu thủ của Tottenham. Đối với họ, Mr Son như một người thân trong gia đình. You Mie, con gái chủ quán thịt nướng You Me trong Little Seoul, hào hứng: "Son đến đây ăn rồi nhưng tiếc là tôi không có ở đây hôm đó. Nghe mọi người kể lại là anh ấy rất thích thịt nướng".

You Mie, một nhà báo thể thao và khi có thời gian rảnh phục vụ bán thời gian tại nhà hàng của cha mẹ cô ở New Malden, đã dành vài năm qua để viết về hành trình thành công của Son Heung-min. Cô kể: "Tôi không hiểu sao số điện thoại của mình lại được nhiều người biết đến như vậy. Hàng tuần có hàng chục người hỏi xin những tấm vé vào sân xem bóng đá".

Daniel Kim, ông chủ của đại lý du lịch Sukchan, sẽ kể chi tiết hơn: "715 bảng cho một chuyến bay từ Hàn Quốc đến London xem Son thi đấu, chưa tính ăn uống đi lại và vé vào sân. Và có những người từ Hàn Quốc đến Anh xem xong trận đấu là về luôn!".

Những đứa trẻ ở New Malden được Son Heung-min truyền cảm hứng đặc biệt, chúng mặc áo in tên anh ở bên trong đồng phục, kiểu như một style mà ai không theo kịp sẽ rất "quê". Hầu hết trong số những cậu bé Hàn Quốc lớn lên tại Little Seoul như Min-kyu đều có thẻ kể vanh vách những chiến công của Mr Son trên sân cỏ.

Người dân Little Seoul yêu bóng đá, nhưng không bằng yêu Mr Son. Nhiều người tuyên bố rằng đội bóng hâm mộ của họ sẽ là CLB mà Son khoác áo, bất kể đó là đội bóng nào. Sam Ji, một thợ cắt tóc, từng ủng hộ M.U khi họ có Park Ji-sung trong đội hình nhưng giờ tự hào nhận là fan Tottenham. Hoil Chol, nha sĩ, bảo rằng chẳng có gì buồn cười nếu chuyển từ hâm mộ Spurs sang làm fan của Arsenal, nếu một ngày "Pháo thủ" ký được hợp đồng với Son Heung-min!

Chàng trai của những điều kỳ diệu

Điều gì đã biến Son Heung-min trở thành một thần tượng, còn hơn thế, một biểu tượng không chỉ trong cộng đồng Hàn Quốc tại New Malden mà ở khắp nơi trên thế giới?

Nếu thường xuyên theo dõi các trận có Tottenham, bạn sẽ thấy rằng ngay cả khi trận đấu đã kết thúc cả tiếng đồng hồ một số ít CĐV vẫn ngồi trên ghế của họ, nhìn chằm chằm vào sân, không muốn rời đi. Một vài người trong số họ nắm chặt Taegukgi, lá cờ của Hàn Quốc. Những người khác đã vẽ nó trên khuôn mặt. Một vài chiếc áo khác được in số 7. Hầu hết trong số họ nói rõ rằng họ đến gặp Son Heung-min. Họ yêu mến anh, đúng nhưng chưa đủ, họ coi anh là người hùng dân tộc.

Son không phải là người Hàn Quốc đầu tiên chơi ở Premier League, nhưng ảnh hưởng của anh đang được cảm nhận một cách sâu rộng. Park Ji-sung, người đã giành 4 chức vô địch Premier League và Champions League châu Âu với Manchester United từ năm 2005 đến 2012 là "tiên phong", nhưng thành tích của Park thường bị lu mờ khi đặt bên cạnh những người đồng đồi như Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney.

Sinh năm 1992 ở Chuncheon, phía Đông Bắc thủ đô Seoul, Son bắt đầu hành trình tại châu Âu của mình ở Đức khi gia nhập đội trẻ của Hamburg SV năm 2008 và mất 2 năm để ra mắt đội 1. Sau ba mùa giải chơi cho Hamburg và có được 20 bàn, Son đã thuyết phục Bayer Leverkusen chiêu mộ anh với mức giá 11,23 triệu đôla (10 triệu euro) vào năm 2013, một kỷ lục của CLB.

Trong mùa giải đầu tiên chơi cho Leverkusen, tuyển thủ Hàn Quốc ghi 12 bàn trong 43 trận, và giúp đội bóng giành suất tham dự Champions League. Roger Schmidt, HLV của Leverkusen gọi anh là một siêu sao còn các CĐV đội bóng Đức xem Son là một thần tượng mới của đội bóng. Mauricio Pochettino, khi đó đang dẫn dắt Southampton, đã muốn ký hợp đồng với cầu thủ Hàn Quốc nhưng ông chỉ thành công khi chuyển tới Tottenham.

Thành công của Son đến từ sự khổ luyện và thái độ chuyên nghiệp

Tại Spurs, tài năng của Son Heung-min lên một tầm cao mới. Nhưng ít người biết rằng sau mùa giải đầu tiên, Son đã từng gõ cửa phòng của HLV Pochettino xin cho về Đức bởi cảm thấy xa lạ với cuộc sống tại London. Ở Đức, Bayern Munich luôn sẵn sàng mở rộng cửa để đón Son.

Nhưng niềm tin của Pochettino và… Little Seoul đã giúp Son có thêm động lực để ở lại với "Gà trống". Tại New Malden, Son cảm thấy ấm áp khi được nói chuyện với những người đồng hương, ăn những món ăn quen thuộc ở quê nhà. Và điều quan trọng nhất, anh nhìn thấy được sự hy vọng mà những người Hàn Quốc đặt vào mình.

Thành tích của Son tốt dần lên. Sau mùa giải đầu tiên chỉ có 8 bàn thắng cho Tottenham trên mọi đấu trường, mùa 2016/17 anh ghi tới 21 bàn, 2017/2018 là 18 bàn và mùa giải trước là 20 bàn. Những khoảnh khắc tỏa sáng của Son ngày càng nhiều hơn. Mùa trước, anh là cầu thủ đầu tiên ghi bàn trên SVĐ mới của Tottenham và tỏa sáng trên hành trình đưa đội bóng vào chung kết Champions League với 3 bàn thắng vào lưới Man City ở trận tứ kết.

Khi Mourinho tiếp quản đội bóng từ tay Pochettino, ông xếp Son vào danh sách những ngôi sao trụ cột của Spurs bên cạnh Harry Kane, Dele Alli và Eriksen, những người mà ông "muốn cũng không mua được" khi còn dẫn dắt M.U. Và cũng chính ngôi sao Hàn Quốc là người ghi bàn thắng đầu tiên trong triều đại của "Người đặc biệt" ở Tottenham.

Câu chuyện về Mr Son chắc chắn sẽ còn được nối dài.

Xóa bỏ định kiến về cầu thủ châu Á

Vào mùa hè năm 2013, Bayer Leverkusen không còn nhà tài trợ chính. Thỏa thuận của CLB với nhà cung cấp năng lượng mặt trời Sunpower đã hết hạn và họ đang phải vật lộn để tìm người thay thế. Tháng 6 năm đó, với chi phí 10 triệu euro (khoảng 11,1 triệu USD), Leverkusen đã ký hợp đồng với Son từ Hamburg. Vào tháng 8, Leverkusen đã đồng ý hợp đồng quảng cáo trên áo đấu 3 năm với LG, công ty điện tử của Hàn Quốc. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Son sẽ trở thành đại sứ thương hiệu cho LG Electronics. Khi Son ký hợp đồng với Tottenham vào năm 2015, cùng năm đó LG kết thúc hợp đồng tài trợ với Leverkusen

Bóng đá châu Âu từ lâu đã xem việc chiêu mộ các cầu thủ đến từ Đông Á chủ yếu là bởi một trong hai mục tiêu. Một là một chiến lược tiếp thị: không chỉ đơn giản là chiếm được cảm tình và sự chú ý của đông đảo khán giả ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc mà còn thu hút các nhà tài trợ từ các thị trường đó.

Mục tiêu khác, có lẽ được minh họa rõ nhất qua trường hợp của Park Ji-sung, cựu tiền vệ của M.U. 7 năm ở M.U, Park được nhớ đến như một cầu thủ chăm chỉ, chuyên nghiệp, kỷ luật. Anh thường xuyên được góp mặt ở những trận đấu quan trọng của "Quỷ đỏ", nơi sự bền bỉ của Park được sử dụng để khắc chế cầu thủ tài năng nhất bên phía đối phương.

Park, và sau này là Son Heung-min đã cho thấy một hình ảnh khác của các cầu thủ châu Á. Họ có thể đứng vững và tồn tại ở những môi trường khắc nghiệt nhất bằng chính năng lực của mình, trong đó, nỗ lực phấn đấu và sự chuyên nghiệp là những yếu tố được đánh giá cao nhất. Mauricio Pochettino, cựu HLV Tottenham, so sánh Son Heung-min với một cục pin vĩnh cửu. Trong khi đó Roger Schmidt, HLV cũ của Son tại Leverkusen kể lại rằng sau mỗi buổi tập, khi các đồng đội ngồi chơi Play Station thì Son vẫn ở lại để tập dứt điểm. Kỹ năng chơi bóng tốt bằng cả hai chân của ngôi sao Hàn Quốc chính là sản phẩm của sự khổ luyện.

Đơn Ca
.
.
.