Stan Kroenke hoàn toàn sở hữu Arsenal: "Pháo thủ" trở lại thành công hay thất bại?

Chủ Nhật, 12/08/2018, 11:21
Tỷ phú Stan Kroenke đã chính thức hỏi mua 30% cổ phần tại Arsenal, với giá trị ước tính 600 triệu bảng Anh từ tỷ phú Alisher Usmanov. Ngay lập tức, lời hỏi mua này được chấp thuận. Liệu dưới thời kỳ mới này, Arsenal có được đầu tư để trở lại vinh quang như 15 năm trước, hay sẽ tiếp tục chuỗi thành tích bết bát thời gian qua?


Cổ đông nhỏ thành cổ đông lớn

Stan Kroenke hiện đang sở hữu 67% cổ phần tại Arsenal. Tuy nhiên, quá trình thâu tóm hoàn toàn đội bóng này của tỷ phú Mỹ gặp khó khăn vì một tỷ phú khác cản trở, Alisher Usmanov. Vị tỷ phú Nga này sở hữu khoảng 30% cổ phần của Arsenal, nhưng trên thực tế ông có tài sản giàu gấp đôi Kroenke (16 tỷ đô la so với 8,1 tỷ đô la). Usmanov cũng muốn sở hữu Arsenal, đó là lý do quá trình thâu tóm CLB này của ông chủ Mỹ bị cản trở.

Lời hỏi mua 30% cổ phần của Usmanov được Kroenke đưa ra có giá trị 600 triệu bảng Anh. Điều đó có nghĩa Arsenal hiện được định giá vào khoảng 1,8 tỷ bảng. Con số này đã tăng 3 lần so với 8 năm trước, thời điểm Kroenke bắt đầu mua cổ phần của Arsenal để sở hữu đội bóng này. Nếu thương vụ hoàn tất tốt đẹp, Kroenke sẽ chính thức thâu tóm toàn bộ Arsenal sau 10 năm đầy tham vọng.

Kroenke chuẩn bị nắm quyền sở hữu hoàn toàn Arsenal.

Vì sao Usmanov chịu bán lại số cổ phần ông sở hữu tại Arsenal? Có nhiều lý do giải thích cho nguyên nhân đó. Thứ nhất, khoản đầu tư mua lại cổ phần Arsenal trước kia đã sinh lời lớn. 10 năm trước, Usmanov đã chi ra khoảng 125-150 triệu bảng để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Arsenal. Nay tỷ lệ đó đã nhân giá trị lên 4 lần. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc Usmanov không thể mua thêm cổ phần từ Arsenal để hoàn toàn sở hữu CLB. Trong cuộc chiến này, Kroenke là người bền bỉ hơn, và ông đã giành chiến thắng.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ thành tích hiện tại của Arsenal. Kể từ thời điểm Usmanov đầu tư vào đội bóng từ năm 2007, thành tích của Arsenal cứ ngày một giảm và không cho thấy dấu hiệu tiến bộ. Lần gần nhất họ vô địch Premier League đã xảy ra từ 14 năm trước. Arsenal không giữ chân được những trụ cột như Van Persie, Sanchez và Fabregas, buộc phải bán họ đến những CLB lớn hơn. Hậu quả là Arsenal đã không thể giành vé dự Champions League 2 năm qua.

Nguyên nhân cuối cùng khiến Usmanov quyết định từ bỏ Arsenal chính là huấn luyện viên Arsene Wenger chính thức rời CLB sau 22 năm dẫn dắt. Wenger là biểu tượng thành công của đội bóng, và khi ông rời đi, Arsenal hoàn toàn có thể sa sút, hỗn loạn giống như Man Utd thời hậu Ferguson. 

Ngài Ferguson đã giải nghệ 5 năm, và đến nay Man Utd vẫn chưa thể tìm được HLV nào xứng đáng thay thế ông. Trước nguy cơ bất ổn về mặt thành tích cũng như nhân vật trên băng ghế huấn luyện của Arsenal, Usmanov đã chính thức từ bỏ tham vọng thâu tóm đội bóng này.

Thân phận tỷ phú của Kroenke

Nếu thành công trong việc mua cổ phần của Usmanov, Kroenke sẽ nắm giữ 97% cổ phần tại Arsenal. 3% còn lại do các cổ đông nhỏ nắm giữ, nhưng đó không phải nỗi lo thuộc về người hâm mộ Arsenal. Họ nên lo lắng hơn từ việc Kroenke mua cổ phần. Thương vụ có giá trị 600 triệu bảng Anh, nhưng Kroenke chỉ trực tiếp chi ra vỏn vẹn... 43 triệu. 557 triệu bảng còn lại được ông vay từ ngân hàng Deutsche Bank của Đức.

Usmanov từng muốn sở hữu Arsenal nhưng lại từ bỏ.

Cách thức Kroenke thâu tóm hoàn toàn Arsenal không khác gì cách nhà Glazers mua lại Man Utd thời điểm 15 năm trước. Để sở hữu đội bóng này, nhà Glazers cũng đi vay tiền ngân hàng để mua cổ phần. Kết quả là khi họ hoàn toàn sở hữu đội bóng, số tiền nợ hoàn toàn được chuyển qua cho Man Utd gánh với danh nghĩa khoản vay đầu tư vào đội bóng. Đó là lý do Man Utd trở thành con nợ và liên tục phải kiếm hợp đồng tài trợ mới suốt 10 năm qua.

Nếu cần huy động thêm nguồn tiền đầu tư, Stan Kroenke hoàn toàn có thể nhờ... gia đình vợ hỗ trợ. Vợ ông là bà Ann Walton Kroenke, người thừa kế tập đoàn bán lẻ Walmart. Số cổ phần bà nắm giữ tại Walmart hiện có giá trị khoảng 6 tỷ đô la. Tuy nhiên các ông chủ Mỹ như Kroenke và Glazers không giống những ông chủ Ả Rập đang sở hữu Man City.

Thay vì đổ tiền đầu tư lâu dài, họ muốn thấy khoản chi của mình nhanh chóng sinh lời trong vài ba năm sau khi rót tiền vào. Đó là lý do Arsenal sau 7 năm từ khi Kroenke trở thành cổ đông lớn nhất vẫn không thể cạnh tranh chức vô địch Premier League với Man Utd, Man City hay Chelsea, thậm chí còn bị các CLB này xâu xé cầu thủ đội hình chính.

Bản thân Kroenke cũng không chỉ có một mình Arsenal là CLB thể thao duy nhất. Ông còn sở hữu đội bóng đá Colorado Rapids thi đấu tại giải nhà nghề Mỹ MLS, và đội thể thao điện tử Los Angeles Gladiators. Ngoài ra, Kroenke còn gián tiếp nắm quyền quản lý đội bóng rổ Denver Nuggets thi đấu tại NBA, cùng đội khúc côn cầu trên băng Colorado Avalanche thông qua cậu con trai Josh Kroenke. Josh hiện cũng là một thành viên trong ban quản trị Arsenal, sau khi được chính cha mình chỉ định vào vị trí này hồi năm 2013.

Với một mạng lưới dày đặc các CLB thể thao được nhà Kroenke nắm giữ, Arsenal đang là CLB có giá trị nhất, và khả năng sinh lời cũng lớn nhất. Tuy nhiên sau 7 năm Kroenke nắm quyền sở hữu đội bóng này, khó có khả năng ông chấp nhận đầu tư thêm để mang về danh hiệu lớn cho Arsenal. Nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục điều hành đội bóng theo hướng của Man Utd hiện tại, tập trung xây dựng thương hiệu và kiếm thêm hợp đồng tài trợ lớn.

Dù ông chủ là ai, tương lai Arsenal vẫn bất định

Việc thay đổi ông chủ CLB, hay việc Kroenke nắm toàn bộ quyền sở hữu đội bóng không làm thay đổi tình cảnh hiện tại của Arsenal. Việc CLB này gặp khó khăn được Usmanov nhận thấy rõ hơn ai hết. Một năm trước, Usmanov từng chồng 1,3 tỷ đô la lên bàn đàm phán hỏi mua cổ phần từ Kroenke nhưng bị từ chối, nhưng hiện tại lại chấp nhận bán đi toàn bộ khoản đầu tư tại Arsenal. Đó là nguyên nhân cho thấy Usmanov đang cảm thấy Arsenal khó sinh lời hơn trước.

Tỷ phú Kroenke giản dị trong cuộc sống thường ngày, ông mặc bộ đồ thể thao rẻ tiền gặp người hâm mộ.

Một trong những nguyên nhân khác khiến Usmanov rút vốn khỏi Arsenal xuất phát từ việc ông phải rút dần các khoản đầu tư nước ngoài về Nga theo lời kêu gọi của Tổng thống Vladimir Putin. Trong giai đoạn Nga gặp khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Putin đã kêu gọi các tỷ phú đóng góp một phần công sức, tài sản của mình để phục hưng đất nước. Usmanov nằm trong số những tỷ phú đầu tiên đáp lại lời kêu gọi đó. Ngoài ra, Usmanov sau 10 năm làm cổ đông ở Arsenal đang thấy đầu tư vào những đội bóng khác dễ sinh lời hơn, như Newcastle United.

Còn về phía Arsenal, việc bổ nhiệm Unai Emery cho thấy đội bóng này chưa thể nuôi tham vọng vô địch Premier League trở lại, ít ra là trong 2-3 mùa giải tới. Emery chỉ là một HLV thành công tại những giải đấu nhỏ như Europa League, và ông cũng không thể hiện được nhiều trong 2 năm dẫn dắt PSG. Với Emery, mục tiêu khả dĩ nhất của Arsenal là trở lại giành một vị trí trong top 4, và nuôi hy vọng giành danh hiệu ở những giải đấu cúp.

Stan Kroenke - gã khờ may mắn thành tỷ phú

Vào năm 2011, khi mới trở thành cổ đông lớn nhất của Arsenal, Stan Kroenke chỉ có khối tài sản vào khoảng 3 tỷ đô la. Con số này ở thời điểm hiện tại là 8 tỷ. Ở tuổi 71, Kroenke vẫn miệt mài kiếm tiền như thể đó là đam mê duy nhất của cuộc đời ông. Vị tỷ phú Mỹ này hiếm khi nhận lời phỏng vấn, nhưng trước báo chí và truyền hình, ông luôn chia sẻ mình chỉ đơn thuần là một người may mắn.

"Tôi sinh ra ở một ngôi làng có vỏn vẹn 23 người sinh sống, từ thời bố mẹ, ông bà tôi đã ở đó rồi. Họ bắt đầu với hai bàn tay trắng, và làm nên tất cả", Kroenke chia sẻ. "Vậy nên chúng tôi hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Về phần tôi, tôi chỉ đơn giản mình là người may mắn. Tôi lớn lên quanh những người tử tế, và họ sau này đều được học hành đầy đủ".

Vậy Kroenke được làm rể trong một gia đình tỷ phú như thế nào? Theo lời Kroenke, ông hẹn hò cùng người vợ Ann Walton Kroenke từ thời cha và bác của bà (ông Sam Walton) mới chỉ làm buôn bán nhỏ, hoàn toàn không có động cơ trục lợi nào trong mối tình của ông. "Gia đình họ mở quầy hàng bán lẻ, lúc nào họ cũng chăm chỉ làm việc", Kroenke hồi tưởng. "Phần còn lại sau đó của Wal-Mart là cả một câu chuyện dài, nhưng hồi đó họ chưa thành công đến vậy đâu".

Về phần Kroenke, ông ban đầu làm việc ở công ty của cha. Công việc đầu tiên ông làm giống như một nhân viên bình thường khác - lau sàn nhà và trông giữ sách. Giờ đây, ông trở thành tỷ phú với những khoản đầu tư thành công vào ngành bất động sản, bán lẻ và kinh doanh thể thao. Trong số những CLB thể thao ông sở hữu, quyết định đầu tư phần lớn nhờ có chung niềm đam mê với người vợ Ann.

Đơn Ca
.
.
.