Steven Gerrard & định mệnh dang dở

Thứ Sáu, 29/05/2015, 16:00
Chuyến làm khách đến sân Britannia của Stoke City tối Chủ Nhật vừa qua là lần cuối cùng Steven Gerrard xuất hiện trong màu áo của Liverpool ở giải Ngoại hạng. Thế nhưng, trận đấu cuối cùng của Gerrard đã bị biến thành bi kịch, bất chấp việc đội trưởng của Liverpool cũng đã có cho riêng mình 1 bàn thắng, bởi CLB của anh đã thảm bại với kết quả của một set tenis 1-6...

Ngày chia tay Liverpool của Gerrard đã trở nên dang dở. Trước đó, trận đấu giã từ sân Anfield của anh cũng đã dang dở, khi mà The Kop để đối thủ đánh giá yếu hơn Crystal Palace đánh bại tới 3-1. Những sự dang dở trong những trận đấu cuối cùng ở giải Ngoại hạng ấy dường như phản ánh chính định mệnh của Gerrard - một người chưa bao giờ có được thứ mình muốn tại giải đấu số 1 nước Anh. Đấy là chức vô địch giải Ngoại hạng.

Gerrard không cần vô địch Premier League để trở nên vĩ đại

Khi Gerrard được trình làng ở đội I của Liverpool (năm 1998) thì đội bóng thành phố Cảng này đã trải qua gần 1 thập kỷ trắng tay tại giải VĐQG Anh (lần cuối cùng Liverpool vô địch là mùa 1989-1990). Nhưng bản thân Gerrard sau đó còn phải chờ đợi lâu hơn thế. 17 năm anh khoác áo Liverpool là 17 lần đội bóng này lỗi hẹn với ngai vàng của giải Ngoại hạng. Cho dù có những lúc anh và đồng đội đã ở rất gần cái đích ấy (như ở mùa giải năm ngoái chẳng hạn). Chỉ có điều, giống như một lời nguyền của số phận: cái tên của Gerrard là phải gắn liền với sự dang dở, nuối tiếc ở Premier League.

Chính cú sảy chân của tiền vệ 35 tuổi này trước Chelsea cách đây 1 năm đã khiến Liverpool đánh mất chiếc Cúp vô địch lịch sử tưởng chừng đã nằm chắc trong tay. Để rồi đến thời điểm này đã có thể khẳng định rằng giấc mơ được một lần nâng cao chiếc Cúp vô địch Premier League đã mãi trở thành một câu chuyện buồn, một nỗi đau trong sự nghiệp của Gerrard.

Trên thực tế, Gerrard cũng không cần danh hiệu ấy để trở nên vĩ đại. Với những gì đã làm được ở sân Anfield, anh đã là một tượng đài của CLB cũng như làng bóng đá thế giới. Hồi đầu mùa giải 2013-2014, kênh Sky Sports đã tổ chức một cuộc thăm dò ai là tiền vệ trung tâm hay nhất mà bóng đá Anh đương đại từng có, Paul Scholes, Frank Lampard hay Steven Gerrard.

Kết quả trưng cầu ý kiến người hâm mộ như sau: Lampard nhận được 15% số phiếu, Scholes 41%. Và Gerrard, 44%. Scholes đã 11 lần vô địch nước Anh. Lampard 3 lần. Còn Gerrard, 0 lần. Nhưng rốt cuộc Gerrard mới là người được các CĐV quốc đảo sương mù lựa chọn. Tất nhiên, họ có lí do để làm như vậy. Có thể Gerrard là kẻ chiến bại ở giải Ngoại hạng, nhưng anh là người chiến thắng ở những sân chơi khác và quan trọng hơn Gerrard đã chiến thắng được chính mình.

G8 đã vô địch Champions League, đã chinh phục UEFA Cup, rồi Siêu Cúp châu Âu. Ngoài ra bộ sưu tập danh hiệu của Gerrard còn có Cúp FA và cả Cúp Liên đoàn. Chẳng ai có thể quên đêm Istanbul huyền diệu cách đây vừa tròn 1 thập kỷ (25/5/2005), khi Gerrard châm nguồn cảm hứng cho đồng đội làm nên một trong những cú lội ngược dòng ấn tượng và kì vĩ nhất của lịch sử bóng đá thế giới trước AC Milan.

Ở trận Chung kết Champions League năm ấy, đội bóng Italy với đội hình khi đó đầy sao đã sớm vượt lên dẫn trước 3-0 sau hiệp 1. Với nhiều người thì cuộc chơi xem như đã an bài, Cúp đã ở trong tay người Milan, nhưng chính Gerrard là người đã xốc dậy tinh thần cho The Kop với bàn gỡ đầu tiên. Trước khi, Liverpool làm nên điều thần kì trên đất Thổ Nhĩ Kỳ ma mị.

Chàng thủ lĩnh nhút nhát

Cái đêm Istanbul huyền thoại ấy là khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của Gerrard. Đó là trận đấu mà cả tài năng và vai trò thủ lĩnh của G8 đều tỏa sáng rực rỡ. Anh đã bùng nổ đóng vai trò chỗ dựa, đầu tàu kéo cả đội bóng vượt qua thời khắc sinh tử. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nhìn vào những gì Gerrard thể hiện trên sân để cho rằng anh là một cá tính mạnh, một thủ lĩnh bẩm sinh.

Thật ra, ngược lại Gerrard là một chàng trai nhút nhát, ủy mị. Trong cuốn tự truyện của mình, Gerrard đã thổ lộ rằng, lúc còn bé, anh rất sợ cha, chỉ cần ông ấy nhìn chằm chằm là tim Gerrard đã như muốn vỡ ra. Hệ quả của nỗi sợ này là G8 không bao giờ dám trốn học. Ở trong cuốn tự truyện này, Gerrard đã có cả chục lần mô tả cảm giác hoảng loạn lo sợ của mình trên sân: "Đầu tôi ong lên", "tôi quá lo lắng", "đầu cứ như muốn nổ tung".v.v..

Gerrard cũng đã dành vài trang để mô tả trận đá chính đầu tiên của anh trong màu áo Liverpool, gặp Tottenham ở White Hart Lane: một trận đấu mà anh hoàn toàn bị ngợp trước David Ginola. "Anh ấy hoàn toàn áp đảo tôi, rất mạnh mẽ, như thể chế giễu tôi: Đi chỗ khác chơi, cậu nhóc. Tôi trải qua một cơn ác mộng… Tôi hết sức lo lắng, sợ hãi khi bóng tới gần, gần như hoảng loạn. Tôi có vài đường chuyền hỏng, và thậm chí Ince phải tiến lại gần tôi nói: Bình tĩnh lại đi, nhóc!", Gerrard kể lại.

Những câu chuyện ấy cho thấy Gerrard không phải là một mẫu cầu thủ ngang tàng, đầu đội trời chân đạp đất, giống như những "ông chủ" của các đội bóng khác. Thế nhưng, Gerrard vẫn đã gồng mình gánh vác đội bóng hơn 1 thập kỷ qua (kể từ khi kế thừa chiếc băng đội trưởng từ Sami Hyypia năm 2003). Nhìn lối đá dũng mãnh của Gerrard chẳng ai có thể đoán được sâu thẳm trong con người anh lại là một bộ mặt yếu đuối. Tất cả chỉ đơn giản là tình yêu với Liverpool đã khiến anh phải chiến đấu để vượt qua, chế ngự nỗi sợ hãi của bản thân.

Có lẽ cũng chính vì tính cách mỏng manh ấy mà không ít lần Gerrard mắc sai lầm ở những thời điểm quan trọng. Điển hình như cú sảy chân ở mùa giải trước, bên cạnh đó anh cũng từng đá hỏng penalty trong cả màu áo ĐTQG lẫn CLB. Nhưng chẳng sao cả. Điều quan trọng là trong 17 năm qua, bất chấp việc sân Anfield đã chứng kiến bao sự đổi thay. Hàng chục HLV đến rồi đi, hàng trăm lượt cầu thủ, trong đó có những người từng được coi là biểu tượng của đội bóng như Owen, McManaman, Robbie Fowler, Fernando Torres, Luis Suarez... cũng đều lần lượt chạy theo tiếng gọi của danh vọng và tiền tài. Chỉ duy có một thứ không hề thay đổi: đó là Gerrard vẫn luôn hiện diện ở sân đấu ấy đắm chìm trong giai điệu của bài hát You will never walk alone (bạn sẽ không bao giờ đơn độc) vang vọng từ 4 phía khán đài, và trên tất cả là vẫn cùng các CĐV chia sẻ chung nỗi đau thất bại ở Premier League hết năm này đến năm khác cho đến tận trận đấu cuối cùng. Xin tạm biệt anh, Steven Gerrard, biểu tượng của The Kop, chàng đội trưởng bi kịch của 1 đội bóng đã gắn bó với quá nhiều nỗi đau như thảm họa lịch sử Hillsborough.

Gerrard gắn bó với Liverpool vì thảm họa Hillsborough

Trong sự nghiệp của mình, không ít lần Gerrard được các đội bóng lớn khác chèo kéo. Nhiều người vẫn cho rằng nếu anh chấp nhận ra đi đến Chelsea hay Manchester United, Gerrard có thể đã thỏa nguyện vô địch giải Ngoại hạng. Nhưng Gerrard vẫn kiên quyết ở lại Anfield, một lòng gắn bó với Liverpool. Sở dĩ như vậy là ngoài tình yêu dành cho CLB, Gerrard còn có một kí ức đặc biệt gắn liền với thảm họa Hillsborough mà Liverpool gặp phải.

Một người anh họ của Gerrard tên là Jon-Paul Gilhooley đã mất trong buổi chiều kinh hoành ấy. Jon-Paul Gilhooley, 10 tuổi cũng chính là người nhỏ tuổi nhất trong số 96 CĐV Liverpool mãi mãi không thể trở về nhà từ Sheffield sau trận bán kết FA Cup năm 1989. Gerrard đã tâm sự rằng mỗi lần lái xe tới Anfield, anh thường đi chậm lại khi đi qua Shankly Gates. Mắt anh luôn bị hút về phía đài tưởng niệm Hillsborough nơi khắc tên Jon-Paul Gilhooley cùng 95 CĐV khác. Và chính người anh họ chỉ hơn anh 1 tuổi, có chung tình yêu Liverpool này đã thôi thúc Gerrard tiến lên để không ngừng hoàn thiện giấc mơ từ tuổi thơ. "Tôi chưa bao giờ cho ai biết điều này trước đây, nhưng đó là sự thực: Tôi chơi bóng vì Jon-Paul", đội trưởng của Liverpool khẳng định.

Los Angeles Galaxay sẽ là điểm đến tiếp theo của Gerrard

Hợp đồng của Steven Gerrard và Liverpool sẽ đáo hạn vào tháng 6 này. Tuy đội bóng thành phố Cảng nước Anh đã đề nghị người đội trưởng của mình gia hạn hợp đồng, nhưng Gerrard đã từ chối lời đề nghị ấy. Bởi anh không muốn trở thành kẻ ăn bám quá khứ vàng son của chính mình tại Liverpool. Anh muốn tiếp tục được thi đấu.

"Tôi đang dần trở thành một cầu thủ dự bị và chỉ vào sân khi HLV cần sự thay đổi. Đối với tôi, tôi đến sân tập vào thứ hai và chỉ mong chờ đến thứ bảy, thời điểm tôi chuẩn bị để đối đầu với những con người tuyệt vời khác bên cạnh những đồng đội. Đó là cuộc sống của tôi. Khi HLV gọi bạn vào văn phòng và nói rằng mọi chuyện đã thay đổi, bạn có ít cơ hội ra sân hơn, thì đó chính là thời điểm bạn cần đưa ra quyết định", Gerrard lí giải quyết định ra đi của mình.

Sau khi chia tay CLB đã gắn bó từ thời thơ ấu, Gerrard sẽ đầu quân cho CLB Los Angeles Galaxy - đội bóng mà David Beckham từng thi đấu. Theo CLB thuộc giải nhà nghề Mỹ (MLS) thông báo thì 2 bên đã kí hợp đồng có thời hạn 18 tháng (bắt đầu từ tháng 7 tới) và Gerrard sẽ nhận được mức lương 9 triệu USD/mùa ở Mỹ.

Tất Đức
.
.
.