Sự lập dị của Van Gaal

Thứ Hai, 06/04/2015, 13:00
Từ một đội bóng gây thất vọng tràn trề, Man Utd của van Gaal bỗng dưng tái hiện hình ảnh của một quyền lực, yếu tố họ đã đánh mất quá lâu. Đánh bại cả Tottenham lẫn Liverpool, Man Utd đang trở lại mạnh mẽ và thách thức tất cả những đối thủ mạnh nhất ở Ngoại hạng Anh. Vậy điều gì làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ ấy? Đó là một câu chuyện khá dài!

1.Cho đến bây giờ, chưa ai có thể hiểu nổi Man Utd là đội bóng như thế nào. Khi họ chơi đẹp thì thất bại, còn lúc đá dở thì lại thắng. Thậm chí báo chí Anh và các CĐV Man Utd còn tỏ ra chán nản với những gì van Gaal đang làm. Họ nói rằng ông đang "làm loạn" ở Old Trafford với kiểu "thử nghiệm" lạ đời, mỗi trận một đấu pháp, một cách sắp xếp nhân sự khác nhau. 

Thế nhưng, sau 2 trận thắng trước Tottenham (3-0) và Liverpool (2-1), mọi chuyện đã quay ngoắt 180 độ, với một câu hỏi: van Gaal quá dở, đang gặp may hay ông là một thiên tài còn các chuyên gia đều chỉ là những kẻ tầm thường, không thể hiểu nổi triết lí của ông?

Van Gaal luôn là HLV lập dị.

Những cuộc tranh luận liên tiếp nổ ra để nhận định xem, van Gaal đang thành công hay thất bại? Họ không có được sự thuyết phục trong lối chơi, nhưng lại đang trên đường hoàn tất mục tiêu có một vị trí trong top 4. Đến đây có lẽ lỗi đang thuộc về giới truyền thống Anh, bởi họ luôn làm lớn mọi chuyện, với căn bệnh trầm kha: thiếu kiên nhẫn.

Phải khẳng định một thực tế rằng, van Gaal đến Man Utd không phải để "xây dựng" một đế chế mới, bởi chẳng có ai đi làm điều đó với một "ông lão" đã sắp bước sang tuổi 64.  Van Gaal đang "tìm kiếm" thành công thì đúng hơn. Nó hợp lí khi ông đang loay hoay đi tìm một giải pháp, và đến lúc này mọi câu hỏi có vẻ đang được giải đáp, với những câu chuyện về tính cách, triết lí và con người van Gaal.

Với van Gaal, ông không giấu giếm phong cách bóng đá của mình bị ám ảnh bởi lối chơi Tổng lực Hà Lan cổ điển. Ngay từ thời còn dẫn dắt Ajax giữa thập kỉ 90 của thế kỉ trước, van Gaal đã đi theo mô hình 4-3-3, và ở đó ông nhận ra một cầu thủ "số 10" có khả năng phòng ngự, với quan điểm: quyết không để đối thủ đánh phả công. Và đó là lí do ở Man Utd ông thường kéo Rooney đá lùi sâu, thậm chí có lúc đá phòng ngự là chính.

Đến thời ở Barca, van Gaal thêm một quy tắc nữa: thủ môn phải biết chơi bóng bằng chân. Đó cũng là lí do ông loại thẳng cánh Robert Enke, người được coi là thủ môn hay nhất nước Đức cho đến trước khi anh này tự tử vì bệnh trầm cảm bằng cách lao mình vào tàu cao tốc. Tư tưởng đó cũng lí giải tại sao ông bắt thủ môn của Man Utd là De Gea phải tập luyện đá bóng bằng chân trong mỗi buổi tập, đồng thời "răn" các hậu vệ hạn chế chuyền bóng về cho De Gea trong các trận đấu.

2.Đấu pháp hay triết lí huấn luyện của van Gaal chỉ là một phần trong sự hồi sinh của Man Utd. Bởi lẽ, với van Gaal mọi thứ phải đến từ từ. Mọi người làm việc với ông phải có thời gian để tiếp thu cái gọi là "bóng đá triết học" mà ông đưa ra. Đó là một thứ lí luận khó hiểu dựa theo những suy luận triết học mà ai nghe xong cũng… không hiểu van Gaal muốn gì.

Trong cuốn sách "Tầm nhìn" (Vision xuất bản năm 2009, viết về van Gaal), ông có tuyên bố: "Bóng đá của tôi là chiến thắng,  nhưng dựa trên những cảm xúc, sự đẹp mắt, nhưng không thể thiếu tính khoa học, tư duy lo-gic và phương pháp luận triết học. Mọi thứ phải ngay ngắn, chi tiết và cần được chuẩn bị bằng sự nghiêm túc tối đa". Bởi thế, van Gaal thường không thành công ngay khi đến với một đội bóng. Ở ĐTQG Hà Lan, đến nhiệm kì thứ 2 ông mới thành công ở World Cup 2014.

Ở Bayern, ông mất nửa mùa giải để loay hoay tìm hướng đi. Tỷ lệ chiến thắng trung bình của van Gaal trong sự nghiệp 835 trận đấu làm HLV là 61,2%, nhưng tại Ajax năm đầu tỷ lệ thắng của van Gaal chỉ là 51,3%, năm đầu ở Barca là 55,56%, AZ Alkmaar là 57,9%, Bayern là 52,5%...

Phòng ngủ mới được lắp ở sân tập của Man Utd.

Như vậy, chuyện Man Utd trồi sụt ở Ngoại hạng Anh suốt hơn nửa mùa giải vừa qua nằm trong "quy luật" tất yếu của sự nghiệp van Gaal, giống như Mourinho chỉ thành công và có chức vô địch ở năm thứ 2 dẫn dắt một CLB.

Điểm thứ 2 cần chú ý chính là tính cách van Gaal. Ông được so sánh với một "viên cảnh sát" khi kiểm soát mọi thứ. Ông là người đề ra thực đơn các bữa ăn, giám sát các cầu thủ như những đứa trẻ, thu sạch điện thoại di động của họ, cấm mọi người đọc báo khi đến sân tập, cấm nói chuyện riêng, thậm chí "soi mói" cả chuyện đời tư của cầu thủ. Ông coi bữa ăn là một phần quan trọng của việc… tập luyện. Ở Ajax thì ông cấm cầu thủ đọc báo. Đến Barca thì bổ sung lệnh cấm dùng điện thoại di động. Tới Bayern thì tổ chức bữa ăn, xếp chỗ cho các cầu thủ, phân chia thứ tự đi lấy đồ ăn tự chọn, đến mức họ chỉ được ăn khi có lệnh của ông.

Ở Bayern, van Gaal từng gây ra nhiều chuyện lạ đời liên quan đến bữa ăn. Có một lần, ông đuổi thẳng cổ bác sĩ chính của đội, ông Hans Mueller-Wohlfahrt (một người cực kì nổi tiếng và có uy tín ở Bayern), khỏi bữa trưa với lí do ông này đi tất trắng thay vì quy định tất đỏ. Chỉ đến khi ông bác sĩ 60 tuổi Mueller-Wohlfahrt đi thay tất đỏ, van Gaal mới cho phép ngồi ăn. Hay chuyện Luca Toni bị đẩy xuống đội trẻ đá, bất chấp anh đang có phong độ ghi bàn rất cao, chỉ vì đứng lên đi lấy đồ ăn không tuân theo quy tắc.

Sự cẩn thận và chi tiết đó khiến van Gaal biến ông thành độc tài, nhưng sự thật không hẳn vậy. Đó là sự chu đáo mà ít có ngôi sao nào có thể "tiếp thu" nổi trong một thời gian ngắn. Nhưng khi đã quen với nguyên tắc đó, mọi chuyện sẽ dần ổn định. Van Gaal cầu kì đến từng chi tiết. Ông dành riêng ngày thứ 2 đầu tuần để trị liệu cho cầu thủ và thảo luận về trận đấu hôm trước. Mọi thứ được ghi lại trong sổ tay và máy tính. Đến thứ 5, mọi người lại "bị" ông triệu tập họp để tập hợp ý kiến cho trận đấu tiếp theo. Như thế, ông là người "dân chủ" đấy chứ!

Với quá nhiều quy định hà khắc, các cầu thủ Man Utd từng tỏ ra chán nản và thậm chí là chống lại van Gaal trong giai đoạn đầu. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến Man Utd mất một thời gian dài để thích ứng. Ngoài những quy định ăn uống, ứng xử nội bộ, van Gaal còn thay đổi cả cuộc sống của Man Utd từ những chuyện chẳng ai ngờ đến.

Ngay khi đến Old Trafford, van Gaal yêu cầu 5 điểm: thứ nhất là lắp đặt bóng đèn trên sân tập chính ở trung tâm tập luyện Carrington. Thứ hai, thay toàn bộ cỏ ở sân tập cho đúng với cỏ ở sân Old Trafford, với chi phí trên 1 triệu bảng. Thứ ba, chỉ tập với 22 cầu thủ, không hơn cũng không kém. Thứ tư, hãy sẵn sàng tập luyện cả vào ban đêm. Và thứ năm là bố trí lại bàn ăn. Ngoài ra, ông cũng đưa ra một thứ quân lệnh: tất cả phải ăn trưa cùng nhau, và ngủ trưa (có thể ngủ tối nếu có tập đêm) tại sân tập Carrington.

Để đáp ứng yêu cầu này, Man Utd phải lắp đặt các phòng ngủ cho cầu thủ. Nó giống như những ca-bin, buồng ngủ của một phi hành gia, trong đó có hệ thống điện đàm, âm nhạc… Chi phí cho hệ thống buồng ngủ này lên đến 3 triệu bảng. Đó là chưa kể Man Utd còn phải quy hoạch, xây dựng lại sân tập Carrington để lấy khoảng không phục vụ mục đích… phong thủy!

Man Utd đang dần ổn định sau chiến thắng trước Tottenham và Liverpool.

3.Cá tính, sự tỉ mẩn và những quy định "khốc liệt" mà van Gaal đưa ra không dễ để thích nghi, nhất là với những ngôi sao thượng hạng, quen với hoàn cảnh sống vương giả ở Man Utd. Rooney, Valencia, Young, De Gea… đều đã phản ứng dữ dội vì họ cho rằng bị van Gaal "xâm phạm" đời sống riêng tư. Thế nhưng, khi không thể chống lại van Gaal, mọi thứ phải diễn ra đúng như những gì ông sắp xếp. Sau 8 tháng, mọi thứ có vẻ như đã đâu vào đấy. Và khi guồng máy đã chạy theo đúng sự ý chí van Gaal, mọi thứ đã tốt đẹp hơn.

Dĩ nhiên, đó chỉ là một phần nguyên nhân giải thích tại sao Man Utd lại thăng tiến, ổn định trong thời gian qua. Một yếu tố quan trọng nữa cũng phải đề cập tới, đó là may mắn. May mắn ở chỗ các cá nhân của ông đã bình phục chấn thương vào đạt phong độ tốt, trong khi các đối thủ như Man City, Arsenal, Tottenham, Liverpool… có phần sa sút. Nhưng xét cho cùng, trong dấu ấn Man Utd đang tạo ra, có vai trò của van Gaal, với cá tính lập dị và những câu chuyện kì lạ mà ông đã và đang làm ở Old Trafford.

Van Gaal quá hà khắc

Van Gaal là HLV nổi tiếng với tính cách lập dị. Ông từng đập máy quay của phóng viên vì tức giận, từng bỏ ngang buổi bình luận trực tiếp vì MC quên giới thiệu tên ông, từng tụt quần trước mặt học trò ở Bayern Munich, hay "đe nẹt" cả Thủ tướng Tây Ban Nha… Nhưng trên hết, cách quản lí và sự hà khắc khiến van Gaal trở thành HLV bị cầu thủ ghét nhất.

Mặc dù là một học trò, cũng là người học được nhiều kĩ năng huấn luyện từ van Gaal khi còn thi đấu ở Barca, nhưng H.Stoichkov từng công khai chỉ trích van Gaal. Stoichkov còn thẳng thừng tuyên bố: "Tôi chẳng có một chút sự tôn trọng nào dành cho ông ấy. Ông ta chỉ là một bãi rác". Tại Barca, Stoichkov đã phải bỏ đội mà đi chỉ sau 1 năm van Gaal dẫn dắt. Anh không chịu nổi sự ngang tang và độc tài của van Gaal. Khi đến ĐT Hà Lan làm HLV trưởng, van Gaal lúc đầu cũng gần như bị cô lập vì không ai quen nổi với tính cách của ông. Còn ở Bayern, đã từng có thời kì các cầu thủ túm tụm lại kể chuyện cười về van Gaal. Thậm chí còn có chuyện, khi van Gaal bị sa thải, một số cầu thủ còn rủ nhau đi… ăn mừng!


Lê Giang
.
.
.