Sức hút của 'Tình báo điện tử không gian' với cán bộ, chiến sỹ CAND

Thứ Hai, 13/07/2015, 15:30
"Tình báo, không biết ai là người đầu tiên dịch ra tiếng Việt từ này rồi để nó lưu lạc đến làng tôi?", lời tác giả Phạm Bình, của cuốn sách chuyên khảo "Tình báo điện tử không gian" vừa mới được Nhà xuất bản Công an nhân dân cho "ra lò", khiến người đọc có thiện cảm và thật nhiều cảm xúc khi cầm trên tay cuốn sách tưởng "nặng nề" về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Đời tư và công việc của những nhà tình báo trong lịch sử vẫn luôn ẩn chứa nhiều bí mật khiến người ta phải tò mò. Và trong thế giới phẳng ngày hôm nay, những bí mật của tình báo điện tử trên một không gian mạng quá rộng lớn, đã khiến cả thế giới phải sửng sốt sau một cái nhấp chuột. Lật giở trang đầu tiên cho tới gần 600 trang trong cuốn sách, tác giả Phạm Bình đã nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc mải mê lạc vào không gian đầy bí ẩn của tình báo điện tử, vừa cụ thể vừa rất huyền bí.

Trong một cuộc trò chuyện giữa PV với tác giả Phạm Bình vào đầu tháng 7, trước ngày anh chuẩn bị lên đường vào Nam chủ trì một cuộc hội thảo quốc tế về lĩnh vực khoa học của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, anh đã cởi mở nói về những ấp ủ, những đau đáu cho "ra lò" một cuốn sách chuyên khảo về tình báo điện tử không gian.

Cuốn  sách chuyên khảo "Tình báo điện tử không gian" của tác giả Phạm Bình.

Ấp ủ từ nhiều kiến thức học được trong và ngoài nước, từ chính cuộc đời công tác, cống hiến, gắn bó với khoa học, với lực lượng vũ trang, nhưng phải mất 2 năm trời viết liên tục, cuốn sách mới được hoàn thành. Và với nhiều tinh hoa trí tuệ, công phu trên "cánh đồng chữ" gắn với kỹ thuật, tác giả cho ra đời cuốn sách - như lời anh nói, là món quà gửi tặng những tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân nói chung, cán bộ, chiến sỹ lực lượng An ninh nhân dân nói riêng nhân ngày truyền thống 12/7 

Cuốn sách "Tình báo điện tử không gian" viết về công tác tình báo thuộc lĩnh vực Tình báo khoa học chuyên biệt, là một trong những tác phẩm đi tiên phong trong việc chia sẻ những thông tin đặc thù mới, lạ với những lý giải khoa học và căn cứ có nguồn gốc xác đáng. Thông qua những thông tin chắt lọc đó, cuốn sách đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh hơn về một lĩnh vực tình báo đặc thù của quốc gia và quốc tế. Việc điểm lại các diễn biến, các mẩu chuyện xuyên suốt chiều dài lịch sử tình báo và chiến tranh mà nhân loại đã trải qua cho đến ngày nay đã thể hiện rõ vai trò then chốt và tính lợi thế của phương thức tình báo này.

Cứ chiếu vào những gì mà TS Phạm Bình đeo đuổi suốt hành trình làm khoa học phục vụ sự nghiệp an ninh, quốc phòng, như đề tài nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay trinh sát điện tử không người lái chuyên dụng phục vụ an ninh quốc gia hay nghiên cứu thử nghiệm máy bay không người lái UAV để chụp ảnh địa mạo thổ nhưỡng, hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng mặt nước khu vực thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận phục vụ bảo vệ môi trường; hay những công trình khoa học - kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; hàng chục bài báo khoa học; nhiều cuốn sách chuyên khảo và giáo trình về an ninh mạng và kinh tế quốc tế… để thấy "Tình báo điện tử không gian" là những tinh hoa được chắt lọc của một nhà khoa học đương ở giai đoạn "chín" nhất của sự nghiệp.

Tác giả đã truyền tải nhiều thông tin về khoa học và công nghệ được ứng dụng trong hoạt động tình báo thế giới, cung cấp cho người đọc bức tranh tổng quát về một lĩnh vực đặc biệt trong hoạt động tình báo, một lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế hiện nay.

Không chỉ là một nhà khoa học đích thực, tác giả Phạm Bình đã trực tiếp cầm bút bằng những trải nghiệm của mình. Vậy nên cuốn"Tình báo điện tử không gian" là một cuốn sách chuyên khảo đã được biên soạn rất công phu, nội dung phong phú và cách trình bày khoa học, chắc chắn sẽ là tài liệu bổ sung rất hữu ích, không những phục vụ trực tiếp trong công tác giảng dạy của các trường đại học - học viện có chuyên ngành kỹ thuật nghiệp vụ chuyên biệt thuộc lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân mà còn hướng đến các nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực đặc biệt này.

Đọc tập chuyên khảo khoa học "Tình báo điện tử không gian", độc giả có thể liên tưởng và cũng phần nào hiểu thêm lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Tình báo điện tử không gian của Việt Nam với sự có mặt của lớp lớp cán bộ và chiến sĩ CAND trong 70 năm qua. Và hơn nữa, chúng ta còn được tiếp xúc với những tư liệu quý về Bác Hồ với lực lượng Tình báo kỹ thuật điện đài mà tác giả đã chia sẻ:

"Không phải nhiều người Việt Nam đã biết được rằng sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đến những ngày trở về lãnh đạo Việt Minh tại Pác Bó - Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quay lại Côn Minh - Trung Quốc. Ngày ấy, Người làm cách mạng và cả dân chúng vẫn biết Côn Minh là đất hiểm, sự canh phòng của Nhật ở biên giới Việt - Trung là cực kỳ gắt gao, nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn quyết định đi Côn Minh để kết nối với tổ chức tình báo Hoa Kỳ OSS (Offical of Strategic Services).

Ngay trong lần đầu tiên, nhà cách mạng bẩm sinh Hồ Chí Minh đã thoả thuận về nguyên tắc hợp tác giữa Việt Minh và OSS; theo đó OSS đồng ý cử một đội tình báo đặc biệt đến Việt Nam, với mục đích hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo với Việt Minh. Liền sau đó, OSS đã thành lập đội tình báo có phiên hiệu là Con Nai (Deer Team) với 10 thành viên do Thiếu tá Allison B.Thomas lãnh đạo, hoạt động bên cạnh Hồ Chí Minh".

Hay như: "Ngày 29 tháng 3 năm 1945, tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ vị Tướng tình báo "huyền thoại" Mỹ Claire Chennault, cùng bàn đến một chương trình hợp tác lớn hơn, để người Mỹ giúp Việt Minh. Đó cũng là lý do mà Mỹ là quân đội Đồng Minh duy nhất có mặt trong lễ Tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội".

Chính vì thế, chúng ta càng thấu hiểu, Người đã khai sinh ra ngành Tình báo Kỹ thuật Điện đài của Việt Nam không chậm hơn các nước phát triển về thời gian và điểm xuất phát. Tác giả chia sẻ rằng: "Trong bảo tàng lực lượng Tình báo điện đài thuộc Bộ Công an hôm nay, mỗi lần ngắm nhìn ảnh Bác Hồ đến thăm và căn dặn cán bộ, chiến sỹ Cục Tình báo điện đài mùa thu năm 1959 khi còn ở K5, lòng chúng tôi rưng rưng thương nhớ Bác và như muốn nói với Bác: "Thưa Bác, Binh chủng MATH nay lớn mạnh lắm rồi, lúc Bác thăm các cháu - đất nước nghèo phải giải điện mã bằng tay, giờ đã có những bó siêu máy tính chạy suốt ngày với hàng tỷ phép tính/giây Bác ạ".

Đặc biệt đọc cuốn "Tình báo điện tử không gian", độc giả cũng sẽ thấy mừng dù chỉ một câu khái quát nói về "Siêu máy tính" trong đoạn văn nêu trên giúp chúng ta thấy vững tin hơn và yêu quý hơn những đoàn quân sống trong trầm lặng và sự đáng quý không chỉ thuần giá trị khoa học mà còn vì nó chứa đựng cả tấm lòng của tác giả, tấm lòng của lực lượng Công an nhân dân cũng như là của bạn đọc đối với Bác Hồ - Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Mang trong mình tình yêu, niềm đam mê vô tận với nghề tình báo, với khoa học, với thế giới của khoa học không gian, chàng trai quê lúa Vũ Thư (Thái Bình) ngày nào đã trải qua nhiều vị trí công tác, hiện đang đảm nhiệm công việc tại Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vẫn giữ được ngọn lửa nồng ấm, nhiệt thành, đôn hậu trong nghiên cứu khoa học cũng như cuộc sống. Chẳng thế mà những kiến thức chuyên biệt về nghiệp vụ qua cách viết của anh vẫn rất đời.

Dù có thoả sức bay bổng trong thế giới khoa học, hay bất cứ cương vị công tác nào, hơn ai hết anh vẫn dành tình cảm đặc biệt với lực lượng An ninh nhân dân. Thật cảm động khi viết những dòng chia sẻ khi ra mắt cuốn sách, tác giả Phạm Bình đã dành những lời trân trọng và coi tình yêu với khoa học, với lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là động lực thôi thúc để cho ra đời cuốn sách đầy ý nghĩa "Tình báo điện tử không gian" vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2015) và tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015).

GS. Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nơi TS Phạm Bình đang công tác đã viết trong lời tựa cuốn sách một cách đầy tôn trong: "Tôi hy vọng cuốn sách sẽ được bạn đọc đón nhận với sự chia sẻ về những khó khăn, gian khổ mà tác giả đã trải qua trong hoạt động tình báo điện tử không gian cũng như khâm phục về những thành công mà tác giả đã đạt được trong sự nghiệp cao cả vì an ninh quốc gia"…

Anh Hiếu
.
.
.