Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an:

Sức hút từ một cuộc thi lớn

Chủ Nhật, 05/07/2020, 07:52
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020), Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV, diễn ra từ ngày 18-7 đến 4- 8 tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.


Mới chỉ vài tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của 27 đoàn nghệ thuật trong cả nước với 35 vở diễn cho thấy sức hút của cuộc thi. Điều đó khẳng định hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với các nghệ sĩ và khán giả.

Đề tài khó, đầy thách thức nhưng hấp dẫn

Liên hoan năm nay không chỉ tăng về quy mô, mà còn đa dạng về các loại hình sân khấu. Nếu trước đây chỉ có kịch nói và cải lương thì lần này có cả chèo, dân ca kịch. Các vở diễn chủ yếu ca ngợi truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CAND, ca ngợi người chiến sĩ Công an trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong đó có cả những vở diễn khai thác đề tài khó như ủng hộ tinh thần Nghị quyết trung ương IV khóa 12 về tăng cường chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xác định rõ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Điều đáng nói ở đây, là các vở diễn không ca ngợi, hô hào một chiều mà đi vào khai thác vẻ đẹp đời thường, những góc khuất đời thường, giúp khán giả hiểu hơn về cuộc sống chiến đấu cũng như tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ Công an nhân dân. Họ, trước khi là một chiến sĩ, cũng là một con người, với đủ cung bậc hỷ, nộ, ái, ố của tình cảm.

Cảnh trong vở “Chuyên án Z5” của Nhà hát CAND tham dự liên hoan.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, người nhiều năm tham gia Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND chia sẻ: “Đề tài CAND luôn là một thách thức với những người làm sân khấu, bởi làm thế nào để đưa lên sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an gần gụi, với những góc khuất đời thường, xúc động để mang đến cho khán giả một hình tượng đẹp về họ. Có lẽ, liên hoan lần này hứa hẹn nhiều tác phẩm thú vị”.

Lần này, NSND Hoàng Quỳnh Mai mang đến liên hoan tác phẩm cải lương “Bão ngầm” do nhà văn Chu Lai chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đào Trung Hiếu. Vở cải lương xoay quanh tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy cộm cán. Trong vở cải lương này, Thúy là một nữ cảnh sát được giao nhiệm vụ tiếp cận với bác sĩ- người em mà tên tội phạm khét tiếng vô cùng yêu quý.

Thế nhưng, trong quá trình phá án, Thúy đem lòng yêu chàng bác sĩ. Tuấn- một nam cảnh sát yêu Thúy, được phân công bọc lót, bảo vệ cô trong quá trình phá án, nhưng luôn phải kìm lòng trước cảnh người yêu đi theo tiếng gọi của con tim. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Những cơn bão trong đời sống nội tâm, trong chính trái tim, khối óc của con người là những cơn bão khốc liệt, dữ dội nhất. Đây là những chất liệu tốt cho sân khấu cải lương nhưng cũng là một thách thức.

Với các đề tài đấu tranh phòng chống tội phạm, về cảnh sát hình sự, điện ảnh, kịch nó dễ khai thác hơn cải lương. Bởi cải lương trữ tình, lãng mạn, vì thế tôi phải dung hòa giữa sự khốc liệt của cuộc đấu tranh chống lại cái ác của các chiến sĩ Công an và chất trữ tình, lãng mạn của cái lương để làm mềm hóa câu chuyện”.

Vở diễn “Tái sinh” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn Bùi Như Lai, có sự tham gia của giảng viên các khoa chuyên ngành và các sinh viên, chủ yếu đến từ Khoa Sân khấu Đại học Sân khấu điện ảnh. Tác phẩm đề cập đến sự đấu tranh không khoan nhượng giữa lực lượng Công an và tội phạm với những thế lực “chống lưng” ngày càng mạnh mẽ.

Vở “Tái sinh” do đạo diễn Bùi Như Lai dàn dựng.

Trong cuộc chiến căng thẳng đó, bên cạnh sự mưu trí, dũng cảm, đôi khi người chiến sĩ Công an phải thực sự có bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ để vượt qua những quyền lực vô hình đứng sau sự lộng hành của tội phạm. Cuối cùng thì công lý vẫn được bảo vệ, sự bình yên đã trở lại, kẻ gây nên tội phải chịu hậu quả. Nhưng chúng ta cũng không khỏi xót thương cho sự hy sinh to lớn của người chiến sĩ Công an khi đã dâng hiến tuổi trẻ, sức lực và thậm chí cả tính mạng của mình.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tác phẩm tham dự liên hoan lần này, nhưng rõ ràng, nó cho thấy góc nhìn về hình tượng người chiến sĩ Công an gần gụi, ấm áp và đời thường hơn.

Sức hút đối với các đơn vị ngoài công lập

Tham dự liên hoan lần này có sự tham gia có nhiều đơn vị ngoài công lập. Sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu xã hội hóa đã tích cực tham gia 2 tác phẩm. Vở diễn “Hoa sen lửa” được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Chu Thơm, nghệ sĩ Thanh Lê đạo diễn với sự cố vấn của NSND Lê Hùng. Vở diễn khai thác vụ kỳ án liên quan một tập đoàn lớn đại diện cho mãnh lực của đồng tiền - thứ mãnh lực liên tiếp tạo ra sóng gió cho công cuộc phá án của những chiến sĩ Công an chân chính mà đứng đầu là Đại tá Liên, nữ Giám đốc Công an tỉnh.

Cấp dưới bị mua chuộc, cấp trên tạo sức ép, liệu bà Liên có đủ gan góc để dấn thân trên con đường công lý như bông sen lửa càng nung càng đẹp?... Đặc biệt, vở diễn còn gây xúc động với mối tình đẹp mà đầy trắc trở giữa bà Liên và ông Thức - người vô tình vướng vào vòng lao lý, qua đó vẽ lên những nét vẽ rất đời, rất người về hình tượng người chiến sĩ Công an.

Vở cải lương “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Trong khi đó, vở “Tình bạn và công lý” được đạo diễn trẻ Hàn Quang Tú dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Minh Nguyệt với sự cố vấn của đạo diễn, NSND Lê Hùng. Vở diễn khai thác mối quan hệ giữa những người bạn từng là đồng đội của nhau nơi chiến trường. Họ gắn bó và thân thiết đến mức đã từng chiến đấu vì nhau, hy sinh vì nhau, trở thành ân nhân của nhau…

Nhưng khi xuất ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người lại chọn cho mình những ngã rẽ khác nhau, người đứng đầu một đơn vị cảnh sát điều tra, người cầm đầu băng nhóm tội phạm... Tác giả Minh Nguyệt chia sẻ, qua đó, chị muốn khắc họa đậm nét và đề cao sự hi sinh của những chiến sĩ Công an nhân dân, họ buộc phải hi sinh những cái riêng mà nhiều khi những cái riêng ấy rất thiêng liêng để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải…

PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Hiện tại, có rất nhiều câu chuyện thế sự liên quan đến hình ảnh người chiến sĩ Công an, trong đó có những hình ảnh đẹp và cũng có những hình ảnh chưa đẹp, không loại trừ vẫn còn những vụ án oan. Và việc đưa những vấn đề thế sự này lên sân khấu nghệ thuật chính là nhiệm vụ của sân khấu. Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ Công an đặt ra cho những đơn vị dự thi một khu vực đề tài rất khó nhưng cũng vô cùng hấp dẫn để thử sức.

Theo Ban tổ chức, liên hoan năm nay, đề tài về phòng chống tội phạm ma túy có 11 kịch bản; điều tra phá án có 12 kịch bản; đấu tranh chống tiêu cực có 3 kịch bản; chống tệ nạn xã hội có 3 kịch bản; chống tham nhũng tiêu cực có 3 kịch bản; đấu tranh với các thế lực phản động có 3 kịch bản; đề tài chính luận khác có 3 kịch bản.

Về thể loại: Chèo có 4 vở của 3 đoàn: “Hai mươi năm thù hận” (Nhà hát Chèo Quân đội, kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang); “Ngày trở về” (Nhà hát Chèo Quân đội, kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Nguyễn Quốc Trượng); “Tiếng chuông” (Nhà hát Chèo Hưng Yên, đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn Cường); “Vụ án Am Bụt Mọc” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Trương Hải Thọ).

Cải lương có 6 đoàn với 6 vở: “Bão ngầm” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai); “Đóa sen Việt” (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, chuyển thể từ kịch bản “Hoa sen lửa” của tác giả Chu Thơm, đạo diễn: Lê Nguyễn Đạt); “Hồi sinh” (Đoàn Cải lương Hải Phòng, tác giả: NSƯT Quế Anh, đạo diễn: NSƯT Lê Hải); “Giọt máu người yêu” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, tác giả: Đăng Minh, đạo diễn: Võ Huỳnh Mơ); “Hoa thép” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An – Đoàn Cải lương Long An, tác giả: NSND Doãn Bằng, đạo diễn: NSƯT Hồ Ngọc Thịnh); “Nhân danh công lý” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tác giả: Doãn Hoàng Giang, Võ Khắc Nghiêm, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt).

Dân ca kịch có 4 đoàn với 5 vở: “Chuyên án “Z1” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh Thừa Thiên -Huế, tác giả: Lê Mai Phương, đạo diễn: La Thanh Hùng); “Người thứ 13” (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Lê Hùng); “Vụ án Am Bụt Mọc” (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Hồng Lựu); “Những đứa con thời loạn” (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, tác giả: Nguyễn Xuân Đức, đạo diễn: Nguyễn Ngọc Linh); “Cơn lốc” (Đoàn Ca kịch Quảng Nam, tác giả: Nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà).

Kịch nói có 18 vở của 15 đoàn: “Búp bê không biết khóc” (Công ty TNHH Giải trí HERO FILM, tác giả: Lê Thanh Tăng, đạo diễn: NSND Trần Kim Ngọc); “Bộ cảnh phục” (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, tác giả: Đỗ Đức Trung, NSƯT: Sĩ Tiến); “Hoa sen lửa” (Sân khấu Lệ Ngọc, tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Tình bạn và công lý” (tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Lằn ranh” (Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, tác giả: Kiến Bình, đạo diễn: Trần Quý Bình), “Nữ cảnh sát SCB” (Nhà hát Kịch Việt Nam, tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu)…

Linh Nguyễn
.
.
.