Sức sống lâu bền của nhạc Boléro

Thứ Hai, 28/03/2016, 10:08
Hơn 10 năm trở lại đây, tình khúc Boléro trở lại mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, việc khan hiếm sáng tác mới cũng như cách phối âm hiện đại khiến không ít người làm nghề phiền lòng.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhạc Boléro

Theo nhạc sĩ Trần Thế Bảo: “Dòng nhạc Boléro ra đời vào những năm 1960 – 1965, ở miền Nam Việt Nam. Đến sau năm 1975, dòng nhạc này mới lan ra miền Bắc. Có rất nhiều bài hát sáng tác ở miền Bắc nhưng đến sau năm 1975 mới được phối khí theo phong cách Boléro.

Dòng nhạc Boléro ở Việt Nam hơi đơn điệu. Giai điệu Boléro ở các nước khác rất tự do, phần đệm và phần hát khác nhau, tạo ra sự thú vị. Còn ở nước ta, dòng nhạc Boléro phần hát và đệm thường chồng lên nhau. Tuy nhiên, dòng nhạc Boléro này lại được người dân rất ưa thích”.

Những ca sĩ gạo cội của dòng nhạc Boléro.

Là dòng nhạc gây nhiều tranh cãi, Boléro vẫn luôn hiện diện trong đời sống âm nhạc Việt Nam dù lúc thăng, lúc trầm. Sau hào quang của thời kỳ Mưa bụi, Boléro tưởng chừng lép vế trước nhạc Hàn và hàng loạt sáng tác của các nhạc sĩ 9X. Hơn 10 năm trở lại đây, khán giả bỗng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng nhạc này.

Bắt đầu bằng sự trở về của một số ca sĩ hải ngoại những năm đầu thập kỷ 2000, khán giả Việt Nam được nghe trực tiếp từ sân khấu những ca khúc một thời mình yêu quý và gắn bó. Họ cũng được giao lưu cùng những tên tuổi gắn liền với dòng nhạc này thời kỳ đầu như Giang Tử, Giao Linh, Phương Dung, Chế Linh, Hương Lan...

Các phòng trà tại TP Hồ Chí Minh tìm được hướng đi mới cho bài toán doanh thu khi những đêm nhạc có tên các ca sĩ trên luôn hút khách. Nhu cầu thưởng thức nhạc Boléro của khán giả Việt Nam góp phần níu chân một số nghệ sĩ ở lại. Giao Linh, Phương Dung, Elvis Phương quyết định chọn trở về sống luôn ở quê nhà lúc tuổi già. "Ở hải ngoại, chúng tôi chỉ diễn hai ngày cuối tuần. Trong khi ở Việt Nam, tôi đi diễn hàng đêm, chưa kể những dịp hát chùa, hát tiệc, hát sự kiện. Tôi muốn được hát và chết trên quê hương", ca sĩ Kim Anh chia sẻ.

Song song với hoạt động của các ca sĩ gạo cội, một số ca sĩ trẻ lựa chọn ca khúc Boléro để đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Đàm Vĩnh Hưng với album Hạnh phúc lang thang phát hành năm 2007 đến nay đã tái bản 8 lần. Album Qua cơn mê với số lượng phát hành 120.000 bản, album Xót xa là 90.000 bản. Viết Tân Studio, đơn vị phát hành album Khúc tình xưa của Lệ Quyên cho hay, Khúc tình xưa 2 (phát hành năm 2011), được tái bản hơn 10 lần với số lượng hơn 60.000 bản.

Album của Quang Lê - Không phải tại chúng mình với một số ca khúc Boléro như: Về đâu mái tóc người thương, Hai chuyến tàu đêm, Trộm nhìn nhau, Mưa nửa đêm… phát hành với số lượng 20.000 bản. Chanh Boléro của Phương Thanh cũng bán hết trong lần phát hành đầu và đã tái bản.

Thí sinh nước ngoài cũng đi thi hát Boléro.

Từ chỗ được hát tại phòng trà và phát hành băng, đĩa, nhạc Boléro được vinh danh trên những sân khấu lớn, trong các chương trình Sol Vàng, Tình khúc vượt thời gian. Mới đây, một kênh truyền hình còn tổ chức hẳn cuộc thi Solo cùng Boléro, thu hút nhiều thí sinh, đủ mọi ngành nghề, lứa tuổi tham gia

Theo nhạc sĩ  Trương Hoàng Xuân,  nhạc Boléro dễ nghe, ai cũng có thể hát được vì ca từ giản dị, gần gũi, nhạc điệu gần giống dân ca nên thể loại nhạc này được nhiều tầng lớp, thế hệ khán giả ái mộ. “Ai hát dân ca tốt, hát Boléro sẽ hay, sẽ ra được cái thần của bài hát”, Trương Hoàng Xuân nói.

Nhạc sĩ Y Vũ và nhạc sĩ trẻ Hoài An cho rằng, nhạc trẻ ngày nay nhạt nhẽo, bế tắc về ca từ và giai điệu nên đa phần người nghe tìm về Boléro để hoài niệm. "Nhạc trẻ với ca từ dễ dãi không đủ sức thuyết phục đại đa số khán giả. Nó chỉ phù hợp với một bộ phận khán giả. Với nhạc Boléro, người trẻ, người trung niên đều có thể tìm thấy mình trong đó", nhạc sĩ Y Vũ nói.

Ca sĩ Long Nhật khẳng định: "Sự lên ngôi của nhạc trẻ, theo tôi, chỉ là cơn choáng váng với khán giả. Khi trẻ, có thể khán giả của tôi cũng nghe Sơn Tùng, Bảo Anh, Bảo Thy... hát. Nhưng khi đã trải nghiệm, có những va vấp trong cuộc sống, họ hay hướng đến dòng nhạc buồn, nhạc “sến”. Loại nhạc chạm đến cõi lòng họ, nói thay những thổn thức mà họ đang giữ kín".

 Bạn Trường Giang, một người trẻ hâm mộ Boléro cho rằng, sở dĩ dòng nhạc này được nhiều người nghe bởi: “Nó thường kể về tình cảm của người lao động, tình yêu đôi lứa nên tạo được cảm giác gần gũi, hồn nhiên”.

Ca sĩ trẻ đổ xô đi hát nhạc Boléro

Sự thành công của Lệ Quyên với dòng nhạc này khiến nhiều ca sĩ trẻ ao ước được khẳng định tên tuổi. Boléro với ca từ, âm điệu đơn giản, chịu ảnh hưởng nhiều của tiết tấu và âm vực cải lương nên dễ hát, dễ nghe. Cho đến nay, chưa ca sĩ trẻ nào có thể soán ngôi Lệ Quyên nhưng thu nhập từ việc hát dòng nhạc này khiến họ yên tâm sống và cống hiến với nghề.

Phương Mỹ Chi - Huyền Trân, hai ca sĩ nhí của dòng nhạc Boléro.

Theo thống kê của ban tổ chức cuộc thi Solo cùng Boléro, trong mùa đầu tiên có hơn 6.000 người ăn chực nằm chờ để đăng ký thi. Bước ra từ cuộc thi Người giấu mặt, con trai nuôi của Hoài Linh - ca sĩ Hoài Lâm cũng theo đuổi  Boléro dù trước đó anh hát dòng nhạc hoàn toàn khác.

Quán quân Việt Nam Idol Phương Mỹ Chi chỉ mới hơn mười tuổi nhưng đã được quản lý của mình - ca sĩ Quang Lê định hướng cho hát Boléro song song với thể loại dân ca trữ tình Nam bộ. Sức hấp dẫn của Boléro lớn đến mức một số ca sĩ theo đuổi nhạc trẻ, nhạc thị trường cũng chuyển sang hát những ca khúc nhạc xưa bởi khán giả của dòng nhạc này luôn là một thị trường tiềm năng, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Nhiều ca sĩ nổi tiếng với các tình khúc nhạc trẻ cũng chuyển sang hát Boléro như Phương Thanh, Cao Thái Sơn, Phan Đình Tùng, Ưng Hoàng Phúc… Ngay cả những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc điện tử cũng từng thử sức với Boléro hoặc làm mới dòng nhạc này theo cách của mình. Nhiều người trong số đó chọn hát Boléro vì lý do đơn giản: dễ kiếm tiền.

Ca sĩ Minh Quân từng thẳng thắn phát biểu anh lựa chọn nhạc Boléro là để kiếm tiền: “Có một lý do mà Quân chọn dòng nhạc Boléro là bởi nó vẫn có nhiều người nghe, nhất là ở Hà Nội. Dòng nhạc này đắt show đi sự kiện. Quân nói thẳng, Quân hát nhạc Boléro để kiếm tiền.

Mọi người có thể khoác cho nó những chiếc áo mỹ miều, nhưng với Quân nó trần trụi thế đấy. Có sao đâu, kiếm tiền, nhưng mình hát một cách chỉn chu, đúng nghĩa làm nghề. Các nghệ sĩ ở Hà Nội vẫn thường bị cảm giác hoang mang trong việc lựa chọn dòng nhạc nào. Nói như các cụ ngày xưa, nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn Minh Quân chọn thực tế, phải kiếm ra tiền. Nghệ sĩ mà không có tiền để sống thì đừng nói làm nghệ thuật”.

Trong số những thí sinh trưởng thành từ các cuộc thi, Khánh Bình nổi bật với khả năng giả giọng nữ khi hát nhạc Boléro. Anh trở thành một hiện tượng hiếm có của làng nhạc Việt Nam ở thời điểm những ca khúc Làn sóng xanh đã hạ nhiệt, nhạc điện tử và nhạc thị trường lên ngôi với những ca khúc như Em của ngày hôm qua, Vợ người ta… Khánh Bình đắt show đến nỗi từ một chàng bán phở tỉnh lẻ, chỉ một năm sau khi nổi tiếng, anh sắm được nhà, xe trên Sài Gòn.

 “Các ca sĩ trẻ hiện nay đang làm dòng nhạc này bị biến đổi, không còn tinh thần như ban đầu nữa. Những bài hát não nề, buồn đã được những nghệ sĩ như chị Hương Lan, anh Chế Linh, Ngọc Sơn,… hát rất hay, rất tình tứ, mang lại diện mạo của thời điểm nào đó. Nhưng bây giờ, mọi người lại chạy theo trào lưu, thích Boléro nên cứ cố để hát sao cho giống những người đi trước, nhưng họ hát không ra chất, không ra được những tinh thần nổi bật như thế”, ca sĩ Tùng Dương phát biểu.

Dù trở lại mạnh mẽ, nhạc Boléro khá hiếm sáng tác mới

Các nhạc sĩ như Bảo Thu, Y Vũ, Hà Phương đều thừa nhận họ vẫn đều đặn sáng tác ca khúc mới nhưng phần lớn chúng được phát hành tại hải ngoại. Với giá hàng nghìn USD một tác phẩm, các nhạc sĩ sống khỏe nhờ những đơn đặt hàng từ nước ngoài. "Việc phát hành trong nước khá khó khăn bởi để khán giả làm quen với ca khúc mới mất khá nhiều thời gian. Không ca sĩ nào mạo hiểm mua bài hát mới để đầu tư cho sản phẩm âm nhạc của mình", nhạc sĩ Hà Phương nói.

Ca sĩ Giao Linh cũng cho rằng việc các ca sĩ dòng nhạc Boléro hát đi hát lại những bài hát cũ là hành động đáp ứng thị hiếu khán giả. "Mỗi bài hát xưa, tự bản thân nó là một câu chuyện nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người, vì họ hay người thân họ từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Khi hát lại những bài đó, khán giả dễ đồng cảm với ca sĩ hơn. Một bài hát mới cần phải có thời gian để đo phản ứng khán giả. Vì vậy, đơn vị tổ chức cũng như ca sĩ khá dè dặt khi lựa chọn hát ca khúc mới", nữ ca sĩ chia sẻ.

Ngoài chuyện khan hiếm sáng tác mới, việc một số ca sĩ trẻ hát nhạc Boléro không đúng với tinh thần bài hát khiến không ít người làm nghề phiền lòng.

Ca sĩ Giao Linh từng tâm sự: "Với sự tiến hóa kỹ thuật hiện nay, hậu thế có thể phối âm lại hay hơn, mượt mà hơn, ca sĩ hát hay hơn nhưng chưa chắc đã chuyển tải được ý nghĩa của bài hát. Chưa kể, một số bản phối âm lại theo lối nhạc trẻ. Trường hợp này vô tình khiến tác giả đau lòng ghê gớm. Đôi khi, nhạc sĩ đã không được trả tác quyền, bài hát của họ còn bị phá hỏng âm điệu".

Ca sĩ Phương Dung khi làm giám khảo Solo cùng Boléro từng khẳng định, bà khó chấp nhận chuyện ca sĩ hát sai lời.

Hồng Phúc, sinh năm 1992, thành viên một nhóm yêu nhạc Boléro tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, Boléro giúp anh hiểu và trân trọng đời sống trước đây của cha ông mình. "Tôi thấy nhiều bạn trẻ thế hệ tôi yêu và thích hát dòng nhạc này. Chúng tôi cố gắng sưu tầm, gìn giữ và lan tỏa nhạc Boléro bằng những hành động cụ thể như thăm viếng nhạc sĩ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ... ". 

Minh Châu
.
.
.