Sướng như tân thuyền trưởng ĐTVN

Thứ Bảy, 24/05/2014, 08:54

Nhìn cái cách nhà cầm quân người Nhật Bản Toshiya Miura ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐTVN, nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam đã phải trầm trồ thốt lên: "Ông Miura sướng thật!". Sướng không phải vì chuyện được nhận lương cao (thực tế thì lương của ông còn thua xa so với những người tiền nhiệm như Calisto hay Falko Goetz), mà sướng vì tên tuổi ông và cái ghế của ông đang được đảm bảo bởi quá nhiều điều kiện.

Từ cuộc đua một mình một ngựa

Dù có những lúc VFF "bắn" tin cho báo giới về việc có khoảng 6 ông thầy lọt vào "chung kết" cuộc tuyển chọn lần này, dù đã có những cái tên rất cụ thể được dẫn chứng (như cựu HLV trưởng ĐT Malaysia Rajagobal chẳng hạn), và dù cũng có những hứa hẹn về việc Liên đoàn sẽ gặp người nọ người kia trước khi "chốt hạ vấn đề" thì những người hiểu việc đều tin rằng đã có một HLV người Nhật được "đóng chốt". Tin thế là bởi 2 năm về trước, PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng đã công khai chuyện nên dùng thầy Nhật, và bây giờ, khi ông phó tài chính đã trở thành chủ tịch Liên đoàn thì ông không những công khai chuyện "thầy Nhật" mà còn công khai chuyện "bóng đá Việt Nam cần hợp tác lâu dài, toàn diện với bóng đá Nhật".

Thực tế thì sau vòng kiểm duyệt hồ sơ, VFF chỉ gặp gỡ trực tiếp duy nhất thầy Nhật Toshiya Miura tại Hà Nội, và sau cuộc gặp gỡ kéo dài 10 tiếng đồng hồ đó, khi người đứng đầu bộ phận điều hành của Liên đoàn "bắn tin" cho "tờ báo ruột" của mình hãy sớm đến trụ sở Liên đoàn để thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với tân thuyền trưởng ĐTQG thì cũng có nghĩa HLV Toshiya Miura đã chính thức được chọn lựa.

Xưa nay, bất luận là chọn thầy ngoại hay thầy nội, VFF cũng thường chính thức đưa khoảng 3,4 cái tên vào "chung kết", và sau đó cũng cố gắng chuyện trò, tiếp xúc với những con người này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng riêng với trường hợp của tân thuyền trưởng Toshiya Miura thì không. Rõ ràng là ông Miura đã chạy đua vào ghế thuyền trưởng ĐTVN trong thế...một mình một đường đua.

Một đường đua mà thảm đỏ được trải dưới chân ông, bất chấp việc thành tích huấn luyện của ông rất nhạt, và suốt từ năm 2011 tới nay, ông chỉ chuyên tâm làm... bình luận viên bóng đá.

Được LĐBĐ Nhật đảm bảo  

Tính đến lúc này, điểm sáng duy nhất của ông Toshiya Miura dĩ nhiên không phải ở phương diện thành tích, tên tuổi, càng không phải ở việc ông là một trong 10 HLV Nhật Bản đã cầm quân trên dưới 400 trận như ông tiết lộ (bởi chỉ có chất lượng, chứ không phải số lượng các trận đấu mới nói lên nhiều điều), mà là việc ông đã có được sự đảm bảo của Liên đoàn Bóng đá Nhật. Ai cũng biết, khi nhiệm kỳ VII VFF đã xác định bóng đá Nhật Bản là đối tác toàn diện thì một lời đảm bảo của Liên đoàn Bóng đá Nhật sẽ khiến VFF tin tưởng đến nhường nào.

Thực ra thì đừng nói đến Liên đoàn Bóng đá Nhật, mà trước đây ngay cả Liên đoàn Bóng đá Pháp (một nền bóng đá dĩ nhiên là cao hơn, chất lượng hơn Nhật rất nhiều) cũng từng có thư "đảm bảo chất  lượng" khi giới thiệu HLV cho bóng đá Việt Nam. Tác giả của bức thư "đảm bảo chất lượng" này thậm chí chính là GĐKT của LĐBĐ Pháp, người từng dẫn dắt ĐT Pháp vô địch World Cup 1998, ông Aime Jacquet. Thế nhưng kết quả là người được đảm bảo đã làm gì và giúp được gì cho bóng đá Việt Nam? Xin được nhắc lại cho rõ, "người được đảm bảo" ấy, ông Cristian Letard đã sớm lộ diện là thầy "rởm", và sau khi VFF sửa sai bằng cách huỷ hợp đồng với thầy "rởm" thì thầy "rởm" đã kiện lên Toà án Thể thao quốc tế, khiến bóng đá Việt Nam phải è cổ đền bù.

HLV Miura (trái) và chủ tịch VFF. H.M.

Nói thế để thấy với một HLV thì một lá thư, một chứng chỉ hay một lời đảm bảo từ một Liên đoàn bóng đá chưa chắc đã là một sự đảm bảo xác thực, tối cao về chất lượng. Tất nhiên, khi ông Toshiya Miura chưa bắt tay vào công việc thì không thể so sánh ông với thầy "rởm" Letard, càng không thể so sánh lời đảm bảo của Liên đoàn Bóng đá Nhật với Liên đoàn Bóng đá Pháp trước đây. Nhắc lại những chi tiết này chỉ để rút ra một kết luận: ông Toshiya Miura đã được chọn nhờ một lời đảm bảo, dù những người chọn ông thừa khôn ngoan để biết những lời đảm bảo như thế không hẳn đã là thứ bửu bối an toàn.

Thế thì ông sướng quá, và được "ưu ái" quá còn gì?

Được LĐBĐ Việt Nam đảm bảo

Ngày ký hợp đồng với Toshiya Miura, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nói rõ ràng là ở nhiệm kỳ của mình, ông sẵn sàng chấp nhận việc ĐTQG không có thành tích trong vài ba năm để xây dựng một đội ngũ thật sự chất lượng trong tương lai. Và vì thế, ông Dũng cũng "rào" trước rằng, trong thời hạn 2 năm của hợp đồng đã ký giữa VFF với ông Miura, VFF sẽ không sa thải ông Miura trong bất luận hoàn cảnh nào, với bất luận lý do nào.

Chợt nhớ, người tiền nhiệm của ông Miura là thầy Đức Falko Goetz đã phải đối diện với cái áp lực giúp ĐTVN lọt vào chung kết, thậm chí là giành HCV SEA Games 26 (năm 2011). Trước đó nữa, người tiền nhiệm Calisto cũng từng "bị" một quan chức Liên đoàn giao nhiệm vụ: "Nếu ĐT do ông ấy dẫn dắt không đoạt HCV thì coi như thất bại". Ngay cả các ông thầy nội như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc cũng phải ít nhiều đứng trước cái áp lực thành tích, và thực tế cho thấy khi ĐTVN và ĐT U.23 Việt Nam dưới thời của hai nhà cầm quân này không đạt được thành tích như mong muốn thì họ cũng phải lập tức ra đi.

Chỉ có riêng tân thuyền trưởng Miura là không phải đối diện với cái áp lực thành tích ấy. Chỉ có riêng ông mới được Liên đoàn đảm bảo là "không sa thải, ngay cả khi ĐT do ông ấy dẫn dắt đạt kết quả không như ý". Có thể vì ông Miura là người Nhật, và trong bối cảnh mà bóng đá Việt và bóng đá Nhật đang hợp tác toàn diện thì ông cũng cần được ưu ái hơn so với những ông thầy tiền nhiệm khác. Mà cũng có thể là người ta xác định thời điểm hiện tại ĐTVN đang xuống cấp, thế nên đòi hỏi thành tích là điều không tưởng.

Nhưng với bất luận lý do gì ai cũng thấy là so với những nhà cầm quân tiền nhiệm, ông Miura lúc này sướng hơn rất nhiều.

Và sướng vì không biết... sợ

Trong những phát biểu đầu tiên, và có hệ thống với báo giới Việt Nam, ông Toshiya Miura tỏ ra là một con người rất tự tin. Ông cho rằng bóng đá Việt Nam rất có tiềm năng, và với tiềm năng ấy ông có thể giúp ĐTVN đạt thành tích tốt nhất ngay tại AFF Suzuki Cup 2014 vào cuối năm nay. Dường như ông chưa biết, hoặc chưa "thấm" (cũng là tất yếu thôi) sự khác biệt giữa việc "có tiềm năng" với việc giúp tiềm năng phát huy giá trị. Những yếu nhân người Nhật ở Việt Nam trước ông Miura như cố trợ lý cho TGĐ VPF Tanabe hay đương kim trưởng BTC V.League 2014 Tanaka đều đã "thấm" và "thấm" rõ những chuyện này. Sự thấm thía mà với nó cả hai chuyên gia Nhật đều hiểu rằng cái mà họ nhìn thấy ở một trận đấu với cái thực sự diễn ra phía sau trận đấu đôi khi rất khác nhau. Thế mới có chuyện ông Tanabe từng sốc nặng khi một trận đấu ông khen là "thú vị" hoá ra lại là trận đấu có vấn đề, rồi mới đây nhất, nóng hổi nhất, ông Tanaka đã không tin vào tai mình khi biết rằng có một nhóm cầu thủ Ninh Bình vừa đá bóng vừa... làm độ.

Trở lại với tân thuyền trưởng Miura, khi đứng trước câu hỏi: "Liệu có quá tải không khi vừa dẫn dắt ĐTVN vừa dẫn dắt ĐT Olympic Việt Nam" thì ông Toshiya Miura cũng tự tin trả lời là: "Không". Ông thậm chí còn bảo đấy là một lợi thế, giúp cả ĐTQG lẫn ĐT Olympic QG có thể được huấn luyện bởi cùng một phương pháp, một phong cách giống nhau.

Có lẽ, ông Miura chưa biết rằng những người tiền nhiệm của ông trước đây như Alfred Rield, Henrique Calisto đã phải rất vất vả và có nhiều phen thất bại với việc cùng lúc phải dẫn dắt cả hai ĐT. Ông cũng chưa biết rằng đã có thời điểm Tổng cục TDTT "lệnh" cho VFF phải dùng 2 HLV ở 2 ĐT một cách rành rẽ. Cái lệnh mà VFF cũng từng rất muốn nghe theo nhưng sau đó lại không thể nghe theo, vì không thể kiếm cùng lúc 2 ông thầy nội cầm quân cho 2 ĐT.

Ở đời này, đôi khi con người ta sống với cảm giác sung sướng khi người ta không lường thấy hết những nguy cơ tiềm ẩn có thể đổ lên đầu mình. Và dĩ nhiên tuổi thọ của những cái sướng kiểu này thường không cao. Nhưng thôi, dẫu sao thì tân thuyền trưởng Miura cũng có một sự đảm bảo gần như chắc chắn về việc có thể ngồi yên vị ít nhất 2 năm.

Chúc ông trong suốt 2 năm ấy sẽ luôn duy trì được cảm giác sướng như cái sướng thủa ban đầu!

Một vẻ ngoài lãng tử

Không giống với vẻ lịch lãm của cựu thầy Alfred Riedl, cũng không giống với vẻ bụi bặm của cựu thầy Calisto, tân HLV Toshiya Miura có một mái tóc dài và một vẻ ngoài đầy lãng tử. Theo nhận xét của TTK VFF Lê Hoài Anh thì ông Miura luôn tạo một cảm giác hết sức gần gũi, thân thiện với người đối diện, và đấy có thể sẽ là một lợi thế của ông trong quá trình làm việc với các cầu thủ Việt Nam. Ông Miura đôi khi cũng có những câu trả lời rất... lãng mạn, chẳng hạn như ông nhấn mạnh đến việc các cầu thủ cần phải chơi bóng có tâm hồn, và xưa nay ông rất thích được sở hữu một đội bóng tấn công giàu hồn vía.

Tuy nhiên ông cũng cho biết là sau vẻ ngoài lãng tử thì ông cũng là một con người - một HLV đầy mạnh mẽ. Ông nói vui: "Cứ đợi đấy, các bạn sẽ thấy tôi mạnh mẽ như thế nào khi ở trên sân".

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.