Bóng đá Brazil: Sụp đổ hay…sự 'dàn xếp'?

Thứ Hai, 06/07/2015, 15:00
Một lần nữa Brazil thất bại thảm hại ở nơi họ được kì vọng nhất. Copa America không khắc nghiệt như World Cup, nhưng Brazil vẫn không thể chạm tới đỉnh cao. Họ dừng chân ở tứ kết, với nỗi đau đáu về một hình ảnh đội bóng hàng đầu thế giới đã mai một. Brazil bây giờ ở đâu? Một tượng đài đã sụp đổ hay đó là kết quả của một màn kịch nào đó?

1."Dàn xếp". Đó là điều bất kì ai cũng nghĩ tới khi chứng kiến những kết quả không tưởng. Và bóng đá Brazil, khi trải qua quá nhiều nỗi thất vọng ê chề, khái niệm "dàn xếp" được đưa ra như một lời ca thán đầy chán nản. Thậm chí nó còn được đưa ra làm cái tựa đề cho những bài viết của một nhà phân tích nổi tiếng, ông Gabriel Marcotti. Dĩ nhiên, nó mang hàm ý chua chát chứ không phải sự buộc tội. Có lẽ, chỉ trong tưởng tượng, Brazil mới tệ đến thế. Nó giống như một màn dàn xếp tệ hại nhất có thể, mới dẫn đến tấn bi kịch kéo dài triền miên như vậy.

Đã 5 năm trôi qua, kể từ sau ngày Brazil bị Hà Lan loại khỏi tứ kết World Cup 2010 tại Nam Phi, sau một trận đấu kì lạ (Brazil dẫn trước và chơi trên chân hoàn toàn, rồi vẫn thua 1-2), sự tệ hại bám riết lấy họ. Từ đó đến nay, 5 năm trời, Brazil chỉ thi đấu có 15 trận đấu chính thức tại World Cup và Copa America, trong đó họ thắng có 6 trận.

Bóng đá Brazil đang phải quen dần với những thất bại ê chề.

Đỉnh điểm của nỗi ê chề là thất bại tới 1-7 trước Đức ở bán kết World Cup 2014 ngay trên sân nhà. Trận đấu đó, gần như tất cả cổ động viên, cầu thủ Brazil đã khóc. Họ khóc không phải vì giấc mơ tan tành, mà vì xấu hổ, nhục nhã. Nhưng tròn 1 năm sau cái ngày kinh hoàng ấy, Brazil tiếp tục rơi vào bi kịch. Mặc dù chẳng có thất bại 1-7, chỉ là trận thua trên chấm luân lưu trước đối thủ yếu hơn rất nhiều (Paraguay), nhưng nó cũng nhói đau chẳng kém là bao. Và hơn thế nữa, suốt cả chặng đường ngắn ngủi mà họ đi cũng để lại những điều đáng xấu hổ.

Đôi khi bạn chẳng cần gặp bác sĩ để biết mình đang mắc bệnh, mà chỉ cần tự chẩn đoán. Với Brazil, mọi thứ đã quá rõ ràng.

Chiếc thẻ đỏ của Neymar ở trận thua Colombia (0-1), rồi bị treo giò 4 trận, nghỉ luôn cả giải. Tiếp đó là thua Paraguay trên chấm luân lưu ở tứ kết (đội bóng này sau đó bị Argentina hủy diệt 6-1 ở bán kết). Sự yếu kém về chiến thuật, con người, cách bố trí nhân sự, số ít ngôi sao được kì vọng chơi bóng như những kẻ nghiệp dư, và trên hết là một nền bóng đá đã bắt đầu trở nên què quặt. Sự thật ấy Brazil đang trải qua, đang đối diện như một con bệnh không có thuốc chữa. Hoặc cũng có thể họ chẳng thèm tìm thuốc chữa. Và thế là suốt 5 năm, bóng đá Brazil từ một quyền lực thế giới trở thành trò hề, là nơi tìm kiếm sự thương cảm cho bất kì ai xem họ đá bóng.

Nguyên nhân thất bại của Brazil tại Copa America có nhiều và nó chẳng khác là bao so với cách người ta bao biện ở World Cup cách đây 1 năm. Nếu năm ngoái, Neymar rời cuộc chơi vì chấn thương, người Brazil than khóc, lăn lộn khổ sở bao nhiêu, thì lần vắng mặt này khác hẳn. Những hành động phi thể thao của Neymar (sút bóng mạnh vào đối thủ rồi húc đầu vào cầu thủ khác) đã "giết chết" cả đội Brazil. Rồi dịch cúm khiến hơn chục cầu thủ không có phong độ tốt.

Nỗi đau của cổ động viên Brazil ngày càng lớn dần.

Lại nữa, sai lầm của Thiago Silva, tranh cãi việc HLV Dunga đưa băng đội trưởng cho Miranda, chỉ gọi ngôi sao Daniel Alves khi có người chấn thương cũng được nhắc đến… Tất cả quá nhàm chán, cũ kĩ. Bởi chính Brazil cũng đã nhàm chán và cũ kĩ với những câu chuyện chỉ có ở Brazil.

2.Brazil luôn tìm thấy những tài năng bóng đá một cách rất tự nhiên. Nhưng đã lâu lắm rồi họ mới có một Neymar. Mỗi năm, Brazil xuất khẩu cả ngàn cầu thủ sang các nước khắp thế giới, nhưng đó chỉ là số lượng. Neymar là ngôi sao hiếm hoi. Và như một hệ quả tất yếu, hào quang châu Âu cuốn đi tất cả. Dường như Neymar chỉ có cảm hứng, chỉ có kỉ luật và chỉ có thành công ở CLB Barcelona với Messi, Suarez, đỉnh cao là cú ăn ba cách đây 1 tháng.

Hiện tại, công tác đào tạo trẻ ở Brazil bị thả nổi. Sự đầu tư giảm hơn 1/2 so với 2 thập kỉ trước về cả tài chính lẫn công tác tổ chức. Số lượng giáo viên văn hóa, HLV chuyên môn giảm đi hơn nửa so với 20 năm trước. Một phần do khủng hoảng tài chính, trong đó có việc đầu tư quá nhiều để tổ chức kì World Cup 2014 với nhiều thất bại. Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động kiểu "lạ đời" diễn ra không ai kiểm soát khiến chân đế một nền bóng đá mục ruỗng.

Sau những thông tin ỳ xèo về chuyện đi đêm với FIFA để giành quyền đăng cai World Cup 2014, đến chuyện bóng đá nước này bất chấp tất cả, đứng lên trên cuộc sống của người dân để tổ chức bằng được một World Cup đắt đỏ và cả chuyện điều khiển hoạt động bóng đá chẳng giống ai; sau thất bại ở World Cup 2010, họ sa thải HLV Carlos Dunga; rồi sau khi trải qua bi kịch cách đây 1 năm, họ lại mời lại Dunga; và bây giờ, khi thua trận, tiếp tục sự quy kết nhắm vào Dunga. Có lẽ chưa ở đâu có kiểu bổ nhiệm và quy trách nhiệm lạ lùng như vậy.

Và một câu chuyện nữa cũng chỉ duy nhất tồn tại ở bóng đá Brazil. Đó là chuyện về sự tồn tại của ĐTQG và giải đấu VĐQG, với những "âm mưu" hơn là xây dựng để phát triển. Gần như ĐTQG tồn tại độc lập với giải VĐQG, một sự thật oái oăm đến cùng cực. ĐTQG cứ triệu tập quân số, giải VĐQG cứ thi đấu bình thường, kể cả khi ĐTQG đang thi đấu giải đấu chính thức. Ngay khi ĐT Brazil thi đấu ở Copa America, nhưng giải VĐQG của họ vẫn thi đấu như không có chuyện gì xảy ra. Những cầu thủ quá lứa cũng có thể được gọi bất kì lúc nào, kể cả họ đã không được triệu tập từ 3, 4 năm.

Có một nguồn cung cấp cầu thủ cho ĐTQG rất "riêng", khiến ĐT đi thi đấu với tập thể gồm toàn những người chẳng ai biết mặt, biết tên. Đây là một "hoạt động bí mật", với mục tiêu được cho là "tạo cơ hội", hay "xây dựng hình ảnh cho cầu thủ". Nhưng cũng có những dấu hỏi nghi ngờ rằng, đó là cách bóng đá Brazil "đi đêm" với những mục đích mờ ám.

Có một sự thật không thể chối cãi, thị trường xuất khẩu cầu thủ của Brazil tập trung ở châu Âu, đặc biệt hướng đến thị trường Anh, nơi giải Ngoại hạng Anh được coi là mảnh đất màu mỡ. Ở Premier League, có luật bất thành văn là cầu thủ Brazil nào muốn đến thi đấu đều phải có ít nhất 1 lần được khoác áo ĐTQG. Và ở các nền bóng đá châu Âu khác, việc được triệu tập vào ĐQTG khiến giá và tầm cỡ cầu thủ Brazil khác hẳn. Ví dụ như anh em nhà Fabio, Rafael (Man Utd), đều chỉ có 2 lần khoác áo ĐT Brazil từ cách đây 3, đến 5 năm. Số cầu thủ 1 lần được gọi lên tuyển rồi biến mất trong vòng 3 năm qua là 27 người. Tổng số cầu thủ được triệu tập trong vòng 5 năm qua là… 152 người.

Chỉ tính trong 12 tháng qua, đã có 69 cầu thủ được triệu tập, trong đó có những người đã rất lâu không khoác áo ĐTQG như Kaka, Robinho và cũng có tới 12 người lần đầu được gọi. Và đó là lí do khiến ĐTQG Brazil trở thành công cụ chứ không phải là một đội bóng đầy kiêu hãnh như trước.

Có hai câu hỏi: Brazil ít tài năng, hay họ đang biến màu áo vàng xanh trở thành công cụ cho những mục đích ngoài chuyên môn và không đúng với nhiệm vụ của ĐTQG? Có lẽ là cả hai!

Cầu thủ đội Brazil (áo sẫm) đang hoảng loạn.

3. Không còn quá muộn để nói rằng, bóng đá Brazil đang tự đưa mình vào tử huyệt. Họ tồn tại trong trạng thái vất vưởng, thiếu định hướng và nếu nói theo cách hình ảnh như của Gabriel Marcotti thì bóng đá Brazil đang tự "dàn xếp" cũng chẳng sai. Những thất bại liên tiếp khiến bất kì ai cũng hồ nghi về Brazil, thậm chí cho rằng sứ mệnh của nền bóng đá đầy quyền lực này đã không còn nữa. 

Ngay đến giải đấu mà họ từng thống trị và không quá khắc nghiệt như Copa America, họ cũng đã không thể vô địch suốt 8 năm và 2 giải đấu gần như họ đều dừng chân ở tứ kết. Thậm chí, ngay cái giải đấu này cũng rất "lôm côm" khi mà kể từ năm 2007 đến nay, cứ 4 năm mới được tổ chức 1 lần (trước đó có chu kì 2 và 3 năm). Nhưng ngay năm tới (2016), giải này sẽ lại được tổ chức tiếp.

Có lẽ, Brazil sẽ phải chờ 1 năm nữa để tìm kiếm danh hiệu đầu tiên, khi Copa America lần đầu trong lịch sử được tổ chức bên ngoài Nam Mỹ (diễn ra tại Mỹ với sự tham dự của 6 ĐT Bắc Mỹ và CONCACAF cùng 10 ĐT Nam Mỹ).

Trong một nền bóng đá Nam Mỹ kì quặc, có một ĐT Brazil cũng đang rất… kì quặc.

Brazil lần đầu vắng mặt sau 20 năm

Năm 2016, Copa America sẽ lại được tổ chức với mục đích kỉ niệm 100 năm ra đời giải đấu này và thành lập LĐBĐ Nam Mỹ. Tuy vậy, giải này lại được tổ chức tại Mỹ và là lần đầu tiên trong lịch sử Copa America diễn ra bên ngoài Nam Mỹ và có tới 6 ĐT không thuộc Nam Mỹ tham dự.

Vì thế, đội vô địch Copa America 2016 sẽ không đại diện Nam Mỹ dự Confed Cup 2017 (tại Nga), mà đội có quyền tham dự là đội vô địch Copa America năm nay. Với việc bị loại ngay từ tứ kết, lần đầu tiên sau 20 năm Brazil sẽ không có quyền tham gia Confed Cup. Đây là giải đấu tổ chức tại nước chủ nhà World Cup và được tiến hành trước đó 1 năm với mục đích chuẩn bị về công tác tổ chức. Confed Cup sẽ bao gồm chủ nhà, các đội vô địch các châu lục. Kể từ năm 1997 đến nay, Brazil liên tục có mặt ở Confed Cup (7 lần dự), có mặt ở 5 trận chung kết và vô địch 4 lần. Họ đã vô địch Confed Cup trong 3 giải liên tiếp ở Đức (2005), Nam Phi (2009) và sân nhà (2013). Như vậy, Brazil sẽ vắng mặt lần đầu tiên tại Confed Cup sau 20 năm dù đang là đương kim vô địch.

Lê Giang
.
.
.