Điện ảnh Việt 2019: Những mảng màu tươi sáng

Thứ Hai, 27/01/2020, 07:46
Bỏ qua những câu chuyện ì xèo về chất lượng hay kiểm duyệt phim thì 2019 có thể nói là một năm khởi sắc của điện ảnh Việt khi những kỷ lục phòng vé liên tục được xác lập. Và sự xuất hiện của một số phim nghệ thuật được vinh danh tại các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước tạo dấu ấn mới cho điện ảnh nước nhà.


Những kỷ lục phòng vé mới đã được xác lập

Tính về số lượng so với năm 2017- 2018 thì năm 2019, phim Việt ra rạp vẫn giữ con số ổn định, 43 phim. Thế nhưng, điều đáng nói là trong năm 2019, những kỷ lục về doanh thu phòng vé đã được xác lập với con số ấn tượng. Trong đó "Cua lại vợ bầu" và "Hai Phượng" đạt doanh thu mỗi phim xấp xỉ 200 tỷ đồng. Phát hành cùng thời điểm, phim "Trạng Quỳnh" cũng cán mức 100 tỷ doanh thu.

Ngoài ra những phim "Anh trai yêu quái", "Anh thầy Ngôi sao" và hai phim ra rạp vào những ngày cuối năm "Chị chị em em" và "Mắt Biếc" đều nhận được phản hồi tốt từ người xem. Những con số doanh thu từ 50 đến 100 tỷ cũng đến từ nhiều phim "Chị trợ lý của anh", "Chị mười ba", "Lật mặt 4: Nhà có khách". Những con số cho thấy bức tranh của điện ảnh Việt khá tươi sáng và lạc quan, phim Việt đang từng bước lấy lại thị phần khán giả trên chính quê hương mình sau một thời gian dài bị phim Mỹ, phim Hàn lấn lướt.

Với một thị trường hơn 90 triệu dân và một hệ thống rạp được đầu tư mới mẻ, hiện đại thì khán giả là một cơ hội lớn cho phim Việt. Vấn đề đặt ra là phim Việt có đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh hay không.

Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, người Việt vẫn cần xem những bộ phim thuần Việt, những câu chuyện của chính người Việt. Vì thế sau nhiều loay hoay, thử nghiệm các chất liệu, các thể loại, thì những bộ phim Việt được kể một cách dung dị, kịch bản tốt vẫn có cơ hội chiếm lĩnh phòng vé.

Sau một thời gian lên ngôi của phim hài, thì năm nay, "khẩu vị" của khán giả đã đa dạng hơn. Phim tình cảm, phim kinh dị, phim hành động đều có cơ hội xác lập kỷ lục phòng vé nếu phim hay, kịch bản tốt. Không những thế, lần đầu tiên, một bộ phim hành động như "Hai Phượng" còn được phát hành song song tại Việt Nam và Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn trên bề mặt hơn 40 phim ra rạp, chúng ta cũng có không ít phim ăn xổi, ra rạp chỉ hòa vốn hoặc phải bù lỗ vì doanh thu èo uột. Có những phim không vượt qua nổi doanh thu tiền tỷ mà chỉ dừng lại ở tiền trăm như "Những cánh én đầu tiên"- doanh thu 220 triệu đồng, "Cậu chủ ma cà rồng"- 256 triệu đồng.

Phim ra rạp ngoài chất lượng kém, thì cuộc cạnh tranh lịch chiếu "giờ vàng" tại các phòng vé cũng khá khó khăn. Đây là bài toán chưa có hồi kết khi các cụm rạp chủ yếu do nước ngoài khai thác, họ chỉ ưu tiên những phim ăn khách mà thôi.

Phim nghệ thuật được vinh danh

Năm 2019 để lại dấu ấn bởi bộ phim "Song lang" được vinh danh tại giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam. Khá lâu rồi, sau nhiều mùa giải thưởng mất uy tín vì trao cho các phim giải trí, thì việc xướng tên "Song lang" phần nào đó trả lại giá trị đích thực của giải thưởng Liên hoan phim.

“Cua lại vợ bầu” đạt doanh thu kỷ lục.

"Song lang" mang đến cho khán giả cái nhìn chân thật về bộ môn nghệ thuật cải lương. Lấy bối cảnh ở TP Hồ Chí Minh vào thập niên 80, kể về chuyện tình của ngôi sao hát cải lương Linh Phụng và tên côn đồ cho vay nặng lãi Dũng Thiên Lôi.

"Song lang" với mục đích tôn vinh cải lương, những giá trị truyền thống của người Việt do một đạo diễn trẻ từ Mỹ trở về làm. Trong cuộc đua giành vị trí cao nhất của Liên hoan phim 2019 giữa "Song lang" và "Hai Phượng", nếu đánh giá mặt doanh thu thì "Song lang" không thể so bì, thậm chí những người yêu điện ảnh, tâm huyết với phim nghệ thuật như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp còn nỗ lực kêu gọi cộng đồng để "Song lang" được chiếu rộng rãi và có sức lan tỏa mạnh hơn.

Cuối cùng, "Song lang" đã giành vị trí cao nhất tại Liên hoan phim, một liên hoan mà khá lâu, giới chuyên môn, giới làm nghề, khán giả đều không quá kỳ vọng vì khá lâu không có tác phẩm xứng đáng để trao. Không chỉ chinh phục các giải thưởng trong nước, "Song lang" còn giành 20 giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Chia sẻ tại chương trình "Cất cánh", nơi tôn vinh những con người góp phần quan trọng, dám thay đổi vì một Việt Nam cất cánh, đạo diễn Leon Quang Lê nói: "Khi Song lang ra mắt, tôi  nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của khán giả, tôi thấy mình thực sự được trở về. Vì tôi nhận được nhiều chú ý hơn? Vì nó mang lại cho tôi nhiều cơ hội công việc to lớn hơn? Không? Vì qua "Song lang" tôi thực sự cảm thấy mình không cô độc trên đất nước mình.

Qua sự đồng cảm về những suy nghĩ, nhung nhớ, khát khao tôi gửi gắm trong "Song lang", tôi thấy mình được hiểu nhiều từ những người cùng màu da, cùng dòng máu". Và có lẽ, đó chính là những giá trị còn lại của một bộ phim, nhận được sự sẻ chia và rất nhiều tình cảm của khán giả. Đoàn làm phim "Song lang" cũng được mời tham dự trong chương trình trò chuyện cuối năm về hành trình tìm về những giá trị của cội nguồn. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của một bộ phim nghệ thuật rất có giá trị trong cộng đồng.

Với "Song lang" và sau đó là "Thưa mẹ con đi", "Mắt biếc", "Chị chị em em" cho thấy những mảng màu hy vọng về chất lượng của phim nghệ thuật Việt Nam. Điều đáng nói để cho điện ảnh Việt phát triển, để những đạo diễn trẻ tài năng như Leon Quang Lê trở về dấn thân, đó chính là cơ chế làm việc và một chính sách hỗ trợ đặc biệt cho phim nội. Việc trao giải thưởng cho một bộ phim nghệ thuật, chắc chắn sẽ tạo cú hích cho các nhà làm phim độc lập, khi những nỗ lực để mang tiếng nói của họ đến cho khán giả không còn đơn độc.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc khẳng định: "Năm 2019, tại một số liên hoan phim quan trọng của thế giới như Locarno, Busan, sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà làm phim Việt Nam khiến bạn bè thế giới và khu vực kinh ngạc. Cơ hội cho điện ảnh Việt rõ ràng là rất lớn trong khu vực nếu chúng ta có những chính sách phù hợp để hỗ trợ nền điện ảnh, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tài năng".

Tuy nhiên, bài toán khán giả vẫn là một vấn đề của dòng phim này. Nhìn lại điện ảnh Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm "phim nghệ thuật kén khán giả'' hẳn nhiên được mặc định. Hàng loạt phim đạt không ít giải thưởng ở nước ngoài như "Bi đừng sợ", "Đảo của dân ngụ cư", "Đập cánh giữa không trung", "Chơi vơi" và cả "Song lang" ra rạp đều không ăn khách.

Trong khi, cũng năm 2019, bộ phim giành giải Cành cọ Vàng của Hàn Quốc là "Ký sinh trùng" lại đạt doanh thu lớn tại Việt Nam. Đó cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm cho các nhà làm phim nghệ thuật trong năm 2020, một năm hứa hẹn với nhiều dự án mới của các đạo diễn trẻ tài năng.

Lan Tường
.
.
.