Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ: Mua cái kim, sợi chỉ cũng phải trả tiền, nói gì tác phẩm âm nhạc
- Kính chào nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, Thông tư 01/2016 của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch hướng dẫn thi hành Nghị định 15/2016 của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật - trong đó có vấn đề về quyền tác giả - đang có nhiều tranh cãi. Ông có biết đến Thông tư này không?
+ Tôi biết đến tranh cãi này mới mấy ngày gần đây. Nghị định 15/2016 của Chính phủ có nói rõ ràng rằng các chủ thể của tác phẩm (trong trường hợp này là các nhạc sỹ, các tác giả, những người làm ra bản nhạc ấy) là những ông chủ, ai muốn sử dụng ca khúc của họ thì phải xin phép. Họ đồng ý rồi thì các đơn vị cấp phép mới được cấp giấy phép cho người nào đó biểu diễn. Thông tư 1/2016 hướng dẫn lại đưa ra mẫu cam kết với nơi cấp phép (Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chứ không phải với tác giả, như thế rõ ràng gạt giới nhạc sỹ ra ngoài. Sai về nguyên tắc. Tôi phản đối và lên án Thông tư này.
 |
Tôi nói điều đó không phải cho tôi mà cho cả giới nhạc sỹ nói riêng và nghệ sỹ nói chung, ai cũng đều phải chấp hành Nghị định này. Nhà nước, Chính phủ ban hành chứ có phải ai đâu. Không ai có quyền chống lại cái này dù đó là Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch hay các Sở Văn hóa –Thể thao & Du lịch nào đó. Bản thân các đơn vị này là nơi chấp pháp thì phải thực hiện một cách nghiêm túc đầu tiên.
- Có hay không việc những đơn vị chấp hành này không hiểu hết nội dung của Nghị định, để rồi từ đó đưa ra những nội dung thực thi ngược hoàn toàn như thế, thưa ông?
+ Không hiểu, hay họ vì quyền lợi của họ? Theo tôi, họ hiểu cả thôi. Nhưng họ cố tình làm sai một cách ngang nhiên, phủ quyết quyền lợi của giới nhạc sỹ, phủ nhận Nghị định kia rồi. Rõ ràng, Chính phủ đâu có làm thế nhưng họ cố tình chống đối, cố tình vi phạm. Người ta đi mua một cái kim, sợi chỉ cũng phải trả tiền, nói gì một tác phẩm âm nhạc. Mà giới nghệ sỹ chân chính ở ta, xưa nay nghèo lắm, tôi không nói nhiều thì ai cũng biết.
- Hằng tháng, ông được nhận số tiền bao nhiêu từ Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc?
+ Nhiều nhặn gì cho cam. 2.000 đồng/bài, 3.000 đồng/bài, 5.000 đồng/bài, thậm chí 1.000 đồng/bài tùy từng lần. Cả quý, có khi tôi chỉ nhận được vài triệu đồng từ bản quyền tác phẩm của mình. Bèo bọt quá. Thế mà bây giờ, Thông tư này cũng nỡ cắt luôn cái phần bèo bọt ấy của người nhạc sỹ. Thế thì còn ra cái gì nữa? Nhạc sỹ cũng là trí thức. Trí thức làm nên giá trị văn hóa, tồn tại văn hóa và các nối tiếp truyền thống văn hóa. Nhưng cuối cùng, họ bị gạt ra một bên, chúng ta không trân trọng họ. Cái này liên quan đến nhân quyền của người nhạc sỹ, không đơn thuần là vài nghìn bạc nữa.
Gần 10 năm qua, câu chuyện bản quyền tác phẩm gây ra nhiều tranh cãi, mà vẫn chưa đâu vào đâu. Trong khi đó, nơi trả nhuận bút cho nhạc sỹ là Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc, hoạt động suốt 1 năm cũng chỉ thu được số tiền cao nhất là 15% so với số tiền đáng thu. 85% còn lại thất thoát ở đâu, tôi cũng không rõ. Nhìn sang nước bạn, ví dụ như Singapore mà xem, họ thu được 40-50 triệu USD là chuyện bình thường. Có đáng xấu hổ không?
- Cảm ơn nhạc sỹ!
Nhạc sỹ trẻ Mew Amazing: Chờ đợi tính minh bạch trong việc sử dụng bản quyền
Tôi có ủy thác những ca khúc của mình cho Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc để thay mặt mình kiểm soát và thực hiện quyền tác giả của mình với các sáng tác âm nhạc mà tôi là chủ sở hữu.
Nếu thông tin như bác Phó Đức Phương lên tiếng là đúng sự thật thì điều đó sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho nhạc sĩ vì họ không có quyền được kiểm soát những tác phẩm được sử dụng trong các chương trình. Tôi cảm thấy nó giống như một hành động đơn phương thực hiện từ một phía hơn là việc có hợp tác với nhạc sĩ hoặc có sự cam kết trực tiếp của bên đối tác và nhạc sĩ.
Trong những năm qua, có khá nhiều vụ kiện tụng liên quan đến tác quyền âm nhạc. Cá nhân tôi thấy việc thực hiện bản quyền, tác quyền hay quyền lợi về sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ còn là một bức tranh rất một màu, sơ khởi và hoàn toàn không đứng về phía người nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ khá bất lực trong việc kiểm soát quyền lợi của chính mình với vai trò là tác giả của sản phẩm họ làm ra. Họ rất khó để biết được ở đâu dùng bài hát của mình, quyền lợi cụ thể của họ khi tác phẩm của họ được dùng để công diễn, ngoài việc giao phó cho trung tâm bảo vệ quyền tác giả, họ chưa có một cách nào khác khả dĩ và hiệu quả hơn.
Khá may mắn là tôi chưa dính vào một tranh chấp liên quan tới bản quyền nào. Nhưng nếu có một lời với các nhà làm luật, nhất là luật bản quyền, thì tôi chỉ mong sẽ có một thông tư cụ thể về việc bản quyền của tác giả sẽ được sử dụng thế nào, ở đâu, và giá trị của từng nơi sử dụng bản quyền đó. Đại loại tôi thực sự mong tính minh bạch của việc sử dụng bản quyền sẽ sớm được luật hoá và thực hành hoá.
|