Taekwondo Việt Nam: Hai thập kỷ đau đáu với ký ức Sydney 2000

Thứ Hai, 19/10/2020, 10:53
20 năm trước, Taekwondo Việt Nam tạo nên địa chấn lịch sử. Tấm Huy chương Bạc của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000 là lần đầu tiên quốc ca Việt Nam xướng lên tại một lễ trao giải đại hội thể thao thế giới. Nhưng sau 20 năm, Taewondo Việt Nam chẳng những không có thêm tấm huy chương mà còn đối diện với nguy cơ tụt hậu.


Địa chấn trên võ đài Sydney

"Chiếc huy chương ở Olympic 2000 đã giúp tôi có được thành công như hôm nay", đã 20 năm trôi qua, Trần Hiếu Ngân vẫn không thể quên cái khoảnh khắc chiến thắng ở bán kết, tại võ đài Sydney năm nào. Lúc bấy giờ, đoàn thể thao Việt Nam chỉ có 7 VĐV đến thủ đô Australia để tham dự Olympic với 4 môn thi đấu, nhưng riêng Taekwondo đã đóng góp tới hai gương mặt là Trần Hiếu Ngân (hạng dưới 57kg) và Nguyễn Thị Xuân Mai (hạng 48kg). Khi ấy, Hiếu Ngân không phải là sự kỳ vọng của đoàn Việt Nam. Dễ hiểu vì ở hạng cân của cô, các đối thủ rất mạnh, trong đó có những đấu sỹ đến từ Hàn Quốc.

8Hiếu Ngân đi vào lịch sử với tấm Huy chương Bạc Taekwondo tại Olympic 2000.

Khởi đầu chật vật trước võ sỹ từ Trinidad & Tobago ở vòng loại càng khiến Hiếu Ngân không được tin tưởng. Nhưng dần dà, mọi thứ lại xuôi chèo mát mái với cô gái người Phú Yên khi ấy. Ở trận thứ hai gặp Strachan Jasmin (Philippines), Ngân đã chủ động tấn công ngay từ đầu và thắng thuyết phục 8-3. Tới bán kết, Ngân gặp võ sĩ Lourenc Virginia (Hà Lan) - nhà đương kim vô địch châu Âu.

Không ai nghĩ Ngân thắng cuộc. Nhưng màn ngược dòng đã đến trong 30 giây định mệnh cuối cùng của trận đấu. Đúng trong hoàn cảnh bị dẫn trước 2-1 và chỉ còn nửa phút đồng hồ, Ngân ra hai đòn tấn công liên hoàn, ghi được 2 điểm và cuối cùng đã giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 10-6.

Đến trận chung kết, Hiếu Ngân gặp võ sĩ Jung Jae Eun của Hàn Quốc. Đây là đối thủ mà Hiếu Ngân từng chạm trán và thắng ở giải châu Á 1998. Đáng tiếc là trong lần thượng đài này, Hiếu Ngân đã thua 1-3.

"Người ta bảo rằng lọt vào trận chung kết đã là cao quý lắm rồi nên tôi có tâm lý tự hài lòng và không cố gắng. Nhưng đời VĐV chẳng ai là không muốn một lần đoạt HCV Olympic cả. Cả trăm huy chương bạc cũng đâu bằng một cái vàng", Hiếu Ngân bùi ngùi chia sẻ. "Tôi còn thiếu một cái gì đó mà đến giờ suy ngẫm lại vẫn chưa có lời giải".

Dẫu sao ở thời điểm ấy, vị trí thứ hai đồng nghĩa với tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam tại một kỳ Olympic là quá đủ để Trần Hiếu Ngân ghi dấu vào lịch sử thể thao Việt Nam. Bản thân Hiếu Ngân khi đó cũng tự hào và sung sướng lắm.

Cô khoác trên mình lá cờ Tổ quốc chạy vòng quanh nhà thi đấu cảm ơn mọi người. Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên, dù chưa được nghe tiếng quốc ca song Hiếu Ngân đã bật khóc. "Tôi đã không kìm được những giọt nước mắt lăn dài vì hạnh phúc bởi Việt Nam đã lần đầu tiên ghi danh vào danh sách các nước có huy chương Olympic", Ngân bộc bạch.

Với riêng Taekwondo, đây cũng là tiền đề để bộ môn nhận ra hiệu quả của việc đầu tư cùng sự hợp tác với các chuyên gia Hàn Quốc, đẩy mạnh phát triển Taekwondo sau này. Cần phải nói thêm rằng, thành công của Hiếu Ngân không phải tự dung mà có. Để có được kỳ tích ấy, Hiếu Ngân đã được tập huấn ở Hàn Quốc - quê hương của Taekwondo. Mấu chốt quan trọng ở chuyến "du học" ấy chính là cô đã có cơ hội tiếp xúc, thậm chí thi đấu cọ xát với đội tuyển các nước trên thế giới. Đặc biệt, tại khóa tập huấn tiền Olympic, Trần Hiếu Ngân trong quá trình rèn luyện đã nhân cơ hội nắm được "tẩy" của các võ sĩ có khả năng là đối thủ của mình.

Taekwondo Việt Nam đang bế tắc ở Olympic.

20 năm không một bước tiến

Kỳ tích của Hiếu Ngân mở ra nhiều niềm hy vọng cho Taekwondo Việt Nam ở đấu trường Olympic. Nhưng kể từ sau tấm huy chương bạc ấy, suốt 20 năm qua, Taekwondo Việt Nam không có thêm dấu mốc nào đáng kể cả.

Sau Trần Hiếu Ngân, dù có nhiều vận động viên đạt thành tích cao, vô địch ở những giải Thế giới, Taekwondo Việt Nam vẫn chưa có cá nhân nào tiếp nối thành công của đàn chị. Đáng buồn hơn, lực lượng của chúng ta đang có phần tụt hậu so với Taekwondo thế giới. Điển hình là tại Olympic 2016, lần đầu tiên Việt Nam vắng mặt tại đấu trường này sau 4 lần tham dự trước đó. Tại kì đại hội năm 2012, hai võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh và Lê Huỳnh Châu cũng không thi đấu thực sự ấn tượng.

Lý giải cho sự xuống dốc này, có thể phải kể đến sự thích nghi của Taekwondo Việt Nam với thế giới. Trong khi những năm trở lại đây Taekwondo thay đổi rất nhiều về luật thi đấu, cách tính điểm, công nghệ tính điểm khiến vận động viên của chúng ta khó bắt kịp do cơ sở vật chất còn hạn chế.

Chính Hiếu Ngân từng chia sẻ sau khóa đào tạo trọng tài của Hiệp hội Taekwondo châu Á tại Hàn Quốc, cô nhận ra luật thi đấu của bộ môn này thay đổi theo từng năm. Vì vậy, chỉ cần chậm chân hơn các nước là võ sĩ của Việt Nam đã thua ngay từ trước khi thượng đài.

"Khác biệt của bây giờ với hơn chục năm trước với bây giờ là tốc độ thi đấu. Điểm cho từng đòn đánh cũng tính khác. Ngày trước, đòn đánh vào vùng mặt hay giáp đều chỉ được 1 điểm. Muốn thắng chỉ có cách đá vào mặt, làm sao hạ đối thủ knock-out. Còn giờ đây, các võ sĩ ra đòn nhanh hơn và điểm thì cũng khác. Cụ thể, khi đá vào vùng bụng được 2 điểm, đá vào mặt được 3 điểm và thậm chí đến 4 điểm nếu là đòn đá xoay vào vùng mặt. Do đó, việc tập luyện và chiến thuật thi đấu thế nào cũng cần phải nghiên cứu và đưa vào giáo án sao cho thích hợp với từng thế mạnh của VĐV", Ngân giải thích chi tiết.

Giải vô địch các câu lạc bộ Taekwondo toàn quốc năm 2020 sẽ là cơ hội để môn thể thao này "đãi cát tìm vàng" cho đội tuyển Taekwondo Việt Nam.

Chỉ một câu trả lời của HLV Trần Hiếu Ngân đã cho thấy sự thay đổi toàn diện từ "cảm quan" sang "công nghệ" của Taekwondo thế giới. Ngoài việc bắt kịp xu thế công nghệ, công tác tuyển chọn, đào tạo và định hướng mục tiêu của Taekwondo Việt Nam cũng là vấn đề đang được cân nhắc lại.

Hiện tượng nhiều VĐV đang đỉnh cao bỗng giải nghệ, trong khi nguồn lực chưa đáp ứng tính kế thừa khiến Taekwondo Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng ngắt quãng. Ngay cả nhóm chuyên gia Hàn Quốc thường xuyên túc trực cũng khó đối phó với thực trạng này. 

Năm 2019, HLV Kim Kil Tae của đội tuyển Việt Nam đề cập thực tế đáng buồn của Taekwondo Việt rằng việc tự chủ, giải quyết cân đối giữa kinh phí - đào tạo - thi đấu là điều Taekwondo Việt Nam còn chưa thể làm được, chứ đừng nói đến chế độ hấp dẫn cho các VĐV.

Thỏa thuận 3 năm với hy vọng "cứu" Taekwondo

Ngày 8-10, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam và Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác giai đoạn 2020-2023. Đây là cơ hội để Taekwondo Việt Nam hy vọng thoát khỏi sự bế tắc trong suốt nhiều năm qua.

Ông Suk Jin Young - Giám đốc Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc Việt Nam cho biết: "Trong quá trình hợp tác, chúng tôi sẽ có nhiều hạng mục để phát triển Taekwondo Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động giao lưu, đi lại không thể xúc tiến. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi đã có kế hoạch đưa các vận động viên Taekwondo Việt Nam sang Hàn Quốc để luyện tập, thi đấu. Hiện nay, ông Kim Kil Tae (chuyên gia Hàn Quốc đang làm việc cho Liên đoàn Taekwondo Việt Nam - PV) cũng là một chuyên gia có tiếng và nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi muốn hỗ trợ để ông ấy có nhiều cơ hội, điều kiện phát triển hơn nữa cho Taekwondo Việt Nam".

Sắp tới, Taekwondo Việt Nam sẽ hướng đến hai mục tiêu lớn là Vòng loại Olympic Tokyo và SEA Games 31. Tại SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, chúng ta đặt mục tiêu giành thành tích cao. Do đó, những giải đấu cọ xát từ nay đến khi đại hội diễn ra là rất cần thiết.

Cũng liên quan đến Taekwondo và Hàn Quốc, tối 14-10, tại Trung tâm Thể thao Thừa Thiên - Huế đã diễn ra lễ khai mạc Giải vô địch câu lạc bộ Taekwondo toàn quốc - Cúp Đại sứ Hàn Quốc năm 2020. Giải đấu do Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc và Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.

Giải vô địch các câu lạc bộ Taekwondo toàn quốc năm 2020 có sự tham dự của hơn 700 vận động viên đến từ 45 câu lạc bộ trên cả nước. Các vận động viên sẽ tham gia thi đấu các nội dung đối kháng và nội dung quyền của 3 lứa tuổi 12-14 tuổi, 15-17 tuổi, trên 17 tuổi. Đây là dịp thuận lợi để Taekwondo Việt Nam phát hiện thêm những nhân tài nhí, qua đó định hướng phát triển cho môn thể thao này ở tương lai gần.

Đơn Ca
.
.
.