Taekwondo và hành trình tìm lại hào quang cách đây 20 năm

Thứ Tư, 15/04/2020, 09:11
Taekwondo là môn thể thao đầu tiên của Việt Nam giành huy chương ở đấu trường Olympic với tấm Huy chương Bạc lịch sử của Trần Hiếu Ngân ở Sydney vào năm 2000. 

Với truyền thống võ thuật, cộng thêm bước đệm lớn như thế, tưởng như Taekwondo sẽ là mũi nhọn của thể thao nước nhà trong những sự kiện đỉnh cao, nhưng sự thực lại không được như vậy. Hào quang xưa cũ không còn chỉ là một niềm tự hào mà giống một cột mốc khó vượt qua với thế hệ trẻ.

Khó khăn đầy rẫy

Trước khi Trần Hiếu Ngân gây chấn động ở Olympic năm 2000, Taekwondo Việt Nam từng có Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống lần lượt giành Huy chương Vàng tại các kỳ Asiad liên tiếp là 1994 và 1998. Nhưng đến Olympic 2016, sau 16 năm tham dự, Taekwondo đã không có nổi một VĐV nào vượt qua vòng loại. Ở kỳ Thế vận hội gần nhất, 2 VĐV Việt Nam là Chu Hoàng Diệu Linh (67kg nữ) và Lê Huỳnh Châu (58kg nam) cũng đều thi đấu không mấy ấn tượng.

Trần Hiếu Ngân và thành tích cao nhất của Taekwondo Việt Nam tại đấu trường Olympic.

Sự đi xuống của môn võ này đã được những nhà quản lý nhìn nhận một cách nghiêm túc. Như thừa nhận của Chủ nhiệm Bộ môn Taekwondo Hà Nội Hồ Anh Tuấn, trên mặt bằng chung, các võ sĩ của Việt Nam đang ở khoảng cách khá xa so các võ sĩ quốc tế.

Những thành tích đáng chú ý gần đây chỉ là tấm Huy chương Vàng của Hồ Thị Kim Ngân ở Giải vô địch trẻ thế giới 2016, Huy chương Bạc của Trương Thị Kim Tuyền tại giải Vô địch thế giới 2017, Huy chương Vàng ở sân chơi Đại hội sinh viên thế giới 2017…

Ngoài đấu trường khu vực thì ở những sân chơi lớn như Asiad, Giải vô địch châu Á, Giải vô địch thế giới… các VĐV Việt Nam thường “rơi rụng” ngay từ vòng loại.

Giữa rất nhiều khó khăn, Taekwondo Việt Nam vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu có ít nhất hai VĐV tham dự Olympic 2020 (đã bị dời sang 2021). Một cánh cửa mở ra với môn võ này là việc nội dung quyền đang được Ủy ban Olympic quốc tế cân nhắc đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic.

Nếu như các VĐV đối kháng của Việt Nam có trình độ thua kém rất xa so với các đối thủ hàng đầu, thì ở nội dung quyền chúng ta lại sở hữu những gương mặt từng nhiều lần giành Huy chương Vàng Giải vô địch thế giới, tiêu biểu là Châu Tuyết Vân với 5 lần đăng quang liên tiếp.

Vấn đề là dù có mục tiêu rõ ràng, chúng ta vẫn không có đủ cơ sở để thực hiện. Theo một lãnh đạo Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, những kế hoạch thi đấu hay tập huấn, vốn đã rất hạn chế so với các môn khác, lại đang chưa biết có thực hiện được hay không, do vấn đề kinh phí. Đơn cử như trong năm 2019, Taekwondo Việt Nam cần tham dự hơn 10 giải đấu quốc tế, gồm giải ở UAE, Philippines, Anh, Italia, Kazakhstan, Mexico, Bờ Biển Ngà, Nga... Nhưng, không phải giải nào Việt Nam cũng có thể cử VĐV tham dự.

Cũng liên quan đến thiếu kinh phí nên không lạ khi từ chuyện trang bị giáp điện tử thiếu đồng bộ đến khâu tuyển chọn những gương mặt giỏi nhất và chế độ đãi ngộ để VĐV yên tâm theo nghiệp cũng gặp muôn vàn trắc trở. HLV Kim Kil-tae của đội tuyển Taekwondo Việt Nam từng thừa nhận: "Những VĐV trẻ dưới 20 tuổi có tài năng ở Việt Nam hiện tại nếu thi đấu ở Hàn Quốc có thể nhận được khoảng 7.000 USD/tháng (khoảng 160 triệu đồng).

Khi thi đấu ở giải Vô địch quốc gia, nếu giành chức vô địch họ có thể nhận được 200.000 USD tiền thưởng (khoảng 4,6 tỷ đồng)". Theo ông Kim, trình độ, điều kiện tập luyện, thi đấu của Taekwondo Việt Nam so với Hàn Quốc là "mặt trời và mặt biển".

Đến một VĐV hàng đầu như Châu Tuyết Vân cũng phải nỗ lực hết sức mới nhận được khoản đãi ngộ xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng và đương nhiên khó lo chu toàn cho gia đình với tư cách là chị cả. Châu Tuyết Vân đã 29 tuổi, ngày giải nghệ cũng không còn xa.

Để Taekwondo có tính kế thừa khi các VĐV đỉnh cao giải nghệ, môn thể thao này cần sớm xây dựng tiêu chí, cách thức tuyển chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia, xác định rõ thời điểm tổ chức tuyển chọn để địa phương xây dựng kế hoạch và có nguồn kinh phí chủ động thực hiện.

Nhưng thực tế, giữa Bộ môn Taekwondo thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) và Liên đoàn Taekwondo chưa bao giờ có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất kế hoạch sử dụng, tận dụng nguồn nhân lực cũng như nguồn kinh phí địa phương trong việc cử VĐV tập huấn và thi đấu quốc tế.

Dấu hiệu khởi sắc

Giữa muôn vàn thách thức, nỗ lực của các VĐV là điều đáng ghi nhận. Đội tuyển Taekwondo Việt Nam đã khép lại kỳ SEA Games 30 thành công với thành tích vượt trội khi giành được 5 Huy chuơng Vàng, 2 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng, vượt xa so với chỉ tiêu...

1 Huy chương Vàng đề ra trước ngày lên đường tham dự SEA Games 30. Trong đó đáng chú ý có những tấm Huy chương Vàng của những VĐV lần đầu tiên tham dự một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á dù phải đối mặt với các võ sĩ nước chủ nhà Philippines và Thái Lan, những quốc gia phát triển mạnh ở môn võ này.

Châu Tuyết Vân là VĐV Taekwondo nổi bật nhất hiện nay.

Trước khi các giải đấu lớn buộc phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19, Taekwondo Việt Nam đã sáng cửa giành một suất tham dự Olympic Tokyo, đặc biệt còn là ở nội dung đối kháng. Người đem lại niềm cảm hứng và tự hào cho nước nhà là Trương Thị Kim Tuyền ở hạng dưới 49kg nữ. Kim Tuyền là nữ vận động viên Taekwondo được đầu tư trọng điểm để hướng đến mục tiêu giành vé trực tiếp tham dự Olympic.

Cuối năm ngoái, Kim Tuyền xuất sắc vô địch hai giải đấu lớn ở Serbia và Hy Lạp, qua đó tích lũy thêm 20 điểm trên bảng xếp hạng, viết tiếp giấc mơ đưa Taekwondo Việt Nam trở lại đấu trường danh giá ở Tokyo vào mùa hè 2021.

Ngoài nỗ lực tự thân của các VĐV, sự phát triển của Taekwondo Việt Nam trong những năm qua có sự sát cánh, hỗ trợ rất thiết thực của nhiều đối tác, các nhà tài trợ, trong đó có Tập đoàn CJ của Hàn Quốc bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Kể từ năm 2012, CJ đã liên tục có sự hỗ trợ cho đội tuyển Taekwondo Việt Nam.

Trong năm 2019, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) đã công bố chương trình hợp tác trong thời hạn 5 năm với Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) với mong muốn sẽ đẩy mạnh hơn công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh và góp sức cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Taekwondo Việt Nam. Theo đó, VTVCab sẽ là đối tác truyền hình chính thức của VTF trong tất cả các giải đấu chính thức, bao gồm cả các giải quốc gia và quốc tế.

Đương nhiên, mọi sự trợ giúp đều ở mức hạn chế nhưng như HLV Kim Kil Tae nói, Taekwondo Việt Nam luôn có một tấm gương để noi theo: "Chúng tôi sẽ cố gắng học theo tấm gương vượt khó, không ngại nghịch cảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho Taekwondo Việt Nam. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đoạt vé tham dự Olympic Tokyo và khi có vé rồi thì sẽ quyết tâm để làm nên điều gì đó tại đại hội".

Taekwondo Việt Nam lần đầu tiên có võ sư 9 đẳng quốc tế

Cuối năm 2019, võ sư Trương Ngọc Để, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, đã vượt qua kỳ thi đai đen 9 đẳng (cửu đẳng huyền đai) của Viện hàn lâm Taekwondo thế giới (Kukkiwon) diễn ra tại Hàn Quốc.

Ngoài cái nôi Taekwondo Hàn Quốc thì võ sư Trương Ngọc Để là chủ tịch liên đoàn quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được đẳng cao nhất của Taekwondo. Kỳ thi thăng cao đẳng của Kukkiwon lần này được tổ chức cho các võ sư thăng từ 7 đẳng lên 8 đẳng và từ 8 đẳng lên 9 đẳng. Vượt qua kỳ thi này là một điều không hề dễ dàng. Bởi bát đẳng huyền đai và cửu đẳng huyền đai là hai cấp đẳng cao nhất của Taekwondo thế giới.

Để có thể thi 9 đẳng, các võ sư phải hội đủ điều kiện đầu tiên là đủ 9 năm sau khi mang 8 đẳng. Và khi đủ điều kiện thi, các võ sư phải làm bài luận (dài ít nhất 10 trang giấy A4, chọn 1 trong 2 đề tài: cuộc đời Taekwondo của tôi và tinh thần Taekwondo) và thi bài quyền bắt buộc.

Lệ phí cho kỳ thi 9 đẳng là 600 USD (khoảng 14 triệu đồng). Ngay cả lệ phí tập trước khi thi cũng tốn 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng). Tham dự kỳ thi thăng cao đẳng lần này đều là những võ sư dày dạn kinh nghiệm, đang làm công tác huấn luyện, lãnh đạo môn Taekwondo ở nhiều quốc gia.

Ngoài ông Trương Ngọc Để thi từ 8 lên 9 đẳng, 7 võ sư còn lại chỉ thi từ 7 lên 8 đẳng. Phó tổng thư ký VTF và đồng thời là HLV trưởng đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam Nguyễn Thanh Huy cũng thi bát đẳng huyền đai. Cả võ sư Trương Ngọc Để và HLV Nguyễn Thanh Huy đều đã vượt qua kỳ thi. Năm 2015, HLV Nguyễn Thanh Huy từng được Kukkiwon thăng 8 đẳng danh dự vì những đóng góp của mình cho sự phát triển của Taekwondo ở Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, HLV Nguyễn Thanh Huy vẫn tham dự kỳ thi thăng 8 đẳng lần này để khẳng định năng lực và trình độ chuyên môn của mình.

Hà My
.
.
.