Tài trợ nghệ thuật: Không chỉ là câu chuyện của tiền

Thứ Bảy, 06/02/2016, 08:21
Một năm của nhiều khởi sắc khi công chúng Việt được thưởng lãm những giá trị nghệ thuật đỉnh cao của thế giới trên chính quê hương mình. Từ vở Ballet kinh điển "Hồ Thiên Nga", đến sự xuất hiện của huyền thoại âm nhạc Peabo Bryson, rồi huyền thoại saxophone Kenny G… Đằng sau những chương trình đình đám đó là câu chuyện tài trợ nghệ thuật, một câu chuyện rất đáng suy ngẫm.

  • Nữ diễn viên ballet da màu thủ vai chính trong vở “Hồ thiên nga”


Chưa được quan tâm đúng mức

Lần đầu tiên công chúng Việt được thưởng lãm giấc mơ "Hồ Thiên Nga" với phong cách 3D ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Để mang vũ đoàn ballet hàng đầu thế giới Talarium Et Lux về Việt Nam, ngoài chuyện thù lao thì chuyện vận chuyển và ăn ở tiêu chuẩn 4-5 sao cho hàng trăm con người, vận chuyển hàng tấn thiết bị, kinh phí phải lên tới hàng triệu USD. 

Ngay cả đêm nhạc của huyền thoại Peabo Bryson, đêm của nghệ sĩ saxophone Kenny G, chỉ tính về kinh phí đều là những con số khủng, nếu không có tâm huyết của những Mạnh Thường Quân tài trợ là điều không thể. 

Chia sẻ về điều này, Giám đốc Công ty Truyền thông AAA, bà Nguyễn Thị Hòa, "thuyết khách" mang "Hồ Thiên Nga" về Việt Nam từng chia sẻ: "Các nhà tài trợ hiểu rằng, nếu họ cùng nhau chung tay để mang về một làn gió mới lạ, một chương trình nghệ thuật đỉnh cao thì ngoài hiệu quả truyền thông vượt trội, họ còn góp phần hình thành nên một tầng lớp khán giả ưu tú trong nước".

Sự xuất hiện của những chương trình âm nhạc đỉnh cao đã góp phần kéo lại khoảng cách âm nhạc Việt với thế giới vốn dĩ đã quá xa. Nhưng, những câu chuyện đó cũng cho thấy một khoảng trống không nhỏ trong việc tài trợ cho các dự án nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Tất cả dường như mới chỉ là sự khởi đầu.

Lần đầu tiên vở ballet kinh điển “Hồ THiên Nga” đến Việt Nam.

Thực tế trong nước chưa có một dự án tài trợ dài hạn cho nghệ thuật. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì vấn đề không hẳn là câu chuyện tiền, mà thực tế ở Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến tài trợ nghệ thuật. Người ta sẵn sàng tài trợ cho bóng đá, cho các hoạt động xã hội, nhưng tài trợ cho văn hóa thì chưa nhiều. Phải chăng, vì chúng ta quá nghèo, chúng ta chưa nghĩ đến việc hưởng thụ cuộc sống bằng những giá trị văn hóa lâu dài. 

Tôi nhớ, trong cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Minh, người đã lặn lội ra nước ngoài mua về những bức tranh quý của hội họa Việt Nam của họa sĩ Lê Phổ mang về nước đã ngậm ngùi nói rằng: "Kinh tế Việt Nam đang đi lên, nhưng văn hóa thì đang đi xuống". Chúng ta chưa thực sự có tư duy bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật, không phải vì chúng ta nghèo.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng thiết nghĩ, câu chuyện tài trợ văn hóa không nên gán trách nhiệm cho một ai đó, một đơn vị nào đó. Ở nước ngoài, việc bảo hộ cho nghệ thuật chủ yếu là của tư nhân. Vậy vì sao? 

Phải chăng vì các doanh nghiệp của chúng ta nghèo. Vì chúng ta không có tiền. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đều có quỹ cho truyền thông và các hoạt động xã hội. Nhưng tài trợ cho nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức. 

Việc Vietnam Airline - một công ty Nhà nước lại có một hoạt động tài trợ rất văn minh là mang vở ballet "Hồ Thiên Nga" về Việt Nam chứng tỏ họ dám nghĩ, dám làm. Họ cũng hiểu rõ một chương trình như vậy không dễ được đông đảo khán giả thích. Nếu họ chỉ nhìn ở vấn đề lợi ích của việc tăng doanh thu cho doanh nghiệp thì chắc chắn họ sẽ thất bại. 

Nhưng Vietnam Airlines nghĩ đến sự phát triển lâu dài, xây dựng hình ảnh của họ với tư cách là một hãng hàng không Quốc gia đang vươn ra thế giới, trân trọng những giá trị văn hóa của thế giới, họ dần dần tạo ra văn hóa tài trợ, đó là điều hiếm có ở Việt Nam. Nếu họ tiếp tục làm những việc như vậy, nếu các tập đoàn Nhà nước, tư nhân có tiềm lực chung tay vào làm những hoạt động như vậy, thì chắc chắn các hoạt động văn hóa trong nước sẽ phát triển.

Là tâm huyết và đam mê

Chúng ta nên có một cái nhìn thẳng thắn và sòng phẳng rằng, việc tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật của các doanh nghiệp có một mục đích rất rõ ràng trước hết là để quảng bá cho hình ảnh của công ty họ. Điều này ở Việt Nam chưa được thừa nhận nên các nhà tài trợ thường phải núp bóng dưới nhiều hình thức để che đậy mục đích chính của mình. Quảng bá hình ảnh cho công ty, nhưng người dân lại được hưởng lợi về văn hóa, đó là một hành động văn minh.

Bên cạnh khả năng tài chính thì vẫn là vấn đề tư duy. Nhà tài trợ cần biết mình muốn gì để chọn cho mình một hình ảnh phù hợp. Phải xác định rõ ràng đối tượng công chúng mình nhắm đến để có những lựa chọn hợp lý và người lãnh đạo cũng phải có đủ hiểu biết về nghệ thuật hoặc phải là người có tầm nhìn để lựa chọn một ban cố vấn nghệ thuật. Quan trọng nhất vẫn phải là tâm huyết của những người đứng đầu với nghệ thuật.

Ông hoàng tình ca Peabo Bryson đến Việt Nam.

Ở các nước tài trợ đã trở thành văn hóa và có một bộ máy khổng lồ để vận hành. Bởi họ có công chúng, có văn hóa trân trọng các giá trị nghệ thuật. Thương hiệu nào đi liền với loại hình nghệ thuật họ tài trợ, nó định hình như thế. Các tập đoàn Nhà nước và tư nhân của chúng ta rất mạnh, họ có thể làm được. Những khởi sắc trong năm 2015 đã đặt nền móng, tạo bước đi đầu tiên để cho các tập đoàn, công ty lớn có thể đi theo. 

Vừa qua, chuỗi hòa nhạc đường phố Luala Concert trở lại với khán giả Hà Nội sau một năm gián đoạn. Đó cũng là nỗ lực của ông Minh Đỗ, CEO của Luala trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nhưng theo giám đốc của Luala, ở Việt Nam chưa có cái nhìn công bằng với các nhà tài trợ, điều đó cũng vô tình tạo nên rào cản cho việc này. 

"Luala concert là một chương trình tôi thích, nhưng tôi cũng có một thông điệp rõ ràng, tôi kinh doanh hàng hiệu, không dành cho số đông, nên tôi chọn để Luala tài trợ các loại hình nghệ thuật không phải cho số đông nhưng xứng đáng được biết đến nhiều hơn". 

Cho đến nay, hầu hết các chương trình biểu diễn lớn, mang tính hàn lâm đều do các thương hiệu nước ngoài tài trợ, đó là điều đáng buồn. Các công ty Việt chưa quan tâm dù khả năng tài chính mình không phải là thiếu. Nghệ thuật chưa được chú tâm nhiều. Đó không chỉ là câu chuyện của tiền, mà còn là câu chuyện của niềm đam mê, của nhiệt huyết. Lựa chọn việc quảng bá hình ảnh bằng sự bảo trợ cho các hoạt động nghệ thuật, để nhiều người cùng được hưởng lợi về văn hóa, thì rõ ràng đâu phải chỉ là câu chuyện của tiền.

Khánh Linh
.
.
.