Tân binh Nguyễn Trọng Hùng của Đội tuyển Việt Nam: Nỗ lực được đền đáp

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:42
Nguyễn Trọng Hùng là một cái tên còn khá xa lạ với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nhưng với các cổ động viên (CĐV) của Thanh Hóa, chuyện tiền vệ này được lên tuyển là lẽ đương nhiên. Sau rất nhiều lận đận, cuối cùng thì tài năng của cầu thủ sinh năm 1997 cũng được thừa nhận.


Nếu có một màn trình diễn xuất sắc trong màu áo ĐT Việt Nam, sự nghiệp của Hùng chắc chắn sẽ thăng hoa, dù là hơi muộn hơn so với những đồng đội cùng trang lứa.

Tài năng không gặp vận

Trong một mùa giải mà Thanh Hóa sa sút như một chiếc xe mất phanh xuống dốc, Trọng Hùng là điểm sáng hiếm hoi của đội bóng này. Ở tuổi 22, những gì mà Hùng làm được ở V.League 2019 là rất ấn tượng.

Khoảnh khắc  Trọng Hùng khiến tất cả phải nhớ đến mình là ở trong trận thắng CLB Hà Nội, đội bóng mạnh nhất giải. Nhận bóng từ giữa sân, cầu thủ sinh năm 1997 bứt tốc cực nhanh trước khi loại bỏ hậu vệ Thái Quý rồi tung cú sút vào góc chết đánh bại thủ môn Văn Công.

Trọng Hùng có một năm đáng nhớ khi được gọi vào ĐT Việt Nam.

Đó là một tình huống đủ để khái quát những phẩm chất tốt nhất của Trọng Hùng: tốc độ, khả năng bùng nổ và kỹ thuật xử lý bóng. Tài năng của Trọng Hùng lẽ ra đã được biết đến sớm hơn thế. Từ năm 2017, khi cầu thủ này mới 20 tuổi, anh đã nhận được những lời khen ngợi từ chiến lược gia Ljupko Petrovic.

“Thanh Hóa có rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng cho tương lai, điển hình như số 31 (Trọng Hùng). Tôi chưa từng biết đến cậu ta trước đây. Nhưng trong 10 vòng đấu gần nhất, khi cậu ta tập luyện cùng đội 1, những gì tôi chứng kiến là không thể tin được. Đó là một cầu thủ thực sự rất tài năng.

Cậu ấy rất có "chất bóng đá". Bạn biết đấy, có những cầu thủ mà ngay từ lần gặp đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được họ có "chất bóng đá" hay không", vị chiến lược gia từng đưa Red Star Belgrade đến ngôi vô địch Cúp C1 châu Âu mùa 1990-1991 nhấn mạnh.

Để nhận được lời khen từ một HLV lão làng từng chinh chiến ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới, Trọng Hùng hẳn phải có tố chất đặc biệt. Thế nhưng thật đáng tiếc cho Hùng khi tiềm năng đó đã không được nhìn nhận một cách chuẩn xác. Sau mùa 2017, HLV Petrovic ra đi và Trọng Hùng cũng không còn chỗ đứng ở đội bóng quê hương.

Trọng Hùng được cho Phù Đổng mượn, góp công giúp CLB này lên hạng Nhất, rồi trở về tập luyện ở đội 1 Thanh Hóa nhưng không được vào sân thi đấu.

Các HLV không phải không nhận ra tài năng của Hùng, như HLV Đức Thắng từng chia sẻ: “Trọng Hùng là một cầu thủ nhanh nhẹn, khéo léo và lì lợm. Nếu so sánh, cậu ấy không hề thua kém so với Phan Văn Đức của Nghệ An, thậm chí còn có thể tạo ra nhiều đột biến hơn”.

Nhưng Trọng Hùng không có được cơ hội để tỏa sáng, thậm chí không được điền tên vào danh sách thi đấu mùa 2018. Đây là chuyện vốn không có gì lạ ở đội bóng xứ Thanh, nơi các HLV không phải là người cuối cùng quyết định về chiến thuật hay nhân sự. Ngay cả những tên tuổi lừng danh như Văn Thắng hay Đình Tùng cũng phải chờ đến “thời” mới trở thành trụ cột.

Trọng Hùng kiên nhẫn chờ thời, và đến khi FLC rút khỏi CLB Thanh Hóa trước mùa 2019 khiến cho đội bóng phải sử dụng hàng loạt cầu thủ trẻ, anh chính thức bước ra ánh sáng. Hùng ra sân 22 trận cho Thanh Hóa mùa này, 15 lần có tên trong đội hình xuất phát và có được 3 bàn thắng.

Năm 2019 trở nên đáng nhớ hơn với Hùng khi anh được triệu tập lên tuyển quốc gia. Chàng trai có vẻ ngoài thư sinh nhưng tiềm ẩn một khả năng bùng nổ dữ dội cần thêm một khoảnh khắc để định danh trong lòng người hâm mộ. Khoảnh khắc đó, tất nhiên, nằm trong tay thầy Park.

Nỗ lực vươn lên không ngừng

Bề ngoài trắng trẻo, đẹp trai của Trọng Hùng làm nhiều người lầm tưởng về cầu thủ này là dạng “con nhà giàu” đi đá bóng. Ít ai biết rằng để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, một tuyển thủ quốc gia như bây giờ, Trọng Hùng đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ từ tuổi thiếu niên.

12 tuổi, cậu bé mảnh khảnh quê Thanh Hóa khăn gói lên đường ra Hà Nội gia nhập lò đào tạo của PVF với khát khao trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Trọng Hùng vượt qua hàng ngàn cậu bé cùng trang lứa để được tuyển chọn vào lớp của HLV Trần Minh Chiến. Nhưng chỉ sau 2 năm, Trọng Hùng bị thải loại bởi không đảm bảo thể lực để tiếp tục phát triển.

Tiền vệ Thanh Hóa sẽ là một quân bài hữu dụng tong tay ông Park.

Không chịu từ bỏ giấc mơ bóng đá, Trọng Hùng về Thanh Hóa và gia nhập lò đào tạo trẻ của đội bóng quê hương và nỗ lực để có chỗ đứng cho đến ngày ra mắt đội 1. Tại V.League mùa này, Trọng Hùng đã có màn tái ngộ rất thú vị với HLV Minh Chiến khi ông dẫn dắt Becamex Bình Dương, để rồi vị chiến lược gia này cũng phải ngỡ ngàng với sự tiến bộ của cậu học trò bị loại năm xưa.

May mắn cho Trọng Hùng, và có lẽ cả HLV Minh Chiến, khi anh đã chớp được đúng thời cơ để tỏa sáng và gây ấn tượng. Cầu thủ của Thanh Hóa đã không rơi vào bi kịch của các cầu thủ trẻ không tìm được chỗ đứng ở chính CLB quê hương mình. Nỗ lực đôi khi chỉ là một mặt của vấn đề. Trường hợp của Hùng cho thấy rằng công tác tuyển trạch cần kỹ càng hơn nữa để tránh bỏ sót những viên “ngọc thô” của bóng đá Việt Nam.

Các CĐV bóng đá Việt Nam sẽ sớm yêu mến Trọng Hùng, bởi anh dễ gây ấn tượng nhờ lối đá “vị nghệ thuật” rất hợp với bề ngoài chỉn chu của mình. HLV Đức Thắng nhận xét: “Khi có bóng trong chân, cậu ấy không biết sợ, Hùng luôn rất tự tin khi giữ bóng”.

Trong khi các đồng đội nói rằng hiếm có cầu thủ nào vừa lì lợm nhưng lại không bao giờ đá xấu như tiền vệ sinh năm 1997. Ngay cả khi đối đầu với các anh lớn trong đội, cầu thủ 22 tuổi cũng hiếm khi tỏ ra lép vế trong các tình huống một đấu một.

Bên cạnh tố chất sẵn có, để có được những màn trình diễn ấn tượng tại V.League năm nay, Trọng Hùng đã phải nỗ lực rất lớn để khắc phục điểm yếu lớn nhất của mình là thể lực. Trước đây, cầu thủ này thường bị hụt hơi hay chuột rút khi trận đấu đến phút 70. Nhưng hiện tại, anh có thể thi đấu đủ 90 phút mà không gặp vấn đề gì.

Trọng Hùng sẽ đem đến cho HLV Park Hang-seo một phương án hữu dụng trên băng ghế dự bị nếu được giữ lại trong danh sách 23 người cuối cùng. Anh có lối chơi tương tự với Phan Văn Đức, một cầu thủ rất được thầy Park yêu mến bởi lối chơi xông xáo năng nổ phù hợp với chiến thuật pressing tầm cao cùng khả năng bứt tốc đoạn ngắn tốt có thể gây ra sự rối loạn cho hàng phòng ngự đối phương.

Tất nhiên khả năng Trọng Hùng được sử dụng trong hai trận đấu với Malaysia và Indonesia vẫn còn mang tính giả thiết. Nhưng câu chuyện về tân binh của ĐT Việt Nam đủ để tạo cảm hứng cho các cầu thủ trẻ vẫn còn đang loay hoay tìm chỗ đứng trong đội bóng của mình.

“Của để dành” của thầy Park

Các đồng đội và CĐV Thanh Hóa gọi Trọng Hùng bằng một biệt danh rất lạ là “Tý Anh”. Khi đã thành một cầu thủ quen thuộc của Thanh Hóa, các CĐV vẫn quen hô vang biệt danh này hơn là cái tên Trọng Hùng mỗi khi tiền vệ sinh năm 1997 có một tình huống xử lý tốt. “Tý Anh” cũng rất được các đồng đội yêu mến vì ngoài đá bóng giỏi còn nhiều tài lẻ khác như hát hay hay cắt tóc nghệ thuật!

Trọng Hùng được HLV Park Hang-seo và các trợ lý của mình chú ý từ cuối tháng 5-2019. Đích thân trợ lý Lee Young-jin sau khi chứng kiến một trận đấu của Thanh Hóa đã đề cử cầu thủ này vào danh sách tập trung U23 Việt Nam. Khi xem trận đấu giao hữu của U23 Việt Nam cùng U23 Myanmar hồi tháng 6 (cùng thời điểm tuyển Việt Nam tham dự King's Cup ở Thái Lan), thầy Park gọi Thành Chung của CLB Hà Nội đến, chỉ vào màn hình hỏi: "Đây có phải là Trọng Hùng của Thanh Hoá không?".

Ông Park tỏ rõ sự quan tâm đến Trọng Hùng khi hai người có lần đầu tiên làm việc cùng nhau ở đợt tập trung hồi cuối tháng 7. So với các cầu thủ khác, chiến lược gia Hàn Quốc dành nhiều thời gian hơn hẳn với cầu thủ Thanh Hóa. Ông chỉ bảo cho tiền vệ sinh năm 1997 từng động tác cơ bản như xoay người, đỡ bóng hay chọn vị trí.

Điều đó cho thấy ông Park nhìn ra tiềm năng lớn của “Tý Anh” và muốn uốn nắn cầu thủ này trở thành một trụ cột của đội U22 dự Sea Games, cũng như ĐT Việt Nam trong tương lai. Quyết định gọi Trọng Hùng lên đội tuyển gây bất ngờ cho nhiều người, nhưng thực ra nó nằm trong tính toán từ rất lâu của ông Park.

Đơn Ca
.
.
.