Tản mạn chuyện các quan đi học làm bóng đá

Thứ Tư, 25/11/2015, 10:00
Các quan chức VFF, VPF đang có chuyến công tác dài ngày ở Hàn Quốc với mục đích học hỏi cách làm chuyên nghiệp của bóng đá xứ Kim chi. Không biết là sau chuyến đi học này, chúng ta rồi sẽ ngộ ra điều gì và qua đó, bộ mặt bóng đá nước nhà sẽ thay đổi ra sao. 

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi trở lại hội nhập với bóng đá khu vực sau một thời gian dài vắng bóng, các quan chức bóng đá Việt Nam qua các nhiệm kỳ VFF đã tham gia rất nhiều lớp học với rất nhiều kiểu học khác nhau, khi trong nước, khi ngoài nước. Có lần Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam "dạy học" và đã "dạy" đi "dạy" lại rằng trong đời sống bóng đá hiện đại thì vấn đề truyền thông bóng đá phải luôn là một mũi tiên phong.

Các quan chức AFC khi ấy còn đặt truyền thông ở vị trí "tiền đạo" trong đội hình bóng đá chuyên nghiệp được sắp xếp theo sơ đồ 4-4-2, và khi nghe các quan chức AFC giảng bài, những nhà lãnh đạo bóng đá nước nhà liên tiếp gật đầu thụ giáo. Sau khoá học ấy, một vị lãnh đạo chia sẻ với báo giới: "Đúng là phải nhìn lại vai trò của truyền thông và phải tăng cường mối quan hệ giữa VFF với truyền thông". Nhiệm kỳ 5 VFF, ông Phó chủ tịch truyền thông Vũ Quang Vinh thậm chí còn đề xuất những buổi gặp định kỳ giới truyền thông theo tuần, theo tháng để cả hai phía được thông tin đầy đủ về nhau, và hiểu đúng công việc của nhau. Nhưng rốt cuộc điều này không được thực hiện, và cứ nhìn lại cái cách nhiều quan chức VFF tìm đủ mọi cách tránh né truyền thông là đủ hiểu cái bài học mà AFC mang đến năm xưa giờ đã đi vào thực tế ở mức độ nào.

Cố chuyên gia Nhật Bản Tanabe từng "dạy" rất nhiều điều nhưng BĐVN còn chưa thấm.

Vẫn chủ đề đi học, năm vừa rồi lại rộ lên chuyện 2 quan chức Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục TDTT được cử sang Nhật học làm bóng đá chuyên nghiệp, và dư luận lập tức đặt ra câu hỏi: cử cán bộ của Vụ Tổ chức đi học làm bóng đá thì đạt hiệu quả gì? Tranh cãi đi tranh cãi lại, cuối cùng người ta bảo đây là một quyết sách đúng đắn, dựa trên kế hoạch hợp tác chiến lược giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản. Đã giải thích như vậy thì có lẽ không còn gì để... cãi.

Nếu câu chuyện đầu tiên là chuyện  quan chức nước ngoài sang Việt Nam dạy học thì câu chuyện thứ hai lại là chuyện quan chức Việt Nam sang nước ngoài đi học. Và nếu ở chuyện đầu tiên, người ta không thể không lăn tăn với câu hỏi: "Rốt cuộc, kiến thức học hành đã ngấm và thấm, rồi được người học ứng dụng hiệu quả không?" thì ở chuyện thứ hai lại là câu hỏi: chúng ta cử người đi học thực chất hay chẳng qua chỉ nhân danh sự học để đi du lịch? Cũng trong năm ngoái, có rất nhiều chuyến công tác của các quan chức VFF, VPF sang Nhật, và tất cả đều được giải thích là bóng đá Việt Nam đang học Nhật một cách căn cơ, toàn diện.

Ai là tác giả của cái chiến lược học Nhật? Có thể trả lời ngay: chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ông Dũng muốn học Nhật ngay sau thất bại của ĐTQG tại AFF Suzuki Cup 2012, khi ông còn đang ở vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính, và đến khi chính thức làm chủ tịch VFF thì ý muốn của ông đã được cụ thể hoá tức thời. Một chuyên gia Nhật được mời sang làm trưởng BTC V.League, hai ông thầy Nhật được mời sang huấn luyện hai ĐTQG nam/nữ, và nghe đâu sẽ còn có thêm một "yếu nhân Nhật" ngồi ghế giám đốc kĩ thuật nền bóng đá.

Hiệu quả cuối cùng của cái chiến lược học Nhật sẽ ra sao? Trong quá trình chờ đợi câu trả lời cuối cùng có thể tham khảo chia sẻ của chính một người Nhật, ông Toshiya Miura - HLV trưởng ĐTQG. Ông bảo: "Ở những giai đoạn bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên, chúng tôi từng muốn áp dụng mô hình của người Đức vào Nhật Bản. Nhưng sau đó chúng tôi nhận ra những sự khác biệt quá lớn cả về văn hoá lẫn bóng đá giữa Đức và Nhật Bản, nên không thể áp dụng một cách cứng nhắc và máy móc. Cuối cùng chúng tôi chỉ tham khảo mô hình của Đức, và nhiều nền bóng đá phát triển khác trước khi xây dựng một mô hình thật phù hợp với đặc điểm của mình".

Điều quan trọng nhất để tạo nên một mô hình phù hợp là gì? Lại phải tham khảo ý kiến của một người Nhật, đó là cố chuyên gia bóng đá Tanabe - người có gần một năm làm cố vấn đặc biệt cho chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: "Ở giai đoạn chuyên nghiệp đầu tiên, chúng tôi đã phải đến từng CLB, và thuyết phục các CLB xây dựng cùng một mô hình phát triển giống nhau, để tạo nên sự đồng bộ, thay vì mỗi CLB chạy theo một mô hình".

HLV trưởng ĐT Việt Nam Miura từng nhiều lần khẳng định việc không thể học hành máy móc (Ảnh trong bài của H.M).

Căn cứ vào những chia sẻ của hai chuyên gia Nhật Bản này có thể khẳng định, việc học của người Nhật đã diễn ra cực kỳ khoa học và mềm dẻo. Thứ nhất, nó là một sự tiếp biến (tiếp nhận và biến đổi theo cách phù hợp với mình) từ những nền bóng đá phát triển trên thế giới. Và thứ hai, sau khi hoàn thành xong những lý thuyết tiếp biến, người Nhật triển khai căn cơ, triệt để ở chân đế một nền bóng đá là các CLB. Kiểu học này khác hẳn với kiểu học của chúng ta thời gian qua - cái kiểu mà với nó ta cứ mời các chuyên gia Nhật sang mình, đặt họ vào những vị trí trọng yếu rồi tin rằng với sự xuất hiện đồng loạt của họ, chất lượng nền bóng đá tức thì đi lên.

Bây giờ lại diễn ra chuyện đi học bóng đá Hàn Quốc. Không hiểu đây là một chuyến học hành thực sự hay chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", cũng không hiểu là sau khi "đi học", các quan chức VFF, VPF rồi có thay đổi tư duy, thay đổi cách làm gì không, nhưng chẳng cần tới Hàn Quốc, chỉ cần tìm hiểu mô hình bóng đá của người Hàn qua Internet cũng thấy rõ 2 vấn đề mà chúng ta đặc biệt cần học theo. Đầu tiên là cách xây dựng một giải bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, một giải đấu mà ở vạch xuất phát người Hàn chỉ khởi đi với 6 CLB, chứ không có chuyện cứ phải vẽ đủ 10 đội rồi trên 10 đội như ở ta.

Nhưng ngược lại, đó là 6 CLB có nền tảng tài chính, nền tảng truyền thống rất căn cơ, và có thể đáp ứng đủ mọi yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp. Nó khác hẳn với những đội bóng chuyên nghiệp của ta khi đang dự giải có thể vì bất mãn mà bỏ giải, rồi tuyên bố giải tán bất cứ lúc nào. Nó càng khác với việc sau khi một đội nào đó ở ta không đủ tiền đá giải, chủ động xin rút lui là những nhà tổ chức lại cuống cuồng đôn các đội hạng dưới lên thay thế, đồng nghĩa với việc bắt những đội này phải "chín ép". Ở đây, bài học rút ra từ người Hàn là bài học về việc trọng chất lượng hơn số lượng.

Tiếp theo, không ai không nhận ra bóng đá học đường của Hàn Quốc đang cực kỳ phát triển. Bằng chứng là Đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc luôn có trình độ rất cao, và trong quá khứ, đã từng nhiều lần thắng cả ĐT U.23 Việt Nam lẫn ĐTQG Việt Nam trong những lần tới Việt Nam dự cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh. Nhưng ở ta, bóng đá học đường - cái chân đế quan trọng để tạo nên sức sống của một nền bóng đá đang là một vùng trắng mênh mông. Vậy thì có thể học người Hàn điều gì để xây dựng một nền tảng bóng đá học đường chắc chắn, đó là điều cần phải được giải đáp rốt ráo sau chuyến học này.

Sợ nhất là sau khi mất thời gian, tiền bạc sang xứ người học hỏi, khi trở về chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ (?).

Lại học, sau 20 năm

"Sau khi "học" J-League và chưa kịp "hành" thì bóng đá Việt Nam lại tính đường học K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc). Chuyện "học" này bóng đá Việt Nam từng tìm hiểu cách đây 20 năm.

Cá nhân tôi tin rằng khi lên kế hoạch học K-League, những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đã quên hoặc không hề biết Việt Nam từng học K-League vào năm 1995 nhưng không thể ứng dụng được.

Đó là thời điểm nhiệm kỳ II VFF và thành phần "học" không phải là cả đoàn đông đi du khảo mà chỉ có vài thành viên muốn thay đổi thực sự nền bóng đá nước nhà để nâng cấp từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp. Người đứng đầu thành phần đi tìm hiểu và học bóng đá Hàn Quốc khi ấy là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Nguyễn Tấn Minh. Ông Minh khi ấy là người nắm hầu bao về tài chính và là người chơi rất thân với Strata lẫn AFC nên mục đích đi học hỏi là tìm hiểu về cơ chế vận hành của bóng đá nhà nghề Hàn Quốc. Và chuyến thu hoạch đấy của ông Minh khi tìm hiểu kỹ đã được chép thành tài liệu nhưng phần kết luận thì mỗi đội bóng phải là một công ty con của một tập đoàn...

Bây giờ thì Hàn Quốc vẫn ứng dụng theo khung đấy, còn ta thì quên hết những bài học của 20 năm trước và cử phái đoàn đi học lại.

Và cũng có thể là sẽ giống đi học J-League mà không có "hành".

Nguyễn Nguyên (báo Thể Thao 24h)

Học và hành...

VPF đang tổ chức một chuyến tham quan và học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp của Hàn Quốc cho các thành viên CLB lẫn một số quan chức. Cũng thật ngẫu nhiên như năm ngoái đoàn cán bộ này du học bóng đá ở Nhật trong lúc đội trẻ của Việt Nam đá thua tan nát đồng nghiệp cùng lứa của Nhật dù đối thủ cho chơi bằng bất cứ đội chính hay đội hình hai nào đó.

Không rõ các nhà làm bóng đá Việt Nam đã học hỏi được người Nhật những gì. Chỉ biết sau một mùa giải chuyên nghiệp, làng bóng quốc nội lộ bài rõ hơn về tính… nghiệp dư, từ cách thức tổ chức giải đấu cho đến sự thiếu nghiêm túc từ các thành viên. Chẳng hạn, V-League bị ngắt quãng kéo dài với lý do phục vụ cho các đội tuyển quốc gia trong sự khóc ròng của CLB buộc phải cho cầu thủ nghỉ đá vẫn ăn lương và duy trì phong độ. Nhiều đội bóng ra sân đá bằng tình cảm để thua hoặc giấu cả đội hình chính và chấp nhận mất điểm chờ đá trận sau (!?).

Dĩ nhiên, việc VPF tạo cơ hội cho các thành viên của mình cắp sách đi học điều hay lẽ phải ở một nền bóng đá phát triển là điều tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình chuyên nghiệp của họ hay nói cách khác là học đi đôi với hành ra sao lại là chuyện khác.

(Công Tuấn - Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

Diệp xưa
.
.
.