Tranh cãi xung quanh giá vé xem bóng đá ở Premier League

Tăng giá là…hợp lý?

Thứ Sáu, 16/12/2016, 13:03
Thoạt nhìn, những chỉ trích nhằm vào các đội bóng ở Premier League khá “lọt tai” khi giá vé vào cửa tại các sân bóng tăng đều qua từng năm. Tuy nhiên, phải đặt vấn đề vào trong bối cảnh kinh tế-xã hội tại “xứ sương mù” mới thấy rõ, quyết định tăng giá vé của các CLB không hoàn toàn vô lý.


Ngay cả khi mức giá trần đã giảm tới 33% xuống mức xấp xỉ 30 bảng/vé/trận trong lần điều chỉnh gần nhất của các CLB ở giải Ngoại hạng hồi cuối tháng 11 vừa qua, Hiệp hội cổ động viên bóng đá Anh (FSF) vẫn không cảm thấy hài lòng.

Khán giả bỏ tiền và họ có quyền tiết kiệm tối đa số tiền chi ra mỗi dịp cuối tuần. Song họ cũng nên thông cảm rằng ở phía đối diện, những nhà cung cấp dịch vụ, mà cụ thể là ban quản lý SVĐ cũng phải lo “nồi cơm” của chính mình.

Dưới góc nhìn của một nghiên cứu mà BBC Sports Study thực hiện, chuyện tăng giá là việc phải làm trong bối cảnh hiện nay. Dù không muốn, nhưng không thể tránh khỏi.

Tăng nhưng không đáng kể

Kể từ năm 2011, giá vé vào sân xem bóng đá tại Anh tăng 11% - mức tăng cao nhất tại 10 giải VĐQG hàng đầu thế giới. Con số 11% trần trụi sẽ trở thành cái cớ rất hợp lý để người ta đua nhau lên án Premier League là cỗ máy kiếm tiền chứ không phải một giải đấu phục vụ người hâm mộ.

Giá vé xem bóng đá ở Anh tăng đều qua từng năm khiến nhiều người bức xúc.

Nhưng cũng trong 3 năm qua, mức lạm phát ở Anh đã tăng tới 34%. Chỉ riêng trong 16 tháng qua (từ 10/2015) thì con số trên là 19%. Rõ ràng, Anh là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là khi tỷ lệ lạm phát của toàn khối Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng 0,55% trong một năm qua.

Nếu xét đến giá trị sử dụng của những chiếc vé vào sân xem bóng đá thì gần như mức tăng 11% không đáng kể, thậm chí là thấp trong bối cảnh công việc làm ăn của các CLB ngày càng khó khăn do sự xuất hiện của Luật công bằng tài chính FFP.

Arsenal là đội đưa ra giá vé cả mùa cao nhất, khoảng 1.014 bảng. So với mức giá Bayern Munich áp dụng thì con số trên chỉ đắt hơn 600 đơn vị. Nhưng ở Đức, bóng đá hoạt động theo cơ chế cộng đồng, người hâm mộ (NHM) cũng là cổ đông và chung tay vào quá trình bảo dưỡng, tu bổ sân vận động. Trong khi ở Anh là dạng mô hình kinh tế - thị trường đặc thù. Không ai giúp Arsenal, ngoài tự thân họ vận động.

Chuyện của đội bóng nhỏ

11% chỉ là con số trung bình của toàn bộ các đội bóng tham dự Premier League. Nhìn vào bảng thống kê mức tăng của 20 CLB tham dự giải Ngoại hạng mùa bóng năm nay, dễ thấy đội có thực lực càng yếu lại càng có xu hướng tăng mạnh giá vé.

Với những tân binh như Burnley, các đội này tăng giá vé vì 2 lý do. Thứ nhất, được chơi ở giải Ngoại hạng vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức bởi chẳng may cuối mùa phải xuống hạng, các đội bóng sẽ đối mặt với nguy cơ tan đàn xẻ nghé, thậm chí là phá sản mà bài học của Leeds United vẫn còn hiện hữu trước mắt.

Thứ hai, Premier League ở đẳng cấp khác hẳn Championship nên chuyện tăng giá vé là điều hết sức bình thường. Hơn nữa, dù giá vé tăng cao (47% của Burnley) thì số tiền cuối cùng khán giả phải bỏ ra để vào sân cả mùa vẫn rất dễ chịu: 685 bảng - tương đương giá vé của St.Etiene tại Pháp.

Một cách ngắn gọn, chỉ những đội đau đầu chuyện tiền bạc mới đẩy giá vé lên cao, còn lại các đội bóng lớn, những đội đã khẳng định được tên tuổi thì mức tăng gần như không đáng kể, thậm chí là giữ nguyên như trường hợp của Man City.

Thay đổi hợp lý

Các CLB Anh hoạt động trên cơ chế tự chủ về mặt tài chính. Họ không được chính quyền bao cấp như ở Italia, không được hậu thuẫn bởi những ngân hàng, hãng xe hơi lớn hay luật 50+1 như ở Đức, và cũng không được những nhà tài phiệt chống lưng như ở Tây Ban Nha. Ở một góc độ nào đấy, không dễ gì để các CLB ở Anh tồn tại và phát triển.

Bây giờ, khi UEFA liên tiếp đưa ra những bộ luật giới hạn phạm vi làm ăn của các đội bóng Anh như FFP hay luật cấm bên thứ ba sở hữu thì nguồn tiền nuôi sống bóng đá Anh càng khan hiếm.

Chưa kể xu hướng rót tiền tài trợ từ các nhãn hàng lớn đang có dấu hiệu chững lại sau khi Chính phủ Anh bắt đầu xây dựng dự thảo sơ bộ về thương mại thể thao, chính thức có hiệu lực sau đây 2 năm. Câu hỏi được đặt ra: lấy tiền ở đâu?

Có ba cách kiếm tiền cơ bản vẫn thường gặp ở những đội bóng Anh. Một, thu lời từ tiền bản quyền truyền hình. Hai, đi du đấu tại châu Á hoặc Bắc Mỹ. Ba, bán vé.

Tuy nhiên, cách đầu tiên không đem lại nhiều lợi nhuận bởi miếng bánh bản quyền ở Anh được phân bổ rất đều cho 20 CLB. Cách thứ hai lại mang tính thời vụ vì phải vào dịp hè thì các đội mới có thời gian rảnh.

Arsenal là đội bán vé đắt nhất ở Premier League.

Như vậy thì cách thứ ba xem ra hợp lý hơn cả. Vì một lý do rất đơn giản, đấy chính là nguồn thu ổn định, bền lâu và đi đôi với các giá trị cốt lõi. Nếu các đội luôn giữ được bản sắc và cống hiến hết mình thì dù giá vé có cao hơn trước, khán giả vẫn vui vẻ đồng ý bỏ tiền mua vé đến sân mỗi dịp cuối tuần.

Bán được vé, tiền sẽ tự động chảy vào túi các CLB. Mà đâu chỉ có bán vé bởi tác động của công việc này trước giờ bóng lăn tới tâm lý CĐV là vô cùng tích cực: theo báo cáo của tờ Independent, 80% lượng CĐV mua thêm đồ lưu niệm mang vào sân khi đi lấy vé.

M.U là ví dụ kinh điển. Trong 3 năm liên tiếp, đội đều đặn tăng vé vào cửa Old Trafford từ 5 đến 7 bảng/năm. Cũng trong 3 năm ấy, thành tích chuyên môn của M.U xuống dần đều. Họ liên tiếp mất quyền dự Champions League, sớm bị loại khỏi Europa League và nhiều khi, trở thành “ngân hàng” điểm cho các đối thủ.

Ở mặt quản lý, thượng tầng M.U dậy sóng với 3 HLV đến và đi chỉ sau 4 năm. Gần 400 triệu bảng bị ném vào TTCN không thương tiếc thời hậu Sir Alex làm các cổ đông không khỏi sốt ruột. Trên khán đài, manucian cầu cứu ngài Fergie trở lại.

Nhưng giá trị của M.U không nằm ở những thứ hữu hình. Họ là thương hiệu toàn cầu, đứng trên cả tập đoàn công nghiệp Hyundai. Tầm ảnh hưởng M.U tạo ra vượt qua khuôn khổ của bóng đá và với số đông NHM bóng đá toàn cầu, M.U không khác gì nguồn sống.

Thế nên, bất chấp phong độ sa sút, M.U vẫn sở hữu rất nhiều khách hàng chẳng những trung thành, mà còn cuồng tín. Những phân tử “dị giáo” này đi khắp bốn phương và truyền đạt lại lời giảng họ học được ở M.U. Phái M.U cứ thế thu nạp thêm môn đồ khắp bốn phương

Tăng giá vé là xu thế bắt buộc.

Các CLB về mặt bản chất là đơn vị kinh doanh. Họ kiếm tiền, tái tạo nguồn tiền, đầu tư vào đội bóng. Cầu thủ trên sân thi đấu tốt, đem lại thành tích cao, thành tích đó lại đẻ ra tiền và vòng tuần hoàn ấy lại tiếp tục.

Tăng giá vé là thay đổi hợp lý và tất yếu mà các CLB, không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Anh phải làm. 

Khi giá vé tăng dần đều, lượng khán giả tới cổ vũ cũng đi lên theo chiều hướng… tích cực. Trong bối cảnh như vậy, những người có thẩm quyền lại chẳng có lý do nào để… giảm giá.

Thế mới thấy, sức hút của Premier League là khủng khiếp thế nào. Đến những người bày tỏ thái độ khó chịu ra mắt còn cắn răng chi tiền xem bóng, huống chi những fan bóng đá dễ tính sẵn sàng chịu thiệt đổi lấy nụ cười chiều thứ bảy hàng tuần.

Nghịch lý từ hiện thực

Vé tăng, CĐV biểu tình và… gì nữa? Sự thật là lượng CĐV kéo tới các sân bóng ở “xứ sương mù” chỉ có chiều hướng đi lên chứ không hề thuyên giảm.

Kể từ mùa 2013/14, mỗi vé vào sân Emirates cả mùa tăng 3%. Real Madrid thì không tăng giá vé, thậm chí còn liên tục giảm giá (trung bình 15 euro/mùa). Tuy nhiên, sân Bernabeu chỉ lấp đầy 85% số chỗ ngồi trên các khán đài. Trong khi đó, Emirates luôn chật khán giả với khoảng 98% số ghế được phủ kín. Xét về hiệu quả kinh tế, đại diện của Premier League “ăn đứt” đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha.

Lượng khán giả đặt mua vé cả mùa (thống kê trên 20 đội bóng) tại giải Ngoại hạng trong năm 2016 là 1,6 triệu lượt người, gấp 4 lần Serie A, 3 lần Ligue 1. Chỉ Bundesliga là giải đấu cuồng nhiệt hơn Premier League với 2,2 triệu người đặt vé đến sân cả mùa bóng.

Thêm một điều kỳ lạ, trong khi phần quà khuyến mại ở những quốc gia khác dành tặng khán giả tới xem bóng thường liên quan tới đồ ăn, thức uống thì người Anh làm điều hoàn toàn ngược lại.

Các sân bóng tại đây không áp dụng những hình thức khuyến mại như mua vé 7 euro được một chỗ đứng kèm theo 1 vại bia và 1 chiếc xúc xích tại Đức. Ở Anh, với những vé có mệnh giá từ 80 bảng trở lên được hưởng miễn phí dịch vụ mát-xa, được mua đồ trong khu bán hàng với mức chiết khấu 25% và được đi kèm với một trẻ nhỏ cao dưới 1m40.

Đơn Ca
.
.
.