Show "Táo quân" nên tự phê bằng "Táo truyền hình"

Thứ Tư, 04/02/2015, 09:11
Phê và tự phê từng là một phong trào đấu tranh mạnh mẽ tại Việt Nam của nhiều năm trước. Thế nhưng, hiện trạng của nhiều năm sau, cụ thể là ngành giải trí, xem ra chẳng còn mấy ai mong muốn hoặc có nhu cầu về "phê và tự phê" như vậy. Nếu không nhận ra được mình yếu chỗ nào, sai ở đâu thì rõ ràng chuyện phát triển là một điều hết sức khó khăn.

Táo Quân bị gây khó vì thích 'phê' người khác?

Mấy ngày gần đây, câu chuyện giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn và chương trình Táo Quân của VTV đang trở thành tâm điểm quan tâm của dư luận khi một bên nói cần phải xin phép, một bên thì bảo không cần.

Diễn biến của "cuộc chiến pháp lý" giữa VFC và Cục Nghệ thuật biểu diễn như những tập phim truyền hình dài tập, đầy ly kỳ hấp dẫn. Cụ thể, ngày 13/1 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản yêu cầu VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam) làm thủ tục cấp phép biểu diễn, nộp hồ sơ kịch bản của chương trình để tránh vi phạm thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC lại khẳng định văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn là "thừa" vì: "Căn cứ điều 14 tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP, VFC không cần phải có bất cứ văn bản và thủ tục nào cần có sự phối hợp với Cục NTBD khi thực hiện Táo quân 2015".

Theo ông Đỗ Thanh Hải, Táo quân 2015 cũng chỉ là một sản phẩm báo chí vì vậy người chịu trách nhiệm và kiểm duyệt nội dung chương trình là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chứ không phải là Cục Nghệ thuật biểu diễn. Cho đến thời điểm này, VFC vẫn chưa thực hiện theo công văn ngày 13/1 của Cục nghệ thuật biểu diễn gửi đơn vị này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho rằng, căn cứ vào Nghị định 79/2012/NĐ-CP thì Cục này có "quyền" được yêu cầu Táo quân 2015 nộp kịch bản cũng như xin cấp phép biểu diễn. Ông khẳng định, Táo quân 2015 phải xin phép ngay cả khi ghi hình trong trụ sở của đài truyền hình.

Và, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ "có những bước tiếp theo" nếu VFC không thực hiện yêu cầu. Tuy nhiên, ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho rằng, việc đơn vị này có công văn sớm yêu cầu VFC gửi hồ sơ xin cấp phép cũng như nội dung kịch bản là để tránh những rắc rối cho chương trình như đã xảy ra vào năm 2014.

Ông Tuấn khẳng định, VFC cũng phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn nếu tổ chức biểu diễn ngoài trụ sở của đài truyền hình theo Nghị định 79. Bên cạnh đó, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn Lê Minh Tuấn còn đề cập đến vấn đề bản quyền trong việc chế lời các ca khúc trong Táo quân. Theo ông, việc chế lời đó là vi phạm bản quyền và dù các tác giả chưa có phản hồi nhưng với vai trò của mình, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn phải nhắc nhở đơn vị sản xuất làm đúng quy định của pháp luật.

Trả lời trên một tờ báo, đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định: Táo quân 2015 sẽ được ghi hình tại trường quay S4. Nhà tổ chức sẽ dùng đèn lead để tạo khung cảnh "thiên đình" ảo. Hiện các nghệ sỹ đang tích cực luyện tập và chương trình sẽ dự kiến ghi hình vào đầu tháng 2 tới. Như vậy, cho đến thời điểm này, "cuộc chiến" pháp lý giữa VFC và Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa ngã ngũ.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Cũng cần nhắc lại một chút, đầu năm 2014, cũng vẫn là Táo Quân và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có một cuộc chiến tương tự như vậy, và đến giờ đến tháng, cuộc chiến lại tiếp diễn. Chẳng biết, sự vụ sẽ trôi về đâu khi hết "sờ" đến giấy phép thì Cục Nghệ thuật biểu diễn lại "vòi" đến bản quyền ca khúc khi bị "chế" lời cho phù hợp với nội dung chương trình. Thắc mắc ở chỗ Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ quản lí và cấp phép các chương trình biểu diễn chứ không có chức năng quản lí, bảo hộ quyền tác giả, bởi vấn đề đó thuộc về một cơ quan, ban ngành khác.

Thế nhưng, gạt qua một bên cuộc "tranh chấp" đó, có nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh "cuộc chiến" này, rằng: Tại sao CNTBD lại quan tâm đặc biệt đến một chương trình truyền hình Tết của một đài truyền hình đến vậy? Tại sao CNTBD lại quyết tâm làm cho rõ ràng mọi chuyện với một chương trình truyền hình Tết đến vậy, dù rằng vấn đề họ đòi làm rõ lại không thuộc chức năng của họ? Và, Táo quân năm nay liệu có dám đề cập đến các vấn đề nhức nhối và nổi cộm trong năm qua của nhà đài, mà cụ thể là VTV hay không?

Rõ ràng, chuyện phê phán của một hoạt động văn hoá rất dễ gây hiệu ứng xã hội, khiến ai trong cuộc thấy "nhột". Chỉ ngặt một nỗi không phải ai cũng có tinh thần kiểm điểm, tự nhìn nhận ra lỗi của mình và tự phê bình chính bản thân.

Nếu như năm nay, Táo quân không có... Táo Truyền hình để nhìn nhận lại một năm quá nhiều vụ việc không ổn của VTV thì quả thật là một thiếu sót lớn, thể hiện một tinh thần tự phê chưa nghiêm túc. Tất nhiên, con nào dám hỗn với mẹ dù mẹ có lỗi lầm đến đâu chăng nữa! Hẳn nhiên đạo diễn Đỗ Thanh Hải hiểu điều này.

Đức Thành
.
.
.