Louis van Gaal - Mourinho:

Thầy, trò và một thế hệ HLV lò Barca

Thứ Sáu, 21/11/2014, 08:00

Khi Louis van Gaal nhận lời dẫn dắt Man Utd, cả nước Anh đã chờ đợi đến ngày ông gặp lại học trò cũ của mình đang ở Chelsea, "Người đặc biệt" Mourinho. Và cuối tuần này, họ sẽ tái ngộ nhau trong cuộc đụng độ không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là một trận đấu. Đó là cuộc gặp gỡ của hai vị HLV đẳng cấp hàng đầu thế giới, cá tính độc nhất. Và ở đó, van Gaal khẳng định, ông đã tạo ra cả một thế hệ HLV giàu tài năng.

1.Tháng 5/2010, Bayern Munich gặp Inter Milan ở trận chung kết Champions League. Đó là một trận quyết đấu của hai đội bóng đã rất lâu rồi không chạm tới vinh quang ở đấu trường châu Âu. Nhưng cuộc gặp đó còn được "đun nóng" bởi đây là lần đầu tiên Louis van Gaal "đại chiến" học trò cũ Jose Mourinho trong một trận cầu sống còn.

Khi trận đấu kết thúc, Mourinho là người chiến thắng (Inter hạ Bayern 2-0), còn van Gaal lầm lũi cúi mặt đi vào phòng thay đồ, với chỉ một cái bắt tay qua loa với người mà chính ông đã dẫn dắt trở thành HLV. Hơn 4 năm sau, họ mới lại gặp nhau ở một đấu trường đỉnh cao như giải Ngoại hạng Anh. Dĩ nhiên tính chất không thể sánh bằng chung kết Champons League, nhưng đây cũng là cuộc hội ngộ "thượng đỉnh" giữa hai thế lực của bóng đá Anh. Và giữa họ, vẫn còn những sợi dây vô hình trói buộc giữa quá khứ của cách đây 17 năm với hiện tại.

Mùa hè năm 1997, Louis van Gaal từ Ajax đến tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng Barcelona từ tay huyền thoại B.Robson. Ngày đó, ai cũng nghĩ rằng, toàn bộ hệ thống ban huấn luyện của HLV người Anh cũng sẽ phải ra đi. Thế nhưng, trong ngày ra mắt, van Gaal tuyên bố rằng, B.Robson có một yêu cầu với ông: van Gaal có thể thay toàn bộ ban huấn luyện theo ý muốn, nhưng hãy sử dụng trợ lí ngôn ngữ Jose Mourinho không chỉ dưới vai trò là phiên dịch, mà còn là một trợ lí HLV. Van Gaal đã làm đúng như vậy khi giữ lại Mourinho, một gã phiên dịch bình thường, nhưng lại thích "chọc ngoáy" vào các vấn đề chuyên môn. Nhưng quyết định ấy của van Gaal chỉ đến sau một câu chuyện ít người biết.

Van Gaal-Mourinho, vừa là đối thủ vừa là thầy trò.

Trong bữa ăn tối hôm đó với toàn đội, van Vaal đứng lên tự giới thiệu và yêu cầu mọi người đánh giá, góp ý những điều cần thiết. Một số người đưa ra các vấn đề không phù hợp dưới thời Robson, thậm chí có người còn chỉ trích triều đại cũ. Thế nhưng, là người cuối cùng đứng lên phát biểu, Mourinho đã thẳng thắn bảo vệ HLV Robson quyết liệt, và cho rằng, chính Robson đã là người tạo nền móng cho Barca mới, đầy khí phách và dũng mãnh. Cũng là một người có tính cách lạ lùng, van Gaal tâm đắc với những lí lẽ chuyên môn mà Mourinho đưa ra, dù trong nội dung phát biểu, Mourinho có bóng gió "nói mát" van Gaal chỉ là kẻ thụ hưởng. Mãi về sau, van Gaal mới tiết lộ: "Khi đó, tôi đã bị ấn tưởng bởi gã Jose (Mourinho). Tôi thích người đàn ông này. Anh ta có sự tự tin, chính kiến, bản lĩnh và lòng trung thành để hỗ trợ HLV đến ngày cuối cùng, ngay cả khi những lời đó có thể khiến anh ta mất việc ngay lập tức. Nếu anh ta có thể trung thành với Robson, anh ta cũng sẽ trung thành với tôi. Lúc ấy tôi đã nhận ra phẩm chất của Mourinho và lí do tại sao Robson lại trân trọng anh ta như thế".

Kết quả từ lời phát biểu ấy là Mourinho được giao huấn luyện đội trẻ, được "thăng chức" là trợ lí ngôn ngữ kiêm trợ lí HLV, được phép nói chuyện với giới truyền thông. Thậm chí, van Gaal còn lựa chọn chỗ ở ngay cách nhà Mourinho chỉ 15 mét, và cùng nhau làm việc phần lớn thời gian trong ngày. Có Mourinho, van Gaal thành công hơn trong chiến thuật và giúp Barca đoạt 2 chức vô địch La Liga (97/98 và 98/99), một cúp Nhà vua Tây Ban Nha (97/98) và một siêu cúp châu Âu (1997). Đổi lại, nhờ có van Gaal, Mourinho "đổi đời", không còn là gã phiên dịch đi học mót nghề HLV, mà thực sự được học hỏi, trau dồi những kĩ năng huấn luyện. Bên cạnh đó, chính cá tính quái đản, quyết liệt và thẳng thắn đến trần trụi của van Gaal đã tạo ra một Mourinho cũng ngông cuồng, điên rồ và lạ lùng chẳng kém.

Mourinho (phải) thời còn là trợ lí của van Gaal ở Barca.

Tóm lại là Mourinho đã học van Gaal cả chuyên môn lẫn tính cách, để làm nền tảng sau này trở thành một HLV cá tính và cực kì thành công.

2.Thế nhưng, chuyện của Mourinho chỉ là một ví dụ điển hình cho vai trò của van Gaal trong việc đào tạo… HLV. Ông đã cho thấy mình không chỉ là một HLV có thể "cho ra lò" những cầu thủ đẳng cấp, mà còn là người phát hiện, tạo ra cả một "hệ thống" HLV tài năng hiện tại.

Trở lại với năm 1997 khi van Gaal đến Barcelona, sau khi đưa Mourinho trở thành "trợ lí thứ 3", van Gaal tiếp tục xây dựng một đội ngũ nhân sự hùng hậu. Ở hàng tiền vệ, van Gaal trọng dụng Pep Guardiola và Luis Enrique. Một năm sau, ông mang về Phillip Cocu, bổ sung cho tuyến giữa. Tiếp đó, ông mời Ronald Koeman đến sân Nou Camp trong vai trò trợ lí. Tiếp đó là, van Gaal kí hợp đồng với Frank de Boer. Đến mùa giải 1999/2000, van Gaal đã có trong tay một đoàn quân thiện chiến, cực mạnh và đầy tiềm năng.

Thời điểm này kể lại những sự kiện đó để thấy rằng, hóa ra van Gaal đã chỉ đạo cả một "tập thể HLV" mà lúc này đang dẫn dắt toàn các CLB hàng đầu châu Âu. Pep Guardiola sau khi trở thành huyền thoại với Barca nay đang dẫn dắt Bayern Munich. Luis Enrique lúc này cũng bước đầu thành công ở Barcelona. Mourinho thì không cần phải nói nhiều nữa, ông đang có lần thứ 2 dẫn dắt Chelsea và thay đổi hình hài của CLB này. Frank de Boer hiện đang là HLV của Ajax, Phillip Cocu đang là HLV ở PSV Eindhoven, còn lại Southampton là Ronald Roeman, người vừa làm chấn động giải Ngoại hạng Anh khi mới đánh bại Sunderland tới 8 bàn không gỡ ở vòng 8 vừa qua.

Như vậy, tại giải Ngoại hạng Anh, van Gaal sẽ gặp 2 học trò cũ là Mourinho và Koeman. Nếu như mùa tới ông giúp Man Utd trở lại Champions League, van Gaal có thể gặp tất cả các "đệ tử" của mình tại Barca ngày nào, dĩ nhiên trong trường hợp tất cả còn tại vị. Và như thế, nếu nói rằng chính van Gaal đã tạo ra một hệ thống HLV cũng không có gì quá. Nói đến điều này lại phải nhắc đến câu chuyện mà chính van Gaal đã kể trong một cuộc phỏng vấn cách đây 15 năm, khi ông còn dẫn dắt Barca. Câu chuyện đó nói về một nhà báo thể thao người Anh khá nổi tiếng, khi thấy van Gaal ở một nhà hàng ăn tối, anh ta đã cùng vợ mình bước tới bày tỏ sự ngưỡng mộ và quay sang nói với vợ: "Người đàn ông này là một trong những HLV vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông ấy đã phát minh ra bóng đá hiện đại". Lập tức van Gaal "tẽn tò", tỏ rõ sự bối rối đến mức xấu hổ và chỉ biết gật đầu rất nhẹ.

Pep (phải) cũng là HLV chịu ảnh hưởng từ van Gaal.

Có lẽ anh chàng phóng viên cũng hơi quá đà, và van Gaal cũng không thể tưởng tượng được có ngày ông lại gần đạt tới tầm vóc mà tay phóng viên kia từng nhận xét. Van Gaal không phải là người phát minh ra bóng đá hiện đại, nhưng vai trò và ảnh hưởng của ông là cực lớn. Van Gaal không chỉ mang đến một phong cách huấn luyện đầy cá tính, mà còn là người định hình số lượng lớn các HLV hiện đại, những người mà không ai có thể phủ nhận tài năng của họ. Guardiola từng nói: Tôi không chắc van Gaal là HLV giỏi nhất thế giới, nhưng chắc chắn là một trong những người tốt nhất. Tôi học được rất nhiều từ ông, và ảnh hưởng từ ông ấy là có". Ngay từ khi van Gaal xuất hiện ở Nou Camp, ông đã nhắm tới Pep Guardiola. Ông đưa Pep làm đội trưởng đưa vào đá ở vị trí mang vai trò dẫn dắt đội bóng, và biến Pep thành "cơ quan ngôn luận" của mình. Chính từ vai trò đó, Pep đã bắt đầu làm quen, tiếp cận gần hơn với "nghề" HLV.

3.Ban đầu, Mourinho chịu hoàn toàn ảnh hưởng từ van Gaal, từ tính cách, tư duy, phương pháp làm việc tổ chức đến chiến thuật. Thế nhưng, khi van Gaal rời khỏi Barca năm 2000 vì mâu thuẫn với ban lãnh đạo, phong cách của Mourinho đi lạc ra khỏi mô hình Barcajax (thuật ngữ nói về sự liên hệ đào tạo và triết lí giữa Barca và CLB Ajax). Mourinho đặt niềm tin nhiều hơn vào hệ thống phòng ngự phản công, thay vì triết lí tấn công như thời van Gaal ở Barca. Van Gaal nhận xét về Mourinho như sau: "Triết lí bóng đá của tôi luôn là cống hiến. Bóng đá của tôi là phục vụ khán giả, và phải tấn công. Còn với Mourinho, cuộc chơi với anh ta là để chiến thắng. Đó là sự khác biệt".

Van Gaal-Mourinho. Hai thầy trò, hai con người có sự khởi đầu khác nhau, nhưng điểm đến có sự trùng hợp. Đó là giải Ngoại hạng Anh, ở hai đội bóng lớn, và điều quan trọng là họ đều đã tạo ra những dấu ấn đậm nét cho bóng đá thế giới. Hai tính cách đặc biệt, hai con người đầy tự tin, mang đầy cái tôi và sự uyên thâm, họ sẽ một lần nữa lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ở đó không chỉ có chiến thắng, thành tích, sự tung hô, mà còn là cuộc gặp gỡ, tranh tài của hai thầy trò, hai cá tính ở hai thế hệ.

Van Gaal tạo ra các HLV như thế nào?

Mourinho từng tiết lộ rằng, những ngày làm việc với van Gaal là những ngày làm thay đổi cuộc sống của ông: "Tôi từng làm việc với ông ấy 24/24 giờ mỗi ngày. Ở đó, tôi cảm thấy mình không chỉ là một phiên dịch, cũng không phải một trợ lí, mà là một HLV, người có thể bày tỏ quan điểm với ông ấy. Những kinh nghiệm và quãng thời gian đó, tôi đã biết mình có thể là một HLV giỏi như ông ấy". Còn van Gaal cũng nói về Mourinho: "Ngay từ những ngày đầu tôi đã nhận thấy tố chất của một HLV trong Mourinho".

Khi còn ở Barca, van Gaal không chỉ chỉ đạo cầu thủ, mà còn hướng dẫn chiến thuật, chỉ bảo phương pháp huấn luyện và truyền đạt cả triết lí bóng đá. Điều đặc biệt ở van Gaal là ông cho phép các cầu thủ, các trợ lí đưa ra ý kiến cá nhân, các góp ý về chiến thuật và nghiên cứu nó một cách nghiêm túc. Chính vì thế mà van Gaal đã kích thích khả năng huấn luyện của các cầu thủ, và có lẽ ông là HLV duy nhất "đào tạo" ra nhiều HLV đẳng cấp đến thế.

Không chỉ có Guardiola (Bayern Munich), Luis Enrique (Barcelona), Mourinho (Chelsea), Frank de Boer (Ajax), Phillip Cocu (PSV Eindhoven), Ronald Roeman (Southampton), học trò cũ của van Gaal còn nhiều người làm HLV ở các CLB hạng dưới, như: Abelardo ở Sporting Gijón, Sergi dẫn dắt CLB Recreativo.

Lê Giang
.
.
.