“The Run” - “Sân khấu phê bình” khởi động

Chủ Nhật, 08/04/2018, 21:15
“Hãy gửi cho chúng tôi quan sát của bạn” là tinh thần của “The Run” – dự án do một nhóm bạn trẻ làm nghề biên kịch, đạo diễn sân khấu lập ra vừa khởi động tại TP Hồ Chí Minh. Mục đích nhằm tạo nên một “sân khấu phê bình”, “sân khấu hội thoại” đang còn thiếu hoặc mờ nhạt ở nước ta.

Vừa qua, khán giả tại TP Hồ Chí Minh có cơ hội được xem “The Run” -  vở kịch ngắn do Trà Nguyễn biên kịch và đạo diễn, nội dung xoay quanh ba bệnh nhân Jode, Ly và Nogi, cùng mắc hội chứng Helium khiến thăng bằng nội tại của cơ thể họ bị phá vỡ và nhiều căn bệnh trầm kha phát tiết.

Được chọn vào một chương trình điều trị thử nghiệm trong không gian, họ cùng đến một căn cứ để rèn luyện, nơi thể chất, tinh thần và xúc cảm của họ bị thử thách. Vở kịch lột tả câu chuyện của họ trước ngày khởi hành vào vũ trụ.

Có một điều đặc biệt ở đây, đó là, ngoài thông điệp “Hãy dám để người khác đi vào thế giới tưởng tượng của bạn”, vở kịch “The Run” mang lại cho người xem một trải nghiệm sân khấu mới mẻ.

“The Run” là tác phẩm mở đầu chuỗi dự án cùng tên do các bạn trẻ thực hiện.

Khi vở kịch vừa kết thúc, khán giả và đội ngũ những người kiến tạo nên tác phẩm cùng nhau ngồi lại, thảo luận, phê bình lẫn nhau. Khán giả không chỉ là người xem mà còn có cơ hội tham gia vào cuộc thảo luận mang tính phê bình với biên kịch / đạo diễn của tác phẩm.

Biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất Trà Nguyễn chia sẻ: “Trong bối cảnh không có nhiều dự án táo bạo và cơ sở hạ tầng cho sân khấu, tôi không ước định được phản ứng của khán giả cho dự án nói chung và vở kịch nói riêng”.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, nền móng của tác phẩm sân khấu trình diện trực tiếp trước các nhà phê bình và khán giả. Bằng cách lắng nghe phê bình từ các nhà chuyên môn và người xem, “The Run” hi vọng hoàn chỉnh dần mô hình hỗ trợ cho nghề viết kịch và sản xuất kịch sân khấu tại TP Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một tác phẩm đơn lẻ mà là tác phẩm mở đầu cho dự án cùng tên của cô gái này.

Có thể thấy hiện nay, tính trẻ được thể hiện trong sân khấu ở nước ta chưa rõ rệt, từ đội ngũ nghệ sỹ cho tới nội dung tác phẩm. “Trẻ nhất”, thể hiện đúng tính chất của thế hệ mình kiểu 9x, 8x, và trình diện được mình nhất, đếm đi đếm lại cũng chỉ được vài người kiểu như Nguyễn Phi Phi Anh với các tác phẩm “Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời". Trong khi đó, theo tìm hiểu, đối tượng viết trẻ ở nước ta hiện nay rất đông đảo. Họ hoạt động ngầm nhiều hơn là bề nổi.

Ngoài đối tượng khán giả là những người yêu mến và quan tâm đến biểu diễn sân khấu nói chung, “The Run” còn nhắm đến những cây viết trẻ (kịch, truyện, tiểu luận, nghiên cứu, phê bình…) và những ai làm trong ngành sáng tạo (sân khấu, vũ đạo, điện ảnh, thời trang, nhiếp ảnh, kiến trúc, quảng cáo…). Mục đích là tạo nên một cộng đồng viết có tính tương tác cao, qua đó nâng cao nghiệp vụ, tạo ra tác phẩm nghệ thuật có giá trị với công chúng.

Biên kịch & Đạo diễn Trà Nguyễn: Sân khấu còn có thể hay hơn rất nhiều!

- Do đâu mà các bạn muốn làm “The Run” vậy?

+ Trà rất yêu sân khấu. Trà thấy những vở kịch mà mình đã được xem có thể còn làm được hay hơn nhiều. Đề tài hoàn toàn có thể khác, cách dựng có thể khác, câu chuyện cũng hoàn toàn có thể khác.

Hiện nay, đa phần khán giả đến xem một tác phẩm sân khấu nào đó xong rồi đi về thôi. Sân khấu còn có thể hấp dẫn hơn rất nhiều. Sân khấu bây giờ giống như một cái hộp vậy. Nó còn có thể mở ra cho người ta nhiều bất ngờ. Với “The Run”, Trà hi vọng tạo được bất ngờ như vậy.

- Có một số tác phẩm sân khấu trước khi trình diễn chính thức cũng diễn ra buổi diễn trước, lắng nghe góp ý từ những người chuyên môn. Tính chất hội thoại, phê bình mà “The Run” đang kì vọng, thực ra không phải là mới mẻ gì?

+ Đúng là, không phải là tới bây giờ mới có phê bình sân khấu. Bọn mình không phải là những người làm công việc ấy đầu tiên. Nhưng điều mà “The Run” đề nghị là mở một cuộc hội thoại lâu dài. Trà thấy, ở ta hiện nay, thường thì phê bình diễn ra một lần trên một vấn đề cụ thể.

Nghề biên kịch không phải thế. Đó là một nghề gắn với những “hành động kéo dài”. “The Run” đề nghị, bằng các bước khác nhau, những bạn làm  biên kịch cởi mở, thảo luận trên nhiều mặt. Từ cách sử dụng hình ảnh, cách kể chuyện,… cho tới cách trên thế giới đang làm và tại sao họ lại làm thế... Mình hi vọng xét về mặt thời gian, dự án này là một dự án lâu dài, chứ không phải chỉ có hai buổi diễn là xong.

- “Phê bình” là gì, theo cách hiểu của bạn?

+ Ở Việt Nam, theo Trà hiểu, phê bình là chê hoặc khen. Với Trà, không phải vậy. Phê bình là cuộc hội thoại. Ít nhất người tham gia phê bình phải là người có hiểu biết nhất định về vấn đề mà họ muốn phê bình. Môi trường phê bình ở nước ta hiện nay thường bị đóng kín. Phê bình trên sân khấu mà “The Run” đang theo đuổi giống phê bình đề nghị hơn.

- Đối tượng của dự án là gì?

+ Đối tượng chính của “The Run” là biên kịch. Hiện nay, sân khấu kịch để người trẻ thể hiện mình đang rất thiếu. Thiếu đâm ra mờ nhạt. “The Run” không mang sứ mệnh tập hợp các bạn biên kịch lại một chỗ mà là mở ra những cuộc hội thoại như tôi nói ở trên. Từ hội thoại, sẽ nảy sinh ra nhiều câu chuyện, nhiều dự án, ý tưởng mới.

- Kế hoạch sắp tới của “The Run”?

+ Toàn bộ dự án vận hành dựa trên các hội thoại. Cho nên, công việc của “The Run” vẫn là tạo các hội thoại thôi. Ngoài ra, vở kịch cùng tên – “The Run” - mà mọi người đã xem vừa qua, chúng tôi sẽ biên tập và dựng thành một bộ phim, công bố lần đầu tiên trong một lễ hội về sân khấu vào tháng 5 tới.

Đồng thời, “The Run” cũng sẽ tổ chức các buổi gặp mặt nhỏ, nói về lí thuyết sân khấu. Ví dụ trong tháng 4 có buổi “Ai là tác giả?”. Chúng tôi sẽ cùng nhau phản biện về nội dung đó.

Hình ảnh từ vở diễn.

Hiện nay, dự án bắt đầu nhận được một số kịch bản. Chúng tôi sẽ đọc và phản hồi trên kịch bản, rồi sau đó, mời những người có kĩ năng, làm việc với họ trong những hoạt động cụ thể.

Trong năm 2018-2019, dự án cũng sẽ triển khai một số hoạt động mang tính hỗ trợ khác như thảo luận về thực hành sân khấu và những cơ hội cộng tác/ sản xuất phù hợp tại địa phương, phân tích các lý thuyết về loại hình sáng tác chuyên biệt cho biểu diễn, đọc thoại, dựng kịch ngắn…

- Cảm ơn bạn!


Trà Nguyễn là quản lý của Sàn Art, tổ chức nghệ thuật đương đại độc lập lâu đời tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2013. Ngoài công việc điều hành những chương trình và sự kiện văn hoá, giáo dục của Sàn Art, cô viết kịch, truyện và truyện ngắn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Biên kịch và đạo diễn Trà Nguyễn, sáng lập dự án “The Run”.
Cô là thành viên của những mạng lưới sáng tạo sau: Regionally Speaking (Nói theo Vùng) do Viện Châu Á, Đại Học Griffith, Úc thành lập: Vận động Chính sách Văn hoá, Ngoại giao và Lãnh đạo từ ASEAN kết nối với Úc. Curators Academy, do TheatreWorks hình thành và tổ chức: một nền tảng huấn luyện cho các curator tiềm năng của Đông Nam Á để phát triển ngữ cảnh khi môi trường của họ không có sẵn hoặc chỉ có ngữ cảnh hoạt động sơ sài, dành cho những trình diễn “đang phát triển”.
Thường Hiên
.
.
.