Thất bại của Ánh Viên tại giải Vô địch thế giới:

Thể thao thành tích cao không thể “nuôi gà chọi”!

Thứ Năm, 08/08/2019, 13:44
Từ một vận động viên được đánh giá có thể cạnh tranh huy chương ở Olympic, “kình ngư” Ánh Viên liên tiếp có những thất bại trong khoảng thời gian 1 năm qua. Khoản tiền đầu tư vào kình ngư này có nguy cơ “lỗ vốn” khi những mục tiêu lớn nhiều khả năng không thể hoàn thành. Nhưng lỗi ở Ánh Viên hay ở cách thức đầu tư và phát triển vận động viên thành tích cao của thể thao Việt Nam nói chung?


Nhồi nhét để chín ép

Những con số đầu tư vào Ánh Viên cho thấy sự quan tâm đến “kình ngư” này chưa bao giờ nhỏ. Cụ thể, Ánh Viên đang nhận 180.000 USD/năm từ Tổng cục Thể dục Thể thao và 40.000 USD/năm từ quân đội. Đây là khoản đầu tư đủ để giúp Ánh Viên hướng đến những mục tiêu lớn hơn là tấm huy chương SEA Games.

Nhưng có một nghịch lý không ai hiểu nổi, đó là thành tích của Ánh Viên cứ thụt lùi dần qua từng năm. Ở nội dung sở trường 400m cá nhân hỗn hợp trong 5 năm qua, tại ASIAD 2014, Ánh Viên đạt thành tích 4 phút 39 giây 65; đến giải vô địch thế giới 2015, “kình ngư” này nâng thành tích lên 4 phút 38 giây 78.

Ánh Viên có thành tích đáng thất vọng tại giải VĐTG 2019.

Đỉnh cao của Ánh Viên là tại Olympic Rio 2016 khi cô đạt 4 phút 36 giây 85. Sau đó, thành tích của Ánh Viên bắt đầu đi xuống với 4 phút 40 giây 39 ở giải vô địch thế giới 2017 rồi 4 phút 42 giây 81 ở ASIAD 2018.

Tại giải vô địch thế giới 2019 tại Hàn Quốc vừa qua, Ánh Viên chỉ xếp thứ 19 vòng loại nội dung này với thành tích 4 phút 47 giây 96, thấp nhất trong hơn 6 năm. Kết quả tương tự cũng đến trên đường đua 200m hỗn hợp, nơi Ánh Viên đạt thành tích 2 phút 17 giây 35, xếp hạng 26 và không thể vượt qua vòng loại. Trước đó, thành tích tốt nhất của Ánh Viên ở cự ly này là 2 phút 12 giây 66.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự sa sút không phanh này. Ý kiến cho rằng Ánh Viên đã “đến ngưỡng” và không thể phát triển tiếp nhanh chóng bị bác bỏ. Ánh Viên mới đang ở tuổi 23, nằm trong lứa tuổi vàng đạt điểm rơi phong độ của các kình ngư trên khắp thế giới.

Một nguyên nhân nữa được nhắc đến là trình độ của huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn. Người thầy của Ánh Viên được đánh giá cao ở tâm huyết và sự nghiêm khắc, nhưng ông chỉ phù hợp đi cùng Ánh Viên trong giai đoạn đầu tiên. Muốn tiến lên một đẳng cấp khác, “kình ngư” này cần thụ giáo những ông thầy ngoại chất lượng với giáo án hiện đại hơn.

Ê kíp 1 thầy, 1 trò đã sớm cho thấy những bất cập của nó trong việc phát triển hết tầm một trong những vận động viên có tiềm năng nhất lịch sử thể thao Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia bơi lội, chính giáo án không hợp lý đã khiến cho Ánh Viên chững lại rồi thụt lùi trên con đường phát triển của mình. Trong cuộc hợp “rút kinh nghiệm”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao nói rằng các giáo án của chuyên gia Mỹ không phù hợp với Ánh Viên vì tố chất người Mỹ khác người Việt và giáo án đưa ra phải phù hợp với từng giai đoạn, bám sát khả năng của vận động viên.

Câu hỏi được đưa ra: Từng ấy tiền đầu tư vào Ánh Viên vì sao không được sử dụng một cách hợp lý hơn, ví dụ như thuê chuyên gia làm việc full-time, theo sát Ánh Viên để cập nhật và xây dựng giáo án một cách chuẩn xác nhất? Nếu làm được điều đó, ít nhất khi thất bại, mọi người còn có một nguyên nhân chính xác để nhìn vào và khắc phục hơn là những lý do chung chung.

Sau cùng, với khoảng hơn 200.000 USD/năm rót vào Ánh Viên, mục tiêu lớn nhất trong năm của kình ngư này vẫn chỉ là Sea Games 30 cuối năm nay. Cần nhìn nhận rằng đó là một sự lãng phí khủng khiếp của thể thao Việt Nam nói chung và tiềm năng của Ánh Viên nói riêng.

Bị kịch "gà chọi"

Vấn đề đầu tư cho vận động viên thể thao thành tích cao của Việt Nam đã được phân tích và mổ xẻ rất nhiều. Mô tuýp “hớt váng” tồn tại qua nhiều năm nhưng dường như trừ bóng đá nam, mọi môn thể thao còn lại đều không có nhiều thay đổi.

Khi một vận động viên giành được những vinh quang đặc biệt, họ trở thành tâm điểm của dư luận và cùng với đó những khoản đầu tư khổng lồ được rót vào. Tỷ lệ thuận với những đồng tiền là áp lực thành tích khổng lồ đặt lên vai những “người hùng”, trong đó có cả những mục tiêu cần phải có sự đầu tư lâu dài, kiên nhẫn về mọi mặt chứ không chỉ là chuyện tài chính.

Bài học lớn nhất trước Ánh Viên là Hoàng Xuân Vinh, xạ thủ giành Huy chương Vàng Olympic đầu tiên cho Việt Nam tại Brazil năm 2016. Ngay sau khi có được thành tích này, Hoàng Xuân Vinh nhận được rất nhiều khoản đầu tư cùng những mục tiêu lớn được “giao phó”.

Nhưng sau tấm Huy chương Vàng Olympic, Hoàng Xuân Vinh không còn giữ được phong độ đỉnh cao nữa. Xạ thủ này thất bại ở ASIAD 2018, chỉ có tấm Huy chương Đồng ở Sea Games 29. Ngay lập tức, Xuân Vinh phải nhận những lời chỉ trích từ dư luận bởi “đánh mất chính mình”.

Chính sự đầu tư không có bài bản cụ thể mà theo kiểu “nuôi gà chọi” của thể thao Việt Nam đã góp phần không nhỏ làm thui chột những vận động viên xuất sắc. Khi họ trở nên nổi tiếng và có thành tích cao, những nguồn đầu tư mới ồ ạt đổ tới kèm theo sự chú ý của truyền thông và dư luận.

Điều đó tạo ra sức ép thành tích rất lớn cho các vận động viên mỗi khi bước vào một giải đấu lớn. Trong thể thao thành tích cao, tâm lý là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một người có xuất sắc đến đâu mà khi bước vào thi đấu bị căng cứng thì cũng rất khó đạt được thành tích cao nhất.

Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh hiện không còn giữ được phong độ.

Với Nguyễn Thị Ánh Viên, tâm lý thi đấu thậm chí là yếu tố quyết định thành tích. Sau Sea Games 29, Ánh Viên thừa nhận mình phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm vì áp lực quá nặng nề. Tại ASIAD 2018, “tiểu tiên cá” cũng chia sẻ cô bị ngợp và khớp trước khi thi đấu, dẫn đến việc mất hoàn toàn cảm xúc khi nhập cuộc.

Việc rèn luyện tâm lý thi đấu thì có nhiều tiền cũng không giải quyết được. Chính vì lẽ đó, đây được xem là điểm yếu lớn nhất ở những vận động viên được xem là “gà chọi” của thể thao Việt Nam.

Tại các nền thể thao tiên tiến, khi việc đào tạo vận động viên thành tích cao được bắt đầu từ rất sớm và gắn liền với thể thao học đường, chuyện gặp tâm lý ở những người đã thành danh rất ít khi xảy ra vì họ đã làm quen với sức ép từ nhỏ và coi mọi chuyện đều bình thường.

Nhưng ở Việt Nam, đó vẫn chỉ là niềm mơ ước. Các vận động viên xuất sắc, nổi trội và có năng khiếu đặc biệt vẫn phải chấp nhận một thực tế rằng họ sẽ chỉ được biết đến nếu giành được một thành tích đặc biệt nào đó. Họ lập tức được đưa lên mây xanh với những lời tán tụng và ca ngợi, cùng với đó là những lợi ích lớn về kinh tế. Sức ép khổng lồ được đặt lên vai họ, với lý lẽ “nhiều tiền sẽ có thành công”.

Thành công, thành công thực sự chỉ đến từ những chiến lược đầu tư bài bản, có kế hoạch và chiến lược rõ ràng, cần rất nhiều mồ hôi, nước mắt, lòng kiên trì. Còn nếu chỉ hy vọng “hớt váng” từ những hiện tượng thì những trường hợp “gà chọi” đầy bi kịch sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Bệnh thành tích

Trong cuộc họp với báo giới về trường hợp Ánh Viên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ mục tiêu trọng điểm nhất của nữ “kình ngư” này trong năm 2019 là SEA Games 30 với yêu cầu giữ thành tích 8 Huy chương Vàng để dẫn đầu khu vực về thành tích cá nhân.

Ngoài SEA Games 30, Ánh Viên sẽ tham dự Đại hội Thể thao quân sự thế giới diễn ra trong tháng 10 sắp tới. Bên cạnh đó, kình ngư này cũng phải nỗ lực đạt chuẩn dự Olympic Tokyo khi suất đặc cách đã không còn.

Như vậy, lịch luyện tập và thi đấu trong thời gian tới của Ánh Viên là vô cùng căng thẳng, gần như không có thời gian để nghỉ ngơi và tái tạo sức lực.

Việc xác định trọng tâm cho một vận động viên đỉnh cao để tính toán việc đạt điểm rơi phong độ đúng lúc là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên trong trường hợp của Ánh Viên, nhiều người cho rằng cô đang phải gánh trách nhiệm “con gà đẻ trứng vàng” cho đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội. Chính áp lực này khiến Ánh Viên lúc nào cũng chịu một tâm lý thi đấu nặng nề và ảnh hưởng đến phong độ của cô.

Nên nhớ rằng ở tuổi 23, Ánh Viên cũng có những vấn đề tâm sinh lý của lứa tuổi. Riêng việc phải liên tục xa gia đình, không có bạn bè để đáp ứng luyện tập và thi đấu liên tiếp cũng là một thiệt thòi lớn. Ánh Viên cần có những nguồn động viên lớn hơn từ những người đồng hành và cả dư luận, thay vì sự chỉ trích nhiều khi vô lý sau những thất bại của nữ kình ngư này.

Đơn Ca
.
.
.