Thể thao thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19: Còn nguyên bài học của 100 năm trước

Thứ Ba, 17/03/2020, 15:15
Đại dịch COVID-19 gây kinh hoàng về mức độ lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt trong xã hội và thể thao cũng không ngoại lệ.


Chúng ta đang sống trong một thế giới mang tính quy luật và thật buồn khi trong số đó, có cả những quy luật tiêu cực. Đại dịch COVID-19 gây kinh hoàng về mức độ lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt trong xã hội và thể thao cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng ta không bất ngờ khi nó xuất hiện, bởi hơn 100 năm trước, thế giới từng chứng kiến một đại dịch còn nguy hiểm gấp bội phần, giết chết 3-5% dân số thế giới thời điểm đó.

Nỗi ám ảnh mang tên "cúm Tây Ban Nha"

Đại dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra từ tháng 1/1918 đến tháng 12/1920, liên quan đến virus cúm H1N1. Khác với COVID-19 thường gây tử vong ở người cao tuổi và có tiền sử bệnh lý, cúm Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong nằm ở mọi độ tuổi nhưng phần lớn là thanh niên và trung niên từ 20-40 tuổi.

Khi một người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, hơn nửa triệu phần tử virus có thể lây lan sang những người gần đó. Tỷ lệ lây nhiễm cúm Tây Ban Nha lên tới 50% với các triệu chứng bất thường như xuất huyết mũi, dạ dày, ruột, phù và xuất huyết phổi. Tổng cộng 500 triệu người trên toàn thế giới bị lây nhiễm và 50-100 triệu người, tức 3-5% dân số thế giới vào thời điểm đó, tử vong.

Dịch cúm này đánh sập mọi hoạt động kinh tế - xã hội ở châu Âu thời điểm đó. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng không ngoại lệ. Cúm Tây Ban Nha khiến trận chung kết khúc côn cầu huyền thoại Stanley Cup ở Canada phải tạm ngừng. 

Còn phía bên lục địa già, virus giết chết huyền thoại bóng đá Pháp Marius Royet. Ông được xem là cầu thủ đầu tiên quảng bá hình ảnh của bóng đá xứ lục lăng ra nước ngoài. Theo tài liệu lưu trữ, Royet tham chiến rồi bị quân Đức bắt làm tù binh. Ông lây virus cúm trong tù, được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng không qua khỏi.

Tại quê nhà của Royet, Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) phải tạm dừng hoạt động. Hầu hết gương mặt cộm cán trong tổ chức khi đó đều ngã bệnh vì dính virus cúm Tây Ban Nha và phải mất hơn 10 năm mới lấy lại được vị thế là liên đoàn số 1 trong giới thể thao của quốc gia này. 

Thụy Sĩ còn tồi tệ hơn khi giải vô địch quốc gia buộc phải hủy bỏ. Nếu tổ chức thì cũng không có đội nào tham gia bởi hầu hết các cầu thủ đều ngã bệnh rồi bỏ mạng vì cúm. Có đội thậm chí còn đúng... 2 cầu thủ khoẻ mạnh ra sân trước giờ bóng lăn. Dịch bệnh này cũng khiến World Cup, vốn được lên ý tưởng tổ chức từ đầu thế kỷ, phải đến mãi tới năm 1930 mới có thể xuất hiện.

Nói không quá, cái hắt hơi của "Mẹ thiên nhiên" không chỉ khiến chúng ta giật mình, đau đớn, tổn thương, mất mát mà còn ám ảnh tâm trí đến tận bây giờ, sau hơn 100 năm.

Một bệnh viện dã chiến điều trị cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.

Không để cho lịch sử lặp lại

Năm đó, khi dịch cúm càn quét từ California (Mỹ) đến Kolkata (Ấn Độ), không ai biết cái gì đang giết chết nhân loại. Vào thời điểm đó, các bác sĩ đã phải sử dụng đủ mọi biện pháp mà họ có trong tầm tay, từ ''tắm lạnh'' (để tiêu viêm), dùng thuốc nhuận tràng, cho đến sử dụng các dược phẩm như aspirine, ký ninh, iodine…, hay dùng các loại vắc xin hiệu quả trong các bệnh dịch khác.

Các nhà vi tế bào thì soi vào một loại vi khuẩn họ tìm ra trước đó vài thập niên được nhận thấy trong phổi của các bệnh nhân cúm, và gọi chúng là Bacillu influenza. Chỉ đến năm 1933, hai nhà khoa học Anh mới chứng minh được rằng căn bệnh là do một nguồn khác, thứ mà ngày nay chúng ta gọi là virus. 

Cuối cùng, năm 1940, kính hiển vi electron vừa được phát minh đã chụp được một bức ảnh của virus cúm Tây Ban Nha, và lần đầu tiên trong lịch sử loài người không chỉ gọi được tên, mà còn thấy được thủ phạm. Như vậy là sau hơn 20 năm, chân tướng của vụ việc mới được làm sáng tỏ.

Còn ở thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ mất vài tuần để xác nhận virus corona chủng mới là thủ phạm. Đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 150.000 người, trong đó có gần 6.000 người không qua khỏi. 

Thể thao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hai giải đấu quan trong nhất năm nay là Olympic tại Tokyo và EURO 2020 đều có nguy cơ bị hoãn lại. Riêng với Olympic, các VĐV đã được yêu cầu tiếp tục tập luyện và kế hoạch tổ chức được giữ nguyên, nhưng việc tập huấn cho khoảng 80.000 tình nguyện viên đã bị trì hoãn ít nhất 2 tháng, dự kiến bắt đầu từ ngày 22/2 vừa qua.

Các cầu thủ PSG thi đấu trận lượt về vòng 1/8 Champions League với Dortmund trên sân không khán giả.

Olympic còn đang trong vòng nghi ngờ nhưng Giải vô địch điền kinh trong nhà thế giới (từ ngày 13-15/3 tại Nam Kinh - Trung Quốc) đã phải hoãn đến năm 2021. Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã hủy tổ chức giải Marathon Bình Nhưỡng dự kiến vào tháng 4, sau khi khóa cửa biên giới vì dịch bùng phát ở Hàn Quốc, quốc gia cũng không thể tổ chức giải Marathon Seoul để bảo vệ các VĐV. 

Cuộc thi Olympic 3 môn phối hợp dự kiến ở Thành Đô (Trung Quốc) vào tháng 5 đã được chuyển sang Valencia, nhưng cũng không chắc vì dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội ở Tây Ban Nha.

Ở môn cầu lông, các giải đấu Đức mở rộng (3-8/3), Việt Nam mở rộng (24-29/3) và Ba Lan mở rộng (26-29/3), tất cả liên quan đến vòng loại Olympic, đều bị hủy để "bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt". Cũng là vòng loại Olympic, môn Boxing tổ chức ở Vũ Hán đã bị IOC hủy bỏ và chuyển sang Amman (Jordan) từ ngày 3-11/3. Cuộc đấu tranh đai IBF giữa Daniele Scardina và Andrew Francillette tại Milan vào ngày 28/2 vừa qua đã bị hoãn do dịch bệnh bùng phát tại Italia.

Thiệt hại về kinh tế là vô cùng to lớn. Chỉ tính riêng trong bóng đá, các giải đấu hàng đầu châu Âu từ lúc phải tổ chức thi đấu trên sân không khán giả giờ cũng phải hoãn. Đến "thành trì" bảo thủ nhất như Ngoại hạng Anh cũng buộc phải tạm dừng mọi hoạt động cho đến ngày 4/4 sau khi phát hiện 2 ca dương tính với Covid-19 là tiền vệ Callum Hudson-Odoi (Chelsea) và HLV Mikel Arteta (Arsenal).

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, La Liga mất 700 triệu USD, còn Ngoại hạng Anh thì mất khoảng 1,3 tỷ USD. Số tiền này đến từ tiền bán vé, các sản phẩm đi kèm, tiền phát sóng, quảng cáo và vô số chi phí khác. Tại Việt Nam, V.League cũng thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng cho tới hết tháng 3.

Các biện pháp xử lý hiện giờ đều rất chuẩn mực, đúng khoa học và đi theo lộ trình vạch sẵn. Dù cho có một vài quốc gia, hoặc một bộ phận công dân chưa nhận thức đúng về mức độ nghiêm trọng nhưng suy cho cùng, thiệt hại đã được hạn chế rất nhiều. Thảm họa năm 1918 sẽ không bao giờ lặp lại khi cả thế giới, trong đó có cộng đồng thể thao, luôn sát cánh đẩy lùi đại dịch quái ác này.

Chuyện hy hữu: đội bóng Vũ Hán rời châu Âu về nước để… phòng dịch

Vũ Hán là tâm dịch đầu tiên của COVID-19. Tuy nhiên, sau khi đại dịch này có chiều hướng được kiểm soát tốt ở Trung Quốc, nó bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu với các tâm dịch mới là Italia, Tây Ban Nha và Pháp. Thế nên mới có chuyện hy hữu liên quan tới CLB bóng đá Vũ Hán Zall.

Số là các thành viên của đội Vũ Hán Zall, trong đó có 27 cầu thủ tới Tây Ban Nha vào cuối tháng 1 tại sân bay Malaga-Costa Del Sol, bắt đầu một chuyến tập huấn ở Sotogrande (Cadiz, Tây Ban Nha) mà không có bất kỳ triệu chứng nào nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, đội bóng này không thể trở về quê nhà như dự kiến khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc. Trước khi tới Tây Ban Nha, các cầu thủ Vũ Hán Zall đã tập ở Quảng Châu. Các cầu thủ đã phải xa gia đình và bạn bè trong hơn 1 tháng. Một trong số họ đã mất người thân do dịch COVID-19.

Trong chuyến tập huấn này, đội bóng Vũ Hán được Real Madrid mời đến sân Bernabeu để xem trận El Clasico với Barcelona hôm 2/3. Đây là trải nghiệm đáng nhớ cho các cầu thủ đến từ Trung Quốc. Quyết định trở về quê nhà của đội Vũ Hán Zall được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố đã qua đỉnh dịch COVID-19, trong khi đó châu Âu đang trở thành tâm dịch mới. "Vấn đề là ngay tại đây, trong khi ở Trung Quốc dịch bệnh gần như được kiểm soát", ông Jose Gonzalez, HLV của đội bóng Vũ Hán Zall giải thích về quyết định rời Tây Ban Nha.

Sau hơn 60 ngày xa gia đình, sống trong tâm trạng hồi hộp xen lẫn lo lắng, bất an vì người thân đang trong vùng nguy hiểm, các cầu thủ Vũ Hán Zall giờ sẽ bị... cách ly 14 ngày khi trở về quê nhà như một biện pháp đảm bảo an toàn cho chính quê hương của mình.

Hà My
.
.
.