Tổng kết bóng đá thế giới 2016

Thêm một năm, tiền đè chết… vinh quang

Chủ Nhật, 01/01/2017, 05:52
Trong ngày cuối cùng của năm 2016, những gì đọng lại nhiều nhất với người hâm mộ bóng đá suốt 12 tháng qua thật đáng buồn, một lần nữa là câu chuyện liên quan đến tiền bạc.

Cách đây 7 năm, cả thế giới đã bàng hoàng sau phi vụ Cristiano Ronaldo tới Real Madrid. Nhưng khi quả bom ấy “phát nổ”, Ronaldo là chủ nhân của danh hiệu QBV thế giới. Nghĩa là, anh ta xứng đáng với số tiền CLB bỏ ra.

Nhưng 7 năm sau, Paul Pogba, một cầu thủ tài năng khác nhưng chưa thể coi là xuất chúng, cũng chẳng hề được vinh danh trong các cuộc bầu chọn cá nhân uy tín nào, đã dễ dàng xô đổ kỷ lục chuyển nhượng kia. Và cả Higuain, một tiền đạo giỏi, song chưa giỏi “tới mức” để có giá giao dịch ngang bằng chủ nhân của 4 danh hiệu Ballon dOr.

Sự bành trướng trên thị trường chuyển nhượng của bóng đá Trung Quốc đang gián tiếp tạo ra những hệ lụy tiêu cực.

Đi từ lục địa già tới châu Âu, chúng ta lại chứng kiến một hiện tượng làm khuynh đảo làng bóng thế giới khác: Sự xâm lăng của bóng đá Trung Quốc trên diện rộng. Hàng loạt ngôi sao đình đám, bao gồm cả những người đang kỳ đỉnh cao phong độ chọn C-League làm điểm dừng chân tiếp theo.

Chưa bao giờ, bóng đá bị chi phối bởi ma lực của đồng tiền như hiện nay.

Đồng tiền đang trượt giá

Hệ thống chuyển nhượng trong bóng đá thế giới xuất hiện lần đầu năm 1885. Bản hợp đồng có trị giá cao kỷ lục đầu tiên được FIFA công nhận là vụ Aston Villa chi 100 bảng tậu tiền đạo Willie Groves từ West Brom vào năm 1893.

Kỷ lục ấy tồn tại trong suốt 11 năm tiếp theo, cho tới lúc Andy McCombie về Newcastle với giá 700 bảng. Lại phải chờ thêm hai thập kỷ nữa để sức mạnh đồng tiền vượt khỏi bờ cõi nước Anh, lan ra phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, sức lan tỏa ấy chỉ diễn ra nhỏ giọt với tốc độ âm ỉ, chưa đáng để những người trong nghề phải dấy lên mối bận tâm.

Ví dụ như thập niên 50-60 thế kỷ trước, thời hoàng kim của bóng đá Italia, phí giao dịch cao nhất cũng mới chạm giá 152.000 bảng. Cần lưu ý rằng đó là khoảng thời gian chiến tranh thế giới đã chính thức chấm dứt, và các hoạt động ngân hàng cũng như trao đổi tiền tệ dần trở nên phổ biến hơn trong đời sống xã hội.

Thời Cruyff từ Ajax sang Barca, các chỉ số index dao động dừng lại tại mốc xấp xỉ 1 triệu bảng. Hai năm sau, thế giới mới có cầu thủ triệu bảng đầu tiên, là Giuseppe Savoldi (giá 1,2 triệu bảng, chuyển tới Napoli tờ Bologna).

Từ 152.000 bảng tới 1,2 triệu bảng là cấp lũy tiến của phép tính nhân 8. Đấy đã là mức tăng “phi mã” mà nhiều người phải giật mình. Song con số 8 ấy quả thật quá nhỏ bé, như muối bỏ bể nếu được đặt trong hoàn cảnh hiện nay.

Với cú áp phe Man Utd thực hiện cùng Paul Pogba, mức tăng trưởng trên thị trường mua bán cầu thủ đã tăng tới 90 lần sau 4 thập kỷ. Nhưng điều đáng lo ngại thực sự không phải số tiền mà các CLB ngày nay bỏ ra, mà là giá trị của đồng tiền có được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng hay không?

Ngày xưa, Ronaldo lập kỷ lục thế giới sau khi đã giành đủ mọi vinh quang cùng Man Utd. Bản thân anh cũng được công nhận là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới bằng giải thưởng QBV cao quý.

Còn Pogba, anh có gì? Quãng thời gian ngắn ngủi ở Juventus chưa thể là thước đo chính xác nhất cho mức 100 triệu bảng mà Man Utd chi trả. Đấy là không kể ở vị trí của Pogba, còn rất rất nhiều gương mặt xuất chúng, đầy nội lực khác.

Forbes dự báo, tới năm 2035, giá trị chuyển nhượng của một cầu thủ bóng đá có thể chạm ngưỡng 1 tỷ bảng.

Trung Quốc đang làm hỏng bóng đá?

Tham vọng làm bá chủ bóng đá của quốc gia đông dân nhất thế giới đã được nhắc tới từ lâu. Một trong những cách làm kinh điển nhất xưa nay của các nền bóng đá mới nổi là chi rất nhiều tiền. Nhưng không đâu trên thế giới có thể so sánh với Trung Quốc ở khoản bạo chi.

Bóng đá Trung Quốc đang dùng sức mạnh đồng tiền để chiêu mộ những ngôi sao như Oscar

Chỉ trong hai năm trở lại đây, giải VĐQG Trung Quốc đã bỏ ra gần 600 triệu bảng thu hút những ngôi sao quốc tế. Mức thù lao mà những cầu thủ được hưởng khi đồng ý tới C-League chơi bóng là vô cùng hậu hĩnh. Trong 5 cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới, đã có tới 3 cái tên đang chơi bóng tại Trung Quốc là Hulk, Tevez và Pelle.

Lợi thế của bóng đá Trung Quốc là nó nhận được hậu thuẫn hết mình, tổng lực của các tập đoàn xuyên quốc gia dưới sự bảo trợ của chủ tịch Tập Cận Bình – một người rất đam mê bóng đá.

Quảng Châu Evergrande – CLB mạnh nhất Trung Quốc (từng hai lần vô địch Cúp C1 châu Á) chịu sự quản lý của mối quan hệ liên doanh giữa hai công ty lớn nhất nhì quốc gia này là đại gia xây dựng Evergrande và ông trùm thương mại điện tử Alibaba theo tỷ lệ vốn 60-40.

Jiangsu Suning, đội nằm chung với Becamex Bình Dương tại Cúp C1 châu Á mùa trước là một nhánh trong chuỗi cửa hàng nội bộ khổng lồ Jiangsu. Bắc Kinh Quốc An thậm chí nhận chỉ đạo từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc khi “mẹ đẻ” của CLB này là CITIC, Tổng công ty đầu tư nhà nước.

Năm 2016, BTC giải đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có giá 950.000 bảng, cao gấp nhiều lần thống kê của một năm trước đó (9 triệu bảng). Tới năm 2025, tổng sản lượng giá trị kinh tế của thể thao Trung Quốc theo dự báo là 800 tỷ bảng – một con số khổng lồ.

Paul Pogba - cầu thủ đắt giá nhất hành tinh.

Dù vậy, quá nhiều tiền cũng là một cái… tội. Thứ nhất, bóng đá Trung Quốc làm phá giá thị trường, khiến bóng đá biến thành bong bóng kinh tế dễ vỡ ngay khi các tập đoàn tài chính rút chân rết khỏi thị trường. Thứ hai, việc đổ tiền vô tội vạ sẽ bẻ cong những giá trị cơ bản của môn thể thao vua.

Thật khó tin rằng một tiền vệ đang ở đỉnh cao sự nghiệp như Oscar, mới bước qua tuổi 25 và còn cả tương lai dài phía trước, lại tới Trung Quốc. Kiếm tiền là mục đích chính đáng, nhưng không nên đánh đổi bằng mọi giá.

Bản thân bóng đá Trung Quốc cũng sẽ chuốc lấy tai họa vì chính cách tiêu tiền của họ. Điều lệ cho phép mỗi đội bóng ở giải VĐQG đăng ký tới 5 cầu thủ nước ngoài và 4 trong số ấy được cùng lúc ra sân. 4 cầu thủ, tức là chia đều ra các tuyến trên sân sẽ tạo thành trục dọc, xương sống của bất kể CLB nào. Còn đâu đất diễn cho cầu thủ nội?

Ở châu Âu – Trung tâm văn hóa của bóng đá thế giới, số lượng nhân tài sẽ ngày một ít đi khi giới quần đùi đổ xô về Trung Quốc theo tiếng gọi đồng tiền. Tự khắc, chất lượng của các ĐTQG hàng đầu đi xuống. Cây cầu mang tên bóng đá sẽ đứt gãy từng mối hàn và đổ sập theo chuỗi phản ứng domino.

HLV Arsene Wenger trong bài phỏng vấn gần đây trên tạp chí Box-to-Box đã nhận định, cầu thủ thời nay nghĩ “quá ngắn”. Dù những người như Wenger chẳng thể cứu vãn tình thế thì một lúc nào đó, trong khoảng trời riêng của mình, từng người trong chúng ta nhìn lại bức tranh toàn cảnh bóng đá thế giới 2016 và bất chợt luận ra: Thời đại này, đầu tiên trong các cuộc nói chuyện về bóng đá là… tiền đâu?

Trò ma quỷ ở Trung Quốc

Có muôn vàn lý do giải thích cho quyết định đầu tư vào bóng đá của giới tỷ phú. Một trong số đó là hoạt động rửa tiền. Chuyện này đã và đang xảy ra tại Trung Quốc.

Tianjin Quanjian (thuộc tập đoàn dược phẩm Quanjian) đã bỏ gần 20 triệu euro cho hai cầu thủ có giá chuyển nhượng theo chỉ số niêm yết lần lượt ít hơn khoảng… 20 lần. Cụ thể, họ mua thủ môn Lu Zhang – 28 tuổi của LN FC, giá trị thực cỡ 100.000 euro – với phí 9,8 triệu euro. Đội còn tậu tiền vệ cánh Kesun – 26 tuổi của Jiangsu Suning, giá trị thực là 825.000 euro – với phí giao dịch 9,2 triệu euro.

Qua tìm hiểu, ban đầu tập đoàn Quanjian muốn mua lại Tianjin Teda – CLB mạnh ở giải VĐQG. Nhưng vụ thâu tóm bất thành do hai bên không thống nhất điều khoản thành lập công ty cổ phần nên Quanjian chuyển hướng sang đội bóng cùng thành phố.

Tức là ở đây, bóng đá không chỉ là bóng đá đơn thuần. Nó đơn giản là công cụ điều khiển của những đoàn thể có mô thức kinh doanh lớn, cần nhiều chi nhánh con để minh bạch hóa nguồn tiền.

Những thống kê giật mình

Tại Trung Quốc, hiện có 5 cầu thủ sở hữu giá chuyển nhượng cao hơn 20 triệu euro là Oscar (60 triệu), Hulk (47 triệu), Teixeira (42,5 triệu), Martinez (37,5 triệu) và Ramires (23,8 triệu). Cộng dồn số tiền ấy, ta được 210,8 triệu euro – bằng đúng chi tiêu của Ligue 1 – giải VĐQG Pháp hè 2016.

Thu nhập hàng tuần của nhóm 5 sao số này, nếu tính cả Carlos Tevez – cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới sẽ xấp xỉ con số 4 triệu euro – bằng thu nhập một năm của ngôi sao hạng A như Bonucci (từ chối tăng lương và ở lại Juventus). Ở đây, người viết chưa liệt kê nhiều danh thủ khác như Lavezzi, Paulinho hay Gervinho.

Quỹ lương của toàn bộ giải VĐQG Trung Quốc hiện tại, theo ước lượng của thời báo Trung Hoa, khoảng 1,47 tỷ euro, chỉ chịu thua số tiền 20 CLB ở Premier League chi trả hàng năm.

Đơn Ca
.
.
.