Sức hút kim tiền của bóng đá Mỹ:

Thiên đường của mọi ngôi sao

Thứ Ba, 21/07/2015, 14:00
Hè năm nay đang chứng kiến một cuộc đổ bộ ào ạt của các ngôi sao vào đất Mỹ. Nền bóng đá Mỹ có thể nói tiếp tục đặt một dấu ấn ghê gớm khi mang về Andrea Pirlo, Steven Gerrard, Frank Lampard. Mặc dù họ chỉ là những siêu sao đã qua thời đỉnh cao, nhưng sự tụ họp của họ ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ đã tạo ra cơn sốt khủng khiếp. Vậy lí do nào khiến bóng đá Mỹ có sức hút đến vậy?

1.Bóng đá Mỹ được coi là nền bóng đá trẻ nhất trong số các nền bóng đá được coi là hùng mạnh. Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS: Major League Soccer) chỉ ra đời cuối năm 1993 (tháng 12). Như vậy cho đến nay, họ mới có hơn 20 năm "làm" bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ biến nơi đây thành mảnh đất màu mỡ, một thiên đường của những ngôi sao.

Bất chấp họ chưa thể mua được những siêu cầu thủ đương thời dạng như Schweinsteiger, Messi, Suarez hay Neymar… nhưng đây vẫn được coi là điểm đến đầu tiên được lựa chọn cho những ai đã đi qua thời đỉnh cao. Ở đây có sự chuyên nghiệp, có môi trường sống hoàn hảo, có chế độ ưu đãi đặc biệt, có mức lương, thu nhập cực cao và có cả sự hâm mộ cuồng nhiệt, thậm chí còn hơn cả khi họ đá ở châu Âu.

Gerrard trong màu áo LA Galaxy.

Các chuyên gia bóng đá châu Âu, trong đó có huyền thoại Thiery Henry đã từng phát biểu rằng: "May mắn cho châu Âu là Mỹ không thuộc UEFA. Vì thế, họ không có quyền dự Champions League, và không đạt được danh tiếng, địa vị của những CLB lớn ở châu Âu. Đó là lí do tại sao MLS không mua được những cầu thủ trẻ tài năng trên khắp thế giới. Nếu một ngày nào đó, Mỹ là thành viên của UEFA, chắc chắn các CLB Mỹ sẽ là đối trọng cực lớn của châu Âu".

Hơn ai hết, Henry là người hiểu rất rõ bóng đá Mỹ khi đã có 4 năm liền chơi bóng ở MLS trong màu áo New York Red Bull. Đó cũng là nguyên nhân có thể nói là duy nhất khiến MLS vẫn chỉ là giải bóng đá đứng trong top 10 giải đấu hay nhất thế giới mà chưa thể đạt đến top 5.

Ở châu Âu và đặc biệt là tại Anh, các ông chủ tỷ phú người Mỹ nhiều nhan nhản. Ở Mỹ, các CLB bóng đá cũng không thiếu. Và nếu như các CLB Mỹ có đủ điều kiện, môi trường phát triển như ở Anh, Tây Ban Nha, Đức, chắc chắn còn nhiều tỷ phú Mỹ nữa sẽ không ngại đổ tiền đầu tư. Và khi ấy, điều gì sẽ xảy ra? Sẽ có nhiều người cho rằng, bóng đá ở Mỹ không phải là môn thể thao được yêu thích nhất. Nó chỉ là 1 trong 4 môn chơi được coi là "Vua" cùng bóng bầu dục, bóng chày và bóng rổ. Nhưng trong gần chục năm qua, bóng đá đã vượt qua tất cả.

World Cup 2010 đặt cột mốc lịch sử khi số người xem trực tiếp giải này cao hơn giải VĐ thế giới môn football của người Mỹ (bóng bầu dục). World Cup 2014 vừa qua, Mỹ đưa bóng đá lên tầm cao mới khi trở thành sự kiện số 1 tại đây trong mùa hè, thu hút số lượng CĐV không kém gì Brazil, thậm chí hình ảnh Tổng thống Obama xem trực tiếp trận Đức-Mỹ khi đang họp được coi là hình ảnh khẳng định quyền lực và sự lên ngôi của bóng đá ở đây.

Khi đã có môi trường phát triển, kinh tế là một yếu tố quan trọng để thu hút ngôi sao. Các SVĐ ở Mỹ cực hiện đại, có sức chứa trung bình 70.000 người, có sân trên 100.000 chỗ, và hầu như các trận đều kín khán đài. Khi ấy, vấn đề tiền trở thành "không vấn đề". Cùng sự đầu tư của các tập đoàn lớn, mỗi cầu thủ có "số má" tới đây đều như những ông hoàng thực sự. Và câu chuyện về David Beckham chính là sự mở đầu cho trào lưu "khai thác" hào quang ở Mỹ.

2.Khi quyết định tới LA Galaxy, Beckham cũng xuất hiện với tư cách của một cầu thủ kiêm cái máy in tiền đầy hấp dẫn. Và nước Mỹ đã biến Beckham trở thành một nhân vật khác. Beckham là thần tượng và là người làm thay đổi cả xã hội nước Mỹ xa hoa. Ở đâu Becks xuất hiện là ở đó có sự điên cuồng, với sức nóng mãnh liệt, giống như những chương trình biểu diễn của Michael Jackson.

Pirlo và Lampard ra mắt CLB mới New York City.

Hoàn toàn dễ hiểu bởi chỉ riêng việc LA Galaxy mang Becks đến Mỹ cũng đã khiến họ kiếm được gần 200 triệu USD. Dù sau đó các phương tiện thông tin có cải chính con số đó và đổ lỗi cho những chiêu PR cho sự kiện này, nhưng thực tế thì con số mà LA Galaxy bỏ ra cũng chẳng ít. Một bản hợp đồng 5 năm trị giá 32,5 triệu USD, mức lương 6,5 triệu USD/năm, cộng thêm thưởng và các khoản phát sinh khác, cả thảy LA Galaxy đã mất khoảng 100 triệu euro cho hình ảnh của Beckham. Đó chỉ là những khoản nhìn thấy trên giấy tờ.

Thực tế, báo chí Anh khi đó còn khẳng định, để có Beckham, LA Galaxy mất 20 triệu USD cho riêng tiền môi giới, 35 triệu USD tiền hợp đồng, 10 triệu euro tiền lương (chưa tính thưởng). Tổng cộng con số lên tới khoảng 150 triệu USD. Nhưng bù lại, cũng như Real Madrid, LA Galaxy thu bộn tiền từ Beckham. Thậm chí, ở mảnh đất dễ kiếm tiền như Mỹ, LA Galaxy còn kiếm nhiều hơn cả Real khai thác Becks.

Ngày Becks đặt chân đến Mỹ, 12/7/2007, sân bay quốc tế Los Angeles quá tải người đến đón Becks cùng những tay săn ảnh, nhà báo, các cổ động viên. Hôm đó có 47 kênh truyền hình, 120 hãng thông tấn, 362 máy camera, cùng hơn 300.000 CĐV đã săn đón. Ngày hôm sau, Victoria Beckham xuất hiện trong một chương trình giải trí (The tonight show) cùng ngôi sao truyền hình Jay Leno để nói chuyện về hành trình đến Mỹ cùng chiếc áo số 23 của Becks.

Chỉ một câu nói, Becks đã trở thành hình ảnh được chờ đón hơn cả Tổng thống: "Tôi đến đây không phải với tư cách một ngôi sao. Tôi đến đây là một phần của đội bóng, để chiến đấu, để hy vọng chiến thắng một điều gì đó. Hãy nhớ rằng, tôi đến đây để tạo ra sự khác biệt. Và tôi đến đây để chơi bóng…". Cách ứng xử của Becks kiểu như vậy khiến người Mỹ ngất ngây và điên cuồng. Giới trẻ Mỹ coi Becks là thần tượng, là vị Thánh điển trai và… sợ vợ. 

Những mặt hàng liên quan đến hình ảnh Becks bán chạy như tôm tươi. Và dù phải vay mượn mãi mới đủ tiền chi trả cho ông hoàng Becks, nhưng LA Galaxy vẫn thu về bộn tiền sau thương vụ này. Thậm chí họ đã tuyên bố rằng, chỉ sau 1 năm, ngân sách của CLB sẽ tăng lên gấp nhiều lần chứ đừng nói là trả hết nợ. CLB Mỹ có lý do để tin vào phép màu đó bởi chỉ trong 4 năm ở Madrid, Becks đã mang về cho Real khoản tiền lên đến 600 triệu euro (khoảng 628 triệu USD) cơ mà! Và thực tế, LA Galaxy đã lời to với Becks khi những kỷ lục kinh tế liên tục bị phá vỡ:

Hơn thế nữa, chủ sở hữu của LA Galaxy là tập đoàn AEG (Anschutz Entertainment Group) cũng phát triển kinh doanh một cách chóng mặt khi vươn sang khắp thị trường châu Á với những hợp đồng xây sân vận động béo bở ở Trung Quốc, tham gia tổ chức sự kiện âm nhạc của Michael Jackson… Thậm chí, Becks còn có chân trong Hội đồng quản trị của tập đoàn Galaxy Media và tham gia Ủy ban Vận động đăng cai World Cup 2020 của Mỹ.

Sự thành công của AEG trở thành bước nhảy vọt thần kỳ trong thời điểm kinh tế Mỹ suy thoái. Càng ngoạn mục hơn khi mà thời điểm đó, đúng vào lúc mà ngân hàng số 1 thế giới đóng tại New York, Lehman Brothers, phải tuyên bố phá sản sau một thời gian dài hấp hối, dù đã có hàng loạt hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Sự thần kỳ đó được Giám đốc điều hành AEG, ông Tim Leiweke thừa nhận: "Đột nhiên chúng tôi thành công ty sở hữu đội bóng có David Beckham. Và thế giới của chúng tôi thay đổi. Thay đổi đến mức chính chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi".

Xuất hiện trên mọi tờ báo lớn ở Mỹ, tham gia các chương trình truyền hình cùng cô vợ nổi tiếng Victoria, không chỉ Becks mà cả gia đình Becks nổi tiếng và kiếm tiền nhiều gấp 10 lần Tổng thống Mỹ. Một sự kiện gây chấn động nước Mỹ là vào năm 2008, tập đoàn CAA (Creative Artists Agency) khánh thành trung tâm mới trị giá 400 triệu USD đã mời Becks tham dự với tư cách khách mời. Toàn bộ nhân viên công ty xếp hàng dài gần 200 mét đứng vỗ tay đón mừng chàng trai nổi tiếng.

David Villa chào đón Pirlo đến CLB New York City.

Hay việc công ty chủ quản đã lấy hình ảnh Becks để tổ chức trận giao hữu với Chelsea tại Mỹ, thu hút những nhân vật nổi tiếng đến chứng kiến như Thống đốc Arnold Schwarzenegger, Tom Cruise, Katie Holmes, Eva Longoria, Mary-Kate Olsen… Kể cả trận đấu đó, Becks chỉ đá dự bị vì chấn thương, nhưng truyền hình bỏ mặc Ballack, Drogba, Terry, Lampard… để quay cảnh Becks ngồi không bên ngoài sân. Có Becks, số khán giả xem truyền hình ở Mỹ tăng 22%. Họ không chỉ xem Becks đá bóng mà còn xem Becks… sống thế nào.

3.Với cuộc sống như thế, sự chào đón và hâm mộ như thế, thật khó có thể cưỡng lại sức hút ở Mỹ. Đó là lí do tại sao những ngôi sao lớn lần lượt tìm đến MLS như một sự lựa chọn khôn ngoan cho "mẻ đánh bắt" cuối cùng của sự nghiệp. Pirlo, huyền thoại sống của bóng đá Italia đến CLB New York City tạo nên cơn sốt khi anh sẽ cùng thi đấu với các đồng đội lừng lẫy như Frank Lampard (cựu huyền thoại của Chelsea, Man City), hay David Villa, ngôi sao một thời của Barca. Còn ở LA Galaxy, biểu tượng của Liverpool và bóng đá Anh, Steven Gerrard sẽ sát cánh cùng Robbie Keane (tượng đài của bóng đá Ireland, ngôi sao ở giải Ngoại hạng Anh), nối tiếp con đường chinh phạt của Beckham ngày xưa.

Và có một điều chắc chắn, dù sự nghiệp của họ đến đây có lẽ cũng sẽ kết thúc, nhưng "mẻ lưới" này mới thực sự đáng kể. Giải MLS không thể khắc nghiệt như Premier League. Họ sẽ chơi bóng mà không có áp lực, nhưng mức lương và cuộc sống của những ngôi sao này sẽ trở thành thiên đường.

Họ kiếm được bao nhiêu tiền ở Mỹ?

Ở Mỹ, Beckham không chỉ đá bóng mà còn làm kinh tế. Năm 2007, chính Becks đã được trả 13,7 triệu USD để phát triển thương hiệu nước hoa mang tên David Beckham Instinct. Hay như một chuyện khác, chẳng dính líu đến tiền là việc Becks đến Afghanistan tháng 5/2010 với mục đích thúc đẩy tinh thần của quân đội Anh trong cuộc chiến với quân nổi dậy Taliban. Sự có mặt của Becks cùng Ngoại trưởng Anh William Hague, Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox được coi là sự bắt đầu cho cuộc tấn công Taliban tại sân bay kandahar năm đó. Rõ ràng ảnh hưởng của Becks không chỉ đến từ cô vợ mà từ chính sự hấp dẫn của mình và tầm ảnh hưởng quá lớn trên mọi phương diện.

Khi đến Mỹ, mức lương của những Pirlo, Gerrard hay Lampard không được tiết lộ, nhưng báo chí dự đoán sẽ vào khoảng từ 150.000 đến 250.000 USD/tuần, cao ngang với mức họ nhận ở Premier League. Tập đoàn thống kê tài chính Deloitte còn đưa ra con số rằng, có thể mỗi năm ở Mỹ họ sẽ thu nhập khoảng 10 đến 15 triệu USD. Đó là chưa kể thu nhập từ quảng cáo hình ảnh, phát triển thương hiệu. Đây quả là con số đáng mơ ước đối với mội cầu thủ đã qua thời đỉnh cao.

Lê Giang
.
.
.