Premier League mùa giải mới Pep Guardiola:

Thiên tài ít ỏi hay kẻ tiểu nhân khôn lỏi

Thứ Sáu, 11/08/2017, 15:29
Cuối tuần này, Premier League sẽ khởi tranh. Và trong mùa giải định đoạt danh tiếng của mình ở nước Anh, Pep Guardiola buộc phải chứng minh mình không phải kẻ ăn hôi vĩ đại. Câu hỏi Guardiola có thực sự tài năng không vẫn làm đau đầu giới mộ điệu? Nhưng một điều không thể phủ nhận, chiến lược gia đến từ Catalan cực kỳ khôn khéo, từ phòng họp báo cho tới phòng thay đồ.



Từ cách ứng xử với cầu thủ cho tới việc đối phó với giới chủ. Trong từng câu nói của Guardiola luôn ẩn hiện sự tinh tế, thâm sâu và có tính toán vô cùng kỹ càng.

Trùng hợp hay không thì trong lịch sử Man City vẫn có những tấm gương phản chiếu tính cách của Guardiola. Đầu tiên, hãy kể tới người tiền nhiệm của Pep, Manuel Pellegrini. Một con nghiện chiến thuật thực sự, người có thể thổi vào đầu học trò sự tự tin hoang dại, đến mức nhiều lần giành các chiến thắng hủy diệt 6-0 nhưng cũng không ít lần để... thua 0-3.

Nhưng phần lớn sự chỉ trích nhắm vào Pellegrini không liên quan tới chuyên môn. Người ta nói Pellegrini thiếu sự giao tiếp, thiếu mối liên hệ với đám đông CĐV. Phong cách lầm lỳ của Pellegrini làm gợi nhớ lại hình ảnh của Mel Machin vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Pep sẽ có nhiều việc phải làm trong mùa giải thứ hai ở Premier League.

Hồi đó, Machin xuất sắc dẫn dắt dàn cầu thủ trẻ của City thăng hạng lên chơi ở giải đấu cao nhất nước Anh. Không những thế, họ còn tàn sát kẻ thù không đội trời chung là Manchester United tới 5-1.

Xin nhắc lại, là 5-1. Khuôn mặt cương nghị của Machin nhắm thẳng đối thủ, không chút sợ hãi. Nhưng sự thẳng thắn quá mức lại làm hại chính ông. Vài tháng sau chiến thắng kinh điển trước United, Machin bị sa thải. Chủ tịch khi đó của City, Peter Swales nói gỏn gọn: “Ông ta thiếu sự giao tiếp với CĐV nhà”. Một trong những lý do châm biếm nhất lịch sử bóng đá Anh.

Trước Machin còn có Tony Book – hậu vệ phải huyền thoại và cũng là đội trưởng của City trong giai đoạn thăng hoa 1967-1970, khi mà đội bóng giành mọi danh hiệu quốc nội đồng thời vô địch European Cup Winners' Cup. Sau khi treo giày, Book trở thành HLV của đội.

Miêu tả về Book, cánh phóng viên dùng từ “nhút nhát”. Nhưng chính người đàn ông kiệm lời này giúp City vô địch League Cup năm 1976, đồng thời cán đích chỉ sau Liverpool trong mùa giải sau đó. Tuy nhiên, như một bóng ma, Chủ tịch Swales xuất hiện và đùng đùng ký vào quyết định thanh lý. Book ra đi để làm bước đệm cho nhân vật chính của câu chuyện: Malcolm Allison – người có rất nhiều điểm tương đồng với Guardiola.

Tương lai của Pep có thể được định đoạt ngay sau khi mùa bóng này khép lại.

Đầu tiên, là sự cầu kỳ về hình thức. Allison thích cầm cả chai champagne, hút xì gà Havana và luôn đội một chiếc mũ kiểu cách. Tiếp đó và cũng là nổi bật nhất, ông sở hữu những cách nghĩ khác người.

Trợ lý thân cận nhất của Allison, Joe Merce cực kỳ ít nói. Bộ đôi tưởng chừng như băng và lửa này lại phối hợp ăn ý đến kỳ lạ. Các bánh răng cứ thế ăn khít vào nhau và tạo ra động lực mạnh mẽ giúp City tiến băng băng lên phía trước.

Giống Guardiola, Allison mê muội chiến thuật. Ông từng cố gắng xây dựng lối chơi của City dựa trên đội tuyển Hungary huyền thoại những năm 1950 để đả kích sự nghèo nàn và rập khuôn của bóng đá trong nước. Ngoài ra, Allison ủng hộ việc thuê giáo viên... dạy nhảy về để tăng cường khả năng cân bằng của các cầu thủ.

Đồng thời áp dụng chế độ ăn kiêng để kiểm soát cân nặng. Những ý tưởng này vượt tầm thời đại tới 30 năm. Khi đó, người ta nói Allison bị điên khi toàn làm những thứ vô nghĩa chẳng liên quan gì tới bóng đá. Nhưng Allison quá cao ngạo để quan tâm tới mấy chuyện đó.

Ông thích thách thức kẻ thù. Đã rất nhiều lần người ta thấy Allison đợi cho tới khi những khán đài Old Trafford chật cứng người rồi mới bước ra. Đi ngang qua Stretford End sừng sững, Allison thản nhiên giơ những ngón tay lên, một cách ám chỉ về tỷ số giữa 2 đội. Đương nhiên, đám đông phía trước nổi cơn lôi đình, còn Allison lấy đó làm động lực trước khi bước vào trận đấu.

Guardiola có chút kiêu ngạo kiểu đó, đặc biệt trong việc không muốn kiềm chế những chiến thuật của mình. Với danh tiếng của mình, phong cách của Guardiola có khuynh hướng đánh dấu ông như một người tiên phong, thay vì là phần tiếp theo của một ai đó.

Những ví dụ rất dễ dàng được kể ra. Không ai gọi là Guardiola là người thừa kế của Frank Rijkaard tại Barca. Bởi lẽ dù cùng triết lý tiki-taka, cách vận hành của Barca dưới thời Guardiola không quá phụ thuộc vào một ngôi sao nào kiểu như Ronaldinho thời gian trước.

Câu chuyện tương tự ở Bayern, nơi Guardiola đến khi các fan vẫn còn đang sống trong lâng lâng hạnh phúc từ dư vị cú ăn 3 của Jupp Heynckes. Sẽ là sự tranh cãi không hồi kết cho lý do vì sao Bayern không thể vô địch Champions League cả 3 năm cầm quyền của Guardiola dù liên tục vào tới bán kết. Nhưng một điều có thể khẳng định, dấu ấn Heynckes bị thanh tẩy sạch sẽ, thay vào đó là những tiếc nuối từ các phép tính dang dở của Guardiola.

Và rồi Guardiola đến Man City và vừa trải qua một mùa giải bão táp. Đương nhiên, gần như ngay lập tức, ông đập bỏ tàn dư của chế độ cũ và cố gắng lan truyền tư tưởng của mình ra toàn Etihad. Có nhiều thành tựu nhưng cũng thu về không ít thất bại. Các phép thử của Guardiola vẫn chưa cho ra nghiệm chính xác và các antifan thì lấy đó làm vui mừng vì cuối cùng cũng chứng kiến được mùa giải trắng tay đầu tiên của ông thầy người Tây Ban Nha.

Dẫu vậy, vẫn với phong thái điềm tĩnh, Guardiola hoạt động rất nhiều trong cái đầu trọc của mình thay vì thốt ra bằng lời. Nhưng tương tự Allison, mỗi khi Guardiola nói ra, đó phải là sự khác biệt.

Man City đặt mục tiêu cao tại nhiều mặt trận.

Cùng là một người ít nói nhưng chưa thấy thành viên BLĐ Man City nào chê Guardiola thiếu giao tiếp hay kém gắn kết với người hâm mộ. Giới thượng tầng và các CĐV có niềm tin tuyệt đối vào vị thuyền trưởng của mình, không hẳn vì danh tiếng mà là bởi những gì ông đã nói và làm trong hơn 1 năm qua.

Danh sách dài những HLV kiệm lời mà thành công tại Man City có lẽ sẽ phải điền tên Guardiola vào một ngày không xa. Nhưng cho tới lúc đó, hãy cứ coi Guardiola là một kẻ tiểu nhân khôn lỏi, một tên ăn hôi vĩ đại của thế kỷ.

Sống dưới các lằn ranh như vậy, Guardiola mới có đủ sức ép để triết ra thứ tư duy tinh túy nhất của mình. Biến Leo Messi thành số 9 ảo, kéo Philipp Lahm lên làm tiền vệ trung tâm đều là những quyết định để đời của Pep. Trút bầu tâm sự trên mặt báo, quát nạt học trò trên sân tập? Không, Guardiola chọn cách lặng yên trong phòng làm việc rồi tự cho mình quyền xáo trộn mọi thứ cho tới khi tìm được trật tự mới thích hợp nhất.

Mọi thứ diễn ra trong im lặng đáng sợ, đến mức cảm giác như Guardiola là kẻ lãnh cảm với mọi thứ xung quanh. Nhưng đừng để những cái nhìn của Machin, sự nhút nhát của Book hay suy nghĩ phá cách của Allison làm bạn đánh giá thấp hậu bối của các huyền thoại này.

Pep Guardiola nguy hiểm hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Các bài học trong quá khứ đều đã có, mùa giải mới chuẩn bị khởi tranh và đừng mong Guardiola sẽ ngồi yên chịu thất bại trong 1 năm nữa. Hãy luôn cẩn thận sự im lặng của người thông minh!

Những trường phái khác biệt

Tại Man City những năm qua, trên băng ghế huấn luyện dường như tồn tại 2 phong cách khác biệt. Đầu tiên là sự gào thét, những lời chỉ đạo tuôn ra như muốn ăn tươi nuốt sống học trò của Stuart Pearce (2005-2007) và Roberto Mancini (2009-13).

Người đầu tiên nổi tiếng cục tính, còn người thứ hai thì dù vẻ ngoài có đạo mạo hơn vẫn không thể che lấp cả một ngọn núi lửa bên trong. Quá nhiều lần người ta thấy Mancini ăn thua đủ với trọng tài rồi HLV đối phương trên đường pitse. Phong cách đó có mang đến thành công? Hãy hỏi Mario Balotelli và Sergio Aguero để biết thêm chi tiết.

Còn phong cách thứ hai là sự im lặng. Tiêu biểu cho trào lưu này là người đàn ông đến từ băng giá Thụy Điển, Sven Goran Eriksson. Chỉ 1 mùa (2007-2008) làm việc tại Man City chẳng mang lại lợi lộc gì cho Eriksson ngoài việc kéo dài thêm thời gian sống tại Anh sau 6 năm dẫn dắt Tam sư.

Eriksson là HLV bên ngoài Vương quốc Anh đầu tiên dẫn dắt Man City nhưng danh tiếng đó chẳng làm sủi tăm hơn gì trong ngày đôi bên “thống nhất thanh lý hợp đồng”. Nó cũng yên tĩnh và chán ngắt đúng như tính cách của Eriksson.

Ngay sau khi Eriksson rời đi, Etihad không cải thiện nhiều về mặt âm thanh khi người nắm quyền phòng thay đồ là Mark Hughes. Cựu tiền đạo trứ danh của Manchester United và Barca được khẳng định là sự lựa chọn số 1 của chủ tịch khi đó, Thaksin Shinawatra.

Ít nói khi làm cầu thủ đã đành, ngay đến lúc phải bắt tay vào việc chỉ đạo người khác, ông thầy người Xứ Wales cũng chẳng nói nhiều hơn là bao. Và phong thái lầm lỳ này nhanh chóng bị Sheikh Mansour liệt vào danh sách đen. Hughes ra đi nhanh chóng chỉ sau 1 năm nắm quyền và nhường lại ghế cho Mancini. Phần còn lại thì đã là lịch sử.

Đơn Ca
.
.
.