Festival Mỹ thuật trẻ 2017: Thiếu những tác phẩm đột phá

Thứ Bảy, 25/11/2017, 18:53
Nhận định chung của giới chuyên môn là Festival Mỹ thuật trẻ 2017, thiếu những cá tính sáng tạo mang tính đột phá, tạo nên gương mặt đại diện của mỹ thuật đương đại. Festival cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mỹ thuật đương đại Việt Nam khi những người trẻ đang loay hoay tìm đường. Và liệu Festival có đủ sức hấp dẫn để quy tụ những tài năng.


Festival Mỹ thuật trẻ 2017 đã phản ánh trung thực đời sống mỹ thuật của các tác giả trẻ đương đại Việt Nam hiện nay, các tác phẩm trong Festival cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trước các vấn đề của cuộc sống và trong quá trình hình thành tác phẩm, những biến chuyển của đời sống xã hội đương đại cũng được gửi gắm vào tác phẩm, qua đó đưa đến công chúng yêu nghệ thuật cái nhìn rõ nét hơn về nghệ thuật đương đại.

Tôi nhớ, trong cuốn sách Tầng Ba của họa sĩ Trần Đại Thắng có nói về một thế hệ Tầng Ba, thế hệ của những họa sĩ trẻ sẽ làm nên diện mạo của đời sống mỹ thuật đương đại. Một thế hệ Tầng Ba đầy sức sống trước sự hội nhập và phát triển của toàn cầu. 

Ở Festival Mỹ thuật trẻ 2017, với sự tham gia đông đảo của hơn 300 tác phẩm, cho thấy một lực lượng trẻ đông đảo đã và đang dấn thân cho nghệ thuật. Nhưng liệu số lượng tác phẩm có song hành cùng chất lượng mới là điều đáng bàn. Và Festival có đủ sức hấp dẫn để quy tụ những người trẻ tài năng tham gia.

Các tác phẩm đang trưng bày tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCI.

Họa sỹ Đinh Ý Nhi, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật cho rằng: “Năm nay, chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Thành công của một triển lãm hay một festival phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng từng tác phẩm của các nghệ sĩ. Vậy nên, nếu các bạn quan tâm, hãy tham gia vào các lần festival tới. Đó cũng là để cho Hội đồng nghệ thuật có thêm nhiều cơ hội được thể hiện trình độ chuyên môn, quan điểm nghệ thuật và tính công bằng".

Năm nay, Festival nhận được 379 tác phẩm của 185 tác giả ở 63 tỉnh, thành phố gửi đến tham dự. Hội đồng nghệ thuật của Festival đã tuyển chọn 95 tác phẩm của 80 tác giả để trưng bày, trong đó 18 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng gồm: 4 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích. Không có giải nhất, thiếu vắng những đỉnh cao, đó cũng là vấn đề của mỗi kỳ festival. 

Họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, biết đâu tài năng hé lộ ở hơn 200 tác phẩm bị loại bởi anh không mấy tin tưởng nhìn vào danh sách Hội đồng nghệ thuật của festival kỳ này. Họa sĩ Đinh Ý Nhi thì cho rằng, Festival chưa thu hút được nhiều gương mặt trẻ nổi trội. 

Còn nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật khá bức xúc vì những khuất tất trong việc trao giải của liên hoan lần này. Anh nói: “Festival Mỹ thuật trẻ 2017, không phải Hội đồng Nghệ thuật không tìm được giải nhất. Hội đồng nghệ thuật tìm được giải nhất cho tác phẩm xứng đáng, nhưng ban tổ chức đã thay đổi, đó là điều kỳ lạ khi có tới 4 giải nhì, mà tôi là một trong những thành viên của Hội đồng nghệ thuật không hề được thông báo về sự thay đổi này”.

Trong cuộc họp báo trước thềm triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành cho hay, kết quả làm việc của Hội đồng Nghệ thuật chỉ mang “tính chất tư vấn". Vậy vấn đề ở đây là Hội đồng Nghệ thuật có vai trò như thế nào trong liên hoan. Những khuất tất, thiếu minh bạch cộng với tư duy “mậu dịch” cũ kỹ, đi theo lối mòn của Ban tổ chức đã khiến cho mỗi kỳ liên hoan, vốn đã mờ nhạt lại càng mất uy tín.

Nhà điêu khắc Thái Minh Nhật khẳng định: “Festival Mỹ thuật trẻ là sân chơi rất thú vị tạo cơ hội cho những người trẻ được xuất hiện, được thể hiện mình và thắp lên cho họ những hi vọng trong những hành trình đầu tiên trên con đường nghệ thuật. Cũng vì thế, tôi mong rằng ở những kỳ triển lãm sau, Ban tổ chức đừng để họ "Hy vọng rồi thất vọng" cũng đừng để họ quay lưng lại với những sân chơi họ từng rất mong chờ”.

Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang trông chờ vào những gương mặt trẻ. Nhưng nhìn vào một cuộc liên hoan quy mô như thế này, với những khuất tất và chất lượng của nó khiến chúng ta không tránh khỏi hoài nghi rằng, đến bao giờ, mỹ thuật đương đại Việt Nam mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong “ao làng” nhà mình.

Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên trao giải cho các tác giả.

Họa sỹ Vũ Bạch Liên, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật: Nghệ sĩ trẻ Việt Nam cần thể hiện các chất liệu mới

Khi xã hội phát triển, xu thế "toàn cầu hóa" làm giá trị tư tưởng của các nền văn hóa được giao thoa trở nên phong phú hơn. Nghệ sĩ hôm nay không những được học hỏi từ trường lớp mà còn có nhiều cơ hội tiếp cận thêm những khuynh hướng nghệ thuật và kỹ năng sáng tạo mới, được tự do chia sẻ bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình thông qua "thế giới số". 

Nhưng hình như qua các tác phẩm tham gia Festival lần này, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam lại đang thận trọng trong cách đặt vấn đề, ý đồ nghệ thuật và cách thức sáng tạo tác phẩm. Các tác phẩm hay độc đáo dường như vẫn còn ít và quá thiếu mảng tác phẩm video art, body art... 

Mong rằng, các nghệ sĩ ngoài học hỏi nhiều hơn thì cũng cần tìm tòi thể nghiệm nhiều hơn các chất liệu mới, tính cá nhân được đào sâu hơn nữa và tác phẩm có tính phản biện mạnh hơn trong các vấn đề xã hội... bởi không gì giàu có hơn là khi các bạn trẻ, ngoài tài năng thì còn nắm giữ trong tay thời gian, sức khỏe và nhiệt huyết sáng tạo.

Thạc sỹ, họa sỹ Vũ Đình Tuấn, Giảng viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Ủy viên: Chưa phản ánh đúng tinh thần sáng tạo

Festival Mỹ thuật trẻ 2017 đã chính thức chọn ra được những tác phẩm hay, có chất lượng chuyên môn tốt để giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó, chắc chắn chưa thực sự phản ánh được đúng với tinh thần sáng tạo trẻ. Người trẻ thường sở hữu cái “ngông thị giác”. 

Cái “ngông” dễ tạo ra đột phá trong ý tưởng và hành động. Đột phá vượt bậc thì tạo nên sự xuất sắc. Ấy thế mà, từ nhiều kì Festival đã qua, cho đến hôm nay, dường như yếu tố xuất sắc của thế hệ các tác giả trẻ vẫn là điều hiếm thấy. Cùng với đó, sự thiếu vắng các hình thức nghệ thuật installation, performance, body art, video art... một lần nữa khẳng định sự mất cân bằng đương đại, đặt ra những hoài nghi.

Không là sự thách thức. Đó là sự chờ đợi và hy vọng.

Chờ đợi để thấy hơn nữa sự xuất sắc trong những kì Festival lần sau. Lí do thật đơn giản: Tôi tin các bạn - những người trẻ!

Họa sĩ Đào Hải Phong: Các họa sĩ trẻ đang xa rời tinh thần truyền thống

Tôi đã xem tất cả những tác phẩm đang trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCI. Festival lần này có sự tiến bộ về hình thức trưng bày, nhưng tư duy vẫn mang tính “mậu dịch”, cũ kỹ, sáo mòn. Đó cũng là căn bệnh kinh niên của các hoạt động mang tính hội hè như thế này. Tôi đang ngờ rằng những tác phẩm hé lộ tài năng lại nằm trong số 200 tác phẩm bị loại kia.

Bởi Hội đồng Nghệ thuật phải là những người có thành tựu, họ có giá trị đã mới có thể công nhận những giá trị khác. Còn ở đây, Hội đồng chưa thuyết phục. Festival này không lộ diện những gương mặt triển vọng trở thành nổi trội, đó là vấn đề. Những người trẻ có trang bị một chút về nghề nghiệp, có phương tiện nhưng có nhiều người lúng túng, không biết dùng phương tiện đó để tìm con đường nghệ thuật của mình.

Thoạt nhìn các tác phẩm có tinh thần đương đại nhưng nếu ai hay dự những cuộc triển lãm ở nước ngoài hay những trại sáng tác trong khu vực đều nhận ra rằng, những người trẻ bị lặp lại những tác giả như Thái Lan, Myamar, Philippines... 

Có những cái tưởng mới ở ta nhưng thực ra là lặp lại trên con đường người khác thành công rồi. Những người trẻ khao khát để có một giá trị mới thì họ phải có con đường mới. Hơn nữa, các họa sĩ trẻ hôm nay  đang xa dần với tinh thần hội họa truyền thống, họ bị ảnh hưởng bởi công nghệ, chất liệu, bởi sự hối hả của cuộc sống.

Tất cả điều đó làm cho tinh thần hội họa truyền thống vắng bóng hẳn trong lứa tuổi 8x, 9x, họ bị thiên hướng đồ họa lấn át sang hội họa nhiều quá. Đó là một khiếm khuyết. Vì hội họa truyền thống chuyển tải những giá trị tâm hồn.

Lớp trẻ có quyền dùng nhiều kỹ thuật của chất liệu có sẵn nhưng nếu xa rời cái gốc truyền thống sẽ làm họ khô về tâm hồn. Hiệu quả thị giác của các tác phẩm cao nhưng không mang cho người ta cảm xúc. Những tác phẩm được giải bị nhòe mờ, thiếu cá tính. Hay bây giờ thông tin của  thế giới phẳng khiến họ gặp nhau ở quan điểm thẩm mỹ đó? Tôi đang hoài nghi điều đó, vì những người trẻ đang đánh mất cái lõi là nơi mình sinh ra.

Nếu bịt tên trên các tác phẩm, ta sẽ có cảm tưởng đó là tranh của một họa sĩ Indonesia hay Thái Lan... Đó là một câu hỏi của mỹ thuật Việt Nam trong tương lai? Tôi không phủ nhận sự lao động, say mê của những người trẻ nhưng họ đang thiếu vắng những tiếng nói cá nhân mạnh mẽ. 

Tôi theo dõi các festival nhiều năm qua, đôi khi những họa sĩ, tác phẩm được trao giải thường không phải là những gương mặt xuất sắc của nền  mỹ thuật trong tương lai. Nên chăng, chúng ta phải thay đổi cách thức làm và chấm giải, để khuyến khích hơn những người trẻ khi họ tham dự, nâng cao uy tín của các kỳ festival. 

V. Hà
.
.
.