Thiếu tác giả kịch bản, sân khấu đi về đâu?

Thứ Năm, 01/11/2018, 14:05
Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sân khấu èo uột, thưa vắng khán giả trong thập kỷ qua, là thiếu kịch bản hay. Nguyên nhân quan trọng của thiếu kịch bản hay là thiếu tác giả kịch bản, đặc biệt là tác giả trẻ.


Người tài đi vắng

Nhà phê bình sân khấu Cao Minh khẳng định: “Sân khấu hiện nay đang thiếu trầm trọng những người tài. Tôi nói điều này sẽ có nhiều người không đồng quan điểm, nhưng đã quá muộn khi chúng ta cứ tự ru ngủ bằng liều thuốc né tránh sự thật”. 

Một ví dụ mới nhất, Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2018 kết thúc hồi tháng 9 vừa qua được các chuyên gia sân khấu đánh giá là một kỳ liên hoan thiếu vắng vở mới. Phần lớn các đoàn vẫn mang đến những vở diễn kinh điển, đã cũ, đã quen thuộc với người xem. 

Có rất ít vở mới được dựng để người yêu cải lương có thể được thưởng thức những câu chuyện đời sống mà họ tò mò, chờ đợi. Một vài vở gọi là mới thì chỉ lấy tích xưa nói chuyện nay, khá an toàn. 

Mảng đề tài mang hơi thở đời sống hiện đại tuyệt nhiên không thấy hiển hiện trên sân khấu. Đây là một khoảng trống đáng lo ngại, bởi nghệ thuật muốn đến gần công chúng phải bắt đầu từ cuộc sống, nói câu chuyện của cuộc sống hiện tại, những điều đang diễn ra xung quanh ta mỗi ngày.

Cảnh trong vở “Bão của hoàng hôn” của tác giả trẻ Vũ Thu Phong được nhận giải B của Hội NSSK 2018.

Nhìn rộng ra, không chỉ cải lương, mà ở tất cả các kịch chủng khác như chèo, tuồng, kịch hát, kịch nói… đều tình trạng tương tự. Các đơn vị nghệ thuật muốn dựng một vở mới, lo nhất là khâu kịch bản. Tìm đỏ mắt không thấy kịch bản hay. 

Các nhà viết kịch lớn tuổi thì ít viết hơn, và khi viết thường hay bám vào các đề tài cũ, không cập nhật đời sống nên cũng khó ăn khách. Số lượng tác giả kịch bản trẻ thì có thể nói là đếm không đủ đầu ngón tay. Họ cũng viết thường xuyên, và kịch bản của họ bộc lộ nhiều điểm yếu, rất khó để đạo diễn lựa chọn dàn dựng. 

Cách phản ánh đời sống hiện đại trong kịch bản của các tác giả mới (và cả cũ) hiện nay phần lớn là sa vào vụn vặt, kể lể những những câu chuyện cá nhân éo le, ngang trái, tình tay ba tay tư mùi mẫn. 

Một môtip nhân vật nữa mà các tác giả hay đề cập hiện nay, là những con người ngu dốt nhưng háo danh, tìm cách chễm chệ ngồi ghế cao rồi phải trả giá, chịu nhân quả báo ứng, sám hối… 

Đành rằng đây là một trong những vấn đề thời sự của cuộc sống, nhưng phần lớn tác giả xây dựng nhân vật theo môtip này chỉ bằng cách minh họa, chứ không thực sự có vốn sống, vốn hiểu biết cũng như tầm văn hóa để nâng lên thành những triết lý sống khiến người xem phải rung động, say mê. Đây chính là một tổng kết đáng suy nghĩ trong một cuộc hội thảo về sân khấu gần đây. 

Tác giả Hùng Tấn nhận định, có những người viết kịch bản sân khấu hiện nay chỉ nằm nhà đọc báo, nghe đài, xem tivi để lấy thông tin viết kịch bản là chính. Họ không thâm nhập vào thực tế cuộc sống, không đi, không trải nghiệm. Cho nên kịch bản của họ rất đơn điệu, ấu trĩ trong cách đặt và cách giải quyết vấn đề. Một vài tác giả mới có vẻ “ăn khách” một chút thì lại vội vã  chạy theo đơn đặt hàng, lấy số lượng là chính nên không mấy quan trọng yếu tố nghệ thuật.

Một cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” của tác giả Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông.

Nhớ lại cách đây vài chục năm, khi sân khấu còn trong thời thời hoàng kim, xuất hiện nhiều vở diễn chấn động dư luận. Những Xuân Trình, Võ Khắc Nghiêm, Lưu Quang Vũ trở thành những cái tên được yêu mến, săn đón, được công chúng háo hức chờ đợi mỗi khi có vở diễn mới. Họ là lứa tác giả có tác động mạnh mẽ vào đời sống bằng những vở diễn mà càng năm tháng qua đi, người ta càng thấy giá trị. 

Mới đây, kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhiều vở diễn của tác giả tài hoa này đã được dựng lại. Khắp các nhà hát có dựng lại vở của Lưu Quang Vũ, vào các đêm diễn đều chật ních người xem. Đừng nói công chúng đến xem lại các vở diễn của Lưu Quang Vũ chỉ là để tưởng nhớ ông, mà họ thực sự muốn đắm chìm trong những cảm xúc tuyệt vời mà một thời họ đã từng xem, nghe trên sân khấu. 

30 năm qua đi, người viết kịch bản không còn nữa, nhưng những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn còn đủ sức lay động trái tim khán giả. 30 năm, quãng thời gian rất dài, nhưng dường như đời sống sân khấu chưa có một cái tên nào xứng đáng ngang tầm với Lưu Quang Vũ, chứ đừng nói vượt qua. 

Hàng trăm vở diễn mới đã ra mắt khán giả. Nhưng đốt đuốc vẫn không tìm ra tác phẩm đỉnh cao. Công chúng vẫn còn phải chờ đợi thêm nhiều thời gian nữa mới có được những tác giả để thương nhớ, để đắm say, như đã từng đắm say Lưu Quang Vũ, Xuân Trình….

Khai mạc trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội NSSK Việt Nam tổ chức.

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thiếu người tài trong lĩnh vực kịch bản sân khấu. Trước tiên là bởi sân khấu không còn giữ được vị trí của mình trong đời sống thưởng thức văn hóa của công chúng. Một số lĩnh vực khác như điện ảnh, truyền hình, âm nhạc đang lấn sân và ngày càng lấn lướt sân khấu. 

Trở nên lép vế hơn trong cuộc cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, sân khấu đang phải chấp nhận một thân phận bé nhỏ, có lúc bé nhỏ đến tội nghiệp. Nhiều đoàn kịch đang phải sống cầm chừng, một năm dựng vài ba vở gọi là. Các rạp hát không mấy khi đỏ đèn. Diễn viên phải chạy đôn đáo, đóng phim truyền hình, đóng tiểu phẩm, thậm chí buôn bán, kinh doanh đủ thứ để kiếm sống, nuôi nghề. 

Thu nhập từ kịch bản sân khấu so với kịch bản điện ảnh, ca nhạc kém hơn rất nhiều, chỉ một số nhà viết kịch lâu năm mới đủ kiên trì với nghề. Còn các tác giả trẻ có tài đều bị hút về các lĩnh vực hấp dẫn hơn. Do vậy, lâu nay các nhà hát thường phải “so bó đũa chọn cột cờ”, dựng vở của người già thì không mới, còn dựng của người trẻ lại chưa tới tầm.

Một vấn đề nữa là công tác đào tạo trong lĩnh vực sân khấu đang còn nhiều lỗ hổng, nhất là đào tạo người viết kịch bản. Việc phát hiện, bồi dưỡng người tài viết kịch bản sân khấu đang bỏ trống. Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng đã có những cố gắng, nhưng vì kinh phí hạn hẹp, người tâm huyết không có nhiều, nên kết quả không đáng là bao. Công việc này phải cần đến sự hỗ trợ của ngành văn hóa. 

Cần phải có một chính sách đặc biệt đối với những tác giả theo đuổi nghề viết kịch bản sân khấu. Khâu đào tạo trong các trường điện ảnh sân khấu cũng cần phải được khích lệ, như hỗ trợ học phí cho sinh viên. Việc mở các lớp đào tạo miễn phí, các trại sáng tác cũng cần thiết, nhưng cần thiết hơn là tạo điều kiện để đưa các tác giả sân khấu đi thực tế, thâm nhập cuộc sống nhiều hơn.

Một cảnh trong vở diễn thử nghiệm Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cuối cùng là khâu duyệt kịch bản. Phần lớn các đạo diễn và các tác giả kịch bản đều cho rằng, tư duy duyệt kịch bản của các nhà quản lý văn hóa cần phải cởi mở hơn, để tác giả kịch bản khi viết được thoải mái hơn, không bị bó hẹp trong cái vòng luẩn quẩn, sợ bị cắt cúp. Bởi một kịch bản sân khấu để trở thành vở diễn phải qua rất nhiều khâu, trong đó khâu quan trọng là duyệt kịch bản. 

Xã hội đã thay đổi quá nhiều, việc tiếp nhận thông tin của người dân đã khác, cần một tư duy duyệt kịch bản đa chiều hơn từ phía các nhà quản lý. Trên thực tế, đã có một vài tác giả trẻ rất sắc sảo, xông pha trong sáng tạo kịch bản. 

Nhưng kịch bản được “cắt gọt” ở khâu duyệt kịch bản đã trở nên đèm đẹp, nhẵn nhụi. Nếu không may, kịch bản đó gặp một đạo diễn “an toàn là trên hết” nữa, thì đạo diễn sẽ tiếp tục mài cho kịch bản nhẵn nhụi thêm nhiều phần. Cho đến khi gặp được công chúng, nó chỉ còn là một vở diễn nhạt nhẽo, đến cả tác giả kịch bản cũng không thể nhận ra đứa con của mình nữa. 

Thực tế hiện nay có một nghịch lý, trong kiểm duyệt, nếu bên âm nhạc và phim truyền hình là khá dễ dàng và lỏng lẻo, đến mức nhiều hạt sạn to đùng vẫn bỏ sót, gây phản cảm, thì sân khấu lại đang chịu một sự kiểm duyệt chặt chẽ đến mức không cần thiết. 

Nếu không có sự thay đổi, tình trạng kịch bản sân khấu nhạt, thiếu muối, an toàn vẫn còn tiếp diễn. Lĩnh vực nghệ thuật nào cũng vậy thôi, chỉ có một sự trọng thị, cởi mở mới hút được người tài năng. 

Lệ Chiến
.
.
.