Thời của web Drama

Chủ Nhật, 15/03/2020, 16:35
Tình trạng rạp chiếu vắng khán giả lại là điều kiện thuận lợi cho các web drama (phim chiếu mạng) cạnh tranh, tung ra những phim mới nhằm thu hút khán giả, những người trong thời điểm hiện tại chủ yếu lựa chọn ở nhà và giải trí qua các nền tảng số là chính.


Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho ngành công nghiệp chiếu phim rơi vào cảnh vắng lặng. Theo thống kê, tại nhiều cụm rạp trên khắp cả nước, lượng khán giả tới rạp thưởng thức phim đã giảm sút thê thảm. Nhiều suất chiếu tại các cụm rạp CGV thậm chí chỉ có một vài khán giả mua vé. 

Tình trạng rạp chiếu vắng khán giả lại là điều kiện thuận lợi cho các web drama (phim chiếu mạng) cạnh tranh, tung ra những phim mới nhằm thu hút khán giả, những người trong thời điểm hiện tại chủ yếu lựa chọn ở nhà và giải trí qua các nền tảng số là chính.

Cạnh tranh cả về số lượng và chất lượng

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, khi dịch Corona bùng phát, số lượng người truy cập các nền tảng video online, phim chiếu mạng tăng đột biến. Thời điểm đầu năm 2020 có khoảng 15 phim chiếu mạng ngắn tập lẫn dài tập được công chiếu trên các nền tảng công nghệ online. 

Tiêu biểu có thể kể đến các phim như “Bố già” của Trấn Thành, “Nhà trọ có quá trời phòng” của Nam Thư, “Hiếu bến tàu” của Hồ Quang Hiếu, “Về quê ăn Tết” của Việt Hương, “Thầy giáo Nam” của Lâm Chấn Khang, “Chuyến xe trốn Tết” của La La School, “Người đàn ông” của Phạm Trưởng….

Đầu tiên không thể kể đến web drama “Bố già” của nghệ sĩ Trấn Thành. “Bố già” lập kỷ lục về lượt xem ngay trong những ngày đầu vừa phát hành, nhanh chóng có mặt trong top các kênh Youtube có lượt người xem khủng, trong đó có tập phim thu hút tới 32 triệu lượt xem. 

Phim “Bố già” có sự góp mặt của rất nhiều ngôi sao nổi tiếng của showbiz như NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Lê Quốc Nam, Anh Đức, Lâm Vỹ Dạ, Hari Won, Trúc Nhân, Trấn Thành, Lê Giang, Tuấn Trần, Uyển Ân… và thậm chí có cả bà Tân Vlog nổi tiếng nữa... Phim gồm 5 tập với thời lượng 50 phút/tập, thu hút lượng khán giả xem kỷ lục. Được biết Trấn Thành đã bỏ ra 4 tỷ đồng để đầu tư cho bộ phim chiếu mạng ăn khách này.

Cảnh trong phim “Hiếu bến tàu” khai thác đề tài giang hồ khá quen thuộc với khán giả xem phim chiếu mạng.

Lâm Chấn Khang- web Drama từng có sản phẩm lọt top 10 video nổi bật thế giới năm 2018 cũng có phim chiếu mạng lọt top video thịnh hành trên Youtube những ngày đầu năm vừa qua. Đó là phim “Thầy giáo Nam” dài 6 tập, lấy cảm hứng về đề tài học đường. 

Với nội dung hài hước, dễ hiểu, bộ phim nhắm mục tiêu vào đối tượng khán giả bình dân. Mỗi tập phim thu hút hơn 3 triệu lượt xem, mặc dù về nghệ thuật chưa được đánh giá cao nhưng do phát hành đúng thời điểm khán giả Việt đang “khát” phim để giải trí trong tình hình dịch bệnh do virus Corona bùng phát. 

Một phim khác là “Hiếu bến tàu” trên kênh của ca sĩ Hồ Quang Hiếu cũng được nhắc đến nhiều vì lượng người truy cập lớn. Mỗi tập phim thu hút từ 3 đến 6 triệu lượt xem trong những tuần đầu phát hành.

Web Drama Quách Ngọc Tuyên từng nổi tiếng với phim “Vi Cá tiền truyện” tiếp tục gây bất ngờ với phim “Cái tết của thằng Khờ” phần 2, sau khi đã “bội thu” ở phần 1 (đạt tới hơn 10 triệu lượt xem chỉ sau 2 tuần và là phim Tết được xem nhiều nhất trên Youtube mùa Tết 2019). 

Ở phần 2, “Cái Tết của thằng khờ” quy tụ những gương mặt quen thuộc và tiềm năng như: Hoàng Sơn, Phi Phụng, Hứa Minh Đạt, Quách Ngọc Tuyên, Huỳnh Phương, Minh Dự, Tăng Huỳnh Như, Bảo Kun, Nguyên Đạt... và cũng lọt vào top những phim mạng thịnh hành đầu năm 2020.

Nữ nghệ sĩ hài Việt Hương dịp đầu xuân năm mới cũng nhanh nhẹn tung series phim hài “Về quê ăn tết” trên kênh của mình. Phim có sự góp mặt của cặp đôi Việt Hương - Hoài Tâm cùng dàn diễn viên trẻ: Lợi Trần, Tuấn Kiệt, Hữu Tín, Thùy Linh... 

Bối cảnh phim xoay quanh câu chuyện một Việt kiều từ Mỹ trở về quê hương để ăn tết với gia đình sau bao năm xa xứ. Phim được đánh giá dễ xem, hấp dẫn. Ngoài ra một kênh của nữ chủ nhân nữa là diễn viên hài Nam Thư cũng rất được khán giả yêu thích với series phim “Nhà trọ có quá trời phòng”. 

Phim nói về cuộc sống giàu tình người nơi xóm trọ, một phim được nhận định là giàu tính nhân văn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Duy Khánh, Huỳnh Lập, Võ Đăng Khoa, Jun Phạm, Quang Trung, Cris Phan...

Nữ nghệ sĩ Việt Hương trong phim “Về quê ăn tết”.

Xu hướng tất yếu

Lượng khán giả phim chiếu mạng tăng đáng kể trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành cho thấy đang có một sự lấn lướt của loại hình này so với phim chiếu rạp. Theo đánh giá của các chuyên gia điện ảnh, web Drama sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trong thời gian tới, không chỉ bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, mà đây còn là xu hướng tất yếu của điện ảnh trong thời đại công nghệ. 

Với ưu điểm vượt trội mà các nền tảng công nghệ số mang tới, khi truy cập vào các web Drama, khán giả có thể xem phim bất cứ lúc nào, không phải trả phí, cũng không cần mất công đến rạp, chỉ cần một thiết bị điện tử có nối internet là khán giả có thể chủ động chọn lựa thời gian cũng như nội dung phim phù hợp nhu cầu, sở thích của mình.

Về phía các nhà sản xuất, làm phim chiếu mạng nghĩa là họ sẽ được toàn quyền chủ động phát hành phim, không phải phụ thuộc vào lịch chiếu của các rạp, nhờ đó giúp kéo dài "tuổi thọ" và cơ hội khai thác lợi nhuận từ các bộ phim. 

Sân chơi này được xem là đặc biệt phù hợp và hấp dẫn với những nghệ sĩ trẻ, hay những nghệ sĩ đã tạo được các kênh Youtube cá nhân nổi tiếng trên mạng. Thực tế đang có nhiều diễn viên mong muốn thử sức làm phim riêng, nhưng nếu đầu tư làm điện ảnh thì kinh phí không cho phép, còn nếu làm truyền hình lại không có kênh phát sóng, cho nên lựa chọn làm phim chiếu mạng là lựa chọn khôn ngoan.

Một cảnh trong phim “Bố già” của Trấn Thành.

Trong vài năm trở lại đây, số lượng phim chiếu mạng đã không ngừng tăng theo cấp số nhân, cùng với đó đội ngũ nghệ sĩ tham gia vào công việc này cũng lên tới hàng ngàn. Phim chiếu mạng thực sự đang làm thay đổi diện mạo đời sống điện ảnh trong nước. 

Phần lớn các phim chiếu mạng vẫn đang nằm ở ngưỡng đơn giản về nội dung, chi phí đầu tư thấp, mang tính thử nghiệm của nghệ sĩ là chính. Tuy nhiên trong số “thượng vàng hạ cám” đó cũng đã xuất hiện không ít phim được đầu tư công phu, bài bản từ khâu kịch bản đến diễn viên, tài chính, tạo ra sức hút mạnh mẽ với khán giả, có thể cạnh tranh ngang ngửa với các phim truyền hình, thậm chí là cả phim chiếu rạp.

Nếu nhìn vào con số người xem phim chiếu mạng tăng đột biến thời gian qua nhiều người nghĩ rằng đây là con số chỉ mang tính thời điểm, chủ yếu vì dịch bệnh người dân lựa chọn giải trí tại nhà, ít đến những nơi tập trung đông người. 

Nhưng thực tế xu hướng xem phim trên nền tảng số đang dần trở thành một xu hướng của tương lai. Báo cáo của Công ty Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu) cho biết, hiện có tới 92% số người dùng internet Việt Nam có thói quen xem video trực tuyến hằng tuần, đạt tỷ lệ cao nhất ở khu vực Ðông  Nam Á. 

Cùng với đó, mạng xã hội chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất chương trình giải trí. Số liệu thống kê của Social Blade (website chuyên xếp hạng các trang mạng xã hội) cũng cho thấy: Việt Nam hiện có 71 kênh Youtube sở hữu nút play Vàng (là sự công nhận của Youtube dành cho các kênh có hơn một triệu khán giả đăng ký theo dõi trên Youtube). Ðứng đầu bảng là FAPTV, với tổng cộng 3,3 tỷ view cho các sản phẩm web drama. 

Trong cuộc đua này, một số đơn vị truyền thông uy tín cũng sớm nhanh nhạy vào cuộc, tiêu biểu là Ðài Truyền hình Việt Nam. Cụ thể như trên kênh VTV giải trí, thường xuyên sản xuất các web drama ngoại truyện phát triển từ những phim truyền hình "ăn khách" như “Người phán xử”, “Quỳnh Búp bê”, “Về nhà đi con”... thu hút  nhiều khán giả.

Phim “Thầy giáo Nam” của Lâm Chấn Khang thu hút nhiều khán giả tuổi teen.

Cơ hội rất nhiều, nhưng để làm phim chiếu mạng thành công là chuyện không hề dễ. Các nhà làm phim chiếu mạng bấy lâu nay vẫn mang tâm lý thử nghiệm, làm xổi là chính chứ chưa có nhiều người thực sự quan niệm sáng tạo tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đề tài các phim chiếu mạng vẫn quanh quẩn chuyện giang hồ thảo khấu hay hài bình dân câu khách.

Muốn có một chỗ đứng lâu dài trong khán giả, giới làm phim chiếu mạng cần phải nâng mình lên cao hơn một bước, đầu tư bài bản kỹ lưỡng mọi khâu để một bộ phim làm ra mang giá trị nghệ thuật thực sự. Bởi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường điện ảnh hôm nay, dù là phim chiếu rạp hay phim chiếu mạng, yếu tố chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Bảo Bình
.
.
.