Thú chơi âm thanh Hi-end

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:42
Thú chơi thiết bị âm thanh ở Việt Nam có từ rất lâu. Thời Pháp thuộc, các nhà tư sản, những người giàu có phải sắm trong nhà một cái máy quay đĩa, như là một biểu hiện của sự sang trọng và quý phái. Ngay cả thời bao cấp, khi một chiếc đài cassette có giá trị bằng cả mảnh đất, người ta cũng phải sắm cho bằng được. Không hẳn chỉ vì muốn chứng tỏ mình, mà còn vì người Việt rất mê âm nhạc.


Cho đến khi đất nước đổi mới, cuộc sống khấm khá dần lên, phong trào ''chơi âm thanh'' lại trỗi dậy, không ào ạt bởi người ta còn nhiều thú vui khác, nhưng cũng đủ để tạo thành một thú chơi. Đây cũng là thời điểm mà thuật ngữ âm thanh hi-end được du nhập vào, và dần dà trở thành chuẩn mực của thú chơi. Có nhiều cách hiểu về hi-end, đại để như hi-end là âm thanh đỉnh cao, hi-end là những thiết bị đắt tiền có khi lên đến hàng chục tỷ vv…

Nhưng có một định nghĩa về hi-end mà giới chơi âm thanh thích nhất, hi-end là thiết bị khiến cho chỉ còn âm nhạc ở lại, còn thiết bị thì biến mất. Có nghĩa là hi-end đem đến cho người chơi cảm xúc thăng hoa với âm nhạc chỉ đơn giản vậy thôi.

Người chơi âm thanh trong một cuộc triển lãm âm thanh.

Người chơi âm thanh hi-end luôn cầu kỳ đến mức cực đoan. Không như những người chơi âm thanh phổ thông là chỉ mua một bộ dàn đủ nghe mọi loại nhạc, đáp ứng nhu cầu chung của đại gia đình, người chơi hi-end luôn xác định trước rằng, mỗi loại thiết bị âm thanh đỉnh cao chỉ tối ưu nhất với một dòng nhạc. Cho nên khi sắm thiết bị, người chơi hi-end phải tính toán thật kỹ.

Chẳng hạn, nếu thích nghe nhạc giao hưởng thì người chơi tìm loa sao cho có dải tần thật rộng, độ động phải rất tốt, nếu không khi dàn nhạc chơi ở mức âm thanh nhỏ thì không thể nghe được như trên sân khấu, hoặc không thể hiện được những nốt cao của cây vĩ cầm vốn là nữ hoàng của các nhạc cụ. Ấy là còn chưa kể đến những yếu tố khác như phải tái hiện được vị trí của các bộ như bộ hơi bộ đồng bộ gõ, hay vị trí của ca sỹ.

Một bộ dàn êm ái mà khi nghe lại có cảm giác như ca sỹ đứng thụt lùi so với ban nhạc, ấy lại là hỏng rồi. Hoặc có những người chơi chỉ thích dòng nhạc hoà tấu nhẹ nhàng nhưng phải rất ngọt ngào êm tai, vậy thì một bộ âm thanh chơi giao hưởng hay chưa chắc đã đáp ứng được, lại phải tìm đến ampli đèn phối ghép cùng loa toàn dải hay đồng trục.

Bật ampli đèn lên, chờ chừng chục phút cho bóng đèn nóng lên, trong lúc đó đi pha một ấm trà hoặc hãm một chầu café, rồi thư thái nghe nhạc. Lúc đó, với người chơi hi-end, không chỉ là nghe nhạc nữa mà là thưởng thức âm nhạc thì đúng hơn. Cái cảm giác được thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa khiến người chơi không thể cầm lòng được, đôi khi chỉ nghe được một tiếng cymbale như rớt xuống nền nhà mà cũng sởn hết cả da gà.

Cân chỉnh dàn âm thanh.

Không chỉ chú ý đến những thiết bị chính của bộ dàn như loa, ampli hay thiết bị phát như đầu CD, đầu đọc đĩa than, băng cối, người chơi hi-end còn chú trọng đến những phụ kiện như dây dẫn, lọc điện. Một bộ dàn nhiều tiền mà lại kết nối bằng dây hàng chợ, là điều không thể chấp nhận được. Trên các diễn đàn âm thanh, người ta cũng tổng kết một quy tắc tạm chấp nhận cho dàn âm thanh, chẳng hạn nếu tổng bộ dàn là 10 thì trong đó dây dẫn phải từ 1,5 đến 2 là tối thiểu.

Xung quanh dây dẫn như dây loa và dây tín hiệu cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười của dân chơi hi-end. Có một lần, một người chơi hi-end rủ bạn bè trong giới đến nhà thưởng thức âm nhạc rồi đánh giá thiết bị. Anh cắm một sợi dây được đánh giá là rất tốt ở dải trầm lên, mọi người nghe rồi gật gù đúng rồi trầm tốt thật.

Anh thay một sợi dây khác được đánh giá là ngọt ngào và không gian mở rộng, mọi người cũng đồng ý. Lát sau, anh mới bảo là nãy giờ vẫn để nguyên chứ không hề thay đổi dây dẫn. Câu chuyện vui này chứng tỏ được sự ngộ nhận về âm thanh của những người chơi, nhưng cũng nói lên một điều, rằng sự quán tưởng của thú chơi này đã lên đến đỉnh. Không chỉ thiết bị, mà phòng ốc cũng hết sức quan trọng với người chơi hi-end.

Một căn phòng đẹp đã đành, lại còn phải đáp ứng được về âm thanh, không bị vang như phòng kính, không bị dội nền, lại không làm ồn đến hàng xóm nếu ở chung cư. Bởi chơi hi-end người ta mua những đôi loa chịu được công suất rất lớn chỉ để nghe ở mức âm thanh vừa đủ, thậm chí nhỏ mà thật tinh tế.

Khi internet được phổ cập rộng rãi, các diễn đàn chơi âm thanh ra đời, và một trong số đó là diễn đàn VNAV quy tụ hàng vạn người chơi âm thanh khắp mọi miền. Phong trào lúc đó, vào khoảng năm 2005, phát triển rộng rãi. Người chơi tìm vào đó để đọc những thông tin về các hãng âm thanh, những bài đánh giá về các thiết bị âm thanh. Và nhất là phong trào D.I.Y (chơi đồ tự chế).

Đã có một số hãng âm thanh Việt Nam ra đời xuất phát từ những cuộc chơi như thế, tuy chưa phát triển mạnh do thiếu vốn cũng như thiếu chiến lược kinh doanh, nhưng bước đầu họ cũng ra được với thế giới và được thừa nhận bởi những diễn đàn uy tín toàn cầu.

Con đường chơi hi-end của người chơi Việt, thường là bắt đầu từ đồ âm thanh bãi hay còn gọi là second-hand mà đa phần là hàng Nhật Bản. Những thiết bị này vốn đình đám ở thời điểm chúng ra đời, nhưng sau hàng chục năm đã không còn giữ được chất lượng âm thanh như cũ, loa thì màng lão hoá, phân tần hoạt động không còn đúng trị số, ampli thì các tụ điện cũng như con trở cũng đã cũ và hoạt động sai, ấy là chưa kể đến nhiều yếu tố khác.

Tuy nhiên, lúc đó, với người chơi thế là quý lắm rồi, bởi nhiều khi, họ chơi còn dựa vào yếu tố quá khứ. Có những người mua một bộ dàn chỉ vì ngày trước cha anh đã từng dùng và khen nức nở. Sau nhiều lần đổi chác các bù, tai khôn dần lên, dần dà người chơi chuyển sang đồ Mỹ và châu Âu. Lúc này, họ mới chợt nhận ra rằng, ngoài một vài sản phẩm đỉnh cao, thì trong lĩnh vực âm thanh, Nhật Bản chỉ là nơi gia công cho châu Âu và Mỹ.

Các thiết bị âm thanh tham chiếu.

Lúc này, người chơi bắt đầu thấu hiểu, rằng thiết bị âm thanh không chỉ là kỹ thuật, mà nó thể hiện cả nền văn hoá cũng như tập tính của nơi sản xuất. Theo anh Vũ Đức Công, một chuyên gia âm thanh hi-end, có thể hiểu nôm na thế này. Người Anh họ bảo thủ và công nghiệp, nên các thiết bị của họ không thay đổi mẫu mã theo thời gian, và lấy ca sỹ làm trung tâm, phục vụ ca sỹ tốt nhất.

Các thiết bị của Đức thì lại chính xác đến mức cao nhất về kỹ thuật và khác biệt với phần còn lại của thế giới. Các thiết bị của các nước Bắc Âu thì đẹp đến mê hồn với bàn tay của những người thợ thủ công. Còn các thiết bị của Pháp hay Ý thì như thường lệ, luôn bóng bẩy và hào nhoáng như kinh đô ánh sáng Paris hay Thủ đô thời trang Milano.

Khi chơi âm thanh hi-end đến một độ nào đó, người chơi lại không quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm, mà họ để cho đôi tai quyết định. Vì đôi khi, một sản phẩm đỉnh cao của một hãng ít tên tuổi ở một quốc gia không có truyền thống sản xuất thiết bị này lại hơn một sản phẩm cùng phân khúc của một hãng nổi tiếng khác.

Nhưng để có được đôi tai ấy, người chơi phải trải qua nhiều sản phẩm, cũng như phải đi nghe nhạc sống rất nhiều. Anh Nguyễn Sỹ Chí, môt chuyên gia âm thanh và là thành viên sáng lập diễn đàn VNAV kể, để có được đôi tai như ngày nay bởi anh còn thường xuyên phải làm giám khảo các cuộc thi thiết bị âm thanh tự chế, gần như tháng nào, anh và các bạn chơi cũng phải đi nghe giao hưởng, đến mức từ một người không biết nhiều mà đến giờ anh đã thuộc gần như các bản giao hưởng phổ biến, đánh giá được cái hay, cái khác biệt trong trình tấu của từng nhạc công, và điều đó khiến anh lấy làm thú vị.

Có đi nghe nhiều, mới biết dàn máy của mình đang thiếu hụt điểm gì và cũng để hiểu rằng, không phải tự nhiên mà có những thiết bị hi-end có giá trên trời như ta thường nghĩ, mà rõ ràng đó là cái giá xứng đáng. Trong các triển lãm thiết bị hi-end, khi nghe đến bộ dàn tham chiếu, đa phần người chơi đều chỉ chê ở một điểm là nho còn xanh lắm, một khẩu ngữ chứng tỏ rằng thiết bị đó là hoàn hảo.

Tất nhiên, trong các cuộc triển lãm đó, không thiếu các thiết bị tiền tỷ được người chơi mua về ngay lập tức khi bị chất lượng âm thanh của nó chinh phục. Đã có những nhãn loa chỉ có 100 đôi trên toàn thế giới nhưng đã có 3 đôi ở lại Việt Nam, đủ để thấy rằng sức chơi của người Việt không hề thua kém. Sức chơi ở đây không nói đến tài chính, mà là khả năng cảm thụ âm thanh. Bởi với những thiết bị đỉnh cao, thấy hay thì hầu hết ai cũng thấy kể cả người không chơi âm thanh, nhưng để cảm nhận được sự hay thì lại là chuyện khác.

Không ồn ào như các cuộc chơi khác, người chơi hi-end thường trầm tính, ôn hoà, thậm chí không muốn nhận thiết bị của mình là hi-end, bởi nhiều khi với họ, hi-end là một cái gì đó mà họ mãi phải kiếm tìm. Như một người chơi luôn giấu tên và gần như chơi khép kín nói, chơi hi-end là chơi nghệ thuật và chơi cho mình chứ không cho ai cả. Bởi thiết bị hi-end đâu giống như bộ quần áo hay xe hơi mà có thể mang đi lúc nào cũng được.

Chơi hi-end lại là chơi chứ không phải trưng bày cho đẹp phòng khách, giống như một số nhà giàu mới nổi mua một chiếc đàn piano rất đắt tiền vì đó là dấu hiệu của sự sang trọng, quý phái dù cả nhà chẳng ai biết chơi. Cũng vì thế mà cuộc chơi hi-end, tuy âm thầm nhưng vẫn ngày càng phát triển, bởi khi con người ta đã không còn lo đến những nhu cầu thiết yếu, thì thú chơi lại được ưu tiên, nhất là một thú chơi lành mạnh như thế.

Phi Vân
.
.
.