Thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh: Phận cầu thủ lắm long đong

Thứ Tư, 30/10/2019, 19:10
Khi trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Sanna Khánh Hòa kết thúc với tỷ số 4-1 nghiêng về phía đội chủ nhà, thủ thành Tuấn Mạnh lặng lẽ ngồi khóc ngay trên sân.

Sanna Khánh Hòa đã chính thức phải chia tay V.League với vị trí "đội sổ" trên bảng xếp hạng, còn "người gác đền" của họ lại đứng trước một bước ngoặt mới trong sự nghiệp vốn không suôn sẻ của mình.

Hành trình khẳng định tên tuổi

Thật trớ trêu khi trận đấu có lẽ là cuối cùng của Nguyễn Tuấn Mạnh với Sanna Khánh Hòa lại là cuộc đối đầu với Hoàng Anh Gia Lai trên sân Pleiku, nơi anh có những bài học đầu tiên về bóng đá. Tuấn Mạnh gia nhập lò đào tạo trẻ của đội bóng phố núi năm 15 tuổi, lần lượt trải qua các lứa U rồi có suất trong đội hình chính khi mới 19 tuổi.

Cũng chỉ mất thêm 2 năm để Tuấn Mạnh khẳng định vị trí chính thức trong khung gỗ của Hoàng Anh Gia Lai. Phong độ xuất sắc của thủ môn trẻ tuổi lọt vào mắt xanh của HLV trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam lúc đó - ông Falko Goetz. Chàng trai gốc Thanh Hóa được coi là thủ môn số 1 của U23 dự SEA Games 2011, đồng thời góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia dự vòng loại World Cup 2014. 

Tương lai rộng mở trước mặt Tuấn Mạnh, dự báo về một thủ môn sẽ thống trị khung thành của đội tuyển Việt Nam trong nhiều năm được nhiều người đưa ra. Họ thấy ở thủ thành sinh năm 1990 những tố chất để trở thành một ngôi sao, đó là sự tự tin, dũng cảm cùng phản xạ nhanh nhạy và khả năng chỉ huy hàng phòng ngự.

Tuấn Mạnh khóc khi Sanna Khánh Hòa xuống hạng.

Nhưng đỉnh cao thường nằm ngay cạnh vực sâu. Thành công tới tấp đến làm Tuấn Mạnh mất tập trung vào sự nghiệp chính. Cuộc sống của một tuyển thủ quốc gia có tên tuổi rất khác với những gì cậu thanh niên mới qua tuổi 20 từng trải qua trước đó. Tiền bạc, danh tiếng và nhiều cám dỗ đến với Tuấn Mạnh. Tiếc thay, đó lại là thời điểm mà thủ thành này chưa có được bản lĩnh đủ lớn.

Hậu quả lập tức đến, tại SEA Games 2011, Tuấn Mạnh được bắt chính trong trận đấu đầu tiên với Philippines. Dù U23 Việt Nam thắng 3-1 nhưng màn trình diễn kém cỏi của Tuấn Mạnh khiến anh mất vị trí vào tay Bửu Ngọc. Anh chỉ được vào sân một lần nữa ở trận tranh Huy chương Đồng với Myanmar và đó lại là một thất bại thảm hại tới 1- 4 của U23 Việt Nam.

Đó cũng là bước ngoặt đầu tiên dẫn dến những sa sút không phanh của Tuấn Mạnh. Trở về Hoàng Anh Gia Lai, anh không còn có được vị trí số 1 trong khung gỗ. Đội bóng của bầu Đức ký hợp đồng với thủ môn ngoại Bassey Akpan và trong suốt 3 mùa giải từ 2012-2014, Tuấn Mạnh chịu cảnh "đánh bóng ghế dự bị". Đầu 2015, anh bị Hoàng Anh Gia Lai thanh lý hợp đồng.

Những tháng ngày sau đó thực sự khó khăn với Tuấn Mạnh, anh đánh tiếng xin việc ở nhiều nơi nhưng không có cánh cửa nào mở ra với thủ môn này. Đường cùng, thủ môn từng là tuyển thủ quốc gia đã tính đến nước giải nghệ để về mở quán cơm với vợ.

May sao số phận lại chưa "tuyệt đường" với thủ thành sinh năm 1990. Đang trong lúc bế tắc, Tuấn Mạnh được HLV Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa gọi đến thử việc cùng lời hứa "nếu ổn sẽ được ký hợp đồng". Không khác gì một kẻ chết đuối vớ được cọc, Tuấn Mạnh quyết tâm làm lại mọi thứ từ con số 0.

Gia đình là nền tảng

Gia đình Tuấn Mạnh có "nòi" thể thao. Bố mẹ thủ thành này đều là những vận động viên bóng chuyền có tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Bố Mạnh là cây chuyền hai nổi tiếng của đội Đường sắt Việt Nam và Nhà máy bia Thanh Hoa, mẹ anh thi đấu cho đội bóng Bộ Tư lệnh Công binh. Nhà có hai con trai, ban đầu Tuấn Mạnh cũng được phụ huynh hướng theo con đường trở thành vận động viên bóng chuyền. Anh trai của Mạnh, Trọng Hùng, lại theo bóng đá.

Năm 1997, ông Chữ - bố Mạnh chuyển công tác vào Gia Lai và sau đó được nhận vào biên chế Công ty điện lực. Nhà Tuấn Mạnh ở đối diện Trường Văn hóa nghệ thuật Gia Lai, địa thế đẹp nên gia đình mở thêm hàng cơm và bán café, nhờ thế kinh tế cũng khấm khá hơn.

Nhưng đúng lúc mọi chuyện tưởng ổn thỏa thì ông Chữ phát hiện mình bị thoái hóa cột sống và không thể tiếp tục leo trụ điện, kinh tế bắt đầu gặp khó khăn. Ông Chữ quyết định gọi Trọng Hùng về dù khi đó anh trai Tuấn Mạnh đã được triệu tập vào đội U15 Việt Nam để "học lấy một nghề gì đó ổn định". Khi anh trai bỏ cuộc, cơ hội theo đuổi môn thể thao yêu thích mở ra với chàng thủ môn sinh năm 1990.

Nói qua một chút về gia cảnh để hiểu vì sao Tuấn Mạnh lại có cú trượt dài khi anh bắt đầu nổi tiếng. Hợp đồng đầu tiên của Mạnh với Hoàng Anh Gia Lai có thời hạn 2 năm cùng chi phí lót tay 500 triệu/mùa. 

Đùng một cái, chàng trai chưa hiểu sự đời có luôn 1 tỷ đồng trong tay cùng mức lương 25 triệu đồng/tháng. Tuấn Mạnh bỏ 600 triệu ra mua đất, số tiền còn lại mua ôtô và không để tích lũy một đồng nào. Có thời điểm, thủ môn gốc Thanh Hóa tiêu đến vài triệu một đêm vì những thú vui xã hội.

Thói quen tiêu xài đó đã khiến Tuấn Mạnh thực sự khó khăn khi bị Hoàng Anh Gia Lai thanh lý hợp đồng. Hoàn toàn trắng tay, khi đến thử việc tại Đồng Nai, anh thậm chí phải vay nóng 10 triệu chỉ để mua găng tay, giày mới, trang trải cuộc sống.

Thủ môn sinh năm 1990 sẽ ở lại V.League trong màu áo đội bóng mới.

Trong hoàn cảnh đó, việc được HLV Võ Đình Tân gọi về Sanna Khánh Hòa là một điều gì đó giống như phép màu với Tuấn Mạnh. Cho đến lúc này, Mạnh vẫn chưa hiểu vì sao dù mất mấy mùa giải ngồi dự bị mà thầy Tân vẫn yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng ký hợp đồng với mức lót tay 200 triệu/mùa cùng mức lương 20 triệu/tháng chỉ sau một thời gian thử việc rất ngắn.

Với Tuấn Mạnh, Sanna Khánh Hòa không chỉ là một đội bóng mà anh đầu quân, đó còn là nơi của cái tình, cái nghĩa. Vợ anh cũng được tạo điều kiện công ăn việc làm ở Nha Trang. Lấy lại phong độ trong màu áo đội bóng phố biển, Tuấn Mạnh nhận được nhiều lời đề nghị hấp dẫn hơn. 

Đội bóng quê hương FLC Thanh Hóa không ít lần đánh tiếng muốn đưa thủ thành này về với đãi ngộ rất cao, nhưng Tuấn Mạnh vẫn không rời Sanna Khánh Hòa, nơi đã cứu vớt anh khỏi những ngày tăm tối nhất của cuộc đời.

Ở tuổi xấp xỉ 30, Tuấn Mạnh đã có sự trải đời của một người đàn ông bản lĩnh. Bây giờ dù có thu nhập tốt, anh giữ thói quen không bao giờ tiêu quá 200.000 đồng/ngày. Tuấn Mạnh của ngày hôm nay là một thủ môn đang ở độ chín cả trong sự nghiệp và cuộc sống.

Nhưng cái ngày mà anh không mong muốn nhất vẫn đến. Lời chia tay với Sanna Khánh Hòa có lẽ là lời nói khó khăn nhất trong cuộc đời Tuấn Mạnh. Cứ nhìn anh khóc nức nở sau khi đội bóng phải xuống hạng là biết. Cuộc đời là thế, không phải mình cứ muốn điều gì thì được điều đó. 

Tuấn Mạnh buộc phải tìm một bến đỗ mới tại V.League, nơi phù hợp với đẳng cấp của anh hơn giải hạng Nhất. Tồn tại ở V.League cũng là cách duy nhất để Tuấn Mạnh trả một món nợ lớn nữa: món nợ với đội tuyển quốc gia.

Tuấn Mạnh đến Đà Nẵng

Điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của thủ môn sinh năm 1990 nhiều khả năng sẽ là SHB Đà Nẵng. Đội bóng sông Hàn sẵn sàng chi ra khoản lót tay 1,2 tỷ/mùa và mức lương 35 triệu đồng/tháng cho Tuấn Mạnh. SHB Đà Nẵng đang cần chiêu mộ một thủ môn để thay thế cho Lê Văn Hưng rời CLB và Tuấn Mạnh là cái tên có đầy đủ phẩm chất chuyên môn để được lựa chọn. Tuấn Mạnh sẽ cạnh tranh vị trí với thủ môn chính Nguyễn Thanh Bình, người ra sân 20 trận cho SHB Đà Nẵng trong mùa giải vừa rồi.

SHB Đà Nẵng đang có những hoạt động mạnh trên thị trường chuyển nhượng sau mùa 2019 thi đấu không như mong đợi, chỉ xếp thứ 10 chung cuộc trên bảng xếp hạng. Trước Tuấn Mạnh, đội bóng sông Hàn được cho là đã ký hợp đồng với 2 trụ cột của Sông Lam Nghệ An là Trần Đình Hoàng và Võ Ngọc Toàn. Đây là hai cầu thủ chất lượng của đội chủ sân Vinh và có mức lót tay không dưới 1 tỷ/mùa.

Người kéo Tuấn Mạnh về với Đà Nẵng là HLV Nguyễn Quốc Tuấn, từng dẫn dắt đội trẻ của Hoàng Anh Gia Lai và hiện đang là Giám đốc Đào tạo trẻ của câu lạc bộ. Dù phải rời Hoàng Anh Gia Lai một cách đau đớn nhưng Tuấn Mạnh vẫn còn rất nhiều tình cảm với đội bóng phố núi. Trong một bài phỏng vấn, anh chia sẻ: "Ban đầu, Mạnh giận Hoành Anh Gai Lai. Nhưng nghĩ lại, Mạnh thấy mình nợ Hoàng Anh Gia Lai, nợ bầu Đức một lời xin lỗi".

Từ Hoàng Anh Gia Lai đến Sanna Khánh Hòa là một cuộc tái sinh thần kỳ với Tuấn Mạnh. Hy vọng rằng ở đội bóng mới, anh sẽ tiếp tục thi đấu xuất sắc để có chỗ đứng trong đội tuyển Việt Nam và khẳng định bản thân để trả lại món nợ năm 2011.

Đơn Ca
.
.
.