Thủ môn của Đội tuyển Anh: Thương hiệu bị đánh cắp

Thứ Sáu, 14/10/2016, 14:46
Joe Hart đã chơi với một phong độ xuất thần trong trận đấu với Slovenia, cứu cho ĐT Anh một trận thua bằng màn trình diễn ở đẳng cấp của một thủ thành hàng đầu thế giới.


Nghịch lý nằm ở chỗ, thủ môn số 1 của “Tam sư” lại không thể tồn tại được ở Premier League mà phải phiêu dạt đến Italia để chơi cho đội bóng tầm trung Torino. Kể từ khi David Seaman từ giã ĐT, thương hiệu của những “người gác đền” Anh quốc đã bị xuống giá nghiêm trọng.

Lịch sử hào hùng

Thủ thành huyền thoại Peter Shilton, người đang nắm giữ kỷ lục khoác áo ĐT Anh, viết trong cuốn tự truyện của mình: “Nếu như người Italia nổi tiếng với những chiếc xe, người Thụy Sỹ nổi tiếng vì đồng hồ, thì bóng đá Anh nổi tiếng vì đã sản sinh ra những thủ môn xuất sắc nhất!”.

Ông không hề nói quá, bởi người Anh thực sự đã trải qua những giai đoạn thừa mứa “người gác đền” xuất chúng đến mức các HLV phải rất đau đầu mới chọn được người bắt chính cho ĐTQG.

Joe Hart chơi xuất sắc trong màu áo ĐTQG nhưng lại không có chỗ đứng tại quê hương.

Người đầu tiên cần phải nhắc đến trong số những thủ thành lừng danh của bóng đá Anh đương nhiên là Gordon Banks. Ông bắt chính cho “Tam sư” tại World Cup 1966, giải đấu lớn đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm ĐT Anh đăng quang. Gordon Banks có mọi tố chất của một thủ môn hàng đầu: bình tĩnh, tự tin, nhanh nhẹn và chỉ huy hàng thủ rất tốt.

Mặc dù là nhà vô địch World Cup cũng như có một sự nghiệp đỉnh cao kéo dài 14 năm tại Leicester và Stoke, hình ảnh đáng nhớ nhất về Gordon Banks lại là tình huống cản phá phi thường của ông sau cú đánh đầu của Pele tại World Cup 1970.

Cú bay người đấm bóng vọt xà ngang của thủ thành sinh năm 1937 đi vào mọi cuốn sách giáo khoa về bóng đá và được bình chọn là pha cứu thua của thế kỷ.

Một tai nạn giao thông vào năm 1972 khiến Gordon Banks bị tổn thương mắt và buộc ông phải từ giã bóng đá đỉnh cao. Nhưng khoảng trống của Banks nhanh chóng được lấp đầy khi thập niên 1970-1980 là thời kỳ nở rộ của những thủ thành người Anh xuất sắc.

Peter Shilton, Ray Clemence, Joe Corrigan và Phil Parkes đều là những “người gác đền” xuất chúng. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể trở thành thủ môn chính thức của mọi ĐTQG.

Nổi lên trong số này là Peter Shilton và Ray Clemence. Họ cân tài cân sức đến mức HLV ĐT Anh khi đó là Ron Greenwood phải sử dụng hình thức xoay vòng để công bằng.

Cuộc chiến trong khung thành chỉ ngã ngũ vào năm 1975, khi “Tam sư” không thể vượt qua vòng loại EURO 1976 với Ray Clemence bắt chính 8/9 trận vòng loại. Peter Shilton chính thức vượt lên đối thủ và thiết lập kỷ nguyên của riêng mình.

Giống như tiền bối Gordon Banks, Peter Shilton cũng là một người sinh ra để bắt gôn. Ông có phản xạ cực tốt, bình tĩnh trước mọi sức ép và đặc biệt xuất sắc ở khả năng tổ chức phòng ngự.

ĐT Anh mất cúp vì thủ môn

Tại World Cup 1970, có hai sự kiện nổi bật của ĐT Anh đều liên quan đến Gordon Banks. Thứ nhất là tình huống cản phá xuất sắc của thủ thành này sau cú dứt điểm của Pele. Thứ hai là việc ông bất ngờ bị ngộ độc thực phẩm ngay trước trận tứ kết với Tây Đức.

Sự vắng mặt của Gordon Banks buộc HLV Alf Ramsey phải sử dụng thủ môn dự bị Peter Bonetti cho trận đấu quan trọng này. ĐT Anh vươn lên dẫn trước đối thủ 2-0 nhưng sau đó bị Tây Đức lội ngược dòng và thắng lại 3-2, trong đó có một bàn thua xuất phát trực tiếp từ lỗi của Bonetti. ĐT Anh bị loại và không thể bảo vệ chức vô địch từng giành được 4 năm trước đó. Sau trận đấu, Sir Alf Ramsey phải cay đắng thốt lên: “Trong số tất cả các cầu thủ, chúng tôi lại mất Banks”. Điều đó đủ để nói lên tầm quan trọng của thủ môn khi đó đã bước sang tuổi 34.


Trong cuốn tự truyện mang tên The Obsession Magnificent của mình, Peter Shilton khẳng định việc chỉ huy các hậu vệ là yếu tố quan trọng nhất với một thủ môn và những trận đấu hay nhất của ông chính là những trận mà ông ít phải làm việc nhất.

Ray Clemence, đối thủ của Peter Shilton, cũng đặc biệt đề cao việc phối hợp với các hậu vệ. Trên một clip hiện vẫn còn tồn tại trên YouTube, ông chứng minh rằng nếu không có sự giúp đỡ của các hậu vệ thì chỉ cần hai đứa trẻ cũng có thể đánh bại thủ môn hàng đầu nước Anh.

Ray Clemence còn phát triển lý thuyết huấn luyện khả năng phán đoán cho các thủ môn với triết lý nổi tiếng: “Hãy giúp các tiền đạo đối phương chọn ra đúng hướng sút mà chúng ta có thể cản phá!”.

Hiện tại điêu tàn

Thời kỳ của những thủ thành người Anh xuất sắc còn tiếp tục sau khi Peter Shilton từ giã ĐT sau World Cup 1990. David Seaman, Nigel Martyn xuất hiện và tiếp quản vị trí trong khung gỗ “Tam sư” với sự chắc chắn đầy bản lĩnh.

Seaman là một phần trong hàng thủ trứ danh của Arsenal gồm Lee Dixon, Tony Adams, Martin Keown, Nigel Winterburn đã đem lại nhiều vinh quang cho “Pháo thủ”. Nigel Martyn không nổi bật bằng, nhưng ông là thủ thành đầu tiên có mức phí chuyển nhượng lên đến triệu bảng khi ký hợp đồng với Crystal Palace năm 1989.

Vấn đề với người trấn giữ khung thành của ĐT Anh chỉ bắt đầu xuất hiện khi David Seaman từ giã sự nghiệp quốc tế sau World Cup 2002 với bàn thua nổi tiếng từ cú sút phạt gần giữa sân của Ronaldinho.

Và David James, Paul Robinson hay Richard Wright lần lượt được sử dụng nhưng không ai trong số họ đạt được đủ sự tin cậy như những người tiền bối. Chris Kirkland mang đến hy vọng khi cho thấy bóng dáng của một thủ môn lớn, tuy nhiên những chấn thương liên tiếp khiến anh không thể phát triển sự nghiệp.

Tầm quan trọng của các thủ môn

Peter Shilton và Ray Clemence, hai thủ môn tạo nên cuộc cạnh tranh đầy thú vị trong khung thành ĐT Anh thập niên 70-80 của thế kỷ trước, cũng là những người gắn liền với thành công trên đấu trường châu Âu của hai đội bóng Nottingham và Liverpool.

HLV huyền thoại Brian Clough của Nottingham đã gây ra tranh cãi lớn khi thuyết phục BLĐ của CLB chi ra khoản tiền 250.000 bảng để chiêu mộ Shilton năm 1977. Nhưng sau đó thủ môn sinh năm 1949 đã chứng minh anh là một khoản đầu tư quá đúng đắn khi là trụ cột trong đội hình Nottingham vô địch châu Âu 2 mùa liên tiếp 1978/79 và 1979/80.

HLV Bill Shankly của Liverpool cũng đã gây bất ngừ khi đầu tư tới 18.000 bảng vào Ray Clemence để đưa thủ môn này về Liverpool từ Scunthorpe khi ông mới 19 tuổi. Ray Clemence sau đó có 14 năm gắn bó cùng đội chủ sân Anfield và ra sân gần 400 trận, giúp đội bóng thống trị giải VĐ Anh với 5 chức vô địch trong thập niên 70, 3 lần vô địch châu Âu các mùa 1976/77, 1977/78 và 1980/81, 2 Cúp UEFA các mùa 1972/73 và 1975/76. Ông cũng lập kỷ lục chỉ để thủng lưới 16 bàn thua trong 42 trận đấu của giải vô địch Anh mùa 1978/79, sau này bị Chelsea phá với 15 bàn thua mùa 2004/05 (tuy nhiên Premier League sau này chỉ đá 38 trận).

Robert Green hay Scott Carson cũng từng được tin tưởng, nhưng họ gây thất vọng lớn bởi thiếu tính ổn định và đều mắc những sai lầm thô thiển khi được triệu tập lên ĐTQG. Sự xuất hiện của Joe Hart tưởng chừng đã giúp người Anh yên tâm với vị trí trong khung gỗ.

Anh được xem là thủ môn người Anh hay nhất trong nhiều năm, và dù vẫn đôi lúc mắc những sai lầm nhưng được đánh giá là ổn định hơn phần lớn những đối thủ có thể cạnh tranh vị trí “người gác đền” của “Tam sư”. Mọi chuyện chỉ đột ngột thay đổi khi Pep Guardiola được lựa chọn dẫn dắt Man City.

Theo báo cáo của The Mirror, HLV người Tây Ban Nha đã lên kế hoạch loại bỏ Joe Hart từ tháng 3/2016 khi ông nhận lời dẫn dắt đội chủ sân Etihad. Pep đã nói chuyện với GĐTT Txiki Begiristain về khả năng chiêu mộ Manuel Neuer, người được xem là lý tưởng với lối chơi của cựu HLV Barcelona.

Thậm chí Pep quyết tâm loại bỏ Joe Hart đến mức đưa ra phương án dự phòng là Rui Patricio, thủ môn số 1 của Bồ Đào Nha.

Txiki Begiristain đã khuyên Pep nên cân nhắc lại ý định của mình bởi Joe Hart là một cầu thủ quan trọng của Man City và rất có tiếng nói trong phòng thay đồ.

Gordon Banks giơ cao Cúp vô địch thế giới năm 1966.

Pep quyết định sẽ theo dõi Hart trong những tháng còn lại của mùa giải và cả EURO 2016. Đen cho thủ thành người Anh là anh lại có màn trình diễn đáng quên trên đất Pháp. Điều đó càng củng cố cho Pep quyết tâm loại Joe Hart khỏi kế hoạch của mình.

Và mọi thứ đã diễn ra theo đúng trình tự. Không thể có được Neuer, còn Rui Patricio thì bị hét giá rất cao sau khi Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016, Pep chuyển hướng sang Claudio Bravo. Joe Hart bị đày đọa trên ghế dự bị những tuần đầu mùa giải rồi bị tống sang Torino theo bản hợp đồng cho mượn.

Những gì mà Joe Hart thể hiện trong trận đấu với Slovenia cho thấy, thủ thành này vẫn giữ được phong độ tốt dù đang trong quá trình làm quen với một giải đấu mới.

Nhưng trong những tràng vỗ tay của các CĐV Anh vẫn có gì đó chua chát khi thủ thành số 1 quốc gia lại không thể tìm được chỗ đứng trong nước và chưa ai dám chắc rằng liệu anh có thể giữ vững đẳng cấp tại Serie A. Niềm tự hào về những thủ môn giỏi của nước Anh giờ chỉ còn là một dĩ vãng xa vời.

Đơn Ca
.
.
.