Bóng đá nữ Việt Nam nhìn từ giải vô địch Đông Nam Á 2015:

Thực sự, chúng ta đang thụt lùi!

Thứ Năm, 14/05/2015, 10:30
Các cô gái của chúng ta - những người đã từng nhiều lần giúp chúng ta gỡ gạc lại cảm xúc với những lần vô địch SEA Games (khác hẳn một ĐT U.23 nam QG luôn thua trong mỗi lần vào chung kết) hẳn sẽ chạnh lòng ít nhiều khi đọc được cái tít báo này. Nhưng sự thật là vậy: chúng ta đang thụt lùi so với chính mình và với đối thủ của mình.

Trước khi giải vô địch nữ Đông Nam Á khai mạc ở TP HCM, VFF giao chỉ tiêu cho tân HLV trưởng Takashi là phải dẫn dắt ĐT vào chung kết. Nhưng ông Takashi còn tự tin hơn thế. Sau khi "thị sát" các đội bóng khu vực, và sau gần một tháng rèn quân, ông bảo rằng ĐT Việt Nam sẽ vô địch.

Khách quan mà nói thì niềm tin vô địch là có thật, vì đây là giải đấu ĐT nữ Việt Nam có lợi thế sân nhà, khán giả nhà, lại tỏ ra đầy phấn khích sau một thời gian làm việc với một ông thầy mới. Đây cũng là giải đấu mà Australia - đối thủ khó chịu nhất không cử sang đội "xịn", mà chỉ là một ĐT U.20, trong khi Thái Lan muốn dồn sức cho vòng chung kết World Cup bóng đá nữ thế giới vào tháng 6 tại Canada. Một đối thủ khác là Myanmar thì đang trong quá trình chuyển giao thế hệ.

Nhưng rốt cuộc thì sao? Rốt cuộc là ngoại trừ trận ra quân thắng Myanmar 3-2, chúng ta thua Thái Lan ở bán kết và thua U.20 Australia ở trận tranh hạng ba. Nhìn vào hai trận thua với những tỉ số rất sát nút (lần lượt là 1-2 và 3-4), ở những khoảnh khắc rất nhạy cảm sẽ có người cho rằng nó đơn thuần chỉ là những tai nạn.

Đấy là còn chưa nói, trong cả hai trận thua này, số lượng các cơ hội nguy hiểm của chúng ta có vẻ còn trội hơn đối thủ. Nhưng nhìn kỹ lại sẽ thấy đây không phải là câu chuyện khoảnh khắc, tình huống hay phong độ, mà là câu chuyện của đẳng cấp.

Sự xuất hiện của HLV Takashi (trái) là chưa đủ?

Có nhiều cơ hội ghi bàn nhưng lại kém Thái Lan, Australia 1 bàn, rõ ràng khả năng dứt điểm của chúng ta có vấn đề. Bình luận viên VTV3 Tiểu Huyền - người theo dõi bóng đá nữ nhiều năm và rất hiểu những vấn đề của ĐT nữ đã chính xác khi nhận xét: "So với các thế hệ trước, hiện tại chúng ta đang thiếu trầm trọng một tiền đạo đẳng cấp. Trước đây bóng đá nữ Việt Nam từng có những Ngọc Mai, Tuyết Mai, Ngọc Châm... luôn có khả năng biến các cơ hội nhỏ thành những bàn thắng lớn, còn bây giờ thì ngược lại".

Nói về chuyện dứt điểm ghi bàn, thật ra ở giải đấu này ĐT nữ Việt Nam cũng có một Tuyết Dung với 2 tuyệt phẩm bàn thắng đến từ 2 pha phạt góc trong trận đấu vòng bảng với kèo dưới Malaysia. Với hai bàn thắng ngoạn mục này, Tuyết Dung thậm chí đã lên báo nước ngoài, và thậm chí đã được ví von là có khả năng đá phạt "quái" hơn cả danh thủ David Beckham.

Cuộc đời một cầu thủ (ngay cả những cầu thủ nam, chứ đừng nói là cầu thủ nữ), ghi được một bàn thắng trực tiếp từ một quả phạt góc đã là điều khó khăn, chứ đừng nói đến việc làm được gấp đôi điều ấy. Thế mà Tuyết Dũng đã làm được, và nếu biết rằng Tuyết Dung luôn chăm chỉ, miệt mài tập luyện những pha đá phạt trong các buổi tập mới hiểu nó không đơn thuần là sản phẩm may mắn như cách cô khiêm tốn chia sẻ với giới truyền thông.

Tuy nhiên, sau khi mừng với 2 tuyệt phẩm đi vào lịch sử của Tuyết Dung cũng phải thấy rằng đấy là một trận đấu mà đối thủ của ĐT nữ Việt Nam - nữ Malaysia thực sự quá ngờ nghệch. Và tỷ số 7-0 cho nữ Việt Nam đủ nói lên sự ngờ nghệch của đối thủ này. Khi phải gặp những đối thủ nhỉnh hơn như Thái Lan, Australia, và kể cả một đối thủ ngang cơ là Myanamr (đội bóng chúng ta đã thắng) thì số lượng các cơ hội bị bỏ lỡ của ĐT nữ Việt Nam vẫn là rất lớn. Việc đang thiếu một tiền đạo cừ khôi chắc chắn sẽ khiến bóng đá nữ Việt Nam gặp nhiều vấn đề trong khâu dứt điểm tại các giải đấu tới đây.

Một cái yếu trông thấy nữa của nữ Việt Nam so với đối thủ chính là vấn đề thể hình, thể lực.

Chẳng cần nhìn vào những pha tranh chấp, mà chỉ cần nhìn cảnh cầu thủ Việt Nam và cầu thủ Thái Lan, Australia xếp hàng đứng chào cờ trước trận sẽ thấy ngay chúng ta nữ tính hơn, trắng trẻo hơn, mỏng mảnh hơn so với đối phương. Riêng về vấn đề thể lực, ngay từ khi nhậm chức, và chỉ quan sát những trận đấu đầu tiên ở giải vô địch quốc gia nữ 2015 trên sân Thống Nhất, tân HLV Takashi đã nhìn rõ điểm yếu này.

Thực tế là cũng giống như HLV trưởng Miura ở ĐTQG nam, trong quá trình tập luyện, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á, ông Takashi đã áp dụng những bài tập nặng với mục đích nâng nền thể lực cho các học trò. Tuy nhiên, từ nửa cuối hiệp 2 cho đến hai hiệp phụ ở trận bán kết với Thái Lan, sự thua kém về thể lực của chúng ta là điều không thể phủ nhận. Đến trận tranh hạng ba với Australia cũng vậy, từ khoảng 20 phút cuối, mỗi cầu thủ cầu Australia tăng tốc là lập tức các hậu vệ Việt Nam lại bị cho "ngửi khói".

Trận đấu này, khi Australia ghi bàn giành chiến thắng ở những giây bù giờ cuối cùng, rất nhiều cổ động viên Việt Nam tiếc nuối, nhưng trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia bóng đá nữ (đề nghị không nêu tên) bày tỏ quan điểm: "Ngay cả khi giữ được tỷ số hoà trong 2 hiệp chính thì khả năng thua bàn ở hiệp phụ của chúng ta là rất lớn. Vì chúng ta làm gì còn thể lực để chạy nữa".

Cuối cùng, như thừa nhận của chính HLV Takashi là do có quá ít cơ hội thi đấu cọ xát nên kinh nghiệm chiến trường của các cô gái Việt Nam không dày dặn. Ở đây phải nói thêm rằng, với sự xuất hiện của CLB Tao Đàn (TP HCM), giải vô địch quốc gia nữ năm nay đã tăng lên 7 đội (riêng Hà Nội có 2 đội), và số lượng các trận đấu cũng vì thế mà tăng lên.

Nhưng trong khi các cô gái Việt Nam chỉ có thể quanh quẩn với giải vô địch nước mình, và những chuyến tập luyện hiếm hoi tại Hàn Quốc, Trung Quốc thì người Thái thậm chí đã gửi cầu thủ sang thi đấu tại giải vô địch nữ Nhật Bản, Thụy Điển. Và từ chính những sự cọ xát này, bóng đá nữ Thái Lan đã bứt hẳn lên so với chúng ta.

Tuyết Dung có 2 tuyệt phẩm từ 2 pha phạt góc, nhưng...

Cần phải nhắc lại, Asiad 17 năm 2014, khi ĐT nữ Việt Nam của thầy nội Mai Đức Chung bất ngờ thắng Thái Lan thì chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã vội vàng cho biết trận thua 1-2 của chúng ta trước người Thái ở lần tranh vé Play Off đi dự World Cup trước đó có thể chỉ là một tai nạn. Ông Dũng thậm chí còn bảo nếu dẫn dắt ĐTVN trong trận Play Off đó không phải HLV Trung Quốc Trần Vân Phát, mà là ông Mai Đức Chung thì có thể chúng ta đã không thua.

Nhưng bây giờ, khi chúng ta tiếp tục thua Thái Lan trên sân của mình thì rõ ràng không thể giữ cái nhìn như vậy được nữa. Hãy thực tế: xét ở các góc độ thể hình, thể lực, kinh nghiệm thi đấu, ở thời điểm này chúng ta đang kém hơn hẳn so với Thái Lan.

Hẳn nhiên, trong bất luận hoàn cảnh nào các cô gái Việt Nam cũng thi đấu với một ngọn lửa tinh thần ngùn ngụt. Thế hệ của những Ngọc Mai, Kim Chi ngày xưa cũng thế, mà thế hệ của những Tuyết Dung, Minh Nguyệt bây giờ cũng thế. Nhưng khi khoảng cách về trình độ và đẳng cấp so với đối thủ là quá rõ thì không thể cứ mãi đem tinh thần ra chống chọi.

Hy vọng là thất bại ở giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2015 sẽ giúp bóng đá nữ Việt Nam tỉnh táo nhận thức lại chính mình. Và một trong những vấn đề quan trọng cần nhận thức là: để xây dựng lại đẳng cấp, từ đó hy vọng bám đuổi và vươn lên so với các đối thủ trong khu vực thì sự xuất hiện của một HLV Takashi là chưa đủ. Điều cần làm có lẽ là phải tiếp tục nâng cấp giải VĐQG và sẵn sàng tạo ra những chính sách mang tính đột phá như việc đưa cầu thủ đi tu nghiệp dài hạn ở nước ngoài. 

Trên từng trang báo: Chênh lệch đẳng cấp

"Xét toàn cục, Thái Lan xứng đáng nhận lấy chiếc vé thứ 5 đại diện châu Á dự World Cup tại Canada. Chỉ chuyện họ đứng vững trước sức ép của gần 2 vạn CĐV Việt Nam cũng cho thấy đẳng cấp của họ ăn đứt chủ nhà.

Những giọt nước mắt của các cầu thủ Việt Nam sau trận thua cũng chỉ tô điểm thêm cho sự bất lực và nó cũng khiến nhiều CĐV trên khán đài xót xa cho phận cầu thủ nữ nước nhà. Việc thêm lần nữa trượt ngã trước cửa thiên đường cho thấy những người làm bóng đá Việt Nam muốn tiến xa hơn phải có những định hướng đúng đắn hơn.

Thái Lan với sự chuẩn bị lực lượng gần chục năm qua cho thấy hiệu quả trong cách làm của họ, và thành quả đó không phải là chuyện hên xui, mà là công sức của cả một quá trình đầu tư nghiêm túc".

(Bài viết của tác giả Việt Hoà trên Báo Thể thao & Văn hóa ngày 22/05/2014, sau trận Play Off tranh vé dự World Cup bóng đá nữ, Việt Nam thua Thái Lan 1-2 ).

Xin bái phục các cô

"Một cách thật công tâm, tuyển nữ Việt Nam đã "thua" ngay trước khi bóng lăn! Đó là lúc làm thủ tục trước trận đấu, không thể không chạnh lòng (nhưng lại vui) khi thấy các cô gái Việt Nam nữ tính hơn, trắng trẻo hơn, xinh xắn hơn và cả nhỏ nhắn hơn các đấu thủ Thái Lan. Với môn bóng đá nữ, những cái "hơn" ấy chính là thua vậy!

Chưa hết, chúng ta còn thua cả một quá trình chuẩn bị. HLV Takashi (Nhật Bản) tuy được đánh giá cao, nhưng dù sao ông cũng chỉ mới có một tháng dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam. Trong khi đó bà Nuengrutai - HLV Thái Lan - đã có một quá trình nhiều năm dẫn dắt đội bóng này để chuẩn bị chiến dịch dự World Cup bóng đá nữ năm nay. Hay trong khi các cô gái Việt chỉ loanh quanh với mỗi giải vô địch quốc gia, người Thái đã mạnh dạn cử nhiều cầu thủ sang Nhật, Thụy Điển thi đấu để rèn luyện nâng cao trình độ".

(Bài viết của tác giả Trường Huy trên Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh ngày 9/5/2015, sau trận bán kết giải vô địch nữ Đông Nam Á, nữ Việt Nam thua Thái Lan 1-2).

Phan Đăng
.
.
.