Thực tế nó là như thế!

Thứ Năm, 09/05/2013, 14:31
Thời nay, mỗi năm ở Việt nam mà thiếu những chương trình truyền hình thực tế thì xem ra mất vui đi nhiều. Thành ra, truyền hình thực tế nó nở rộ đến thế.

Cuối tuần rồi, một anh diễn viên nào đó đăng đàn chửi khéo ban giám khảo một chương trình truyền hình thực tế mà anh tham gia là NGU. Thậm chí, trên trang cá nhân của mình, anh ta còn ví von bốn giám khảo như bầy lợn. Chỉ vì anh ấy bị đánh trượt và cũng từ việc ấy mới có những người biết rằng anh ta tên là Hòa Hiệp.

Ý kiến bênh vực anh này chắc chắn cũng có, không phải của những người hâm mộ anh ấy mà có thể là cả khách quan. Vì nhiều khán giả khách quan vốn cũng chẳng ưa gì những thành viên ban giám khảo kia. Đám đông nghĩ rằng có những người sẽ làm tốt hơn, thậm chí, họ cũng có thể làm tốt hơn.

Ý kiến chê bai anh này cũng lắm. Kiểu như thua rồi làm càn. Kiểu như nhân cơ hội tự PR cho mình đây. Kiểu như "chơi thôi mà. Được thua gì mà cay cú quá mức thế"….

Và nhiều ý kiến nhận định, truyền hình thực tế nó phơi bày tất cả. Bao nhiêu sân-si; bao nhiêu lỗ mãng nó bộc lộ ra hết.

Thật ra, thực tế nó thế. Và đó chính là thành công của truyền hình thực tế bởi nó bộc lộ được cái "đuôi" thật nhất của một đống người.

Ngay cả giám khảo cũng đâu phải đã văn minh lịch sự gì đâu? Như đạo diễn Việt Tú chẳng hạn. Việt Tú mắng được đồng nghiệp Lê Hoàng là kém về cảm âm, một cái mắng hàm ý "dốt" thì trách gì thí sinh mắng cả ban giám khảo là ngu???

Sự thật nó nằm ở chỗ còn cao hơn, sâu hơn và đau hơn ở cái chuyện giám khảo, thí sinh mắng mỏ nhau để lòi cái sân-si ấy. Đó là sự thật về cái gọi là "LỰC LƯỢNG TINH HOA CỦA XÃ HỘI".

Giám khảo chương trình “cặp đôi hoàn hảo 2013”.

Nghệ sỹ vốn dĩ vẫn được ưu ái xếp vào trong nhóm lực lượng tinh hoa của xã hội vì năng lực sáng tạo đặc biệt của họ. Và lực lượng tinh hoa vẫn phải luôn là lực lượng có hành xử xứng tầm cái khái niệm tinh hoa ấy. Vậy mà lực lượng nghệ sỹ Việt bây giờ đều ứng xử hạ cấp, như thực tế nó thế trên các chương trình truyền hình thực tế. Thế thì chúng ta cần phải đặt dấu hỏi lại về cái gọi là lực lượng tinh hoa. Nó có thực hay không? Hay chỉ là một thiểu số tuyệt đối nhỏ không đủ để được gọi là lực lượng?

Ngay cả một ông nhạc sỹ danh tiếng từng hô hào về tinh hoa như ông D cũng từng có hành xử không tinh hoa khi cho rằng giải "Chương trình của năm" (trao cho Music in the Spot Light) và "Album của năm" (trao cho Classic meets chillout) trong giải thưởng Cống Hiến khiến ông không thỏa mãn lắm. Phải chăng, vì chương trình của ông có tên "Những câu chuyện kể của tôi" bay khỏi nhóm đề cử trong một giải thưởng lâu nay bị coi là "giải nhà" của ông đã khiến ông không thỏa mãn? Hay là ôngchỉ thỏa mãn khi chương trình của mình thắng giải thì phải? Nếu ông nhận xét vô tư, sao ông không chọn theo ý của mình trong số 3 đề cử còn lại là Luala Concert; Rock Storm và Giai điệu trẻ, cái nào thắng giải thì ông thỏa mãn thực sự?

Rồi thậm chí, việc Việt Tú "nói nhiều" trong vai trò giám khảo cũng bị nhiều nhà báo cho là "khoe kiến thức" cũng là ví dụ rõ nét. Điều Việt Tú nói chẳng qua chỉ là cung cấp những thông tin tiểu tiết. Mang tiểu tiết ra lòe mà được nâng tầm lên thành "kiến thức", xem ra buồn cho cả người "loè" lẫn người "bị loè".

Đấy, thực tế nó là như thế. Thử hỏi lực lượng tinh hoa đang ở đâu?

Anh Nghi
.
.
.