"Thương mại hóa" trẻ em trên truyền hình

Thứ Hai, 04/07/2016, 11:31
Trẻ em bị lợi dụng, bị biến thành công cụ kiếm tiền của nhà sản xuất, thông qua các chương trình truyền hình giải trí đang là vấn đề gây ra nhiều nghi ngại, tranh cãi trong đời sống xã hội.

Sau những cuộc thi đầy tính ganh đua trên sóng truyền hình, sau những hy vọng và thất vọng vì bị loại khỏi cuộc thi, thậm chí là sau khi đã nhận hào quang của giải thưởng và thành một ngôi sao nhí, là rất nhiều vấn đề về tâm lý mà một đứa trẻ phải đối mặt. Liệu các em có thể trở lại đời sống bình thường của một đứa trẻ, và những phát triển về thể chất cũng như tinh thần liệu có bị ảnh hưởng từ những áp lực cam go của các cuộc thi thố, tranh tài trên truyền hình?

"Món hàng" dễ thu lời

Nếu kiên nhẫn ngồi trước màn hình với chiếc remote, bạn có thể bắt gặp vô thiên lủng các cuộc thi, các chương trình truyền hình thực tế có nhân vật chính tham gia là trẻ em. Nào là "Giọng hát Việt nhí", "Chung sức Kids", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Người hùng tí hon", "Đồ rê mí", "Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent", "Young hit Young beat - Nhí tài năng", "Con biết tuốt", "Bố ơi, mình đi đâu thế?", "Cha con hợp sức", "Tìm kiếm tài năng Việt", "Thách thức danh hài", rồi "Siêu nhí tranh tài", "Thần tượng âm nhạc nhí". 

Dường như cứ có một cuộc thi nào đó dành cho người lớn, một chương trình truyền hình thực tế nào đó dành cho người lớn thì tiếp sau đó sẽ có phiên bản dành cho trẻ con. Và khắp nơi, trẻ con được cha mẹ, các nhà sản xuất ồ ạt đưa lên truyền hình. Đi thi trong háo hức, trong tham vọng của cha mẹ. Muốn con mình có cơ hội trở thành một ngôi sao nhí, cách nhanh nhất ngắn nhất dễ nhất, là đưa con đi thi các chương trình truyền hình.

   Cậu bé Đức Vĩnh Quán quân Chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, nhưng sau khi đoạt giải  em không mấy khi xuất hiện trong các chương trình nghệ thuậ.

Nhưng thống kê phần lớn các chương trình truyền hình có trẻ em tham gia có thể thấy phần lớn là các chương trình liên quan đến tài năng múa, hát, thời trang, nhảy, diễn kịch, hoặc là khai thác những câu chuyện liên quan đến trẻ em là con của những ông bố bà mẹ nổi tiếng. Nội dung của nhiều chương trình có motip na ná nhau, là tìm kiếm những gương mặt lạ, độc đáo, làm sao thu hút được càng nhiều sự quan tâm của số đông khán giả càng tốt. 

Để có thể gây tò mò thật nhiều trong công chúng, một đứa trẻ ngoài tài năng được phô diễn trong từng buổi thi, thì những chi tiết liên quan đến đời tư cũng sẽ được nhà sản xuất khai thác triệt để. 

Chẳng hạn một em bé có tài nhảy giỏi, có giọng hát hay và có một hoàn cảnh gia đình đặc biệt sẽ là một "món hời" với nhà sản xuất. Hoàn cảnh éo le, nghèo khó, hay cha mẹ chia ly của thí sinh nhí sẽ là cơ hội để nhà sản xuất lấy nước mắt và sự cảm thông của khán giả. Nhà sản xuất sẽ có lợi trong cố gắng làm ra một chương trình có vẻ như nhân văn, mùi mẫn. 

Bất cứ một chi tiết đặc biệt nào liên quan đến từng thí sinh, với sự nhanh nhạy của những người kinnh doanh thương mại giải trí truyền thông, họ sẽ khai thác tối đa để chương trình trở nên thu hút, đồng nghĩa với việc gọi được nhiều quảng cáo, và dĩ nhiên là tăng lợi nhuận.

Theo chia sẻ của một nhà sản xuất giấu tên, làm chương trình truyền hình thực tế liên quan đến thí sinh trẻ em thích hơn, vì nhiều nhẽ. 

Thứ nhất, khi những đứa trẻ xuất hiện trên sóng truyền hình, thì sự quan tâm không chỉ là khán giả nhỏ tuổi, mà cả khán giả lớn tuổi, là những bậc phụ huynh. Các nhãn hàng quảng cáo trong chương trình cũng mở rộng hơn, cho đối tượng là cả trẻ em lẫn người lớn. 

Thứ hai, trẻ con ngây thơ hơn và việc "lợi dụng" chúng dễ hơn. Ví dụ sự hồn nhiên của các em khi bộc lộ những câu chuyện, những chi tiết liên quan đến cá nhân, đến gia đình. Các em cũng dễ dàng làm theo sự đạo diễn của phía nhà sản xuất hơn là các thí sinh người lớn, trong các cuộc thi dành cho người lớn. Nhìn từ góc độ thương mại, trẻ em là món hàng dễ thu lời hơn.

Cảnh báo về những tác động tiêu cực lên tinh thần và thể chất trẻ em

Một đứa trẻ cần những điều kiện thuận lợi để phát triển thể chất lẫn tinh thần. Việc đưa trẻ em lên các cuộc thi trên sóng truyền hình là đưa trẻ em vào những điều kiện môi trường đặc biệt, khốc liệt hơn và đôi khi là tiêu cực. 

Theo đó, các em phải tập luyện với một cường độ lớn, đôi khi là quá tải. Các em phải chịu một áp lực tâm lý nặng nề trong suốt cuộc thi, đôi khi kéo dài nhiều tháng trời. Các em phải nghỉ học văn hóa ở trường. Và việc loại dần các thí sinh trong mỗi buổi thi gây lên một tâm lý sợ hãi, hoang mang, mất bình tĩnh... những cái đó thực sự là không có lợi cho tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. 

Đấy là chưa kể những nhận xét của Ban giám giảo nếu không tinh tế, không tâm lý, sẽ gây ra những tổn thương mạnh mẽ trong lòng đứa trẻ. Và những đợt sóng ủng hộ hay chê bai, thậm chí là tẩy chay từ mạng xã hội, hay trên hệ thống tin nhắn bình chọn cũng sẽ tạo ra những xúc cảm cực đoan cho trẻ. 

Những em bị loại khỏi cuộc thi có thể sẽ mang tâm lý mặc cảm tự ti, cho rằng mình kém cỏi hơn bạn, và dĩ nhiên sẽ buồn rất lâu. Ngay cả những em vào top thí sinh giải cao, giành được chiến thắng đi chăng nữa thì lại nảy sinh vấn đề dễ kiêu căng tự phụ, cho mình là nhất trong thiên hạ, để rồi sau đó không muốn cố gắng phấn đấu trong học hành.

Những cuộc thi có xếp hạng thường tạo ra tâm lý ganh đua. Trẻ con bị đẩy vào các cuộc thi tranh giải sẽ sớm có tâm lý ấy. Không ít em trở nên láu cá hơn, bướng bỉnh hơn sau cuộc thi. Tâm lý lệch lạc ấy dễ gây ra căn bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những đứa trẻ chiến thắng rồi, trở nên nổi tiếng và bị truyền thông khai thác đời tư triệt để dẫn đến cuộc sống không còn bí mật, mọi sinh hoạt đời thường bị quan tâm thái quá, nên các em phải tập làm người lớn, tập làm người quan trọng và mất hết đi sự hồn nhiên, ngây thơ trong sáng vốn có. 

Đời sống đã chứng minh rất nhiều trẻ em bị nổi tiếng sớm và mất đi tuổi thơ, đấy là một thiệt thòi không gì có thể bù đắp được. Một số em khi được đám đông biết đến thì được cha mẹ hay các nhà sản xuất biến thành cỗ máy kiếm tiền, chạy sô biểu diễn tụ điểm, sống trong thế giới cạnh tranh, nhiều áp lực, tiếp xúc với đồng tiền quá sớm. Xã hội càng tung hô, đứa trẻ càng lún sâu vào nguy cơ mất tuổi thơ.

Tất nhiên, nhà sản xuất sẽ biện minh rằng mỗi chương trình truyền hình thực tế dành cho thí sinh nhỏ tuổi là sân chơi giải trí cho trẻ em. Và rất nhiều lý do nhân văn khác như tìm kiếm, bồi dưỡng, phát triển tài năng. Tuy chưa có một thống kê chính xác nhưng điểm mặt nhiều anh tài được phát hiện từ các cuộc thi tài năng nhí sau cuộc thi chả được "bồi dưỡng" gì cả. 

Không ít giải nhất đình đám sau đêm chung kết và sau mấy ngày ồn ào báo chí truyền thông là mất hút. Nhà sản xuất sau một chương trình thành công, ung dung đếm tiền đút túi và lại tất bật chuẩn bị cho mùa giải khác, chả hơi đâu mà quan tâm các thí sinh mùa cũ. Không ít giám khảo khi ngồi ghế nóng chấm cho các em thì xúc động hứa bồi dưỡng, đầu tư, tạo điều kiện, nhưng bước ra khỏi ghế nóng là quên các em luôn.

Khóc khi bị loại khỏi cuộc thi là hình ảnh thường thấy của các thí sinh nhỏ tuổi tham gia cuộc thi truyền hình.

Không phải ngẫu nhiên mà một số nước Phương Tây và cả một vài nước quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc kiểm duyệt rất kỹ các chương trình truyền hình thực tế dành cho thí sinh trẻ em. Họ không khuyến khích sự nở rộ các chương trình truyền hình nhí, vì lo ngại tất cả những áp lực sẽ đè nặng lên đứa trẻ, khiến cho chúng phát triển không bình thường về cả tinh thần lẫn thể chất. 

Ở ta thì mọi sự vẫn đang "vô tư", các chương trình truyền hình dành cho trẻ em đầy tính thương mại vẫn nở rộ như nấm sau mưa. Nhưng thiết nghĩ đã đến lúc nhà nước và ngành văn hóa cần có những hành động cụ thể, sâu sắc hơn, vì tương lai con trẻ. Chúng ta không cấm các chương trình dành cho trẻ nhỏ, nhưng phải có những chế tài để nhà sản xuất không bất chấp mọi giá nhằm thương mại hóa trẻ em trên sóng truyền hình. 

Theo đó, những khai thác quá đà liên quan ðến ðời tý ðứa trẻ, những gì gọi là phản giáo dục, chỉ đơn thuần là thương mại xuất phát từ việc lợi dụng thí sinh trẻ em cần phải được ngăn chặn kịp thời, tránh những tác hại xấu cho các em. Có lẽ cũng không nên khuyến khích quá nhiều các cuộc thi trên truyền hình chỉ liên quan đến nhảy múa, thời trang, mà nên lưu tâm các chương trình truyền đạt kiến thức, kỹ năng giàu tính giáo dục cho trẻ nhỏ. Xã hội không cho phép sự thương mại hóa trẻ em, dù dưới bất cứ một hình thức nào.

Thu Phong
.
.
.