Thưởng thức âm nhạc thực sự

Chủ Nhật, 31/03/2019, 14:17
Từ Đà Lạt, Phạm Hải Âu về định cư ở Sài Gòn. Sau một loạt bản hít như "Vệt nắng","Vì em nhớ anh", có vẻ như Phạm Hải Âu đang lựa chọn một con đường khác, trở thành nhà sản xuất âm nhạc, cho ra đời những sản phẩm âm nhạc mang tính định hướng thị trường âm nhạc Việt Nam. Lặng lẽ và quyết liệt, Phạm Hải Âu đang góp phần vào thị trường  phục vụ những khán giả có nhu cầu thưởng thức âm nhạc thực sự.


- Xuất hiện trong thị trường âm nhạc khá lâu, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng cái tên Phạm Hải Âu có vẻ vẫn lặng lẽ trong đời sống âm nhạc. Anh có buồn, hay chạnh lòng vì điều đó?

+ Có lẽ thời gian qua, mọi người ít thấy tôi xuất hiện trong vai trò nhạc sĩ hay là người đưa ra những bình luận liên quan tới âm nhạc, vì tôi muốn tập trung thời gian và tâm trí làm những dự án riêng của mình. Khá nhiều tờ báo mời tôi bình luận về thị trường âm nhạc hiện nay, các vấn đề đạo nhạc, đạo thơ, nhưng tôi đều từ chối.

Tôi không muốn rình rang trên mặt báo bằng cách đấy. Tôi cũng không công bố những sáng tác mới của mình đều đặn như trước kia, vì tôi có kế hoạch dài hơi khác. Hiện tại, tôi chỉ tập trung vào một mục đích duy nhất là đào tạo và sản xuất âm nhạc thôi. Tôi vẫn có nhiều nét giống như đặc trưng của con người Đà Lạt, không thích sự ồn ào.

Tôi chủ động đứng phía sau làm nhạc cho các ngôi sao chứ không chạnh lòng vì mình không nổi tiếng. Đó cũng là cách tôi tồn tại, làm việc trong môi trường âm nhạc Việt Nam. Tôi thuộc típ người "yếu bóng vía" nên muốn dành toàn bộ năng lượng cho âm nhạc. Có thể độ phủ sóng của tôi không rộng nhưng tôi được tin tưởng và được giới chuyên môn thừa nhận, thế là vui rồi.

- Sau những sáng tác từng gây hit như "Vệt nắng"'Vì em nhớ anh"… có vẻ như Phạm Hải Âu ít sáng tác hơn mà đi sâu vào lĩnh vực hòa âm phối khí, sản xuất album cho các ca sĩ. Vì sao vậy?

+ Tôi hoạt động trong nghề nhiều năm rồi, hiện tại mối quan hệ và chuyên môn của tôi đã đủ để tôi tiến thêm một bước vào đào tạo và sản xuất âm nhạc. Tôi không còn là một nhạc sĩ viết các ca khúc để đời. Tôi định hình mình là một nhà sản xuất có đủ tâm và đủ tầm để góp phần định hướng thị trường âm nhạc Việt Nam. Có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về điều này nhưng đào tạo và sản xuất là một quá trình dài hơi, thành quả không đến ngay lập tức.

Nhưng đó là những gì tôi đang làm nhằm tạo ra một thế hệ ca sĩ trẻ tài năng, đầy đủ tố chất để đem đến đủ đầy kỳ vọng và cảm xúc cho khán giả. Thời điểm này, tôi không viết theo đơn đặt hàng của ca sĩ. Tôi viết cho những dự án của riêng tôi. Tôi tập trung làm nhạc phim, làm cho những ca sĩ của công ty tôi. Tôi chủ động được mọi thứ và đặt ca sĩ của mình vào đúng chỗ, đúng đối tượng khán giả của họ.

- Anh có đặt ra tiêu chí nào khi lựa chọn ca sĩ với vai trò là nhà sản xuất của họ hay không? Trong thị trường âm nhạc hiện nay, anh ấn tượng với những cái tên nào? Anh kỳ vọng gì ở họ?

+ Tiêu chí quan trọng nhất của tôi là sự khác biệt. Ca sĩ của tôi phải có tư duy khác biệt, khác về dòng nhạc, ý tưởng, concept. Tôi không muốn họ copy của ai hay phải răm rắp nghe theo lời tôi. Tôi cho họ nền tảng, điều kiện và động lực nhưng tôi cần họ phát huy được cá tính âm nhạc của chính mình. Nguyên Hà là một ca sĩ như vậy.

Năm nay tôi làm cho Hà. Một album và nhiều concert. Tôi muốn Hà được làm nhiều thứ mà đáng lẽ ra Hà phải bắt đầu từ lâu rồi. Tôi nghĩ khán giả sẽ rất bất ngờ với sự trở lại hay đúng hơn là sự nâng cấp của Nguyên Hà. 

- Năm 2018 và đầu năm 2019, anh có nhiều dự án. Anh có thể chia sẻ với khán giả những điều mà anh muốn gửi đến khán giả trong thời điểm này? 

+ Năm trước tôi làm nhạc phim "Nhắm mắt thấy mùa hè" được đánh giá khá tốt. Năm nay ekip đó nhờ tôi làm một phim âm nhạc sẽ ra rạp trong tháng 9. Nhưng trước đó, tháng 5 này, một phim điện ảnh nữa, chuyển thể từ truyện ngắn "Ranh giới" mang tên "Tháng 5 để dành" sẽ công chiếu rộng rãi toàn quốc.

Đây cũng là một trong những dự án nhạc phim mà tôi rất ưng. Nét nhạc tôi đưa vào phim là một bài hit từ những năm 1990-2000 của anh Lam Trường. Tôi dùng nét nhạc ấy để scoring nguyên phim, chắc chắn sẽ đem đến nhiều thú vị với khán giả.  Bên cạnh đó, tôi sản xuất cho các ca sĩ trẻ trong công ty tôi, trong đó có Avin Lu, Nguyên Hà và một ca sĩ nữ. Tôi cũng đang làm những series âm nhạc nhỏ như Starlive, Ladies Unplugged phát hành trên youtobe.

Phạm Hải Âu hướng đến công việc sản xuất, đào tạo âm nhạc

- Tôi trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, họ đều nói về một bức tranh âm nhạc khá ảm đạm và thiên lệch về thị trường giải trí, thiếu dấu ấn sáng tạo của nghệ sĩ. Họ cho rằng có nhiều nhạc sĩ trẻ tài năng nhưng không quyết liệt để đi đường dài mà dễ dàng thỏa hiệp với thị trường. Anh nghĩ sao về điều đó?

+ Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của hai nhạc sĩ. Nhưng thực trạng đó có thể hiểu được vì cách làm âm nhạc bây giờ đơn giản hơn xưa rất nhiều. Ai cũng có thể một mình làm được. Ở nhà bật máy vi tính hoặc điện thoại lên, lẩm nhẩm theo những beat nhạc free có sẵn, viết vài ba câu trending, post luôn lên youtube, facebook và may mắn thì trở thành hit.

Thành công nhanh khiến mọi người dễ dãi. Nhưng nói thật, tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ tập trung vào việc mình đang làm, phục vụ cho những khán giả yêu thích thưởng thức âm nhạc thật sự chứ không phải mượn âm nhạc vì những nhu cầu khác. 

- Vì thế, nhiều người gọi đây là thời của những bản hit triệu view, nhưng điều đó có đồng nghĩa với giá trị thực của âm nhạc?

+ Giá trị thực của âm nhạc phải được kiểm chứng bằng thời gian. Chục năm sau mà người ta vẫn nghe những bài hát đó thì nó mới đúng là di sản. Còn mới một năm thôi mà có người bảo trời sao giờ vẫn nghe bài này, lỗi thời rồi, hết trend rồi thì tôi nghĩ cũng hơi buồn. Nhưng tôi thấy vẫn có những ca sĩ, nhạc sĩ, dù không nhiều, chọn con đường dài, nghiêm túc với âm nhạc và cho ra đời những sản phẩm tử tế. Chỉ có điều, số lượng những sản phẩm sáng tạo còn ít, chưa đủ tạo nên sự cân bằng trong đời sống âm nhạc nên dễ bị chìm lấp. 

- Nhiều người cho rằng âm nhạc Việt từ sau thế hệ của Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phú Quang, rồi đến thế hệ của Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo, Lưu Hà An… đến bây giờ đang thiếu vắng những giọng điệu mới. Anh thường làm việc với những người trẻ, anh có ấn tượng với ai?

+ Tôi thích nhạc của Thành Vương, Trang, Lê Cát Trọng Lý. Mấy người đó tôi hay nghe, tôi nghe từ lâu rồi giờ vẫn nghe. Có thể nói họ là những màu sắc, cá tính âm nhạc khác biệt và có chỗ đứng riêng trong lòng công chúng. Họ không theo xu hướng, không nổi tiếng theo kiểu ồn ào, nhưng họ có lượng khán giả riêng của mình.  

Ca sĩ Nguyên Hà là một giọng ca mà Phạm Hải Âu kỳ vọng.

- Từ một nghệ sĩ rock ở Đà Lạt và bây giờ là một nhạc sĩ, nhà sản xuất thành danh ở vùng đất sôi động Sài Gòn, có gì khác và giống nhau?

+ Tôi thấy tôi vẫn vậy, chỉ là tôi nâng cấp mình sau từng năm. Tôi vẫn muốn học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, hợp tác nhiều nữa với những con người thú vị. Dù thị trường âm nhạc ở Sài Gòn rất sôi động, bề nổi,  nhưng chị thấy đấy, nó vẫn có những khoảng lặng cho những người làm nghề theo đuổi những giá trị bền vững, dài hơi, không ồn ào.  

- Công việc của một nhà sản xuất hiện tại sẽ là gì?

+ Hằng ngày, tôi đến công ty tôi đang làm Giám đốc âm nhạc là Star Academy of Art. Đó vừa là Học viện Âm nhạc vừa là công ty quản lý ca sĩ. Tôi lên dự án sản xuất và truyền thông cho các ca sĩ của công ty, làm sản phẩm cho họ, chuẩn bị cho họ những show diễn lớn. Tôi quản lý giáo trình và phân bổ giảng viên, học viên học tập sao cho hợp lý và đạt hiệu quả.

Hiện tại, tôi vừa ký hợp tác với Trinity College London để đưa toàn bộ giáo trình âm nhạc chuẩn quốc tế về cho trường. Đây cũng là một bước tiến lớn mà tôi làm được trong năm nay. Tôi muốn mở rộng quy mô của Star Academy of Art  không chỉ ở Sài Gòn mà ở các thành phố lớn khác. Năm nay tôi cho ra mắt ba ca sĩ của công ty mang ba màu sắc, cá tính khác nhau đến với khán giả. Đều là những sản phẩm lớn và nhiều tâm huyết của tôi. 

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

V.Hà (thực hiện)
.
.
.