Tiếp thị phim - "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

Thứ Năm, 16/10/2014, 19:30

Cho tới thời điểm hiện nay, điện ảnh vẫn là một bộ môn thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng. Không đơn giản chỉ bởi điện ảnh là nơi mà những ước mơ thầm kín nhất của con người được dịp bộc lộ và thể hiện thông qua ngôn ngữ hình ảnh đầy ẩn dụ mà bởi với nền điện ảnh Việt Nam, vẫn còn quá nhiều bất cập. Từ khâu sản xuất cho đến phát hành lẫn khâu quảng bá để phim đến với khán giả nhiều hơn, hiệu quả hơn.

50 triệu quảng bá cho bộ phim 21 tỷ

Trong đợt phim ra rạp dịp lễ 2-9 vừa qua tại Hà Nội có ba phim được Nhà nước cấp kinh phí là Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê. Dù được đầu tư với kinh phí lớn, các phim này chung số phận - chỉ trụ rạp được vài ngày và phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé - dẫn tới thất bại về doanh thu lẫn hiệu ứng xã hội. Sống cùng lịch sử được xem là thất bại lớn nhất dù được Nhà nước mạnh tay đầu tư 21 tỷ đồng. Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản. Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa. Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm. Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực.

Sống cùng lịch sử ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử. Tác phẩm từng được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên trên cả nước từ ngày 26-30/4. Song, khi chính thức ra rạp ở Hà Nội dịp 2/9 vừa qua, những gì đoàn làm phim của NSND Thanh Vân nhận được chỉ là những hàng ghế trống tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng. Các nhà quản lý hai rạp này đã phải liên tục hủy các buổi chiếu vì số lượng khán giả tới xem chỉ từ 2 đến 3 người.

“Hiệp sĩ mù” được đánh giá là phim có chiến lược tiếp thị tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Đã có quá nhiều bài báo nói về sự thất vọng khó lòng có thể tưởng tượng nổi của phim Nhà nước này với kinh phí vừa tròn 1 triệu USD nhưng doanh thu lại chẳng được vài triệu VND. Đạo diễn của bộ phim thì cho rằng vì bộ phim của ông không hướng tới doanh thu mà chủ yếu là phục vụ công tác tuyên truyền cũng như khẳng định mình làm một bộ phim tử tế còn khán giả hiện nay thì lại có xu hướng thích những tác phẩm điện ảnh nhanh mạnh mà không cần quan tâm đến những bộ phim có sự đầu tư tử tế. Bên cạnh đó, Thanh Vân cũng cho rằng bộ phim của ông không nhận được sự hỗ trợ từ phía các chủ rạp tư nhân trong việc sắp lịch trình chiếu trên toàn quốc cũng như góp phần mang bộ phim đến với khán giả. Nhưng đó chưa phải là mấu chốt của vấn đề. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ cả một bộ phim 21 tỷ nhưng lại chỉ có ngân sách 50 triệu tiền quảng bá. Đó thực sự là một cách tính toán cần phải xem lại, nhất là trong thời đại mọi thứ đang phát triển quá nhanh và quá mạnh như hiện nay, mọi thứ đều quyết định trong nháy mắt bởi sự tương tác đến từng ý nghĩ thông qua các phương tiện truyền thông tác động đến quyết định. Đạo diễn Thanh Vân cho rằng: "Làm phim Nhà nước như có tiền may áo nhưng tiếc tiền mua khuy".

Rõ ràng cũng cần phải xem lại rằng thể loại tác phẩm với mục đích lớn nhất là tuyên truyền tại sao việc quảng bá lại yếu đến vậy? Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nhìn một poster phim điện ảnh Nhà nước xuất hiện tại các rạp chiếu phim là khán giả lại không hào hứng. Đơn giản là poster phim quá xấu, cẩu thả về thiết kế, chất lượng hình ảnh thấp (đa phần là hình ảnh từ trong phim), thiếu sự sáng tạo về mọi mặt thì thật khó có thể hấp dẫn các khán giả trẻ - những người thuộc thanh niên thời đại với sự cập nhật xu hướng sống trong từng ngày, từng giây.

Phim Mộ gió.

Nói một cách kĩ càng để thấy sự thất bại của một bộ phim với mục đích tuyên truyền (mà bản thân đạo diễn còn tự thú nhận là không quan tâm đến doanh thu và thị hiếu khán giả) nhưng lại thất bại thảm hại trong chính mục tiêu chính đó. Đâu chỉ mình điện ảnh Việt mới có những bộ phim tuyên truyền như vậy nhưng chắc cũng chỉ có điện ảnh Việt mới có những thất bại thảm hại đến vậy. Điều này đáng thương nhưng cũng đáng trách vô cùng bởi sự lãng phí cả về tiền bạc, chất xám lẫn rất nhiều các hệ lụy xung quanh.

"Hiệp sĩ mù" - một bài học về quảng bá phim

"Hiệp sĩ mù" không phải là một bộ phim xuất chúng nhưng tại thời điểm hiện nay thì đây là bộ phim được tiếp thị tốt nhất. Lưu Huỳnh cũng là một cái tên chưa bao giờ dễ dãi với những tác phẩm của ông. "Hiệp sĩ mù" ít nhất vẫn còn giữ được những điều đó, sự duyên dáng, hóm hỉnh, "chất" và "thân thế" nhân vật được triển khai tốt, câu chuyện hấp dẫn 2/3 phim cho đến trước khi có dấu hiệu hơi đuối ở phần kết bộ phim. Tuy nhiên, "Hiệp sĩ mù" cũng không phải bộ phim duy nhất của Việt Nam có vấn đề với những cái kết bởi hầu hết những cái kết phim vì lí do này hay lí do khác đều được/bị kết một cách… lãng nhách.

Xét trên bình diện chung, "Hiệp sĩ mù" là một bộ phim đáng xem, xét thực tế từ doanh thu phòng vé sau cuối tuần đầu tiên cũng như phản ứng của khán giả trên các kênh truyền thông xã hội. Tất nhiên, sự thành công - tạm tính - của "Hiệp sĩ mù" đến từ một chiến lược quảng bá bài bản, được xây dựng và hỗ trợ bởi những người am hiểu về thị hiếu cũng như khán giả nước nhà. Vai nữ chính thuộc về Ngọc Thanh Tâm - một nữ diễn viên trẻ ít người biết đến nên đương nhiên cái tên của cô chưa thể là cái tên đảm bảo thu hút khán giả. Chính bởi vậy, những cái tên như Bình Minh, Quách Ngọc Ngoan, Đinh Y Nhung, Thúy Vinh, Quốc Cường và đặc biệt là Đàm Vĩnh Hưng chính là những nhân tố khiến khán giả quan tâm đến bộ phim khi chưa công chiếu.

Phim Đam Mê.

Bên cạnh đó là những tour gặp mặt của ê-kíp phim với khán giả khắp nơi thông qua các buổi gặp gỡ cũng như các chương trình ca nhạc để tiếp cận - tiếp thị phim sao cho gần gũi và hiệu quả nhất. Thêm vào đó, ngay gần sát ngày chiếu là các phương tiện quảng cáo di động như phát tờ rơi, roadshow đạp xe quảng cáo cũng như "mockup" - poster di động được "ra quân" tràn ngập khắp các nẻo đường Hà Nội và Sài Gòn khiến cho người dân tò mò. Đó là chưa kể đến những câu chuyện hấp dẫn hậu trường, quá trình làm phim hấp dẫn luôn rải rác trên các mặt báo trong suốt quá trình trước khi phim công chiếu. Cuối cùng, là một sự kiện ra mắt phim hoành tráng ở cả hai đầu đất nước cũng như các banner quảng cáo trên các trang báo điện tử đông bạn đọc nhất nước.

Không có ý so sánh tư nhân với Nhà nước nhưng rõ ràng một điều có thể nhận thấy rằng sự nghiêm túc trong công việc, trách nhiệm trong số tiền mình bỏ ra cũng như ngân sách cho sản xuất phim và quảng bá phim được phân chia rạch ròi từ lúc phim bấm máy. Chính sự rạch ròi đó khiến cho các khâu vận hành trong một bộ phim đạt được những hiệu ứng cần thiết để đến được với khán giả.

Nếu một tác phẩm điện ảnh, cho dù có làm tốt đến mấy đi chăng nữa nhưng không đặt nhu cầu của khán giả cũng như hướng tới khán giả thì cũng sẽ là một sản phẩm lỗi. Đơn giản là bởi nhà sản xuất không quan tâm tới đối tượng khách hàng của mình muốn gì từ mẫu mã tới nội dung thì khó mà thuyết phục được "thượng đế" móc tiền ra mua. Còn với những nhà sản xuất khôn ngoan thì một dự án phim luôn là một cơ hội kinh doanh, quảng bá cho không chỉ một mình thương hiệu bộ phim mà còn là rất nhiều các quyền lợi, trách nhiệm đính kèm của nhà đầu tư, các nhãn hàng cho tới khách hàng là hàng triệu triệu khán giả.

Trong vòng một tháng, hai bộ phim ra rạp được đón nhận với hai tâm thế khác nhau cho thấy khoảng cách về tư duy quá lớn giữa những người gọi nhau là đồng nghiệp cũng như trách nhiệm cá nhân lẫn xã hội của họ đặt trong từng "đứa con tinh thần".

Một số bộ phim "cúng cụ" lâm vào cảnh "chợ chiều"

1. Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được đầu tư 8,5 tỷ đồng nhưng thu không đầy 500 triệu đồng tiền bán vé.

2. Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi vừa được công chiếu cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua. Thậm chí việc công chiếu Đam mê của Phi Tiến Sơn còn bị cho là sai thời điểm hoặc là một quyết định "dọn đường" cho bộ phim sắp tới cũng của ông là Lạc giới bị đánh giá là thiếu khôn ngoan.

3. Mộ gió cũng là một dự án phim Nhà nước đặt hàng và được công chiếu cùng đợt 2-9 nhưng doanh thu cũng ảm đạm.

Đức Thành
.
.
.