Tìm hướng đi mới cho vấn đề sử dụng cổ trang trong phim

Thứ Năm, 12/09/2019, 10:22
Trên thực tế, việc dựng phục trang cho nhân vật trong những phim lịch sử chưa khi nào là chuyện dễ dàng. Nó thậm chí là sự đau đầu, ám ảnh nhất đối với các đạo diễn, nhà sản xuất.


Nhìn lại quá khứ, không ít bộ phim đã phải chịu cảnh sửa lên sửa xuống, tạm ngừng phát sóng, thậm chí “đắp chiếu để đấy” vì lý do phim lịch sử Việt nhưng trang phục của nhân vật trong phim na ná trang phục của Trung Quốc, Hàn Quốc...

Thời đại nào trang phục đấy

Trong điện ảnh, không ít ví dụ về những bộ phim lịch sử đã thất bại vì trang phục của nhân vật trong phim không chính xác, phù hợp và bị khán giả tẩy chay. Chẳng hạn, bộ phim truyền hình dài 19 tập “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền thông Trường Thành sản xuất với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng đã phải ngậm ngùi nằm im 3 năm trời. 

Lẽ ra theo kế hoạch, bộ phim này sẽ được phát sóng đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ngay từ những trailer giới thiệu đầu tiên, bộ phim đã bị dư luận chê trách tả tơi vì cho rằng bối cảnh, trang phục của phim chịu ảnh hưởng quá nhiều của Trung Quốc. Sau rất nhiều nỗ lực chỉnh sửa của ê kip làm phim, 3 năm sau “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” mới đến được với khán giả truyền hình.

Một cảnh trong phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" từng bị chê vì trang phục không phù hợp.

Một phim khác là phim “Thạch Sanh” của cố đạo diễn Hải Âu, được nhà sản xuất đầu tư tới 800 bộ trang phục nhưng khi ra rạp vẫn bị khán giả soi và chỉ trích gay gắt vì cho rằng các phụ kiện của diễn viên chính như vòng tay, dây thắt lưng, giày da của nhân vật chính quá hiện đại, không phù hợp với bối cảnh phim là thời đại Hùng Vương. 

Chung cảnh ngộ, phim lịch sử thể loại truyện nhựa 3D “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bị chê kịch liệt vì tạo hình nhân vật Kiều Thị trong phim không giống phục trang người Việt thế kỷ 17, giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, các hoa văn trên trang phục của nhân vật này giống Ấn Độ. Thậm chí trong một đoạn trailer giới thiệu phim, khán giả còn phát hiện hình ảnh diễn viên Châu Thế Tâm mặc bộ “quan phục” in hình con sư tử giống con sư tử trong… phim hoạt hình “The Lion King”.

Tất nhiên, bên cạnh những bộ phim mang tính lịch sử bị chê bai thì những phim được khán giả khen ngợi là đẹp và mãn nhãn về vấn đề trang phục có thể kể đến như phim “Tấm Cám” (đạo diễn Ngô Thanh Vân), “Thiên mệnh anh hùng” (đạo diễn Victor Vũ) hay mới đây nhất là phim “Song Lang” (đạo diễn Việt Kiều Leon Le). 

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, kết tinh văn hóa của một thời đại, một nền kinh tế của một quốc gia, dân tộc, một nền văn minh. Việc sử dụng khéo léo, đúng và trúng cổ phục của thời đại trong phim sẽ góp phần nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều”.

Phim “Thạch Sanh” đầu tư tới 800 bộ trang phục nhưng vẫn bị khán giả chê vì cho rằng các phụ kiện của nhân vật quá hiện đại.

Sáng tạo phải dựa trên truyền thống

Điện ảnh là một ngành nghệ thuật và đặc quyền của nghệ thuật là sáng tạo, hư cấu. Tuy nhiên trong phim lịch sử, vấn đề cổ phục có thể được hư cấu, sáng tạo hay không và nếu có thì liều lượng như thế nào? Nếu người làm phim được quyền “bịa” vấn đề cổ trang thì tại sao rất nhiều phim lại bị khán giả chê trách gay gắt vì trang phục không đúng, không phù hợp? 

Câu trả lời ở đây là, mọi sự sáng tạo của người làm phim phải phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả, và trên cơ sở những tư liệu lịch sử chính xác. Đã là phim lịch sử thì chắc chắn không đạo diễn nào có thể bỏ qua các cứ liệu lịch sử, dù cho họ có sáng tạo bay bổng đến đâu đi nữa. Việc tạo dựng trang phục cho các nhân vật trong phim cổ trang, nếu người làm phim thiếu nền tảng kiến thức lịch sử, “thích gì làm nấy” thì việc “ăn đòn” từ phía khán giả là không thể tránh khỏi. 

Cùng với nội dung phim, trang phục nhân vật trong phim cũng góp phần đáng kể để chuyển tải những thông điệp giúp người xem hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc trong từng thời kỳ. Sai lệch về trang phục khiến cho tính thuyết phục của một bộ phim lịch sử bị giảm đi, phá hỏng cảm xúc của người xem.

Vẫn theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, việc khôi phục vốn cổ, cụ thể là cổ phục Việt vào điện ảnh là điều hết sức cần thiết. Hiện nay các công trình nghiên cứu về trang phục phim lịch sử hiện nay đang còn rất ít, rất hiếm và chưa có được sự đồng thuận của giới chuyên môn nên khó mà đưa ra được quy chuẩn chung. 

Cho nên, xây dựng phục trang nhân vật vẫn còn là một nỗi ám ảnh với các đạo diễn khi bắt tay làm phim lịch sử. Đấy là chưa kể, ở ta đội ngũ họa sĩ, thiết kế cũng như nghệ nhân làm nghề may trang phục cổ còn quá ít, khi có mẫu rồi, đạo diễn tìm nơi lo thiết kế phục trang cổ cho phim của mình cũng toát mồ hôi. Nhìn đi nhìn lại, hiện mới chỉ có Khoa Thiết kế Mỹ thuật của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là có đào tạo chuyên ngành về thiết kế trang phục.

Một cảnh trong phim truyện nhựa 3D “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, việc nhầm lẫn trang phục thời này lẫn lộn thời kia trong phim lịch sử là không thể chấp nhận được, tuy vậy cũng không nên bắt bẻ rằng trang phục trong phim phải đúng 100%. “Quan điểm của tôi là không phải cái đúng là cái đẹp. Nghệ thuật phải đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu trên cơ sở cái đúng, chứ không phải mô phỏng lại cái đúng mà không thẩm mỹ. Nếu người của 100 năm sau mô phỏng lại cái đúng cái đã có trước đó như vậy là không có sự phát triển”. 

Do vậy, theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, sáng tạo trong vấn đề cổ phục để làm phim lịch sử luôn là điều cần thiết và không khó để tìm ví dụ hai đạo diễn cùng làm phim về một giai đoạn lịch sử nhưng cổ phục họ dùng trong phim có những chi tiết khác nhau, đấy là những sáng tạo mang chủ ý cá nhân của từng người.

Ý kiến của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân không sai, nhưng trong vấn đề trang phục cổ cho phim, muốn sáng tạo thì phải dựa trên một quy chuẩn có sẵn. Cần có những quy chuẩn thật rõ ràng về họa tiết, hoa văn, trang phục, bối cảnh của người Việt xưa qua từng giai đoạn lịch sử, để người làm phim lịch sử có thể căn cứ vào đó mà sáng tạo phục trang cho nhân vật trong các bộ phim họ sản xuất. Điều này sẽ giảm thiểu tình trạng sáng tạo thái quá, cảm tính dẫn đến phản cảm bị khán giả tẩy chay, chê trách. Những tranh cãi xung quanh trang phục các bộ phim cổ trang cũng vì thế mà bớt đi.

Trước thực trạng các yếu tố truyền thống đang tồn tại lay lắt trong nhịp sống hiện đại, với nỗ lực khôi phục vốn cổ, đã có một số cá nhân và đơn vị bắt tay vào phục dựng trang phục cổ của người Việt, làm cơ sở cho các nhà làm phim khi tâm huyết với đề tài lịch sử. Nhà nghiên cứu trang phục như Trần Quang Ðức đã tâm huyết xuất bản sách “Ngàn năm áo mũ” dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945). 

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách nỗ lực phục dựng triều phục cung đình nhà Nguyễn và các đồ chơi dân gian. Nhóm Ðình làng Việt tạo được uy tín với dự án phục dựng áo dài nam truyền thống. Nhóm Sriver tạo ấn tượng qua việc bảo tồn, lưu giữ những họa tiết cổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống trên môi trường số hóa. Mới đây, nhóm Ðại Việt Cổ Phong lại thành công với dự án Hoa văn Ðại Việt với hơn 200 véc-tơ hoa văn Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn, đi kèm là danh mục chi tiết tên, xuất xứ, chất liệu, niên đại của mỗi véc-tơ… 

Dự án Việt Nam cổ phục của họ đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong nghiên cứu và ứng dựng cổ phục vào đời sống hiện đại. Các trang phục trong dự án sẽ được chuẩn hóa cả về phương diện lịch sử và tính thẩm mỹ, là điểm tựa vững chắc cho các dự án phục cổ, dự án phim ảnh, truyện tranh… 

Từ đây sẽ mở ra cơ hội cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, phục trang, nhất là điện ảnh… cơ hội sử dụng các hoa văn cổ của năm triều đại (Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn) một cách chuẩn xác, ít gây tranh cãi, nhằm hướng tới những tác phẩm mang tầm vóc, đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Phi Vân
.
.
.